Tài xế xe tải kiện Công an TP Vinh ra tòa
Một tài xế xe tải đã khởi kiện Công an TP Vinh vì cho rằng mình bị xử phạt vi phạm giao thông không đúng theo quy định.
Đơn khởi kiện Trưởng Công an TP Vinh của ông Phan Đình Anh
Ngày 15-9, thông tin từ TAND TP Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết hiện tòa án đã hoàn tất thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện của ông Phan Đình Anh (SN 1982; trú tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) về quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, ông Anh khởi kiện Trưởng Công an TP Vinh vì cho rằng việc Thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó Trưởng Công an TP Vinh, ký quyết định xử phạt hành chính về lỗi điều khiển phương tiện giao thông đối với ông là không đúng quy định.
Theo trình bày của ông Anh, ngày 8-3-2016, ông điều khiển xe tải mang biển số 37C-17.832 đi chở hàng. Khi xe rẽ vào đường Lê Lợi (TP Vinh), ông Anh thấy biển báo hình tròn, nền trắng, viền đỏ và gạch chéo màu đỏ, ở giữa có hình một xe ô tô tải, trên hình xe có hàng chữ 4T màu trắng (biển báo số 106b). Xác định xe mình không có hàng nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của biển báo 106b nên ông Anh vẫn cho xe vào đường Lê Lợi.
Đến trước cổng bến xe Vinh, ông Anh bị 2 CSGT Công an TP Vinh ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý hành vi đi vào đường cấm. CSGT ra quyết định xử phạt hành chính 4,9 triệu đồng và tạm giữ xe 9 ngày theo Quyết định số 10 ngày 18-1-2016 của UBND tỉnh Nghệ An.
Video đang HOT
Biển cấm xe tải trên đường.
Thời điểm xe bị lập biên bản xử phạt, trọng lượng xe tải là 3.400 kg (xe không chở hàng). Theo ông Anh, việc CSGT xử phạt là không khoa học và xử phạt sai vì biển cấm số 106b chỉ cấm những xe có tải trọng từ 4 tấn trở lên, còn xe ông Anh điều khiển theo thiết kế tải trọng chở hàng chỉ 3,9 tấn, lúc đó xe không chở hàng nên tải trọng xe chỉ 3,4 tấn.
Trong đơn khởi kiện công an của mình, ông Anh đề nghị TAND TP Vinh tuyên quyết định xử phạt số 12405035/QĐ-XPVPHC “Xử phạt vi phạm hành chính” do Thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó trưởng Công an TP Vinh ký, là không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, tài xế Anh đề nghị tòa tuyên trả lại số tiền 4,9 triệu đồng mà doanh nghiệp Võ Minh đã nộp phạt vào kho bạc nhà nước, đồng thời, bồi thường cho người bị xử phạt số tiền 42,1 triệu đồng vì xe bị tạm giữ trái pháp luật trong vòng 9 ngày không thể hoạt động.
Vụ án đã được đưa ra xét xử vào ngày 11-8 vừa qua nhưng đã phải hoãn, dự kiến phiên tòa sẽ được diễn ra vào cuối tháng 9-2016.
Theo Đức Ngọc – Thành Vinh (Người lao động)
Phục hồi sinh hoạt Đảng cho hai nông dân 'nhận hối lộ'
Người dân gửi đơn đến các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận để trình bày và kêu oan cho hai nông dân.
Ngày 29-8, tin từ Huyện ủy Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cho biết đại diện cơ quan này đã đến thôn Lò To, xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) để trao quyết định phục hồi sinh hoạt Đảng cho hai ông Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thành Nam.
Trước đó, theo yêu cầu của CQĐT, Huyện ủy Hàm Thuận Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với hai nông dân này để phục vụ điều tra.
Ông Tuấn và ông Nam là hai nông dân từng bị buộc tội nhận hối lộ và bị TAND huyện Hàm Thuận Nam xử phạt lần lượt tám và bảy năm tù. Hai ông là người làm giúp hồ sơ vay tiền cho các hộ dân nghèo, được bà con trả cho chút đỉnh tiền thù lao xăng xe, công sức nhưng cơ quan tố tụng quy buộc họ nhận hối lộ của người dân 13,6 triệu đồng.
Sau khi TAND tỉnh Bình Thuận hủy án, hai ông được CQĐT công an huyện này đình chỉ nhưng lại căn cứ do chuyển biến tình hình để miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Điều này có nghĩa hai ông sẽ không được công khai xin lỗi và bồi thường oan. Hai ông đang kêu oan và khiếu nại quyết định đình chỉ này.
Hai nông dân Nguyễn Thành Nam (trái) và Nguyễn Thanh Tuấn đang khiếu nại quyết định đình chỉ kiểu né bồi thường oan. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Trong một diễn biến khác, tin từ chi tổ Hội Nông dân thôn Lò To, xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết 17 người trong đó phần lớn là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã có đơn gửi đến UBND tỉnh và các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận kêu oan cho hai ông Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thành Nam.
Theo đơn, trước đây phần lớn người dân thôn Lò To có cuộc sống rất khó khăn. Khi thành lập thôn Lò To, người dân đã đồng lòng bầu ông Nam làm thôn trưởng. Sau đó Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng ủy nhiệm cho ông Nam và ông Tuấn thành lập tổ vay vốn đã thay đổi bộ mặt của thôn Lò To. Trước đây, người dân không có vốn đầu tư vụ mùa, chỉ biết vay nóng lãi suất cao, đến khi thu hoạch không đủ tiền trả lãi, có hộ còn phải bán rẫy để trả nợ. Từ khi có tổ vay vốn, nhiều người dân đã giảm nghèo, mua được bò, được rẫy canh tác.
Theo những hộ dân này thì khi vụ án "hai nông dân... nhận hối lộ" khởi tố, họ bị điều tra viên mời làm việc và hầu hết bà con đều khẳng định họ tự cho tiền bồi dưỡng xăng xe, card điện thoại cho ông Tuấn. Tuy nhiên, điều tra viên yêu cầu bà con phải khai là ông Tuấn buộc đưa tiền trước mới làm hồ sơ cho vay, nếu không sẽ mời lần hai, lần ba và thậm chí triệu tập về công an huyện.
Do bà con thấy bị mời lên mời xuống, bỏ hết công ăn việc làm nên bà con đồng loạt làm theo gợi ý của điều tra viên. Về một số trường hợp chậm cho vay, trong cuộc họp ngày 9-10-2014, đích thân ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng CSXH, có mặt giải thích ngân hàng đã phê duyệt nhưng chưa có tiền để giải ngân.
Tại phiên tòa xử ông Tuấn và ông Nam, khi người dân được mời tham dự, nhiều người mới bất ngờ khi nghe tòa đọc nội dung họ tố cáo. Khi tòa cho lên xem chữ viết trong đơn, có người khẳng định không phải chữ của họ vì họ không biết viết, có người nhận ra chữ của mình nhưng khẳng định nội dung là do điều tra viên đọc.
PHƯƠNG NAM
Theo PLO
Vụ cụ bà bị lừa lấy nhà: Yêu cầu tòa tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu Công chứng viên cùng những người liên quan thống nhất yêu cầu tòa án tuyên bố các văn bản, hợp đồng công chứng là vô hiệu. "Người nhận chuyển nhượng nhà, công chứng viên đã thống nhất cùng gia đình cụ Lê Thị Háo yêu cầu tòa tuyên bố các văn bản công chứng liên quan đến ngôi nhà của cụ tại 18...