Tài xế taxi Vinasun tông chết cô gái rồi bỏ đi: Cần truy cứu trách nhiệm hình sự với tài xế
Luật sư cho rằng dù nguyên nhân tai nạn là gì thì với hành vi bỏ mặc nạn nhân không cứu giúp, tài xế có thể bị truy cứu hình sự.
Ngày 25/6, chiếc taxi hãng Vinasun va chạm với xe máy chở đôi nam nữ chạy cùng chiều trên đường Tân Hương (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM).
Tai nạn làm 2 người trên xe máy ngã xuống đường, cô gái chết tại chỗ, còn nam thanh niên bị thương nặng. Tuy nhiên, sau va chạm, tài xế taxi bước xuống quan sát nạn nhân rồi lập tức lái xe bỏ đi.
Trả lời PV VTC News, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, trước hết, cơ quan điều tra cần kết luận nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, xác định hậu quả với các nạn nhân để làm căn cứ xử lý.
Theo luật sư Bình, trong trường hợp tài xế taxi là nguyên nhân gây ra tai nạn thì tài xế đã vi phạm Điều 260 Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
“Nếu tài xế taxi là nguyên nhân gây ra tai nạn thì với tình tiết bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì tài xế có thể bị phạt từ 3 đến 10 năm tù”, luật sư Bình nói.
Tài xế taxi xuống xe quan sát 2 nạn nhân rồi lập tức bỏ đi. (Ảnh cắt từ clip)
“Còn nếu tài xế không có lỗi thì không thể truy cứu theo Điều 260. Tuy nhiên, ở đây tài xế thấy người nguy hiểm đến tính mạng nhưng không cứu giúp khi bản thân mình có khả năng cứu giúp thì đã vi phạm Điều 132 Bộ luật hình sự Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Với tình tiết người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm, người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì người tài xế sẽ bị tù từ 1 năm đến 5 năm”, luật sư Bình phân tích.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, cho dù trong trường hợp người tài xế qua đường có xi nhan theo đúng luật, người thanh niên do không làm chủ tốc độ phải chịu hậu quả của hành vi do mình gây ra thì trong trường hợp này cả pháp luật và đạo đức đều không cho phép người tài xế hành xử như thế.
Trong trường này, người tài xế có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân và việc thực hiện hành vi này không gây nguy hiểm cho tài xế thì với trách nhiệm nghề nghiệp của mình người tài xế phải có các cách ứng xử như thông báo cho Công an, kêu gọi mọi người cùng đến giữ hiện trường và chở người đi cấp cứu chứ không thể nào bỏ mặc người bị nạn.
“Nhìn ở góc độ đạo đức xã hội, những hành động dửng dưng trước sự nguy hiểm của người khác, thái độ ấy đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm mới mong răn đe, phòng ngừa chung.
Khi thấy người khác gặp nạn thì trước tiên phải có trách nhiệm cứu giúp họ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm bất chấp khó khăn.
Ở đây, rõ ràng có đầy đủ bằng chứng cho thấy người tài xế không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, do đó cần truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương cho mọi người”, luật sự Bình nhấn mạnh.
Clip: Tông chết cô gái ở TP.HCM, tài xế taxi xuống nhìn rồi bỏ đi gây phẫn nộ
Trước đó, vụ tai nạn xảy ra lúc 3h ngày 25/6, tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tôn thuộc phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP HCM).
Thời điểm trên, đôi nam nữ chạy xe máy đến giao với Võ Công Tôn thì va chạm với taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái qua đường.
Cú tông mạnh khiến đôi nam nữ văng lên vỉa hè. Cô gái nằm bất động và thiệt mạng sau đó, còn nam thanh niên bị thương nặng.
Lúc này, tài xế taxi Vinasun gây tai nạn xuống xe nhưng đứng từ xa quan sát 2 nạn nhân và xung quanh mà không có bất cứ động thái gì cứu giúp.
Được vài giây, tài xế này vội lên xe bỏ đi mặc cho nạn nhân nam vùng vẫy co giật.
Clip này cũng ghi lại, sau khi chiếc taxi này bỏ đi nhiều xe máy và ô tô đi qua, thấy 2 nạn nhân bị thương nằm trên vỉa hè nhưng họ vẫn bỏ mặc dù nạn nhân nam lê lết bò ra đường kêu cứu.
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Cô gái trẻ nằm bất động đến chết : Sao lại thờ ơ trước hoạn nạn của người khác?
Một đoạn clip ghi lại hình ảnh cô gái nằm bất động giữa đêm khuya và sau đó tử vong đang gây nhiều tranh cãi về sự thờ ơ, vô cảm.
Nhiều bạn trẻ đau lòng đặt câu hỏi: 'Sao con người ngày càng dửng dưng trước hoạn nạn của người khác?'
Cô gái trẻ nằm bất động giữa đêm khuya trước sự thờ ơ của nhiều người CẮT TỪ CLIP
Quá đau lòng
Theo hình ảnh clip dài khoảng 11 phút về vụ tai nạn thương tâm được trích xuất từ camera gắn cố định, vụ tai nạn bất ngờ xảy ra vào lúc khoảng 3 giờ 12 phút ngày 25.6 tại khu vực giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM), giữa xe taxi (do 1 người nam điều khiển) và 1 xe máy (một người nam điều khiển, chở sau xe là một cô gái trẻ). Sau vụ tai nạn, chàng trai và cô gái trẻ nằm bất động trong đêm và cuối cùng cô gái tử vong.
Trong vòng khoảng 11 phút mà clip ghi lại, có 5 ô tô con (kể cả 1 chiếc taxi liên quan trực tiếp vụ tai nạn), 1 chiếc xe tải, hơn 32 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp đi qua vị trí cô gái trẻ nằm bất động... Rất nhiều người đi qua nhưng không dừng lại, có người dừng lại rồi lại bỏ đi. Sự việc đang gây nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.
Tai nạn xảy ra giữa xe taxi và xe máy của cặp đôi nam nữ CẮT TỪ CLIP
"Thời gian tai nạn diễn ra lúc này là 3 giờ sáng, có lẽ thời gian này đa phần muốn về nhà cho nhanh để nghỉ ngơi. Trong đoạn clip cho thấy có người đến để xem rồi bỏ đi, nói họ vô cảm thì cũng chưa đúng lắm. Vì họ đã đến, có lẽ cần làm sáng tỏ hơn, khi họ đến có gọi điện thoại cho 115 hay 113 không. Nếu họ đến và đã gọi nhưng lại bỏ đi, có lẽ một phần vị ngại dính vào các khâu phải cho lời khai, rườm rà, một phần sợ bị cướp dàn cảnh vì tâm lý chung của người Việt....", anh Nguyễn Tấn Đạt (người vẽ tranh cá 3D tại TP.HCM) nhìn nhận.
Theo anh Đạt: "Bức xúc ở đây theo mình, người dân chưa hiểu rõ về cách xử lý tình huống trên, chưa biết làm thế nào, còn về vô cảm, có lẽ không phải như thế. Nếu vụ việc xảy ra vào thời gian khác, hai nạn nhân sẽ được đưa đi cấp cứu kịp thời", anh Đạt nói.
Thế nhưng phần đông ý kiến lại bức xúc trước sự thờ ơ của nhiều người trước sự việc thương tâm này. "Thật sự không hiểu, đến cả người gây tai nạn là tài xế xe taxi cũng mở cửa bước xuống, vài giây dòm tới dòm lui rồi lại lên xe bỏ đi, mặc cho đôi bạn trẻ nằm bất động. Thử hỏi có còn tình người hay không? Rồi người đi qua đừng đổ lỗi là sợ bị vạ lây. Cứ sợ như thế thì nếu mình gặp hoạn nạn, ai cũng sợ vạ lây thì ai giúp mình. Cái chết của cô gái thật sự rất thương tâm, dù không biết là nếu có người cứu giúp kịp thời thì tính mạng cô gái có giữ được không. Nhưng dù sao không ra tay cứu giúp người khác cũng khiến mình quá đau lòng khi nghĩ đến sự thờ ơ của con người", Nguyễn Thị Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm, bức xúc nói.
Nguyễn Hoàng Dung, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế, thở dài chia sẻ: "Thật sự quá đau lòng, sao con người lại thờ ơ trước hoạn nạn của người khác. Điều này rất đáng báo động và phải đặt câu hỏi làm thế nào để con người có lòng tin vào cuộc sống, làm thế nào để sự thờ ơ kia không còn nữa. Chứ đọc những câu chuyện này thật sự rất đau lòng".
Khi nỗi sợ lấn át lòng tốt
"Đọc qua vụ việc là em rất buồn về sự thờ ơ, vô cảm trong cuộc sống này. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, những người dân này họ sợ vạ lây vì trước giờ có quá nhiều trường hợp dàn cảnh, hoặc thậm chí là có nhiều trường hợp vì hào hiệp cứu người mà mang họa vào thân. Con người dần vì nỗi sợ mà biến mình trở nên thờ ơ, vô cảm", Võ Hoài Nguyên, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ.
Còn Võ Cao Trí, Bí thư Đoàn phường Dĩ An (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thì nhìn nhận: "Với sự việc này thời gian và địa điểm cũng có ảnh hưởng đến tâm lý của người đi đường. Không những thế, mỗi ngày chúng ta đọc được quá nhiều về các vụ việc lừa đảo lợi dụng lòng tốt của người khác, nên từ đó dẫn đến những hành động thờ ơ".
Chàng trai cố bò ra đường cầu cứu CẮT TỪ CLIP
Thế nhưng, Cao Trí cũng thẳng thắn nhận định: "Nhưng qua sự việc này, thật sự đáng trách với sự vô cảm và sự thờ ơ của rất nhiều người. Đặc biệt là người gây ra tai nạn đã vô tâm bỏ đi mặc kệ tính mạng con người như thế. Trước kia đã có rất nhiều người lên án sự vô cảm nhưng càng ngày sự vô cảm càng gia tăng và mức độ thật sự khiến chúng ta đau lòng. Đây là lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Thật đáng buồn khi nỗi sợ hãi đã lấn át hết lòng tốt của nhiều người".
"Đừng nhìn vào nhiều câu chuyện, nhiều người nói mà tự tạo ra lớp vỏ, rào chắn về nghĩa cử giúp người. Bản thân mỗi người phải bản lĩnh để nhìn nhận, và lúc nào cũng ý thức là đặt chuyện giúp người lên trên, đặc biệt là những người đang nguy kịch về mạng sông. Và biết đâu sau này mình cũng gặp hoạn nạn sẽ được mọi người giúp đỡ lại, chứ không phải nhận về sự thờ ơ và vô cảm"
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An
Theo Cao Trí chúng ta cần nâng cao giáo dục cho con người đức tính không vô cảm, sống có trách nhiệm với nhau trong xã hội và can đảm trong tất cả vụ việc xảy ra dù đúng hay sai phải có trách nhiệm.
"Ngoài giáo dục từ ghế nhà trường, gia đình, cần phải có nhiều chương trình nêu gương người tốt việc tốt hơn nữa. Và cần tôn trọng nhưng người làm chứng, người làm việc tốt giúp người cứu người... cũng như phạt nặng những người có hành vi thờ ơ trước hoạn nạn của người khác", Cao Trí nói.
Đừng để những câu chuyện tiêu cực trở thành rào cản
Nhìn nhận về sự việc trên, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết qua cách hành xử của người lái xe taxi cho thấy anh ta là người xem thường mạng sống của người khác và không dám chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra. Rõ ràng, "thủ phạm" trong vụ tai nạn này là một công dân xem nhẹ pháp luật.
"Là một nhà nghiên cứu về tâm lý và giáo dục, tôi buồn cho những giá trị đạo đức và lối sống nhanh - gấp của không ít người ngày nay, đặc biệt là những người đi đường khi gặp hoạn nạn đáng lẽ ra phải giúp đỡ khi có thể. Tuy nhiên, mọi người lại tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước sự nguy kịch về tính mạng của người khác", anh An nhấn mạnh.
Cô gái trẻ nằm bất động giữa đêm gióng lên hồi chuông về sự thờ ơ trước hoạn nạn của người khác CẮT TỪ CLIP
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thờ ơ, vô cảm, tựu trung có 2 nguyên nhân chính. Bên ngoài do lối sống của thời đại số, nhiều giá trị ồ ạt du nhập mà chưa được gạn lọc, mạng xã hội tràn lan những chuyện tiêu cực khiến nhiều người vẫn còn suy nghĩ "sợ vạ lây", nhiều giá trị đạo đức xuống cấp... Bên trong do đặc điểm tâm sinh lý, nhân cách của cá nhân chi phối cách hành xử...
Về giải pháp để không còn sự thờ ơ trước hoạn nạn của người khác, anh An cho rằng thứ nhất là về phía giáo dục gia đình, phải dạy con ngay từ nhỏ về những cách ứng xử trong xã hội, cũng như lối sống không được vị kỷ. Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ ngay từ nhỏ.
Phải nhân rộng những câu chuyện tử tế, truyền thông phải rõ ràng về những giá trị đạo đức hay phản ánh những sai trái và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Và hơn ai hết là mỗi người nên tập cho mình lối sống biết quan tâm đến những thành viên trong gia đình, rồi từ đó quan tâm đến những người xa lạ. Thay vì khoảng thời gian ngồi lướt Facebook hay chơi game hãy tập bước ra ngoài cuộc sống để va chạm, hay học những lớp kỹ năng sống để biết ứng xử, giúp người trong hoàn cảnh như thế này....
"Và điều quan trọng hơn hết, từ sự việc cô gái trẻ nằm bất động sau tai nạn trước sự thờ ơ của nhiều người, mỗi cá nhân phải thể hiện bản lĩnh của mình, biết phân định cái nào đúng, cái nào sai. Đừng nhìn vào nhiều câu chuyện, nhiều người nói mà tự tạo ra lớp vỏ, rào chắn về nghĩa cử giúp người. Bản thân mỗi người phải bản lĩnh để nhìn nhận, và lúc nào cũng ý thức là đặt chuyện giúp người lên trên, đặc biệt là những người đang nguy kịch về mạng sông. Và biết đâu sau này mình cũng gặp hoạn nạn sẽ được mọi người giúp đỡ lại, chứ không phải nhận về sự thờ ơ và vô cảm", anh An gửi gắm.
Theo TNO
Vinasun lên tiếng vụ tài xế taxi bỏ mặc nạn nhân bị tai nạn nghiêm trọng Chiều 27/6, đại diện truyền thông taxi Vinasun của Công ty Ánh Dương xác nhận vụ tai nạn giữa xe taxi và xe máy xảy ra tại giao lộ Tân Hương với đường Võ Công Tồn, phường Tân Quý, quận Tân Phú, là taxi thuộc hãng này. Hiện trường xảy ra vụ tai nạn. Đại diện truyền thông của hãng taxi Vinasun cho...