Taliban bắn chết người biểu tình mang cờ Afghanistan
Chiến binh Taliban bắn vào đám đông ở thành phố Asadabad, khiến một số người thiệt mạng, khi biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố mừng ngày độc lập Afghanistan.
Những người biểu tình vẫy cờ Afghanistan đã xuống đường ở nhiều thành phố Afghanistan hôm 19/8 để kỷ niệm ngày Afghanistan giành độc lập từ Anh năm 1919, trong bối cảnh sự phản đối của dân chúng đối với Taliban lan rộng.
“Cờ của chúng ta, bản sắc của chúng ta”, đám đông những người đàn ông và một số phụ nữ vẫy quốc kỳ gồm màu đen, đỏ và xanh lá, hô lên ở Kabul.
Một phụ nữ tuần hành với lá cờ choàng quanh vai. Một số người diễu hành cũng hô “Thượng đế vĩ đại nhất”.
Đám đông mang cờ Afghanistan biểu tình ở thủ đô Kabul hôm 19/8. Ảnh: AFP .
Nhân chứng Mohammed Salim cho biết tại Asadabad, thủ phủ tỉnh Kunar, miền đông Afghanistan, một số người đã thiệt mạng trong biểu tình. “Hàng trăm người đổ ra đường”, Salim nói. “Lúc đầu tôi rất sợ và không muốn đi nhưng khi thấy người hàng xóm tham gia, tôi rút lá cờ trong nhà rồi cùng đi. Một số người thiệt mạng và bị thương do giẫm đạp và lính Taliban nổ súng”.
Biểu tình cũng diễn ra ở thành phố Jalalabad và một huyện của tỉnh Paktia, đều ở phía đông. Lính Taliban hôm 18/8 đã bắn vào những người biểu tình vẫy cờ ở thành phố Jalalabad, khiến ba người thiệt mạng.
Phát ngôn viên Taliban hiện chưa bình luận về những thông tin trên.
Ở một số nơi, người biểu tình xé lá cờ trắng của Taliban. Cảnh tương tự diễn ra ở Asadabad và một thành phố miền đông khác.
Phó tổng thống thứ nhất Amrullah Saleh, người đang cố vận động phản đối Taliban, bày tỏ ủng hộ các cuộc biểu tình. “Tôn vinh những người mang quốc kỳ đã đại diện cho phẩm giá quốc gia”, ông đăng Twitter. Saleh trước đó cho biết ông đang ở Afghanistan và là “tổng thống lâm thời hợp pháp” sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đất nước.
Việc nổ súng vào các cuộc biểu tình sẽ làm dấy lên nghi ngờ đối với cam kết của Taliban sau khi lực lượng này tiếp quản Kabul. Khi lần đầu cầm quyền từ năm 1996 đến 2001, Taliban hạn chế nghiêm ngặt nữ quyền, thực hiện các vụ hành quyết nơi công cộng và cho nổ tung các bức tượng Phật giáo cổ. Taliban hiện tuyên bố muốn hòa bình, không trả thù ai và tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật pháp Hồi giáo.
Kabul nhìn chung yên bình từ khi Taliban tiến vào hôm 15/8, nhưng sân bay hỗn loạn khi mọi người đổ xô tìm đường rời khỏi đất nước. 12 người đã thiệt mạng trong và xung quanh sân bay kể từ đó, một quan chức NATO và Taliban cho biết. Taliban nói rằng những cái chết này do súng bắn hoặc giẫm đạp.
Một quan chức Taliban giấu tên kêu gọi những người không có quyền đi lại hợp pháp hãy về nhà. “Chúng tôi không muốn làm tổn thương bất kỳ ai ở sân bay”, quan chức này cho hay.
Trong cuộc phỏng vấn của ABC được phát sóng hôm 19/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Taliban phải quyết định liệu có muốn được cộng đồng quốc tế công nhận. Khi được hỏi có nghĩ rằng Taliban đã thay đổi, Biden nói “không”, đồng thời cho biết Mỹ sẽ gây áp lực kinh tế và ngoại giao để đảm bảo quyền của phụ nữ ở Afghanistan.
Taliban 2.0: Chỉ là "bình mới rượu cũ"?
Taliban tuyên bố họ đã rất khác với 20 năm trước khi giành quyền lực tại Afghanistan, nhưng theo giới quan sát, các động thái của Taliban những ngày qua dường như cho thấy một viễn cảnh u ám khác.
Các tay súng Taliban bên trong dinh tổng thống Afghanistan hôm 15/8 (Ảnh: Reuters).
Ngày 15/8, Taliban chính thức giành quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm bị lật đổ. Sự tiếp quản nhanh chóng của Taliban đã gây ra một làn sóng sợ hãi trên khắp quốc gia Trung Nam Á, khi nhiều người dân lo lắng khi nghĩ về quá khứ hà khắc mà họ từng phải trải qua dưới sự điều hành của Taliban.
Từ năm 1996-2000, Taliban đã thi hành hàng loạt chính sách cực đoan như hành quyết công khai, chặt tay kẻ trộm, cấm âm nhạc. Phụ nữ không được phép ra khỏi nhà nếu không có nam giới đi cùng, không được đi học, đi làm. Taliban vào thời điểm đó, sẵn sàng tử hình phụ nữ ngoại tình, những người thể hiện quan điểm không theo đạo Hồi. Ngoài ra, đồng tính luyến ái cũng bị xem là tội và bị xử tử.
Khi giới truyền thông đổ dồn sự chú ý về thủ đô Kabul, cả thế giới đang chờ đợi xem liệu kỷ nguyên Taliban 2.0 có quay trở lại những chính sách 20 năm trước hay không.
Taliban chiếm dinh tổng thống Afghanistan
Sau vài ngày nắm quyền, Taliban đã nỗ lực thể hiện rằng họ một nhóm tiến bộ, hòa nhập và kiềm chế hơn là hình ảnh một lực lượng từng gây ra nỗi khiếp sợ với người dân 20 năm trước. Taliban tuyên bố sẽ không trả thù các đối thủ chính trị, và phụ nữ sẽ đóng vai trò quan trọng trong xã hội và được đi học.
"Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo 20 năm trước, bây giờ vẫn vậy. Nhưng nhắc tới kinh nghiệm, sự trưởng thành và tầm nhìn, có một sự khác biệt to lớn giữa chúng tôi hiện tại và 20 năm trước", phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid phát biểu hôm 17/8.
Chỉ là "bình mới rượu cũ"?
Phụ nữ Afghanistan trùm khăn kín người, ngồi trước cửa nhà ở Herat vào năm 1999, thời điểm Taliban đang điều hành đất nước (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, mọi lời cam kết của Taliban đều ẩn giấu một thông điệp về "giá trị cốt lõi" - chỉ luật Sharia, bộ luật Hồi giáo nghiêm khắc. Nhiều chuyên gia hoài nghi về việc liệu Taliban sẽ áp dụng Sharia ở mức độ như thế nào khi lãnh đạo Afghanistan và rõ ràng đây vẫn là một cam kết mơ hồ.
Vào 20 năm trước, Taliban sử dụng luật Sharia là căn cứ để thực hiện hàng loạt hình phạt bạo lực công khai. Đây là đạo luật có từ 1.400 năm trước và chỉ có thể được sửa đổi hoặc cập nhật bởi các học giả tôn giáo. Tuy nhiên, quá trình thay đổi cũng đòi hỏi sự cẩn trọng tuyệt đối. Vì vậy, việc Taliban vẫn áp dụng luật Sharia làm dấy lên câu hỏi, liệu những cam kết của họ có phải là "bình mới rượu cũ" hay không?
Trong khi đó, nhà sáng lập và phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar hôm 17/8 đã lần đầu trở về Afghanistan từ năm 2001 - dấu hiệu mà giới quan sát cho thấy tầm ảnh hưởng của những nhân vật trong chính phủ Taliban 20 năm trước vẫn chưa mai một.
Và những hành động ban đầu của Taliban trong những ngày qua dường như đã phần nào làm mờ hy vọng của người dân Afghanistan về việc nhóm vũ trang này có thể đã thực sự thay đổi.
Ngày 18/8, một cuộc biểu tình đã nổ ra ở thành phố Jalalabad, và các nhân chứng cho biết, các tay súng Taliban đã nã đạn vào đám đông, cũng như đánh đập người xuống đường phản đối nhóm vũ trang.
Phụ nữ biến mất trên đường phố Kabul, dường như lo ngại về viễn cảnh 20 năm trước. Những người chồng và người cha vội vã đi mua khăn trùm kín mặt với nỗi lo rằng thân nhân của họ sẽ gặp nguy hiểm nếu không sử dụng vật dụng này.
Tại những tỉnh mà Taliban giành lại được quyền kiểm soát trong những tuần qua, xảy ra một số vụ tấn công nhằm vào phụ nữ. Những dấu hiệu này dường như đã khiến nhiều người Afghanistan lo ngại về tương lai sau này dưới sự điều hành của Taliban.
Ví dụ, tháng trước, Taliban được cho đã giết chết diễn viên hài Nazar Mohammad vì quan điểm chỉ trích lực lượng này. Vụ việc đã gây sợ hãi ở Kandahar. Ngày 12/7, một vụ tấn công chết người nhằm vào một phụ nữ ở phía bắc Afghanistan đã làm bùng lên sự hoang mang rằng phụ nữ và bé gái một lần nữa có thể trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.
Tổng thống "tự xưng" của Afghanistan kêu gọi kháng chiến chống Taliban Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh ủng hộ người dân biểu tình phản đối Taliban, bất chấp sự chiếm đóng của lực lượng này. Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh (Ảnh: AP). "Tôi bày tỏ sự tôn trọng, ủng hộ và đánh giá cao phong trào dũng cảm và yêu nước của những người dân đáng trân trọng ở những khu vực khác...