Taliban ân xá cho quan chức Afghanistan, kêu gọi phụ nữ tham gia chính trị
Taliban thông báo ban hành lệnh ân xá cho toàn bộ quan chức chính phủ Afghanistan và kêu gọi phụ nữ tham gia chính trị, trong một nỗ lực được giới chuyên gia nhận định là nhằm “làm mới hình ảnh”.
Các tay súng Taliban trên đường phố Herat ngày 14/8 (Ảnh: Reuters).
AFP đưa tin, Taliban ngày 17/8 phát đi thông báo sẽ ban lệnh ân xá cho toàn bộ quan chức chính phủ Afghanistan và kêu gọi họ trở lại làm việc, 2 ngày sau khi nhóm vũ trang này tiến vào thủ đô Kabul và giành được quyền lực.
“Một lệnh ân xá chung đã được tuyên bố tới tất cả vì vậy các bạn nên bắt đầu cuộc sống thường ngày với tâm thế tự tin”, thông báo viết.
Ngoài ra, Enamullah Samangani, một quan chức ủy ban văn hóa của Taliban cũng kêu gọi phụ nữ nước này tham gia vào chính phủ do nhóm vũ trang lập ra.
“Vương quốc Hồi giáo không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân”, Samangani nói, sử dụng thuật ngữ mà Taliban dùng để chỉ Afghanistan. Ông cho biết, cấu trúc chính phủ mới hiện chưa được quyết định, nhưng cần có một ban lãnh đạo Hồi giáo và tất cả các bên nên tham gia.
Video đang HOT
Theo Newsweek , khi tiến về Kabul vào ngày 15/8, Taliban dường như đã thể hiện một hình ảnh rất khác so với trước đó, và giới quan sát cho đây là chiến lược của nhóm nhằm thay đổi hình ảnh thành một lực lượng có trách nhiệm phù hợp để điều hành một quốc gia.
Ví dụ, việc Taliban kêu gọi phụ nữ tham gia vào chính phủ dường như là tín hiệu cho thấy sự khác biệt so với chính họ trước đây. Từ năm 1996-2001, khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, phụ nữ nước này không được đi làm, trẻ em gái không được đi học, phụ nữ phải bịt kín mặt và có đàn ông đi kèm nếu muốn ra khỏi nhà. Vì vậy, nhiều quốc gia, và tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại về quyền lợi của phụ nữ khi Taliban giành quyền kiểm soát trở lại.
“Các động thái hiện tại của Taliban nhằm nỗ lực thể hiện cho thế giới thấy rằng họ là lực lượng có tính chính danh nhằm làm bình ổn Afghanistan và chống khủng bố”, một quan chức Lầu Năm Góc nhận định với Newsweek .
Một trong những bằng chứng đầu tiên của nỗ lực này là việc Taliban cho phép người dân Afghanistan rời đất nước trong những ngày qua.
“Việc họ bảo đảm an ninh và an toàn cho những người muốn rời Afghanistan là một thông điệp chiến lược gửi tới Liên Hợp Quốc và các cường quốc phương Tây, chứ không phải tới công chúng trong nước, những người đã biết rõ mục tiêu cơ bản của nhóm”, quan chức trên cho hay.
Mỹ "cấm cửa" Taliban đụng vào kho tiền của Afghanistan
Quan chức Mỹ cho biết Taliban sẽ không được phép tiếp cận bất kỳ khoản dự trữ nào của Afghanistan đang được cất giữ trong các tài khoản ở Mỹ.
Các tay súng Taliban trên đường phố Kabul (Ảnh: AFP).
"Bất kỳ tài sản nào của Ngân hàng trung ương mà chính phủ Afghanistan có tại Mỹ sẽ không được cung cấp cho Taliban", một quan chức trong chính quyền Mỹ nói với AFP ngày 16/8.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan đạt 9,4 tỷ USD tính đến cuối tháng 4/2021. Một nguồn thạo tin cho biết hầu hết các khoản dự trữ này đều được cất giữ bên ngoài lãnh thổ Afghanistan.
Hiện chưa rõ khoản dự trữ của Afghanistan được cất giữ tại Mỹ là bao nhiêu.
Theo AFP , Mỹ cũng có thể ngăn các tổ chức đa phương như IMF và Ngân hàng Thế giới viện trợ cho Afghanistan, như những gì nước này đã làm với các chính quyền mà Washington không công nhận như Venezuela.
IMF hồi tháng 6 đã giải ngân khoản vay 370 triệu USD mới nhất cho Afghanistan, vốn được phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái, để hỗ trợ nền kinh tế của nước này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Vào thời điểm đó, IMF cho biết chính phủ Afghanistan vẫn duy trì nền kinh tế đi đúng hướng, bất chấp "tình hình an ninh xấu đi và bất ổn gia tăng khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban bị đình trệ, với việc quân đội Mỹ và NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 9".
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới có hơn 20 dự án phát triển đang thực hiện tại Afghanistan và cho đến nay đã cung cấp 5,3 tỷ USD cho Afghanistan, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại.
Taliban ngày 15/8 đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan và chiếm dinh tổng thống khi Tổng thống Ashraf Ghani cùng nhiều quan chức cấp cao của chính quyền vội vã rời khỏi đất nước.
Sputnik dẫn thông tin từ một người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Afghanistan Nikita Ishenko cho biết, ông Ghani rời Afghanistan cùng với 4 ô tô chất đầy tiền. Số tiền này sau đó đã được chất lên trực thăng nhưng không vừa, nên một phần đã bị bỏ lại trên đường băng.
Taliban khởi động chiến dịch tiến công để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan từ cuối tháng 5 khi Mỹ và các nước đồng minh bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á này. Chỉ trong vài ngày gần đây, Taliban liên tục chiếm quyền kiểm soát ở hàng loạt thành phố ở Afghanistan, thậm chí, ở một số thành phố, Taliban tiến vào mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào.
"Chiến lợi phẩm" mà Taliban thu được ngoài các tài sản mà quan chức Afghanistan để lại còn là vũ khí hiện đại của quân đội chính phủ như máy bay chiến đấu, xe bọc thép, đạn dược.
Trong suốt 20 năm mở rộng lực lượng tại Afghanistan, Taliban có nhiều nguồn thu khác nhau, trong đó có nguồn thu từ thuế tại những khu vực mà họ kiểm soát ở Afghanistan. Ngoài ra, lực lượng này cũng nhận tài trợ từ những người ủng hộ.
Một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết Taliban có nguồn thu chính từ sản xuất và buôn bán ma túy. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Afghanistan gặp nhiều khó khăn do chiến tranh tàn phá cũng như tình hình chính trị rối ren suốt hàng chục năm qua.
Nga ngầm phản đối Taliban dùng vũ lực giải quyết tình hình ở Afghanistan Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Moskva ủng hộ giải pháp cho vấn đề Afghanistan với sự tham gia của mọi lực lượng chính trị, sắc tộc ở nước này, có sự nhượng bộ lẫn nhau. Cảnh sát Afghanistan gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan sau một vụ tấn công ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN Phát biểu trước báo giới ngày 13/8, Ngoại...