Tài xế lại mua vé bằng tiền lẻ, trạm thu phí Bến Thủy đành mở cửa miễn phí
Hôm nay, hàng chục tài xế huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại dùng tiền lẻ mua vé qua trạm Bến Thủy 1 nhằm phản đối việc thu phí BOT. Để tránh ách tắc, nhà đầu tư mở cửa barie cả 3 làn xe mà không bán vé.
Ngày 9.4, khoảng 100 tài xế trú huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP Vinh (Nghệ An) đỗ ôtô dọc đê sông Lam để ký đơn khiếu nại gửi Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ và chính quyền Hà Tĩnh về việc trả lệ phí từ 40.000 đến 55.000 đồng đối với ôtô khi qua cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2.
Một người được cử ra tiếp nhận phản ánh, lấy chữ ký của tất cả tài xế. Trong đơn khiếu nại, họ trình bày cung đường từ huyện Nghi Xuân sang TP Vinh qua cầu Bến Thủy 1 không sử dụng một mét đường BOT. Cầu Bến Thủy 1 được xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và đã hoàn vốn, hết thời gian thu phí.
“Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thu sai của người dân khoản phí trên, gây thiệt hại không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của huyện Nghi Xuân. Chúng tôi yêu cầu Cienco 4 di dời trạm thu phí Bến Thủy 1 đến đúng nơi cần thu phí hoặc bỏ khoản phí trên”, nhóm tài xế viết.
Khoảng 100 ôtô tập trung dọc đê sông Lam để đi qua cầu Bến Thủy phản đối thu phí. Ảnh: Đức Hùng
10h cùng ngày, khoảng 100 tài xế lái ôtô dùng tiền lẻ mệnh giá thấp để mua vé trị giá 40.000 đồng một lượt qua cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2. Nhiều tài xế chuẩn bị tiền lẻ 200, 500 và 1.000 đồng buộc dây chun, hoặc vo tròn rồi bỏ vào túi nylon trước khi đưa cho nhân viên soát vé.
Đơn vị thu phí ở trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tăng cường hàng chục nhân viên ở cả 6 quầy chia nhau kiểm đếm. Tới khi thu phí được khoảng 30 ôtô thì dòng xe nối đuôi ùn tắc kéo dài khoảng 2 km. Khi thấy một tài xế đưa bọc tiền lẻ, nhân viên trạm Bến Thủy 1 đã không đếm tiền nữa, đưa thẳng vé cho tài xế.
Video đang HOT
Đưa tiền lẻ song không được nhận, tài xế bức xúc cầm vé rồi vứt nhiều tờ tiền lẻ xuống đường.
Tài xế ký đơn kiến nghị tập thể gửi nhà chức trách. Ảnh: Đức Hùng
“Nguyện vọng lâu dài của chúng tôi là bỏ trạm thu phí, còn trước mắt thì phải bỏ thu phí cho bà con hai đầu cầu và các vùng phụ cận. Bỏ chứ không phải miễn, bởi nếu miễn có nghĩa là có nghĩa vụ trả phí. Chúng tôi không sử dụng dịch vụ do Ciecon 4 cung cấp nên không có lý do gì phải trả”, anh Lê Xuân Hải (45, trú huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nói.
Khi thấy ùn tắc kéo dài, trạm thu phí Bến Thủy 1 đã không thu phí nữa mà mở barie cho tất cả ôtô đi qua. Đoàn xe của nhóm tài xế sau đó đi vòng lại Cầu Bến Thủy 2 rồi trở về. Nhiều cảnh sát giao thông của công an TP Vinh và huyện Nghi Xuân đã túc trực điều tiết. Khoảng 12h tình hình ùn tắc đã hết.
Thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó trưởng công an TP Vinh cho biết, việc người dân vứt tiền lẻ giữa đường là sai, đơn vị đã cho ghi hình, làm hồ sơ ban đầu để xử lý.
Một tài xế bức xúc ném nhiều tờ tiền lẻ xuống đường khi nhân viên thu phí đưa vé mà không đếm tiền. Ảnh: Hải Bình.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết việc mở barie để ưu tiên giải phóng ách tắc, số lượng xe không thu phí không nhiều, vài chục chiếc. “Mở barie không chỉ giải phóng cho những người đang phản đối, mà còn để xe không tham gia phản đối được di chuyển”, ông Huỳnh nói. Trước việc hàng trăm tài xế gửi đơn kiến nghị, Cienco 4 sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.
Từ đầu tháng 12.2016 đến nay, hàng chục lần tài xế tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) căng băng rôn, dàn ôtô gây ách tắc tại cầu Bến Thuỷ 1 và 2 để phản đối việc phải nộp phí dù không đi trên đường BOT.
Đáp lại động thái này, ngày 3.4, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản thông báo giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (Nghệ An), cho phương tiện của người dân sống gần cầu, song vẫn không được đồng tình.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Giao thông phối hợp với nhà đầu tư và chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm sự việc, không để tình trạng người dân tụ tập gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, báo cáo Thủ tướng trước 10/4.
Theo Đức Hùng – Hải Bình (VNE)
Phó Giám đốc Sở GTVT: "Cấm xe máy không phân biệt ngoại tỉnh"
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định thành phố Hà Nội sẽ xem xét việc hạn chế xe máy nói chung, không riêng xe biển số ngoại tỉnh.
Giao thông Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông, người dân có ý kiến trái chiều về nội dung dự thảo cấm xe máy ngoại tỉnh từ năm 2020.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố" mới chỉ là dự thảo sơ bộ. Hiện tại, Sở GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội. Đây cũng chưa phải là đề xuất chính thức.
"Chúng tôi sẽ xem xét việc hạn chế xe máy nói chung, không riêng xe biển số ngoại tỉnh. Khi đã cấm là cấm triệt để tất cả, chứ không có chuyện phân biệt", ông Quang nói.
Ông Quang cho biết, nếu thực hiện, Hà Nội sẽ lựa chọn các tuyến đường có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải công cộng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Việc thực hiện phải đáp ứng được các tiêu chí mới và phải có lộ trình cụ thể để cho người dân biết.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia có nhiều nghiên cứu, khảo sát về giao thông Hà Nội cho rằng, việc xây dựng đề án giảm ùn tắc giao thông lúc này là cần thiết. Ông Thủy ủng hộ việc xây dựng đề án.
Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng, nếu Hà Nội thực hiện việc dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hằng ngày thì không hợp lý. "Cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội thành là không công bằng, phân biệt vùng miền", ông Thủy nói.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, người soạn thảo đề án cần cân nhắc bỏ cụm từ cấm xe ngoại tỉnh đi.
"Hà Nội nên đưa ra các giải pháp, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức tự rời bỏ phương tiện cá nhân thay vì cấm. Các giải pháp ở đây bao gồm việc phát triển đường sắt độ thị; tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng; xây dựng hạ tầng...", ông Liên nói.
Theo nội dung đề án trước đó, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hằng ngày. Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...) Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
Hà Nội sẽ hết tắc đường vào năm 2030? Theo đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì GTVT trong những năm tới là phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông cho thủ đô. Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích 3.344km, với 16.132km đường bộ, 400km đường thủy, chưa có đường sắt đô thị mà...