Taliban vây chặt thung lũng kháng chiến
Taliban điều quân vây hãm thung lũng Panjshir ở phía bắc Kabul, nơi lực lượng kháng chiến ẩn náu, nhằm thuyết phục họ buông súng.
Taliban hy vọng sức ép từ lực lượng bao vây sẽ khiến các lãnh đạo đối lập ở Panjshir chấp nhận thỏa hiệp và tham gia một chính phủ mới, đồng thời đe dọa sẽ sử dụng biện pháp quân sự nếu họ từ chối.
Các chính trị gia ở Panjshir cho biết Mặt trận Kháng chiến Quốc gia của họ có lực lượng dân quân vài nghìn người, gồm cựu binh quân chính phủ Afghanistan với các khí tài quân sự như trực thăng. Những người này khước từ đề nghị của Taliban, vì không đáp ứng yêu cầu được tự trị mà họ đưa ra.
Taliban và phe kháng chiến bắt đầu giao tranh bên ngoài thung lũng Panjshir ngày 29/8, một lãnh đạo phong trào phản kháng cho biết. Các gia đình ở thung lũng Panjshir cho biết Taliban đã cắt đường dây điện thoại và Internet nối với khu vực này. Habibi Samangani, phát ngôn viên của Taliban, cho biết không rõ về thông tin này.
Song song với giao tranh, các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo phe kháng chiến và Taliban vẫn tiếp tục. “Vấn đề là họ không sẵn sàng nhượng bộ và chúng tôi không chấp nhận bất cứ hệ thống chính trị nào không mang tính toàn diện”, Ali Nazary, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia, cho biết.
Các tay súng Taliban đi tuần tra trên đường phố thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 29/8. Ảnh: AFP .
Cuộc đối đầu tại thung lũng Panjshir là phép thử cho tuyên bố của Taliban rằng khi nắm chính quyền, lực lượng này sẽ xây dựng một chính phủ gồm đại diện của tất cả thành phần ở Afghanistan.
Một số cựu quan chức chính phủ chủ chốt, bao gồm cựu phó tổng thống Amrullah Salleh, đã tới Panjshir sau khi Taliban tiếp quản Kabul ngày 15/8. Panjshir là nơi sinh sống của dân tộc Tajik thiểu số của Afghanistan.
Taliban đề xuất cho các lãnh đạo ở thung lũng Panjshir “chỉ một vị trí trong hệ thống cầm quyền của tiểu vương quốc”, cựu đại sứ Afghanistan tại Anh Ahmad Wali Massoud nói. “Điều này sẽ không tốt cho Afghanistan một chút nào”.
Ahmad Wali Massoud là em trai của Ahmad Shah Massoud, người từng là chỉ huy trong Liên minh phương Bắc chống Taliban thập niên 1990. Ahmad Shah Massoud bị al-Qaeda ám sát năm 2001.
Video đang HOT
Ahmad Massoud, con trai cả của Ahmad Shah Massoud, là người lãnh đạo cuộc kháng chiến ở thung lũng Panjshir. Ahmad Massoud không có kinh nghiệm chiến đấu, song được các chỉ huy quân sự kỳ cựu của Afghanistan hỗ trợ.
Taliban chưa công bố hình thức chính quyền mới của Afghanistan. Thể chế Tiểu vương quốc Hồi giáo mà Taliban tuyên bố xác lập năm 1996 và ngày nay về bản chất có tính tập quyền mạnh mẽ, phần lớn các vị trí lãnh đạo đều do người Pashtun, nhóm dân tộc đa số tại Afghanistan, nắm giữ.
Vị trí tỉnh Panjshir của Afghanistan. Đồ họa: BBC .
“Panjshir ngày nay không chỉ là một thung lũng, mà là trung tâm và nơi ẩn náu cho những người bị đe dọa tính mạng, những người sợ Taliban và cố gắng tới nơi nào đó để cảm thấy an toàn”, cựu phó tổng thống Saleh nói.
Saleh tuyên bố mình là tổng thống hợp pháp của Afghanistan sau khi cựu tổng thống Ashraf Ghani ra nước ngoài hôm 15/8. Lực lượng của Saleh đang hoạt động tách biệt với quân kháng chiến do Massoud lãnh đạo.
Những ngọn núi bao quanh Panjshir đặt ra thách thức cho bất cứ lực lượng nào muốn đánh chiếm nơi này, dù một con đường mới đi qua cửa ngõ thung lũng được mở rộng và có thể khiến việc phòng thủ trở nên khó khăn hơn giai đoạn 1980-1990. Tuy nhiên, khác với thời kỳ này, Panjshir không có tuyến tiếp tế từ biên giới và lực lượng dân quân tại đây thiếu hỗ trợ từ bên ngoài.
Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov ngày 28/8 nhận định Taliban có thể dễ dàng chiếm Panjshir. “Cán cân quân sự cho thấy họ có thể chiếm Panjshir trong một ngày, thậm chí vài giờ, song họ chưa làm điều này để tránh gây đổ máu”, đại sử Zhirnov nói.
Phe kháng chiến tuần tra tại một còn đường ở tỉnh Panjshir, Afghanistan ngày 29/8. Ảnh: AFP .
Nazary, quan chức của phe kháng chiến, cho biết mặc dù Taliban chiếm ưu thế, song lực lượng này đang bị kéo căng vì phải đảm bảo an ninh cho toàn bộ Afghanistan, bao gồm nhiều thành phố lớn hơn nhiều thời kỳ nhóm này cầm quyền những năm 1990. Taliban khi cầm quyền lần đầu mạnh hơn bây giờ, còn Panjshir đang ở thế yếu hơn song vẫn cố gắng cầm cự.
“Chúng tôi tự tin rằng mình có thể chống lại họ”, Nazary nói. “Nếu Taliban thực hiện bất cứ động thái khiêu khích nào, phản kháng sẽ lan rộng và không chỉ dừng lại ở Panjshir”.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và hạ nghị sĩ Mike Waltz ngày 27/8 kêu gọi Mỹ công nhận Saleh và Massoud là thành viên chính phủ hợp pháp của Afghanistan. Trong khi đó, chỉ đại sứ quán Afghanistan tại Tajikistan công nhận tuyên bố của Saleh.
Căng thẳng cuộc chiến ở pháo đài cuối cùng của Afghanistan
Taliban và lực lượng kháng chiến Afghanistan tiếp tục ở thế giằng co tại khu vực Panjshir - thành trì cuối cùng thách thức quyền kiểm soát của Taliban.
Lực lượng phản kháng tại một chốt an ninh ở Panjshir (Ảnh: AFP).
Thung lũng Panjshir là thành trì cuối cùng của Afghanistan thách thức quyền kiểm soát của Taliban (Ảnh: Dailymail).
Cuộc chiến giằng co
Taliban ngày 23/8 cho hay, hàng trăm tay súng của họ đã "bao vây" Thung lũng Panjshir từ 3 hướng. Một tay súng Taliban nói với Washington Post rằng, các thủ lĩnh của tổ chức quyết định đưa chiến binh đến Panjshir là bởi các đàm phán với lực lượng phản kháng "không thu được kết quả nào".
Ở tỉnh Baghlan lân cận, Taliban và lực lượng phản kháng đã giao tranh từ đêm 22/8 đến sáng 23/8 với ưu thế nghiêng về Taliban. Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid cho hay, Taliban đã chiếm lại quyền kiểm soát 3 huyện gồm Bannu, Pule Hissar và Salah của tỉnh Baghlan sau khi lực lượng phản kháng giành quyền kiểm soát các khu vực này trong thời gian ngắn. Ông Mujahid nói, hiện giờ, các tay súng Taliban đang ở "cửa ngõ Panjshir", kêu gọi lực lượng phản kháng hay Phong trào Liên minh phương Bắc và chỉ huy phong trào này ra đầu hàng.
Bên trong thành trì Panjshir, chỉ huy Phong trào Liên minh phương Bắc tuyên bố không đầu hàng và các tay súng thuộc lực lượng phản kháng đang sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn.
"Hiện tại, thung lũng vẫn yên bình, không có giao tranh. Tuy nhiên, lực lượng ở Panjshir sẵn sàng đáp trả bất cứ kịch bản nào", Fahim Khan Qiami, một trợ lý chỉ huy phong trào phản kháng cho biết.
Ahmad Massoud, một trong các chỉ huy của phong trào kháng chiến Panjshir, cho hay lực lượng của ông đã tích trữ vũ khí, đạn dược nhiều năm gần đây với dự đoán rằng Taliban sẽ quay trở lại nắm quyền lực. Ngoài ra, sau khi nhiều tỉnh, thành của Afghanistan thất thủ, nhiều binh sĩ của quân đội đã di chuyển cùng vũ khí đến Panjshir tập hợp lực lượng.
Vừa đánh, vừa đàm
Phái đoàn do cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai dẫn đầu đàm phán với các thành viên cấp cao Taliban hôm 18/8 tại một địa điểm không được công bố (Ảnh: AFP).
Giữa lúc cuộc chiến ở quanh thành trì Panjshir tiếp tục thế giằng co và có những đồn đoán về khả năng Taliban tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào khu vực này, phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen nhấn mạnh: "Chinh phục Panjshir bằng vũ lực là lựa chọn cuối cùng bởi điều đó đi ngược lại với chính sách của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không đi theo hướng đó".
Chỉ huy phong trào phản kháng Ahmad Massoud cũng chia sẻ với Reuters rằng, ông hy vọng có thể hòa đàm với Taliban với điều kiện Taliban chấp thuận lập một chính phủ toàn diện. Mặt khác, ông nhấn mạnh, lực lượng của ông vẫn sẵn sàng chiến đấu nếu các tay súng Taliban xâm nhập vào Panjshir.
"Cho dù thế nào, các chiến binh và tôi cũng sẽ bảo vệ Panjshir như thành trì cuối cùng của Afghanistan. Quyết tâm của chúng tôi không gì có thể lay chuyển", ông Massoud nói.
Cùng lúc đó, tại thủ đô Kabul, thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã đàm phán, thảo luận các giải pháp nhằm hạn chế bạo lực, hạn chế những gián đoạn đối với các dịch vụ công quan trọng ở Afghanistan. Hai bên đã gặp nhau hôm 21/8 để tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho tương lai đất nước, ông Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia Afghanistan đang tham gia vào các nỗ lực đàm phán, cho biết. Các cựu quan chức chính phủ Afghanistan đề nghị Taliban đảm bảo các quyền tự do dân sự, quyền của phụ nữ được bảo vệ.
Ông Fatima Gailani, một thành viên trong nhóm đàm phán đại diện chính quyền Afghanistan, nhận định một thỏa thuận chính trị là hy vọng duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay ở nước này.
Điều gì xảy ra nếu Taliban tấn công "pháo đài kháng chiến" Afghanistan? Hàng trăm tay súng Taliban đang tiến về thung lũng Panjshir, thành trì cuối cùng của Afghanistan. Nếu Taliban tổng tấn công, thành trì kháng chiến này khó trụ vững trong vài tháng. Lực lượng kháng chiến được tập hợp tại Panjshir dưới sự dẫn dắt của một số quan chức cấp cao của chính quyền Afghanistan (Ảnh: Facebook). Sputnik dẫn lời ông...