Tài xế làm chết nhiều người: Tội to, phạt nhẹ?
Hàng loạt vụ tai nạn giao thông gây hậu quả thảm khốc xuất phát từ lỗi lái xe không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, các phiên tòa xét xử bị cáo cho thấy, khung hình phạt cao nhất 15 năm tù trước sự hối hận muộn màng của tài xế không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.
Vụ lái xe mất lái, lao lên vỉa hè, cán chết cùng lúc 7 người (phần lớn là trẻ em) ở huyện Núi Thành, Quảng Nam một lần nữa cảnh báo đỏ về tình trạng lái xe không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Tại cơ quan Công an, lái xe Lâm Xuân Đông (35 tuổi) trú tại thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, Quảng Nam, khai do đi đường xa nên ngủ gật trong khi lái. Tuy nhiên, sự hối hận của tài xế 35 tuổi này đã quá muộn.
Nhìn lại các vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, để xe mất lái (ngủ gật, nổ lốp, đạp nhầm chân phanh sang chân ga…) gây tai nạn thảm khốc, cho thấy việc xử lý các tài xế và chủ xe vi phạm còn nhiều nghịch lý. Điều 202, BLHS “tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Vụ xe khách rơi xuống cầu Serepoc gây hậu quả thảm khốc nhất trong nhiều năm qua (34 người chết).
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tăng nặng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, như: không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia; không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Căn cứ Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì: Gây hậu quả nghiêm trọng là làm chết một người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%; gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng…
Video đang HOT
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ, khoản 2 Điều 202 BLHS (phạt tù từ 3 đến 10 năm): làm chết hai người; làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này; gây tổn hại cho sức khỏe của 3 đến 4 người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên…
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, Điều 202 BLHS (đến 15 năm tù): làm chết 3 người trở lên; làm chết hai người và còn gây hậu quả bị thương nhiều người khác; gây tổn hại cho sức khỏe của 5 người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên…
Như vậy, theo quy định tại Điều 202 BLHS thì tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù, bất kể hành vi vi phạm nghiêm trọng đến đâu.
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc do lỗi của lái xe do không làm chủ tốc độ, đi vào đường nguy hiểm, bất chấp hiệu lệnh giao thông đường bộ. Nhiều trường hợp lái xe quá giờ, ngủ gật. Khi hậu quả xảy ra, lái xe tỏ rõ sự ăn năn, hối lỗi và cùng chủ xe đền bù vật chất cho gia đình bị hại, nhưng rõ ràng hậu quả họ gây ra không gì bù đắp. Mặc dù vậy, đa phần đều cho rằng mình vô ý, như do chủ quan vì cẩu thả, vì tự tin, hoặc vì quá sức nên ngủ gật… Mọi biện minh đều quá muộn, nhưng hậu quả hàng chục người chết thì đổ lỗi thế nào? Khung hình phạt cao nhất cho tội danh này chỉ 15 năm tù và chỉ một số bị cáo mới phải nhận mức kịch khung đó là không đủ sức răn đe.
Như vụ Trần Văn Trường lái xe đi vào vùng ngập lụt ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh làm lũ cuốn trôi xe, 19 người chết, nhưng TAND Hà Tĩnh cũng chỉ xử phạt Trường 7 năm tù – mức thấp nhất của khung hình phạt. Còn ngày 20-7 vừa rồi, TAND TP Hồ Chí Minh xử tài xế Nguyễn Vũ Thông gây tai nạn trên dốc cầu Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1 làm chết 4 người, hư hỏng 3 ôtô, thiệt hại 660 triệu đồng. Thông nhận mức án 11 năm tù, dù lỗi của bị cáo là uống rượu say rồi điều khiển xe “điên”
Theo CAND
Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm: Phạt nhẹ, tác dụng ngược!
Sự việc ca sĩ Thu Minh mặc hở, phản cảm chỉ bị phạt 3,5 triệu đồng dấy lên dư luận bất bình, vì dường như nghệ sĩ ở ta quá được nuông chiều và coi thường khán giả. Không chỉ vậy, trào lưu vận trang phục trong suốt đang được đẩy đi quá đà trong giới nghệ sĩ.
Thu Minh gần như gắn mác với "tên hiệu" sexy từ trước đến nay, nên mặc dù từng vài lần nhận "danh hiệu" nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, dường như cô vẫn không sợ bị khán giả phản ứng. Chương trình "Ngàn sao hội tụ" ngày 20.4, do Cty Thanh Thảo Production tổ chức, lại không qua phúc khảo, vì đã tổ chức theo thông lệ mỗi tháng một lần. Chính vì thế, mà Thu Minh được dịp thách thức dư luận bằng bộ trang phục khoe da thịt.
Trang phục phản cảm của một số nghệ sĩ . Ảnh: T.L
Điều lạ là khi xử phạt, Thanh tra Sở VHTTDL TPHCM lại bỏ qua đơn vị tổ chức biểu diễn. Ngược lại, trước đây, một vụ việc tương tự là trường hợp ca sĩ Minh Hằng mặc quần ren phản cảm trên sân khấu "Đêm mỹ nhân" ở Quảng Bình, lại né được phạt, trong khi đơn vị tổ chức lại bị phạt 3,5 triệu đồng.
Nếu mở báo mạng hằng ngày, người đọc sẽ phát ngột vì tình trạng "sao" Việt khoe thân, diện đồ... "xuyên thấu" như một hội chứng bệnh hoạn. Không chỉ đơn thuần là sự cố trên sàn catwalk, hay sân khấu ca nhạc, hiện tượng ăn mặc phản cảm, hở hang hầu như diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Trước đây, cũng có rất nhiều nghệ sĩ bị phạt vì ăn mặc hở hang như người mẫu Thái Hà (bị phạt 5 triệu đồng), người mẫu Hà Anh và Bebe Phạm (bị phạt 11 triệu đồng). Thế nhưng, việc xử phạt không ăn thua gì, khi thời trang trong suốt, cùng các loại "thảm họa" thời trang khác vẫn tràn ngập trên sân khấu và trên
"thảm đỏ".
Hầu như không nghệ sĩ nào sợ mức phạt nhẹ tênh này. Vì thế, nhiều người chấp nhận nộp phạt, nhưng từ đó có cớ để nổi tiếng. Điều kỳ lạ hơn là đã ăn mặc hở hang khó chấp nhận, nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu lại đổ tội cho giới truyền thông là... lan truyền những bức hình phản cảm ấy. Về mặt này, truyền thông cũng có phần đáng bị chỉ trích, nhưng ở đây, trước tiên phải là trách nhiệm của nghệ sĩ trước hình ảnh của mình.
Khán giả màn ảnh nhỏ chưa quên trong đêm "Bước nhảy hoàn vũ" được truyền hình trực tiếp gần đây, họ đã phải há hốc... trước hình ảnh mặc áo voan mỏng trong suốt của giám khảo Khánh Thi. Nhưng hình như chủ nhân không hề bận tâm. Hay các nghệ sĩ khác trong chương trình này cũng thoải mái khoe những động tác kỳ quái, khiến bộ trang phục hầu như không còn cần thiết.
Hàng loạt các sự kiện quảng cáo, tiệc tùng... được tổ chức cũng là dịp để ca sĩ, người mẫu, diễn viên khoe thân lộ liễu. Hết Ngọc Quyên, Trang Trần, Chung Thục Quyên... lại đến Ngọc Trinh, Trà Ngọc Hằng, Thủy Tiên, Mai Khôi... với những scandal trang phục hở hang. Dường như việc xử phạt của đơn vị quản lý các cấp không ảnh hưởng gì đến quan niệm ăn mặc "phô là chính" của nhiều người trong giới nghệ sĩ.
Về phía nhà quản lý, mức phạt đối với ca sĩ Thu Minh đã được xem xét, áp theo các quy định, điều lệ hiện hành, chứ không phải muốn phạt bao nhiêu thì phạt. Chính những ràng buộc trong những quy định còn thiếu chặt chẽ, nên việc phạt hành chính chỉ là làm cho có mà thôi. Nhìn chung, khung xử phạt hành chính quy định cho các hành vi, như: Thêm bớt lời ca, tự tiện thay đổi trang phục, trang phục biểu diễn phản cảm... chỉ ở mức từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Theo nhiều ý kiến, phạt nhẹ quá thì đôi khi lại có tác dụng ngược. Tốt nhất là quản lý bằng cách đầu tiên là cảnh cáo, sau mới đến tạm ngừng cấp phép biểu diễn đối với cá nhân, đơn vị tổ chức một thời gian. Nhưng điều này, xem ra khá khó thực hiện ở nhiều phía.
Theo Lao Động