Taliban giàu đến mức nào?
Ngân sách của Taliban năm 2020 lên tới 1,6 tỷ USD, chủ yếu từ hoạt động khai khoáng, buôn bán ma túy, đánh thuế và tài trợ từ nước ngoài.
Lực lượng Taliban của năm 2021 khác xa những những hình ảnh về họ vào cuối thập niên 1990. Các tay súng mang vũ khí mới toanh, đi xe thiết giáp Humvee do Mỹ sản xuất, quần áo tinh tươm, khác biệt hoàn toàn với những chiến binh khắc khổ cách đây hơn 20 năm.
Những đơn vị Taliban vừa tiến vào Kabul ngày 15/8 thể hiện tính kỷ luật cao, được đầu tư và huấn luyện bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiếp quản chính quyền, xa rời hình ảnh một lực lượng vũ trang thiếu đầu tư và tổ chức như trước đây.
Giới quan sát cho rằng con đường đến Kabul của Taliban được trải bằng tiền. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, Taliban không chỉ xây dựng được sức mạnh quân sự mà còn đủ sức mua chuộc hàng loạt quan chức và tướng lĩnh Afghanistan đầu hàng.
Năm 2016, Forbes đưa Taliban vào danh sách 5 tổ chức vũ trang Hồi giáo giàu nhất thế giới với thu nhập thường niên khoảng 400 triệu USD. Xếp đầu bản danh sách vào thời điểm đó là phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với nguồn thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Video đang HOT
Thành viên Taliban canh gác bên ngoài thành phố Herat, Afghanistan vào ngày 13/8. Ảnh: AFP .
Tuy nhiên, 4 năm sau, ngân sách của Taliban năm 2019-2020 đã tăng gấp 4 lần, lên mức 1,6 tỷ USD, theo một báo cáo mật của NATO được đài RFE/RL tiết lộ. Nguồn thu chủ yếu của nhóm là khai khoáng (464 triệu USD), buôn bán ma túy (416 triệu USD), xuất khẩu (240 triệu USD) và đánh thuế (160 triệu USD). Phần còn lại là từ bất động sản và tiền tài trợ từ những người ủng hộ ở nước ngoài.
Báo cáo NATO nhấn mạnh giới lãnh đạo Taliban đã chủ trương tự lực xây dựng nguồn thu mạnh để trở thành một lực lượng quân sự, chính trị lớn, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Kiến trúc sư trưởng bộ máy kiếm tiền của Taliban chính là Mullah Mohammad Yaqoob, lãnh đạo quân sự kiêm hoạt động tài chính của nhóm.
NATO mô tả mục tiêu của Mullah Mohammad Yaqoob là tận dụng tiềm năng kiếm tiền từ những vùng do ông ta kiểm soát bằng sức mạnh quân sự, cho phép Taliban tiến hành các hoạt động mà không cần hỗ trợ tài chính, chính trị hay quân sự từ bên ngoài.
Chìa khóa thành công của Yaqoob là điều chỉnh phương thức đánh thuế, đồng thời xây dựng thị trường xuất khẩu bằng các mối quan hệ riêng cho một loạt mặt hàng từ đá quý, muối đến than đá.
Chiến lược này giúp Taliban giảm mạnh sự phụ thuộc vào các nguồn tài trợ bên ngoài. Vào giai đoạn 2017-2018, Taliban nhận 500 triệu USD tiền tài trợ từ bên ngoài, chiếm hơn 50% thu nhập của nhóm. Nhưng một năm sau, số tiền từ bên ngoài giảm xuống chỉ còn 240 triệu USD, chiếm khoảng 15% thu nhập trong giai đoạn 2019-2020.
Trong cùng giai đoạn, ngân sách của chính phủ Afghanistan đạt 5,5 tỷ USD, trong đó mức chi cho quốc phòng chỉ chiếm khoảng 2%. Phần lớn chương trình đầu tư chống Taliban của chính phủ Afghanistan đều được Mỹ tài trợ. Đặt trong so sánh tương quan, số tiền của Taliban trong cùng thời điểm cao gấp 30 lần ngân sách quốc phòng Afghanistan.
Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh thông điệp tích cực từ Taliban
Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự hoan nghênh với thông điệp tích cực mà Taliban đưa ra với cộng đồng quốc tế sau khi kiểm soát Afghanistan.
"Chúng tôi hoan nghênh những thông điệp tích cực mà Taliban đưa ra cho người nước ngoài, các cơ quan ngoại giao và nhân dân của họ. Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy cách tiếp cận tương tự trong hành động của họ", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trên truyền hình hôm nay.
Cavusoglu cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục đối thoại với tất cả các bên ở Afghanistan và muốn theo dõi tình hình an ninh ở Kabul sẽ diễn biến ra sao.
"Bây giờ, những người Afghanistan sẽ thảo luận về tất cả vấn đề này với nhau. Ai sẽ tham gia vào quá trình chuyển giao, loại hình chính phủ trước mắt của họ là gì. Chúng tôi sẽ xem xem và thảo luận về tất cả những điều này", Cavusoglu nói.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Athens, Hy Lạp, hôm 31/5. Ảnh: Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tháng qua đã thảo luận với các lãnh đạo Taliban về loạt vấn đề, bao gồm cả đề nghị bảo vệ sân bay Kabul sau khi Mỹ rút quân. Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển các nhân viên đại sứ quán tới sân bay Kabul sau khi lực lượng Taliban chiếm thủ đô hôm 15/8. Nước này cũng sơ tán hơn 300 công dân khỏi Afghanistan hôm 16/8.
Sau khi hoàn thành quá trình kiểm soát Afghanistan, Taliban tuyên bố chiến tranh đã kết thúc ở nước này và kêu gọi hòa bình với cộng đồng quốc tế. Lực lượng này khẳng định không muốn sống cô lập và sẽ sớm làm rõ hình thức nhà nước, chế độ chính trị.
Taliban đã thông báo lệnh ân xá chung cho toàn bộ quan chức chính phủ Afghanistan và kêu gọi họ quay lại làm việc. Chỉ huy Taliban cũng cấm thuộc cấp và các tay súng dưới quyền xông vào nhà dân hay chiếm đoạt tài sản của họ.
Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov đã lên kế hoạch gặp mặt Taliban, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng phát triển "quan hệ hữu nghị" với lực lượng.
Tương lai bất định của Afghanistan Những diễn biến dồn dập ở Afghanistan trong chưa đầy 24 giờ qua, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani quyết định rời đất nước và chính quyền chuyển tiếp tạm thời nắm quyền..., vốn là "kịch bản" đã được dự đoán từ trước, chỉ có điều nó đến sớm hơn so với tính toán. Lực lượng Taliban...