Taliban xác nhận cử phái đoàn dự hội nghị hòa bình Afghanistan do Nga bảo trợ
Ngày 15/3, người phát ngôn của lực lượng Taliban Mohammad Naeem xác nhận lực lượng này sẽ cử một phái đoàn gồm 10 người đến tham dự hội nghị hòa bình Afghanistan do Nga bảo trợ, dự kiến diễn ra ngày 18/3 tới.
Người phát ngôn của lực lượng Taliban, Mohammad Naeem. Ảnh: AFP
Ông Naeem cho biết dẫn đầu phái đoàn trên là ông Mullah Baradar, phó thủ lĩnh đồng thời cũng là trưởng đoàn đàm phán của Taliban trong các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian tại Qatar. Hội nghị do Nga bảo trợ là một trong những sáng kiến ngoại giao nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan đang bị đình trệ, trong đó có mời các nhân tố quan trọng trong khu vực, bao gồm đại diện chính phủ và chính khách Afghanistan. Trước đó, ngày 14/3, Chính phủ Afghanistan cũng đã xác nhận rằng sẽ tham gia hội nghị trên.
Tiến trình hòa bình Afghanistan rơi vào bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar đình trệ. Hiện tiến trình hòa bình đang bước vào giai đoạn quan trọng khi ngày 1/5 là hạn chót để các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan và Mỹ xem xét lại các cam kết quân sự của mình tại quốc gia Tây Nam Á này.
Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi thư tới Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, trong đó hối thúc thực thi nỗ lực hòa bình do Liên hợp quốc dẫn dắt, đồng thời đề xuất để Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra đăng cai một hội nghị hòa bình cho Afghanistan. Dự kiến tham dự hội nghị này có đại diện Chính phủ Afghanistan, lực lượng Taliban cùng đại diện các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran và Ấn Độ. Ông Blinken cũng cho biết trong số các phương án đang xem xét, Mỹ cũng cân nhắc việc rút quân hoàn toàn trước hạn ngày 1/5.
Chính phủ Afghanistan và Taliban nối lại đàm phán hòa bình
Trong bối cảnh bạo lực leo thang, Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã trở lại bàn đàm phán, chấm dứt sự trì hoãn kéo dài hơn một tháng giữa lúc hy vọng rằng hai bên có thể nhất trí giảm bạo lực và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn hoàn toàn.
Các thành viên phái đoàn Taliban tại lễ khai mạc vòng đàm phán hòa bình với đại diện Chính phủ Afghanistan ở thủ đô Doha, Qatar ngày 12/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên tài khoản Twitter ngày 22/2, người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem cho biết cuộc đàm phán đã được nối lại ở Qatar. Theo ông Naeem, cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí "chân thành", đồng thời cam kết rằng cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn, song không nêu rõ thêm thông tin chi tiết.
Trước đó, khi cuộc hòa đàm đột ngột kết thúc vào tháng 1/2021, chỉ vài ngày sau khi bắt đầu, cả hai bên đã đưa ra danh sách yêu cầu của mình cho các chương trình nghị sự. Nhiệm vụ hiện nay của hai bên là thống nhất các mục cần thương lượng và thứ tự sẽ được giải quyết.
Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban được khởi động từ tháng 9/2020 song chưa đạt được tiến triển rõ rệt. Trong bối cảnh đó, các vụ tấn công bạo lực gia tăng mạnh do đến nay vẫn chưa rõ liệu các lực lượng quốc tế có rút quân vào giữa năm nay như kế hoạch ban đầu hay không.
Báo cáo thường niên của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA) công bố ngày 23/2 cho thấy, trong năm 2020, trên 8.800 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng hoặc bị thương do xung đột. Mặc dù con số này thấp hơn 15% so với năm 2019, song điều đáng báo động là nếu chỉ tính riêng quý IV/2020 - thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban bắt đầu diễn ra, số dân thường thương vong tăng cao nhất từ trước đến nay.
Theo thỏa thuận trước đó giữa Mỹ và Taliban đạt được dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tất cả lực lượng Mỹ sẽ phải rút khỏi Afghanistan trước tháng 5/2021. Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét lại. Ngày 12/2 vừa qua, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết Washington đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi mà hạn chót đang đến gần nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực.
Nữ tư lệnh khét tiếng Afghanistan đầu hàng Taliban Bibi Ayesha chưa từng thất bại trong nhiều thập kỷ chiến tranh, nhưng ở tuổi 70, bà phải đầu hàng Taliban để đảm bảo tính mạng. Trong cuộc xung đột kéo dài, bà Bibi Ayesha là một nữ "tư lệnh" hiếm hoi. Bà lãnh đạo đội quân bảo vệ khu đất của mình ở miền Bắc Afghanistan trước Taliban, những người thân của...