Tài xế say xỉn gây tai nạn nghiêm trọng : Cần xử tội giết người
Gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, khung hình phạt cao nhất cho tài xế chiếc Mercedes tông chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên (Hà Nội) cũng chỉ 10 năm tù.
Cái chết thương tâm của nữ lao công ở Hà Nội khi bị một tài xế say xỉn tông trúng vào đêm 22/4 chưa kịp lắng xuống thì rạng sáng 1/5, một tài xế khác có “ nồng độ cồn vượt quá các ngưỡng xử phạt” lại đâm chết 2 người phụ nữ.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do tài xế sử dụng rượu bia khi lái xe. Nhiều người bức xúc, đề nghị xử lý thật nghiêm hành vi “không khác gì giết người này”.
Rượu bia làm thị lực giảm, phán đoán thiếu chuẩn xác
Trao đổi với Zing.vn, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) phân tích, việc sử dụng rượu bia ở nước ta đã thành thói quen, tập tục từ lâu đời. Và thông thường, người ta không ngồi nhà uống mà tụ tập ở một điểm nào đó nên mọi người đều đi phương tiện như ôtô, xe máy đến, rồi uống rượu bia xong lại điều khiển phương tiện về.
Hiện trường thương tâm vụ tài xế Mercedes lái xe sau khi uống rượu bia, đâm tử vong 2 người phụ nữ tại hầm Kim Liên. Ảnh: Otofun.
Phương tiện giao thông, đặc biệt ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ, nên theo đại tá Trần Sơn, sau khi sử dụng rượu bia lái xe rất nguy hiểm. Tài xế lúc này không làm chủ được tay lái, thị lực giảm, phán đoán điều khiển không chuẩn xác, dễ vi phạm giao thông và gây ra tai nạn.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhấn mạnh hành vi uống rượu rồi lái xe rất đáng lên án; đặc biệt khi hành vi ấy gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm tổn hại đến tính mạng, tài sản của những người tham gia giao thông khác.
Nhắc thực tế gần đây có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do tài xế sử dụng rượu bia gây bức xúc, ông Pha cho rằng việc đặt vấn đề tăng nặng hình phạt với tài xế uống rượu bia khi lái xe là cần thiết.
Ông đề nghị nghiên cứu đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế uống rượu bia rồi lái xe gây tai nạn chết người. Kèm theo các hình phạt chính như phạt tiền, phạt hình sự, theo ông Pha cần có thêm các hình phạt bổ sung khác, chẳng hạn lao động công ích.
Video đang HOT
Phân tích cụ thể hơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho biết trong Bộ luật Hình sự 2015 đã tăng mức hình phạt đối với vi phạm này. Xử lý hình sự và khởi tố người vi phạm đã là hình phạt nặng rồi, nhưng để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa thì cần có những hình phạt bổ sung.
Ví dụ, nghiên cứu tăng nặng trong hình phạt tước giấy phép lái xe.
Về đề xuất tước bằng vĩnh viễn với tài xế vi phạm, ông Xuyền cho rằng cần nghiên cứu kỹ để có tổng kết, đánh giá. Đồng thời, có tham khảo kinh nghiệm xử lý của các nước. Theo ông, phải thận trọng vì việc này liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
“Chúng ta phải nghiên cứu kỹ xem tước bằng thì nên tước thế nào, trong thời hạn bao lâu để phù hợp với từng mức độ vi phạm. Xử phạt cũng phải cho người ta một “lối thoát”, nếu không sẽ dễ tạo tâm lý bất bình”, ông Xuyền nói.
Uống rượu rồi lái xe gây chết người phải xử tội giết người
Trước vụ việc người đàn ông điều khiển Mercedes tông tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên sáng 1/5, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết dù gây hậu quả nghiêm trọng, có các tình tiết tăng nặng như sử dụng rượu bia, làm chết 2 người, bỏ chạy sau khi gây tai nạn… nhưng khung hình phạt cao nhất cho tài xế trong vụ này cũng chỉ 10 năm tù.
Hiện nay, hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn được quy định trong nhóm tội về giao thông, là lỗi vô ý nên khung hình phạt còn nhẹ.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Theo luật sư Thơm, phải xếp hành vi này vào nhóm tội cố ý. Vì pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
“Với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu gây thương tích từ 11% trở lên thì xử tội cố ý gây thương tích, gây ra chết người thì xử theo tội danh giết người. Như vậy mới đủ sức răn đe”, ông Thơm kiến nghị.
Trong trường hợp chưa gây tai nạn nhưng tài xế sử dụng rượu bia bị lực lượng tuần tra kiểm soát phát hiện, nếu nồng độ cồn ở mức cao và gây ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi ở mức nghiêm trọng thì có thể xem xét tước bằng trong một thời gian dài (hơn quy định của luật hiện nay), đồng thời tăng mức xử phạt hành chính.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết hiện chưa có quy định nào của pháp luật về việc tịch thu bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện hay cấm lái xe có thời hạn với những trường hợp sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn. Vì thế, cần phải sửa đổi các quy định để có chế tài nghiêm khắc hơn mới ngăn chặn được những sự việc đau lòng như vừa qua.
Ông cho rằng tước bằng lái vĩnh viễn cần nghiên cứu kỹ vì nó liên quan đến các quy định về quyền con người. Hơn nữa, pháp luật của ta mang tính nhân đạo, nếu người vi phạm thực sự hối lỗi thì vẫn có cơ hội làm lại.
Theo luật sư, một người sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng đã bị xử lý hình sự thì sau khi chấp hành xong án phạt, nếu muốn lái xe phải đi học lại luật giao thông và thi lấy bằng lái lại từ đầu.
Nếu tái phạm, ví dụ vi phạm từ 3 lần trở lên thì có thể tước bằng lái vĩnh viễn, cấm lái xe vì không có khả năng giáo dục, cải tạo được nữa.
Hàng loạt vụ tài xế say xỉn gây tai nạn chết người trong 1 tháng
Rạng sáng 1/5, Lê Trung Hiếu (39 tuổi, Hà Nội) điều khiển xe Mercedes GLA 250 màu trắng mang BKS 30F-154.78 sau khi uống rượu đã gây tai nạn làm 2 người chết ở hầm Kim Liên.
Trước đó, khuya 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, Hà Nội) điều khiển ôtô trong tình trạng say xỉn đã đâm hàng loạt phương tiện lưu thông trên đường rồi bỏ chạy. Hậu quả khiến chị Lê Thị Thu Hà (42 tuổi, Hà Nội), là lao công đang làm việc tử vong.
Chiều 11/4, trước nhà số 6 đường Nguyễn Công Trứ (TP Quy Nhơn) đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 6 người bị thương nặng. Tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi, TP Quy Nhơn) gây tai nạn được xác định có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Theo Zing
Tạm giữ hình sự lái xe Mercedes đâm hai phụ nữ tử vong
Cơ quan CSĐT công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự với tài xế Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn tại hầm Kim Liên làm 2 người phụ nữ tử vong.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: FB
Như tin đã đưa, khoảng 0h10h ngày 1/5 tại khu vực hầm Kim Liên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chiếc xe Mercedes màu trắng mang BKS 30F-154.78 do một nam tài xế điều khiển đã va chạm với xe máy của hai phụ nữ. Vụ việc khiến hai nạn nhân tử vong.
Sau tai nạn, tài xế ô tô Mercedes không dừng lại hiện trường mà bỏ chạy về hướng Đại Cồ Việt thì bị lực lượng cảnh sát bắt giữ.
Sáng nay 1/5, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính lái xe Mercedes mang BKS 30F-154.78 là Lã Trung Hiếu (SN 1980, ở Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).
Hai nạn nhân là Đinh Thị Hải Yến (SN 1976, ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trần Thị Quỳnh (SN 1976, ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo một nguồn tin của PV, bước đầu cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện lái xe có nồng độ cồn.
Được biết, bà Trần Thị Quỳnh hiện đang là giáo viên Tiểu học trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo lãnh đạo trường Tiểu học trường Tiểu học Thái Thịnh hiện ban giám hiệu nhà trường đã đến nhà nạn nhân Quỳnh để động viên, chia sẻ nỗi đau. Trong quá trình công tác, cô giáo Quỳnh có chuyên môn tốt, được đồng nghiệp và phụ huynh các em học sinh quý mến.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
THANH HÀ
Theo TPO
Kẻ hạ sát cô gái đi giao gà cho mẹ chiều 30 Tết đối diện mức án nào? Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, kẻ sát hại cô gái đi giao gà cho mẹ chiều 30 Tết sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Liên quan đến vụ việc tìm thấy thi thể cô gái mất tích khi đi giao gà cho mẹ chiều 30 Tết, ngày 7/2, cơ quan chức năng cho biết, nạn nhân...