Taliban làm gì với số máy bay chiếm được?
Sau khi kiểm soát sân bay ở Kandahar hồi tuần trước, các tay súng Taliban sớm đăng ảnh tạo dáng bên trực thăng UH-60 do Mỹ sản xuất.
Các tay súng Taliban sau đó chụp ảnh bên cường kích A-29 Super Tucano và trực thăng đa năng MD-530, được Mỹ chuyển gia cho không quân chính phủ Afghanistan nhiều năm trước, tại sân bay ở thành phố Mazar-i-Sharif.
Với việc hoàn tất kiểm soát Afghanistan, vấn đề nhiều người quan tâm hiện giờ không phải là Taliban có tiếp cận được kho máy bay và trực thăng do Mỹ cung cấp hay không, mà là nhóm này định làm gì với chúng và quân đội Mỹ phản ứng thế nào.
Không quân Afghanistan vận hành tổng cộng 211 máy bay, trong số này 167 chiếc ở điều kiện sẵn sàng cất cánh tính tới 30/6, theo báo cáo công bố hồi tháng 7 của văn phòng Tổng thanh tra Đặc biệt phụ trách Tái thiết Afghanistan.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công bố số máy bay nước này trang bị cho không quân Afghanistan rơi vào tay Taliban, trong đó bao nhiêu chiếc có thể hoạt động, hay số máy bay được các phi công Afghanistan lái sang những nước láng giềng là bao nhiêu.
Các tay súng Taliban chụp ảnh trước cường kích A-29 không quân Afghanistan bỏ lại ở Mazar-i-Sharif hôm 15/8. Ảnh: Twitter/worldonalert .
Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 16/8, thiếu tướng Hank Taylor cho biết chưa có thông tin về biện pháp Mỹ có thể áp dụng để ngăn máy bay hay các thiết bị quân sự khác cấp cho Afghanistan rơi vào tay Taliban và được lực lượng này sử dụng.
“Rõ ràng là họ chiếm được hàng trăm chiếc Humvee, pháo, máy bay và các thiết bị khác”, Bradley Bowman, cựu phi công trực thăng UH-60 từng tham chiến tại Afghanistan, cho biết. “Điều này sẽ gây ra nỗi khó chịu lớn cho Mỹ, không chỉ bởi chúng tôi tài trợ và cung cấp số khí tài này mà còn vì Taliban có thể hưởng lợi ra sao”.
Bowman cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden coi ưu tiên lớn nhất là sơ tán công dân Mỹ khỏi Afghanistan an toàn, sau đó mới tính chuyện phá hủy các thiết bị còn lại tại quốc gia Trung Á, bao gồm số máy bay và trực thăng mà không quân nước này bỏ lại khi rút chạy.
“Nếu chúng tôi làm điều đó lúc này, Taliban có thể thay đổi quan điểm với các hoạt động sơ tán ở Kabul”, Bowman nói. “Do đó phải đưa toàn bộ công dân Mỹ và các đối tác Afghanistan rời khỏi đó. Một khi đã hoàn tất, tại sao chúng ta không phá hủy mọi trực thăng và máy bay mà Taliban bắt được? Tôi nghĩ đó là điều chúng ta nên làm”.
Video đang HOT
Không quân Afghanistan vận hành 23 cường kích A-29, 4 vận tải cơ C-130 và 33 chiếc Cassna 208 Caravan, một số được cấu hình phục vụ nhiệm vụ oanh tạc hạng nhẹ, văn phòng Tổng thanh tra Đặc biệt phụ trách Tái thiết Afghanistan cho biết. Ngoài ra, không quân Afghanistan vận hành khoảng 150 trực thăng gồm UH-60 và MD-530 do Mỹ sản xuất cùng Mi-17 của Nga.
Trong số này loại máy bay tiên tiến nhất là A-29, mẫu cường kích hạng nhẹ do Brazil sản xuất và được công ty quốc phòng Siera Nevada tích hợp các cảm biến và vũ khí do Mỹ sản xuất. A-29 được tối ưu hóa cho nhiệm vụ chống quân nổi dậy, khi đó máy bay cần bay chậm và thấp để không kích các mục tiêu dưới đất.
Các phi công tương đối thiếu kinh nghiệm vẫn có thể vận hành được A-29 và cường kích có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt. Đại tướng Mark Kelly, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ, cho biết các đặc điểm này khiến A-29 phù hợp với không quân Afghanistan song mẫu cường kích không sở hữu công nghệ có thể đe dọa Mỹ.
“Công nghệ của A-29 không phải loại tiên tiến”, tướng Kelly nói. “Khi nhìn vào phạm vi, tốc độ, sức mạnh hệ thống máy tính và khả năng tải hàng, đó không phải là điều khiến chúng tôi lo ngại”.
Chuyên gia Richard Aboulafia nhận định dù Taliban có thể tìm cách bán số máy bay Mỹ họ chiếm được, không một chiếc nào chứa các công nghệ bay nhạy cảm có thể mang lại lợi ích cho đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga.
“Nếu Nga và Trung Quốc muốn sở hữu một chiếc A-29 hay UH-60 đời đầu, điều này không quá khó. Chúng sở hữu công nghệ khá thấp”, Aboulafia nói.
Taliban sẽ đối mặt với loạt trở ngại nếu tìm cách tự vận hành số máy bay cánh cố định và trực thăng còn lại để xây dựng một “lực lượng không quân”.
Các thành viên Taliban không phải là phi công được đào tạo để vận hành máy bay an toàn, sử dụng cảm biến trên đó, nạp và sử dụng vũ khí. “Họ có thể cất cánh, nhưng sẽ mạo hiểm tính mạng của bản thân thay vì đe dọa những người dưới đất”, Kelly nói.
Taliban có thể tìm được các phi công đủ khả năng vận hành máy bay, song “đó không phải mối đe dọa đáng kể” đối với khu vực, Kelly cho biết.
Trở ngại lớn hơn mà Taliban đối mặt là chi phí, chuyên môn và hậu cần liên quan đến bảo trì máy bay, một khoản tốn kém liên quan đến bảo dưỡng trước và sau khi bay, cùng việc mua phụ tùng thay thế.
Bowman nhận định đây không phải vấn đề không thể giải quyết. “Họ có thể tìm thấy các cựu phi công của không quân Afghanistan và buộc họ làm việc”, Bowman nói. “Các cường quốc nước ngoài không cùng phe với Mỹ có thể giúp đỡ họ”.
Chuyên gia Aboulafia lưu ý việc dùng máy bay không quân Afghanistan bỏ lại để tấn công dân nước này hoặc chống lại các quốc gia trong khu vực có thể làm suy yếu mục tiêu của Taliban là duy trì kiểm soát đất nước.
“Càng sử dụng nhiều thiết bị quân sự thông thường, họ càng tự biến mình thành mục tiêu”, Aboulafia nói. “Nếu họ gây rắc rối, điều đó sẽ dẫn đến những gì họ làm trước vụ tấn công 11/9 là chứa chấp các nhóm khủng bố”
“Chưa có nhiều cuộc phản kháng có tổ chức ở Afghanistan. Taliban dường như không muốn xung đột với các quốc gia trong khu vực và sẽ lĩnh hậu quả nếu muốn làm vậy”.
Máy bay của không quân Afghanistan xếp kín một góc sân bay Termez, Uzbekistan ngày 16/8. Ảnh: Planet Labs .
Các phi công Afghanistan mang theo một số máy bay khi rút chạy. Ba máy bay cánh cố định và hai trực thăng Afghanistan chở theo 143 binh sĩ nước này hạ cánh an toàn xuống Tajikistan hôm 15/8, sau khi được chính quyền sở tại cho phép.
Văn phòng Tổng công tố Uzbekistan xác nhận 24 trực thăng và 22 máy bay quân sự, chở theo 585 binh sĩ và phi công Afghanistan, tới nước này ngày 14-15/8. Tuy nhiên, văn phòng này ngày 16/8 hủy thông báo và không tiết lộ số máy bay Afghanistan đã hạ cánh xuống Uzbekistan.
Ba cường kích A-29 xin hạ cánh xuống Uzbekistan hôm 15/8 và được MiG-29 của không quân nước này hộ tống. Tuy nhiên, một chiếc A-29 và MiG-29 va vào nhau khi bay và rơi xuống đất, phi công trên hai máy bay đều bật dù tiếp đất an toàn.
Vì sao Afghanistan "thất thủ" quá nhanh trước Taliban?
Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng an ninh của Afghanistan đã để mất hàng loạt thành phố chiến lược vào tay của Taliban - một sự thất bại khiến người dân Afghanistan và những người ủng hộ họ bị sốc.
Binh sĩ Mỹ giám sát huấn luyện cho lực lượng anninh Afghanistan năm 2016 (Ảnh: NYTimes).
Theo New York Times , chỉ trong vòng vài ngày qua, lực lượng an ninh của Afghanistan đã bị đánh bại hoặc thậm chí đầu hàng mà chưa cần giao tranh ở hơn 15 thành phố trước đà tiến công của Taliban. Hôm 13/8, giới chức Afghanistan xác nhận, trong số các thành phố đã rơi vào tay của Taliban có hai thủ phủ đặc biệt quan trọng gồm Kandahar và Herat.
Đà tiến công áp đảo của Taliban đã khiến lực lượng an ninh Afghanistan đầu hàng hàng loạt. Taliban cũng chiếm giữ nhiều trực thăng và số trang thiết bị, vũ khí trị giá hàng triệu USD mà Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan. Ở một số thành phố, giao tranh nổ ra quyết liệt nhiều tuần tại các khu vực ngoại ô, nhưng cuối cùng Taliban vẫn phá vỡ các tuyến phòng thủ, tiến vào và kiểm soát thành phố mà không có hoặc có rất ít sự kháng cự.
Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã đổ hàng chục tỷ USD vào Afghanistan trong suốt 15 năm qua để trang bị vũ khí, huấn luyện cho lực lượng an ninh ở đây. Thậm chí, mục tiêu xây dựng một lực lượng an ninh tinh nhuệ và độc lập cho Afghanistan từng là một trong những ưu tiên chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tìm đường giúp quân đội Mỹ rút lui khỏi quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, mục tiêu đó đã thất bại.
Sự rệu rã của lực lượng an ninh Afghanistan
Các tay súng Taliban chiếm giữ một xe cảnh sát ở Kandahar hôm 13/8 (Ảnh: AFP).
Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan có khoảng 300.000 người, nhưng những ngày gần đây cho thấy con số thực tế chỉ khoảng 1/6. Sự rệu rã của lực lượng an ninh Afghanistan đã thể hiện rõ từ những tiền đồn ở vùng nông thôn, nơi nhiều binh sĩ cảnh sát bị nợ lương. Họ bị Taliban bao vây và được hứa hẹn rút đi an toàn nếu đồng ý đầu hàng, hạ vũ khí. Tình trạng này dần dần giúp cho Taliban ngày càng mở rộng quyền kiểm soát các tuyến đường và tiến đến kiểm soát cả khu vực. Khi những tiền đồn "thất thủ", lực lượng an ninh Afghanistan gần như đều viện lý do không có yểm trợ trên không hay cạn kiệt trang thiết bị và lương thực.
Nhiều binh sĩ và cảnh sát bày tỏ sự bất bình với giới lãnh đạo khi tình trạng tham nhũng xảy ra tràn lan. Họ than phiền về việc không được trả lương, thiếu thốn lương thực, đạn dược và bị các chỉ huy bỏ lại bảo vệ các trạm kiểm soát, căn cứ đã bị lộ. Trong các cuộc phỏng vấn, họ cũng chia sẻ về sự tuyệt vọng và cảm giác bị bỏ rơi.
Abdul Haleem, một sĩ quan cảnh sát 38 tuổi ở chiến tuyến Kandahar, đầu tháng này chia sẻ: "Làm sao chúng tôi có thể đánh bại Taliban với số đạn dược này". Cùng ngày, khẩu đại liên hạng nặng của đơn vị Haleem cũng bị hỏng.
Cũng theo New York Times , tại một chiến tuyến ở thành phố Kandahar, sau nhiều tuần chiến đấu, khẩu phần ăn dành cho một đơn vị cảnh sát ở đây chỉ là thùng các-tông chứa đầy khoai tây. Cơn đói và sự mệt mỏi đeo bám họ, khiến một sĩ quan phải hét lên: "Những món khoai tây chiên sẽ không giữ được những chiến tuyến này".
Khi Taliban bắt đầu đẩy mạnh đà tiến công hồi cuối tháng 5 sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng này tìm cách khiến các thành viên an ninh Afghanistan tin rằng không đáng để chiến đấu và hy sinh cho chính quyền Afghanistan. Ở một số nơi, lực lượng an ninh đã nhanh chóng đầu hàng Taliban mà chưa hề chiến đấu.
Trong bối cảnh Taliban đã giành quyền kiểm soát 2/3 lãnh thổ đất nước, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã họp khẩn với các lãnh đạo địa phương và các đối tác quốc tế. Ông Ghani cho biết, ông đang tham khảo ý kiến của các quan chức chính phủ, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quốc tế, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của ông vẫn là củng cố lực lượng an ninh, quốc phòng của đất nước.
Afghanistan: Taliban giành quyền kiểm soát thêm 2 thành phố Người đứng đầu hội đồng tỉnh - ông Bakhtiar Gul Zadran ngày 14/8 cho biết các tay súng thuộc lực lượng Taliban đã kiểm soát thành phố Sharan, nằm ở phía Đông của tỉnh Paktika. Các tay súng Taliban trên đường phố sau khi chiếm được thành phố Kandahar, Afghanistan ngày 13/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Trả lời giới báo chí, ông Zadran cho biết:...