Tài xế xe tải mê nuôi cút, “ăn ngủ” với đàn cút 10.000 con, mỗi ngày lãi 1,2 – 3,4 triệu đồng
10.000 con chim cút mỗi ngày đẻ 8.000 – 9.000 quả trứng. Hiện giá trứng cút ngang 420 đồng/quả, giá trứng lộn 700 đồng/quả, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn thu lãi bạc triệu mỗi ngày.
Loài vật nuôi nhạy cảm với thời tiết
Anh Trần Ngọc Hiền (SN 1964) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) xuất thân là tài xế lái xe tải, chuyên vận chuyển cám thực phẩm cho các cơ sở nuôi cút ở Phú Yên, Đồng Nai. Tiếp cận với các trang trại nuôi cút riết, anh đâm mê nghề này. Thế là trong chuyển chở cám đến cho các cơ sở nuôi cút, mỗi khi mỗi ít, anh hỏi han để học hỏi kinh nghiệm.
“Tôi sợ nếu tiết lộ mình học hỏi kinh nghiệm để về nuôi thì họ sẽ không bộc bạch, vậy nên mỗi lần chở cám đến 1 cơ sở nuôi cút tôi hỏi han một ít kinh nghiệm, kỹ thuật. Một anh tài xế hỏi theo kiểu tò mò vô hại thì chẳng việc gì họ không chia sẻ. Vậy là mỗi khi mỗi ít, dần dà tôi đúc kết được những kinh nghiệm cơ bản trong nghề nuôi cút.
Cách đây 3 năm, tôi khởi nghiệp nuôi cút với 1.500 con mua ở Phú Yên. Vừa nuôi lấy trứng tạo kế sinh nhai hằng ngày, tôi vừa học hỏi cách ấp ra trứng lộn và ấp ra cút. Sau khi tích cóp mua được máy ấp trứng giá 40 triệu đồng, lấy trứng lũ cút đẻ ra ấp nở cút con để tăng đàn dần dần, đến giờ trong chuồng tôi đã có 10.000 con cút”, anh Trần Ngọc Hiền (SN 1964) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), chia sẻ.
Anh Trần Ngọc Hiền chọn trứng cho vào lò ấp để ấp ra trứng lộn bán được giá cao hơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo anh Hiền, cút khó nuôi gấp nhiều lần so với gà. Do vậy, người nuôi cút phải “ăn ngủ với cút” thì mới kịp thời phát hiện bệnh của chúng để điều trị đúng bệnh, đúng thuốc thì mới mong mang lại hiệu quả.
“Thời tiết thay đổi, trời đang nắng chuyển mưa hay trời đang mưa trở nắng là lũ cút bị ảnh hưởng ngay, lập tức tỷ lệ đẻ của chúng bị giảm nghiêm trọng. Nếu như trước đó 1.000 con cút mỗi ngày đẻ 800 – 900 quả trứng thì khi thời tiết thay đổi chúng chỉ còn đẻ 500 quả”, anh Hiền minh họa.
Để bảo toàn đàn cút nuôi, hầu như cả ngày anh Hiền cứ quanh quẩn ở những dãy chuồng nuôi cút của mình. Anh đi qua từng chuồng nuôi, nhìn xem lũ cút buồn hay vui, bởi khi chớm bệnh là lũ cút có biểu hiện ủ rũ ngay. Hoặc anh kiểm tra xem phân của chúng thải ra có màu gì, bởi những bệnh lũ cút thường mắc được thể hiện qua màu phân của chúng.
Video đang HOT
“Nếu thấy phân của chúng màu trắng tôi biết phải dùng thuốc gì để điều trị, nếu thấy phân màu xanh tôi biết phải dùng thuốc gì, hoặc phân màu đen thì dùng thuốc gì. Nếu chúng chớm bệnh mà không điều trị kịp thời là chúng mất sức đẻ ngay. Người nuôi cút rất cần phải rành nghề thú y. Về lĩnh vực thú y tôi tự học hỏi từ những người nuôi đi trước, hoặc từ những kỹ thuật của các công ty cung ứng cám thực phẩm, vừa học vừa thực hành lâu riết thành rành”, anh Hiền bộc bạch.
Anh Trần Ngọc Hiền úm đàn út con để chuẩn bị tăng đàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cho lãi cao
Theo anh Hiền, 3 tháng sau khi thả nuôi là lũ cút bắt đầu đẻ. Lực đẻ của lũ cút tùy thuộc vào quy trình chăm sóc và mức đầu tư cho ăn của chủ nuôi. Nếu cho chúng ăn cật lực, 10.000 con cút mỗi ngày có thể đẻ từ 8.000 – 9.000 quả trứng.
Hiện nay, trứng cút ngang có giá 420 đồng/quả, vị chi 1 thiên trứng (1.000 quả) người nuôi thu được 420.000 đồng; còn trứng cút lộn có giá 700 đồng/quả, 1 thiên trứng cút lộn bán được 700.000 đồng.
Với 10.000 con cút, mỗi ngày anh Hiền thu được từ 8.000 – 9.000 quả trứng. Nếu bán trứng ngang mỗi ngày anh Hiền thu vào được từ gần 3,4 triệu đến gần 3,8 triệu đồng, còn nếu ấp ra trứng lộn thì mỗi ngày anh Hiền thu vào được từ 5,6 triệu đến 6,3 triệu đồng.
Chuồng nuôi cút phải được làm vệ sinh mỗi ngày. Ảnh: Vũ Đình Thung.
“Mỗi ngày 1.000 con cút ăn 30kg cám thực phẩm, mất khoảng 225.000 đồng, với 10.000 con cút mỗi ngày tôi cho chúng ăn mất hơn 2,2 triệu tiền cám. Cứ cho bình quân hiện mỗi ngày 10.000 con cút của tôi đẻ mức thấp nhất là 8.000 quả trứng, nếu bán trứng ngang, sau khi trừ chi phí thức ăn tôi còn thu lãi khoảng 1,2 triệu đồng, nếu ấp ra trứng lộn sẽ bán được 5,6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thức ăn tôi còn lãi 3,4 triệu đồng”, anh Hiền tính toán.
Cơ sở nuôi cút của anh Hiền đang có thu nhập cao nhờ tỷ lệ ấp ra trứng lộn của anh đạt tỷ lệ đến 97%. Để có tỷ lệ trứng lộn đạt cao, điều kiện tiên quyết là đàn cút trống làm nhiệm vụ phối giống phải tốt, thứ đến là kỹ thuật ấp phải đúng quy trình.
“Đàn cút trống phải được thay đổi thường xuyên, bởi nếu cút trống cứ giữ mãi 1 dòng sẽ dẫn tới nguy cơ bị trùng huyết, khi ấy tỷ lệ trứng lộn sẽ bị giảm ngay. Cứ 10 con cút mái cần phải có 3 con cút trống. Việc ấp trứng cũng không dễ, ấp ra cút con để tăng đàn kỹ thuật ấp khác với ấp ra trứng lộn. Ấp trứng lộn muốn mẻ trứng đạt tỷ lệ cao đòi hỏi chủ nuôi còn phải biết kỹ thuật soi để biết quả trứng nào có cồ, trứng nào không”, anh Hiền chia sẻ.
Mặt nền chuồng nuôi cút phải có độ nghiêng nhất định để trứng cút đẻ ra tự lăn ra máng hứng, nếu trứng nằm trong chuồng sẽ bị lũ cút dậm vỡ gây thất thoát. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Anh Hiền cho biết thêm: Muốn không bị thất thoát thu nhập, khi đóng chuồng nuôi cút, nền chuồng phải được thiết kế có độ nghiêng nhất định, để khi cút đẻ, trứng sẽ tự động lăn ra chiếc máng hứng trứng đặt bên ngoài chuồng, nếu trứng không tự lăn ra được, còn nằm trong chuồng thì sẽ bị lũ cút dậm vỡ hết.
18.000 đồng 100 quả trứng cút, người nuôi chim cút bán tháo đàn bù lỗ cả trăm triệu
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trứng cút đang xuống thấp chưa từng thấy. Để thu hồi vốn, nhiều hộ dân đã gấp rút bán tháo cả vạn chim cút mái dù lỗ hơn trăm triệu đồng.
Nuôi chim cút hơn 10 năm qua tại thôn Nội, xã Yên Bình (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), anh Trần Văn Bằng cho biết năm nay là năm khó khăn nhất từ trước đến giờ khi anh phải bán tháo hàng vạn con chim cút mái do bù lỗ quá nhiều.
"Nhà tôi nuôi 20.000 con chim cút mái đẻ trứng. Trước khi có dịch, thương lái về tận nhà thu mua với giá 32-35.000 đồng/100 quả, chim đẻ không đủ bán. Nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, giá trứng cút ngày càng giảm, thương lái chỉ thu mua với giá 16-18.000 đồng/100 quả, trong khi giá thức ăn nuôi chim lại lên do nhà máy báo không nhập được nguyên liệu. Mỗi ngày, riêng tiền cám nuôi chim nhà tôi mất gần 1 triệu đồng, một tháng gần 200 triệu. Bán trứng không đủ tiền mua cám cho chim ăn", anh Bằng chia sẻ.
Giá trứng cút rẻ chưa từng thấy đã khiến hàng loạt hộ nuôi chim cút phải bán tháo đàn.
Để không bị lỗ quá nhiều, anh Bằng đã bán tháo toàn bộ 20.000 con chim cút đang đẻ trứng với giá 8.000 đồng/con. "Trứng cút mất giá rồi lại đến chim cút cũng mất giá. Trước đây, chim cút được thu mua từ 12-15.000 đồng/con, vậy mà nay người ta chỉ trả 8.000 đồng/con. Biết là lỗ nhưng tôi vẫn bán vì sợ tình hình dịch bệnh phức tạp, giá cứ xuống mãi rồi nhỡ không có người thu mua thì biết làm sao".
Theo anh Bằng, sau khi bán tháo toàn bộ số chim cút, gia đình anh bị lỗ khoảng 164 triệu đồng. Hiện tại, anh đang tiến hành sửa sang chuồng trại và khử trùng toàn bộ khu nuôi chim cút, chờ một thời gian nữa sẽ xuống đàn nuôi tiếp lứa mới. "Tiền đầu tư làm chuồng trại, lồng nuôi hết khoảng 500 triệu rồi, giờ bảo không nuôi nữa cũng không được vì chi phí mình đầu tư quá nhiều. Với lại, giờ không nuôi chim thì đi làm phụ xây, phụ hồ hay sao? Kinh doanh nên phải chấp nhận lỗ lãi nên tôi cứ chờ thêm thời gian nữa rồi tính tiếp", anh Bằng chia sẻ.
Cũng nuôi chim cút để phát triển kinh tế, anh Thắng, trú tại xã Tân Tiến (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết gia đình anh cũng phải bán tháo 15.000 con chim mái với giá 8.000 đồng/con.
Hàng vạn con chim cút nuôi với mục đích lấy trứng phải bán tháo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
"Hơn 10 năm nuôi chim cút đẻ trứng, chưa năm nào khó khăn như năm nay khi trứng thì xuống 1/3 giá, cám thì lên 5.000 đồng/bao nên tôi bán hết. Để nuôi chim cút đẻ trứng, riêng tiền giống tôi đã mất 10.000 đồng/con, nuôi tiếp 70 ngày sau cút mới đẻ trứng. Vậy mà lúc chim được thu hoạch trứng thì giá lại xuống thấp chưa từng thấy. Bán chim mẹ cũng được có 8.000 đồng/con, tức là mỗi con chim cút tôi bị lỗ 2.000 đồng, chưa kể tiền cám, tiền chăm sóc mấy tháng trời không có công", anh Thắng thở dài.
Theo anh Thắng, để hòa vốn thì giá trứng cút phải từ 28.000 đồng/100 quả, giá chim thịt phải trên 12.000 đồng/con. Dù biết lỗ nhưng hàng chục hộ dân nuôi chim cút như nhà anh Thắng vẫn phải bán để thu hồi vốn. "Mỗi ngày, chim ăn hết 16 bao cám, mỗi bao 210.000 đồng, tính ra hết 3,3 triệu, chưa kể điện, nước, dọn dẹp chuồng trại, vậy mà thu hoạch 11.000 quả trứng bán chưa nổi 2 triệu đồng. Chúng tôi đành phải bán vội kẻo càng nuôi lại càng lỗ nặng", anh Thắng nói.
Nhiều hộ dân phải đăng bài "giải cứu" trên mạng xã hội nhằm thu hồi vốn.
Là một người chuyên thu mua chim cút thịt, anh Cường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho rằng giá trứng cút và giá chim cút giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Dịch bệnh nên học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài, cửa hàng, quán ăn, quán nhậu đóng cửa, đám cưới hỏi, sự kiện lớn phải tạm hoãn do tránh tụ tập đông người... Trứng cút không thể tiêu thụ hết dẫn đến người nuôi thua lỗ phải bán tháo đàn".
"Người dân bắt đầu bán tống bán tháo chim cút mái khoảng hơn chục ngày trở lại đây, số lượng nhiều vô kể. Xe khách đi các tỉnh thì không chạy, đình đám, cưới xin, hàng quán dừng hoạt động hết nên lượng khách của tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù muốn tiêu thụ giúp bà con mà không thể, tôi cũng chỉ mua được phần nào thôi. Có những hộ nuôi không biết bán cho ai, mang cả nghìn quả trứng cút ra nhờ tôi bán hộ, trong khi tôi chỉ mua cút thịt nhưng thương họ nên tôi cũng túc tắc bán hộ mỗi người một ít. Họ vất vả lắm", anh Cường nói thêm.
Khánh An
Người đàn ông may mắn nhất quả đất: Chết lâm sàng nhưng vẫn được Tử Thần tha mạng và 2 lần trúng số được cả gia tài Bill Morgan là 1 trong những người may mắn nhất thế giới khi vừa trở về từ cõi chết đã chào đón hàng loạt tin vui. Vào năm 1999, người đàn ông Bill Morgan, 37 tuổi, khi đó là tài xế lái xe tải sống trên chiếc xe di động ở Úc. Đang yên đang lành thì thần chết tìm đến Bill khi...