Tài xế làm hỏng ô tô của khách, khách sạn phải đền
Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm là chủ xe và công ty bảo hiểm, khi người làm công của khách sạn làm hư chiếc xe thì bên thứ ba chính là khách sạn.
Số báo trước Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh vụ tài xế của khách sạn ở Cà Mau trong lúc di chuyển xe của khách vào nơi giữ xe đã đụng vào cột bê tông làm ô tô Mazda hư, thiệt hại 270 triệu đồng. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc công ty bảo hiểm hay chủ khách sạn phải chịu số tiền này. Người thì cho rằng tòa sơ thẩm tuyên công ty bảo hiểm phải chịu là có lý, người lại bảo cấp phúc thẩm xử phía khách sạn phải chịu là đúng.
Chúng tôi giới thiệu bài viết của ThS Từ Thanh Thảo ( giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) về vụ kiện hy hữu này.
Lỗi thuộc về tài xế khách sạn
Sau khi tham khảo hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, tôi cho rằng vấn đề mấu chốt trong vụ việc này là việc xác định tư cách người thứ ba trong quan hệ tranh chấp.
Khái niệm người thứ ba trong pháp luật nói chung và Luật Kinh doanh bảo hiểm nói riêng được hiểu là tất cả đối tượng không phải là một bên chủ thể của quan hệ hợp đồng. Trong vụ việc này, chủ thể của hợp đồng bảo hiểm là giữa chủ xe và Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành. Do đó, khi người làm công của khách sạn Hoàng Gia gây thiệt hại cho tài sản của chủ xe thì bên thứ ba chính là khách sạn Hoàng Gia.
Việc tài xế của khách sạn điều khiển xe của chủ xe vào nhà xe của khách sạn là thực hiện công việc do khách sạn giao chứ không phải là do chủ xe giao. Chủ xe giao chìa khóa cho tài xế của khách sạn xuất phát từ việc chủ xe là người đang lưu trú tại khách sạn nhằm để thực hiện hợp đồng lưu trú chứ không phải là trường hợp chủ xe cho phép tài xế có quyền quản lý, sử dụng chiếc xe.
Hành vi giao chìa khóa của chủ xe cho tài xế trong trường hợp này không phải là hành vi chuyển giao quyền quản lý, sử dụng tài sản nên không liên quan gì đến hợp đồng bảo hiểm. Chỉ khi nào chủ xe có hợp đồng giao xe cho tài xế của khách sạn chạy xe để phục vụ công việc riêng của chính chủ xe, khi đó nếu tài xế gây thiệt hại cho xe thì mới hoàn toàn thuộc trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm. Khi đó phía khách sạn mới không được xem là bên thứ ba trong tranh chấp.
Khách sạn Hoàng Gia nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: TRẦN VŨ
Video đang HOT
Ngoài ra, việc tài xế của khách sạn gây thiệt hại cho chủ xe không phụ thuộc vào việc tài xế ngồi trong xe hay hành vi tác động bên ngoài làm hư hỏng xe. Bởi vì bản chất và hậu quả là giống nhau, tức là đều gây thiệt hại cho chủ xe. Cạnh đó, việc tài xế có giấy phép lái xe hay chưa chỉ liên quan đến trách nhiệm hành chính theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chứ không liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 584 BLDS năm 2015, người có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại chỉ không phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Trong vụ việc này, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của tài xế là người làm công cho chủ khách sạn nên chủ khách sạn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 600 (bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra) của BLDS năm 2015.
Chủ khách sạn phải bồi hoàn tiền
Công ty bảo hiểm đã thực hiện việc bồi thường cho chủ xe là xuất phát từ quan hệ hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên. Còn việc chủ khách sạn bồi thường cho chủ xe là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của BLDS. Đây là hai quan hệ pháp luật khác nhau và không thay thế cho nhau. Bởi lẽ việc công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho chủ xe là hành vi gánh chịu thiệt hại thay cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên chứ công ty bảo hiểm không có trách nhiệm gánh chịu hậu quả thay cho người thứ ba.
Do vậy, việc công ty bảo hiểm bồi thường cho chủ xe không thay thế hay loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ khách sạn. Khi công ty bảo hiểm đã bồi thường thì chủ xe phải có trách nhiệm chuyển quyền cho công ty bảo hiểm yêu cầu người thứ ba là chủ khách sạn bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho công ty bảo hiểm theo quy định Điều 365 BLDS năm 2015; điểm e khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
Do đó, tôi cho rằng quan điểm xét xử của tòa án phúc thẩm trong vụ án này là phù hợp với các quy định của pháp luật.
Sửa xe hết 270 triệu đồng
Theo hồ sơ, cha con ông T. đến khách sạn Hoàng Gia, phường 5, TP Cà Mau thuê phòng, ông T. đưa chìa khóa ô tô năm chỗ hiệu Mazda (xe do con ông đứng tên) cho khách sạn để đưa vào nhà xe.
Trong lúc điều khiển xe ra vào nhà xe, tài xế của khách sạn đã vô ý đụng vào cột bê tông làm hư hỏng phần đầu xe. Chủ khách sạn đưa xe về TP.HCM sửa chữa và chấp nhận thêm một số chi phí khác khoảng 12 triệu đồng. Do có mua bảo hiểm thân xe nên chủ xe đã được Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành bồi thường toàn bộ chi phí sửa xe là 270 triệu đồng.
Công ty bảo hiểm khởi kiện buộc chủ khách sạn bồi thường lại khoản tiền này theo quy định về trách nhiệm bồi thường của người thứ ba (Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000). Tòa sơ thẩm cho rằng xe có mua bảo hiểm vật chất nên bảo hiểm phải “gánh” hết. Tòa phúc thẩm lại lập luận chủ khách sạn phải chịu vì tài xế của khách sạn làm hỏng xe thì không thể buộc công ty bảo hiểm chi trả phí này…
Án phúc thẩm đúng
TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM), LS Trịnh Công Minh và LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (cùng Đoàn LS TP.HCM) đều cho rằng cấp phúc thẩm buộc chủ khách sạn phải bồi thường cho công ty bảo hiểm hơn 270 triệu đồng là đúng. Bởi Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rõ về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn: Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Xe của con ông T. đứng tên bị hư hỏng là do tài xế của khách sạn gây ra. Khi chiếc xe được giao cho tài xế khách sạn để thực hiện việc cất giữ xe là thực hiện công việc do khách sạn giao cho tài xế. Tài sản là chiếc xe được chuyển giao từ chủ xe cho phía khách sạn và phát sinh hợp đồng gửi giữ nên khi xe bị hư hỏng thì khách sạn phải chịu trách nhiệm. Như vậy không thể cho rằng vì chủ xe mua bảo hiểm mà buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường.
NGÂN NGA ghi
ThS TỪ THANH THẢO
Theo PLO
Vụ hai mẹ con du khách tử vong: Phát hiện thêm 2 trường hợp tương tự
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm 2 trường hợp liên quan tại khách sạn này. Không chỉ gia đình anh Đặng Ngọc Vạn mà một số khách lưu trú tại khách sạn này cũng có biểu hiện tương tự.
Chiều 28/9, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức họp báo định kỳ. Tại đây, đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đã công bố những kết quả điều tra ban đầu liên quan đến vụ vợ con tử vong, chồng nguy kịch khi đi du lịch ở Đà Nẵng.
Trả lời tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Chính cho biết, đến nay, vụ việc này được đánh giá là vụ việc tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Đáng nói, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm 2 trường hợp liên quan tại khách sạn này. Không chỉ gia đình anh Đặng Ngọc Vạn mà một số khách lưu trú tại khách sạn này cũng có biểu hiện tương tự.
Công an Đà Nẵng thông tin thêm nhiều trường hợp có liên quan đến vụ du khách Nghệ An nghi bị nhiễm độc.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất, đó là cháu N.M.K. (4 tuổi) trú quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng và bà nội (trú TP.Hà Nội). Sau khi lưu trú ở khách sạn H, đến ngày 15/9, cháu K. và bà nội xuất hiện những triệu chứng đau bụng, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu. Sau đó, cháu K. đã tử vong, còn nội cháu được cứu sống.
Trường hợp thứ 2, đó là chị Phạm Thị Nhung (cán bộ viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cùng bạn trai là Đặng Bình Minh đến thuê phòng 202 khách sạn H để lưu trú. Ngày 15/9, đôi nam nữ này ăn bún tại một trung tâm thương mại tại quận Sơn Trà sau đó về khách sạn nghỉ ngơi. Đến 19h cùng ngày, cả 2 có biểu hiện choáng váng, nôn ói, mệt mỏi nên phải nhập viện cấp cứu và sau đó được điều trị qua khỏi.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, công an thành phố đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu giữ những mẫu vật để phục vụ giám định. Hiện nay các bộ phận đưa các mẫu vật đi giám định đang chờ kết quả.
Ông Chính cho biết, qua kiểm tra, trong tháng 8 vừa qua, khách sạn H trên có thuê một công ty phun thuốc diệt côn trùng, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ mẫu thuốc tiến hành giám định.
"Do việc điều tra phụ thuộc rất lớn vào kết quả giám định nên cơ quan chức năng đang đợi để thông báo sớm" - ông Chính cho hay.
Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng thông tin thêm, trong tháng 8, khách sạn Hilary có thuê một công ty (trụ sở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để phun thuốc diệt côn trùng. Công an TP đã tiến hành thu mẫu thuốc diệt côn trùng để giám định.
Trước đó, ngày 15/9, vợ chồng anh Đặng Ngọc Vạn (du khách đến từ Nghệ An) cùng con trai đến khách sạn H để lưu trú khi đi du lịch cùng một đoàn khách. Đến 6h30 ngày 16/9, khi đoàn khách đi cùng trả phòng rời khách sạn thì vợ chồng anh Vạn vẫn ở lại. 7h30 cùng ngày, anh Vạn gọi nhân viên lễ tân để nhờ đưa xe cấp cứu tới. Lúc lễ tân gọi taxi lên phòng thì thấy anh Vạn mệt mỏi, vợ anh Vạn ngất xỉu còn bé trai thì hét to.
Khi đến Bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu, bé trai 4 tuổi con anh Vạn đã tử vong, người vợ sau 2 giờ điều trị cũng tử vong còn anh Vạn được chuyển viện.
Huy An (TH)
Theo phapluatnet
Diễn biến mới nhất vụ 3 người tử vong cùng khách sạn ở Đà Nẵng Phó Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, đại tá Nguyễn Văn Chính đã cung cấp thông tin mới nhất về vụ 3 du khách tử vong khi đi du lịch tại Đà Nẵng. Tại buổi họp báo quý III/2018 vào chiều nay (28.9), đại tá Nguyễn Văn Chính đã công bố nhiều thông tin liên quan đến các vụ nghi ngộ độc nghiêm...