Tài xế vụ sập cầu Tân Nghĩa ra trình diện cảnh sát
Sau 4 ngày sập cầu Tân Nghĩa ở Đồng Tháp, xe tải biển số Phú Yên đã được trục vớt, đưa vào bờ an toàn và tài xế đã ra trình diện cảnh sát.
Chiều 3/6, nguồn tin của Zing.vn xác nhận sau 4 ngày xảy ra sự cố sập cầu Tân Nghĩa, tài xế đã đến Công an huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) làm việc.
“Tài xế ra trình diện vào chiều nay. Cán bộ điều tra đang làm việc, lấy lời khai phục vụ công tác điều tra”, nguồn tin này nói.
Hơn 11h trưa cùng ngày, xe tải biển số 78C-046.27 đã được trục vớt thành công từ dưới kênh Tháp Mười, hay còn gọi là kênh Nguyễn Văn Tiếp. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp huy động thợ lặn chuyên nghiệp xuống nước buộc dây cáp vào thân xe tải, sau đó dùng cần cẩu nhấc lên khỏi mặt nước, đưa sang sà lan cứu hộ.
Sau 4 ngày nằm dưới kênh, xe tải được trục vớt lên khỏi mặt nước. Ảnh: Anh Minh.
Gần 4 ngày nằm dưới nước, xe tải hư hỏng nặng và bám đầy bùn đất. Sau khi được đưa lên sà lan, xe tải đã được chuyển đến cảng Trần Quốc Toản để bàn giao cho cảnh sát, phục vụ công tác điều tra.
“Công tác trục vớt nhịp cầu, xe tải đã hoàn thành vào trưa nay. Tuyến kênh Tháp Mười cũng đã được thông luồng giao thông”, Giám đốc Sở GTVT Trần Trí Quang nói với Zing.vn vào chiều nay.
Chính quyền cũng bố trí bến phà tạm, cách vị trí cầu Tân Nghĩa 100 m, đưa rước miễn phí người dân và phương tiện hai bánh qua lại kênh Tháp Mười.
Video đang HOT
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh đang tiến hành bắc lại nhịp giữa mới cho cầu Tân Nghĩa, dự kiến hoàn thành trong 5 đến 7 ngày.
“Sau khi thử tải thành công, Sở GTVT sẽ tính toán và cho hạ tải xuống còn từ 3 đến 5 tấn”, ông Trần Trí Quang nói.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết cầu Tân Nghĩa được khởi công tháng 6/2005, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12/2007, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, theo hình thức BOT.
Đến tháng 2 vừa qua, dự án vẫn còn thu phí nhưng tỉnh Đồng Tháp đã mua lại và cho dừng thu phí.
Xe tải được đưa lên sà lan chuyển đến cảng Trần Quốc Toản và bàn giao cho cảnh sát điều tra. Ảnh: Anh Minh.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng khẳng định cầu Tân Nghĩa có tải trọng 8 tấn, xe tải theo đăng kiểm là 12 tấn, cùng ước lượng hàng hóa chở trên xe tải khoảng 17 tấn.
“Mức tải trọng vượt trên 3 lần mức cho phép là nguyên nhân chính gây ra sự cố sập cầu”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.
Như Zing.vn đã thông tin, chiều 31/5, ôtô tải biển số Phú Yên (do Hồ Thế Hữu, 32 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên làm chủ) chạy qua cầu Tân Nghĩa thì đoạn nhịp giữa cầu bị sập.
Xe tải cùng với hai người chạy ba gác phía trước rơi xuống sông đồng thời đè lên chiếc ghe bên dưới.
Theo Zing.vn
Sập cầu Tân Nghĩa, chủ tịch Đồng Tháp nói gì về 'vừa hết thu phí đã sập'?
Liên quan đến vụ sập cầu Tân Nghĩa, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã có những trao đổi thẳng thắn.
Cần cẩu cứu hộ bị gãy đổ trong lần đầu trục vớt xe tải vào ngày 1.6 . ẢNH: TRẦN NGỌC
Sập cầu Tân Nghĩa có liên quan đến việc vừa hết thu phí BOT?
Trước thông tin nghi vấn về việc cầu Tân Nghĩa sập chỉ sau vài tháng hết thu phí BOT, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương thông tin: Cầu Tân Nghĩa khởi công tháng 6.2005, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12.2007, với tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng, theo hình thức BOT. Mặc dù thời hạn hợp đồng thu phí vẫn còn, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tháng 2.2019, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định mua lại dự án, chấm dứt thu phí.
Ông Dương khẳng định vụ sập cầu là một sự cố rất đáng tiếc, không liên quan đến việc dừng thu phí BOT.
"Ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, yêu cầu các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm liên quan, đồng thời khẩn trương khắc phục sự cố, cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất để các phương tiện được lưu thông trở lại", ông Dương nói
Ông Dương đánh giá cầu Tân Nghĩa có tải trọng 8 tấn, trong khi đó xe tải theo đăng kiểm đã là 12 tấn, cùng ước lượng hàng hóa chở trên xe tải khoảng 17 tấn. Tải trọng vượt trên 3 lần (29 tấn) mức cho phép là nguyên nhân chính gây ra sự cố cầu Tân Nghĩa bị sập.
Do tài xế xe tải đã bỏ trốn khỏi hiện trường vụ sập cầu nên cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đang truy nguồn gốc số hàng hóa chở trên xe tải để có số liệu chính xác, tiếp tục điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm cụ thể.
Ông Dương cho biết nếu quá trình khắc phục sự cố sập cầu diễn ra thuận lợi, dự kiến trong 5 ngày tới, nhịp giữa cầu Tân Nghĩa sẽ được lắp lại để phục vụ người dân qua cầu.
Báo chí có bị cản trở đưa tin vụ sập cầu Tân Nghĩa?
Trong quá trình xảy ra sự cố sập cầu, đã xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về nguyên nhân sự cố, cũng như việc báo chí bị cản trở khi thông tin về vụ sập cầu.
Ông Dương khẳng định tỉnh Đồng Tháp luôn đồng hành, lắng nghe, tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí tác nghiệp theo quy định pháp luật. Theo ông Dương, đến thời điểm này, Đồng Tháp chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào liên quan đến việc cản trở phóng viên đưa tin về sự cố cầu Tân Nghĩa.
"Trong những ngày qua, đã có rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về sự cố sập cầu Tân Nghĩa. Chúng tôi đánh giá cao quá trình tác nghiệp nhanh nhạy, kịp thời của các nhà báo, đã giúp người tham gia giao thông biết, điều chỉnh lịch trình kịp thời, phù hợp trên tuyến giao thông này", ông Dương nói.
Theo Thanhnien
Xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm vụ sập cầu BOT ở Đồng Tháp Bộ GTVT vừa có công điện khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Tháp, Sở GTVT về việc khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh). Bộ đề nghị kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ra sự cố để xử lý nghiêm theo quy định. Sáng ngáy 1/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn...