Tài xế trọng thương tự vật lộn với tên cướp: Sự vô cảm đã lên mức tột đỉnh
Ở hiện trường vụ tài xế taxi vật lộn với tên cướp, không chỉ viên công an đứng nhìn, còn không ít người chỉ xem và lướt qua, đó là biểu hiện của sự vô cảm tột đỉnh
Video: Tài xế taxi vật lộn với tên cướp nhiều người chỉ nhìn, công an nghe điện thoại
Trong vụ lái xe taxi vật lộn, khống chế tên cướp manh động ở đường Cienco 5 ( huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), người ta đã nói rất nhiều về cán bộ công an “lạ lùng” vì sự bàng quan, thờ ơ không thể giải thích nổi của anh ta khi thản nhiên đứng bấm điện thoại trong lúc tính mạng của dân bị đe dọa. Tôi cũng đã nói về điều đó qua bài báo “Chiến sỹ đứng nhìn dân vật lộn kẻ cướp hung ác là nỗi đau của công an chân chính”.
Giờ, tạm gác câu chuyện đó lại. Vậy, mọi thứ đã xong ư? Chưa! Thực lòng, tôi chưa thấy mọi thứ có thể dừng lại!
Bởi nếu bình tĩnh xem lại từng khoảnh khắc trong video vật lộn đó, với cánh cửa taxi đầy máu, với sự quyết liệt của lái xe để đè tên cướp hung tợn xuống đất, chúng ta vẫn thấy có một số người đứng nhìn, một vài người chạy xe qua, tò mò ngó nghiêng rồi… bỏ đi. Bản thân anh tài xế sau đó cũng kể lại: “Lúc lôi được hắn ra đường, tôi vừa vật lộn để chống trả vừa hô to để cầu cứu người xung quanh. Dù thời điểm đó có nhiều xe cộ qua lại nhưng không có ai dừng để giúp đỡ tôi. Một số người dân đứng gần đó còn cầm điện thoại để chụp ảnh, quay phim”.
Tại hiện trường, một số người đứng chứng kiến và… không làm gì cả!
Đương nhiên, họ không đáng trách như viên công an kia. Nhưng tôi đã nói là tạm gác chuyện của viên công an lại rồi. Vậy, những người dân đó, khi chứng kiến một người đang giành giật sự sống với kẻ hung tợn nhưng chỉ đứng nhìn, bỏ đi thì có bình thường không?
Tôi tin rằng, câu trả lời chắc chắn là không!.
Tôi chợt liên tưởng tới những vụ việc từng làm nóng dư luận ở Trung Quốc, khi có nạn nhân bị tai nạn giao thông, bị cướp giật, nhưng những người xung quanh chỉ liếc nhìn rất nhanh rồi thản nhiên bỏ đi, coi như chẳng có chuyện gì.
Họ cho rằng đó không phải là việc của họ, một sự “cho rằng” đầy vô cảm!
Ở sự việc bắt cướp vừa rồi, những người chứng kiến vệt máu thấm đẫm chiếc áo trắng của anh lái xe, chứng kiến hơi thở hổn hển, gấp gáp để quyết đè kẻ thủ ác xuống mà không hành động, không hỗ trợ, thì cũng vô cảm tương tự.
Câu chuyện này, tôi biết, nếu đưa ra để bàn luận, thì sẽ luôn luôn có 2 luồng tranh cãi ngược chiều nhau. Sẽ rất nhiều người cho rằng: “Làm việc nghĩa thời nay đâu có đơn giản như vậy!”, “Chẳng có vụ làm việc tốt, rồi lại bị đâm, vì nhầm thành thủ phạm đấy ư?”, “Tự nhiên dính vào chuyện máu me, không phải đầu, cũng phải tai”, “Không cẩn thận, còn dính vào vụ án, rồi trình báo mệt”… Nhiều, nhiều lắm!
Họ nói thế có sai không? Không hoàn toàn sai! Nhưng đã bao giờ bạn thử nghĩ, nếu tới thời điểm nào đó, bạn rơi vào hoàn cảnh nạn nhân thì sao?
Sau đó, đã có một người dân vào hỗ trợ lái xe taxi để khống chế tên cướp
Không may, bạn bị kẻ cướp giật mất túi xách. Bạn có kêu thét, nhờ mọi người hỗ trợ không?
Không may, bạn bị ngã ra đường sau một cú va chạm. Bạn có mong muốn một bàn tay nào đó giơ ra, kéo bạn dậy, dắt xe vào lề đường và kiểm tra vết thương?
Không may – đơn giản hơn – bạn bị mất điện thoại. Bạn có muốn gọi nhờ một cuộc giữa đường, để báo cho người thân tới hỗ trợ?
Tất cả, nếu bị đáp lại bằng sự thờ ơ, vô cảm, “không phải việc của mình”, để bạn bơ vơ tự đối phó với đống rắc rối, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu vô cảm, người ta có thể viện ra hàng trăm nghìn cái cớ để lý giải, song cuối cùng nó chẳng giải quyết điều gì một khi bạn đã nhắm mắt làm ngơ.
Làm việc tốt có thể gặp rắc rối. Bởi thế, nếu muốn làm việc tốt, hãy nâng cấp tri thức của bản thân, để hiểu mọi tình huống có thể xảy ra, và chủ động với tất cả.
Làm gì có sự tốt đẹp nào mà không đòi hỏi trí thông minh, lòng tử tế, sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm? Xã hội này, ai cũng muốn nó tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng ý thức rằng, sự tốt đẹp đến từ những điều rất cụ thể như đã kể ở trên.
May mắn làm sao, trong sự việc lái xe taxi khống chế tên cướp, có một người dân lao vào hỗ trợ. Ngoài ý nghĩa thiết thực ở sự hỗ trợ đó thì sự nhiệt tình của người dân ấy còn khiến tôi tin rằng, khi sự vô cảm trong xã hội có thể lên đến tột đỉnh, thì vẫn còn đó những con người “máu lửa” và tử tế.
Tôi chỉ còn biết nói rằng: Cảm ơn anh – người đã hạn chế sự vô cảm của đám đông!
Đại úy công an đứng nhìn dân vật lộn với cướp: 'Nên loại ra khỏi ngành!'
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã bức xúc đề nghị như vậy trước thông tin lãnh đạo Công an Hà Nội đề nghị Công an huyện Thanh Oai kỷ luật cảnh cáo đại úy Nguyễn Thanh Lâm - người đã vô cảm đứng nhìn dân vật lộn với cướp.
Người mặc cảnh phục đứng trên vỉa hè bấm điện thoại (bên phải), trong lúc tài xế taxi vật lộn với tên cướp, được xác định là đại úy công an Nguyễn Thanh Lâm - Ảnh cắt từ clip
"Đại úy không yêu nghề nên chuyển ngành" - một bạn đọc bình luận. Người bức xúc hơn thì nói thẳng: "Vô cảm như vậy có xứng đáng trong ngành công an không?".
Dân vật lộn với cướp, đại úy công an... đứng bấm điện thoại
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, khoảng 16h20 chiều 16-5, khi người dân chạy xe trên đường Cienco 5, khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) thì bất ngờ nghe tiếng tri hô cướp của một tài xế taxi.
Tài xế taxi bị tên cướp đâm vào vùng ngực nhưng vẫn dũng cảm chống trả, giằng co khống chế tên cướp. Sau đó, người dân và công an đến bắt giữ tên cướp.
Tối cùng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại thời điểm nam tài xế taxi khống chế tên cướp. Trong clip dài 1 phút 30 giây, có thể thấy nam tài xế taxi mặc áo màu trắng dính đầy máu đang cố vật lộn, ghì đè tên cướp và liên tục hô: "Giúp em với".
Dù xung quanh rất nhiều người đứng xem nhưng chỉ có một người đàn ông đến giúp, còn lại đứng quay clip.
Đáng chú ý, trong clip còn xuất hiện một người đàn ông mặc quần màu xanh giống cảnh phục công an nhưng đứng bấm điện thoại, mà không vào can ngăn vụ việc.
Chứng kiến việc này, người quay clip bức xúc cho rằng người đàn ông là công an nhưng không tham gia giúp khống chế tên cướp. "Ông này mặc quần áo công an mà chả thấy can ngăn gì, chỉ thấy đứng gọi điện", người quay clip nói.
Qua xác minh, công an xác định clip trên là diễn biến của vụ án cướp tài sản taxi xảy ra tại huyện Thanh Oai, Hà Nội và người mặc cảnh phục đứng bấm điện thoại là đại úy Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ Công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai).
Chiều 17-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , trung tướng Nguyễn Hải Trung - giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết vừa chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Nguyễn Thanh Lâm do thiếu trách nhiệm trong việc tham gia bắt giữ nghi phạm Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, tỉnh Thanh Hóa) có hành vi dùng dao đâm trọng thương, cướp tài sản của tài xế taxi.
"Đại úy Lâm đã thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc tham gia giúp người dân bắt cướp", trung tướng Trung nói.
Không xứng đáng làm công an!
Bình luận trên Tuổi Trẻ Online , hầu hết bạn đọc đều bày tỏ không đồng tình với mức kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Nguyễn Thanh Lâm.
Bạn đọc cho rằng trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sĩ công an là phải ngăn chặn tội phạm, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Trong vụ việc này, lẽ ra đại úy Lâm phải là người trực tiếp bắt giữ tên cướp. Anh đã không làm đúng chức trách của mình mà trái lại còn thờ ơ, vô cảm trước hiểm nguy của người dân.
"Cứ hi vọng anh ta không phải là công an, chỉ là người vô cảm nào đó. Nhưng đọc tin chính thức này thì cảm thấy quá buồn, quá thất vọng" - bạn đọc Quang Thọ viết.
"Anh tài xế bị đâm suýt chết, máu me đầy mình mà vẫn phải lo bắt cướp. Trong khi anh công an thì đứng yên gọi điện thoại! Không làm tròn nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước người bị nạn" - bạn đọc tên Quân bình luận.
Bạn đọc Đỗ Minh nói: "Theo tôi cho anh công an này ra khỏi ngành vẫn còn nhẹ. Vì việc trấn áp tội phạm là nhiệm vụ của công an mà, đằng này không thực hiện, làm xấu hình ảnh lực lượng".
Nhiều bạn đọc cho rằng với sự vô cảm và vô trách nhiệm của đại úy Nguyễn Thanh Lâm, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo là quá nhẹ.
"Anh lái xe đang trong tình huông sinh tư do bị tên cươp đâm, anh công an đã không thưc thi nhiêm vụ khăc chê tên cươp mà chỉ đưng nhìn môt cách vô cảm, không xưng đáng là công an nhân dân. Nêu chỉ hình thưc kỷ luât cảnh cáo là quá nhẹ. Đê nghị tươc bỏ chưc vụ và cho ra khỏi ngành đê làm gương" - bạn đọc Truc Ngon đề nghị.
Bạn đọc Quang Huy đồng tình: "Mình nghĩ nên cho đại úy nghỉ việc hoặc chí ít là chuyển công tác khác chứ còn để đồng chí này công tác thì chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an mà thôi!".
Bạn đọc tên Nam thì bình luận: "Chuyện thật như đùa, công an đứng nhìn dân bắt cướp. Bất ngờ hơn chỉ là cảnh cáo. Tôi nghĩ nên cho anh taxi dũng cảm làm công an, còn anh công an kia về làm dân".
Hầu hết bạn đọc cho rằng với thái độ vô cảm và vô trách nhiệm của mình, đại úy Nguyễn Thanh Lâm không xứng đáng với tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của người công an nhân dân.
"Đề nghị vì danh dự, uy tín, hình ảnh công an trước nhân dân hãy xử lý kỷ luật nghiêm, nếu không làm sao phát động phong trào toàn dân trấn áp tội phạm trong khi chính công an lại vô tư như thế" - một bạn đọc đề nghị.
Một số bạn đọc đề nghị cũng cần xem xét trách nhiệm của những người dân khác có mặt chứng kiến vụ việc mà chỉ có duy nhất một người đàn ông chủ động tham gia giúp anh tài xế taxi bắt giữ tên cướp nguy hiểm.
Tài xế kể giây phút sinh tử, chiến đấu với tên cướp hung ác trong xe taxi Tài xế taxi Nguyễn Trần Minh kể lại tên cướp ngồi sau xe rút một con dao chọc tiết lợn đâm trúng ngực anh, sau đó cả 2 vật lộn, giằng co trong xe. Sau khi bị tên cướp đâm trọng thương, tài xế taxi Nguyễn Trần Minh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103 (TP Hà Nội). Sáng...