Tài xế lạnh gáy khi qua hầm Hải Vân nứt nẻ
Cách cửa phía nam hầm đèo đường bộ Hải Vân khoảng 20 m xuất hiện hàng trăm vết nứt dọc ngang hai bên thành và đường vòm.
Nhiều tài xế cho hay, ngồi trong xe cũng có thể nhìn rõ vết nứt, và thật sự rất lo lắng khi đi qua hầm đèo. ” Chúng tôi lo ngại các vết nứt có thể dẫn đến hiểm họa”, các tài xế bày tỏ.
Trong báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ, Khu Quản lý Đường bộ V cũng khẳng định, sau thời gian khai thác (tháng 6/2005), hầm đường bộ đã xuất hiện một số hư hỏng kết cấu bê tông cốt thép, nứt dọc, nứt ngang trên vòm và thành hầm, gây thấm và dột nước xuống làn đường xe chạy.
Sau khi đi vào hoạt động (6/2005), hầm đèo Hải Vân xuất hiện nhiều vết nứt
Cụ thể, tại vòm hầm các vết nứt đang lan ra nhiều vị trí khác khiến nước thấm dột từ trên đỉnh vòm hầm. Vết nứt dài 1-7 m, rộng dưới 1 mm. Suốt chiều dài thành hầm có nhiều vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép, bề rộng 1-2 mm, dài 1-7 m, và lớn nhất là 12 m, sâu trên 5 mm.
Ông Phạm Quyết Thắng, giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Quốc Thắng (đơn vị từng sửa chữa chống thấm ở các vết nứt hầm Hải Vân) cho biết, năm 2011 đơn vị đã nhận sửa chữa 2 vị trí thấm trền vòm hầm bên trong hầm Hải Vân
nhưng các vết nứt hai bên thành hầm thì công ty không đảm nhận. Ông Thắng cũng cho hay, mức độ nứt trong hầm Hải Vân không tập trung mà nằm rải rác tại nhiều vị trí.
Theo tin tức từ ông Đỗ Huy Thành – trưởng phòng Quản lý giao thông (Khu quản lý đường bộ 5): “Hiện có trên 100 vết nứt và để để khắc phục phải lập dự án thuê tư vấn kiểm tra lại, còn vấn đề sửa chữa, khắc phục thế nào thì phải do tư vấn báo cáo”.
Video đang HOT
Ông Cao Bá Giang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) cho biết, công ty đang giám sát các vết nứt này hàng ngày bằng mắt thường và kiểm tra định kỳ bằng máy. “Từ ngày vận hành, hầm đường bộ đã xuất hiện các vết nứt và sau 7 năm không có sự cố nào. Tổng cục Đường bộ vào kiểm tra và nhận xét an toàn tuyệt đối”, ông Giang nói.
Ông Giang cũng cho hay, hầm đèo Hải Vân áp dụng công nghệ NATM của Áo bằng việc nổ mìn mở đường hầm và khi các phần tử đá ngừng dao động sau nổ mìn 120 ngày sẽ tạo thành kết cấu vòm hầm nguyên thủy từ đá suốt chiều dài của hầm.
Kết cấu này đã trở thành dạng cân bằng mới chứ không chịu lực trực tiếp từ khối núi Hải Vân phía trên. Vì vậy, lớp bê tông, nơi xuất hiện các vết nứt, chỉ là lớp áo bên ngoài giúp tạo hình dáng của hầm đường bộ.
Ông Phạm Quyết Thắng cũng cho rằng, việc nứt nẻ là một sự cố hết sức bình thường nhưng cần phải theo dõi và có sự đánh giá kỹ lưỡng, chính xác về mức độ để có hướng khắc phục kịp thời.
Theo tinmoi
Hầm đường bộ Hải Vân xuất hiện vết nứt
Hầm đường bộ Hải Vân đang xuất hiện ngày càng nhiều vết nứt trong khi Khu Quản lý đường bộ 5 cho biết biện pháp khắc phục hiệu quả không cao và phát sinh các vị trí khác.
Sáng 1.11, theo quan sát của Thanh Niên Online, tại hầm chính hầm đường bộ Hải Vân, khi đi vào hầm theo hướng TP.Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế chỉ khoảng vài chục mét đã thấy xuất hiện các vết nứt bên phải thành hầm.
Vào sâu thêm 100 mét, các vết nứt càng nhiều, chạy dọc hình chân chim, một số đoạn vết nứt kéo dài từ 5 - 7 mét.
Sau đó, vết nứt xuất hiện nhỏ lẻ, rải rác, phần trần hầm đoạn gần cửa miệng hầm phía Thừa Thiên-Huế cũng có một số vết nứt ngắn.
Theo báo cáo về tình trạng xuất hiện các vết nứt trên vòm và thành hầm đường bộ Hải Vân của Khu Quản lý đường bộ 5, sau khi hầm được bàn giao, khai thác từ tháng 6.2005 đã xuất hiện một số hư hỏng trên kết cấu bê tông cốt thép của hầm dạng nứt dọc, nứt ngang trên vòm và thành hầm.
Đối với các vết nứt trên đỉnh vòm hầm, các vết nứt ngang và dọc đường hầm đã xuất hiện ngay sau thời gian nhận bàn giao công trình, gây thấm và dột nước xuống mặt đường xe chạy.
Ban Quản lý dự án 85 đã cho các nhà thầu sửa chữa theo trách nhiệm bảo hành công trình. Hằng năm, Khu Quản lý đường bộ 5 cũng tiếp tục sửa chữa bằng biện pháp bơm keo cường độ cao vào các khe nứt nhưng hiệu quả không cao, các vết nứt phát sinh ở nhiều vị trí khác, nước vẫn thấm dột từ trên đỉnh vòm hầm.
Khu Quản lý đường bộ 5 cho biết hiện các vết nứt này đang có nguy cơ phát sinh và phát triển theo đa phương, kéo dài từ 1- 7 mét, bề rộng vết nứt dưới 1 mm.
Ngoài ra, trên suốt chiều dài đường hầm cũng xuất hiện nhiều vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép theo phương ngang, xiên và dọc, chiều dài vết nứt có đoạn đến 12 mét, độ rộng vết nứt từ 1-2 mm, độ sâu hơn 5mm.
Theo Khu Quản lí đường bộ 5, do điều kiện kiểm tra, quan sát bằng mắt thường hạn chế nên đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cử chuyên gia ngành kiểm tra cụ thể hiện trường để có biện pháp xử lí, sửa chữa kịp thời.
Được biết, hầm đường bộ Hải Vân được khởi công tháng 8.2000, thông xe kỹ thuật tháng 11.2003, khánh thành tháng 6.2005 với tổng vốn đầu tư trên 150 triệu USD từ nguồn vay của Nhật Bản.
Hầm dài gần 6,3 km, mặt cắt ngang hình vòm diện tích 89 m2, đáy vòm là mặt đường ô tô 2 làn xe (mỗi làn rộng 3,75 m và 1,25 m lề tránh xe).
Từ các vết nứt nhỏ...
... đến một đoạn thành hầm nứt vằn vện
Vết nứt kéo dài trong thành hầm bên phải hướng Đà Nẵng - Huế
Một đoạn thành hầm bị nứt kéo dài
Các vết nứt được vá chằng chịt nhưng không hiệu quả
Theo TNO
Tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính cho doanh nghiệp Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) phía Nam về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 4.10 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết sẽ có những kiến nghị lên Chính phủ nhằm...