Taliban tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ với Mỹ
Theo hãng tin Sputnik, ngày 7/9, người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen tuyên bố lực lượng này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh khả năng Mỹ tham gia công cuộc tái thiết quốc gia Tây Nam Á này.
Lực lượng Taliban diễu hành sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân và sơ tán công dân khỏi Afghanistan, tại Kandahar, ngày 1/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Shaheen nêu rõ: “Trong chương mới nếu Mỹ muốn thiết lập quan hệ với chúng tôi, điều này là có thể vì lợi ích của cả hai nước và nhân dân hai nước. Mỹ cũng sẽ được hoan nghênh nếu muốn tham gia công cuộc tái thiết Afghanistan”.
Ngoài ra, người phát ngôn này cũng tuyên bố Taliban sẽ không có bất kỳ quan hệ nào với Israel, song muốn duy trì đối thoại với tất cả các nước láng giềng. Theo đó, Taliban muốn thiết lập quan hệ với tất cả các nước trong khu vực, các nước láng giềng cũng như các nước châu Á.
Trước đó, trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên diễn ra ngày 17/8 kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan, người phát ngôn Zabihullah Mujahid tuyên bố phong trào Taliban sẽ không trở thành mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào mà mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới, một chính phủ toàn diện sẽ được thành lập tại Afghanistan để lãnh đạo đất nước dựa trên khuôn khổ của các giá trị Hồi giáo.
Liên hợp quốc hối thúc các nước viện trợ thêm cho Afghanistan
Ngày 7/9, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi tài trợ thêm gần 200 triệu USD cho công tác viện trợ nhân đạo ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản quốc gia Tây Nam Á này.
Người tị nạn Afghanistan dựng lều tạm tại khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan ngày 31/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ Jens Laerke cho biết khoản tài chính bổ sung trên nâng tổng số tiền cần viện trợ cho Afghanistan lên hơn 600 triệu USD đến cuối năm nay. Ông Laerke cho biết các dịch vụ cơ bản ở Afghanistan đang sụp đổ, trong khi lương thực và các hoạt động viện trợ thiết yếu khác cũng sắp cạn kiệt.
Theo kế hoạch, vấn đề này sẽ được thảo luận vào ngày 13/9 tới trong cuộc họp cấp bộ trưởng ở Geneva (Thụy Sĩ) do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chủ trì. OCHA bày tỏ hy vọng các nước sẽ đưa ra các cam kết hào phóng tại hội nghị, nhấn mạnh cần huy động được 606 triệu USD để cung cấp lương thực và hỗ trợ sinh kế quan trọng cho gần 11 triệu người cùng các dịch vụ y tế thiết yếu cho 3,4 triệu người. Số tiền này cũng sẽ dành cho công tác điều trị cho hơn 1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính, đảm bảo nước sạch, điều kiện vệ sinh cũng như bảo vệ trẻ em và những nạn nhân của bạo lực giới.
Trước đó, người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric đã nhấn mạnh sau 20 năm chìm trong xung đột, Afghanistan hiện đang đối mặt với "thảm họa nhân đạo đang rình rập". Ngay cả trước khi Taliban giành quyền kiểm soát, Afghanistan phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ - với 40% GDP của nước này được lấy từ nguồn tài trợ nước ngoài. LHQ đã cảnh báo 18 triệu người đang đối mặt với thảm họa nhân đạo và 18 triệu người khác dự kiến sẽ rơi vào tình cảnh tương tự.
Taliban kêu gọi người dân Afghanistan ngừng biểu tình Ngày 6/9, người phát ngôn của lực lượng Taliban, Zabihullah Mujahid đã kêu gọi người dân Afghanistan không tổ chức các cuộc biểu tình. Người phát ngôn của lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid (trái) tại cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Taliban nêu rõ Afghanistan vừa mới vượt qua khủng hoảng,...