Tài trợ thể thao: Hàn Quốc tranh thủ Triều Tiên “thoát” Trung?
Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ sẽ chi một khoản tiền “vừa đủ” để tài trợ kinh phí cho đoàn vận động viên của Triều Tiên tham dự ASIAD 17
Hành động lịch thiệp của Nam Triều
Ngày 2/9/2014, một số tờ báo của Hàn Quốc đưa tin Seoul đang lên kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí cho đoàn thể thao của Triều Tiên khi tham gia ASIAD 17 được tổ chức tại thành phố Incheon của Hàn Quốc từ 19/9 đến 4/10/2014.
Một số quan chức của Hàn Quốc cho biết Triều Tiên không có ý kiến gì về số tiền được tài trợ. Seoul cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ tài chính này sẽ không ảnh hưởng gì đến các thông lệ trong mối quan hệ Liên Triều.
“Số tiền tài trợ không phải là toàn bộ, nhưng sẽ là một sự hỗ trợ rất lớn tới đoàn Triều Tiên để đảm bảo thành tích tốt nhất cho các vận động viên khi không phải lo ngại về vấn đề kinh phí. Có tổng cộng 273 vận động viên và quan chức Triều Tiên sẽ tới tham dự” – một quan chức của Hàn Quốc giấu tên cho biết.
Sân vận động chính của ASIAD 17 tại Incheon, Hàn Quốc
Video đang HOT
Trước đó, Triều Tiên đã có ý định hủy tham dự ASIAD 17 với lý do căng thẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kinh tế mới là vấn đề của đoàn vận động viên này chứ không phải chính trị. Đồng thời, hành động của Hàn Quốc đã cho thấy một sự lịch thiệp và thiện chí cần thiết trong việc làm giảm căng thẳng vấn đề của bán đảo Triều Tiên.
Bởi chỉ cách tuyên bố của các quan chức Hàn Quốc về việc tài trợ kinh phí một ngày, ngày 1/9, Triều Tiên đã bắn một tên lửa tầm ngắn ra vùng biển ngoài khơi phía Đông nước này (biển Nhật Bản). Được biết tên lửa này có tầm bắn khoảng 220km. Ba tuần trước, Triều Tiên cũng đã bắn 5 quả tên lửa tầm ngắn ra vùng biển này.
Hàn Quốc có tranh thủ Triều Tiên thoát Trung?
Thực tế cho thấy, mối quan hệ liên Triều dù còn nhiều căng thẳng nhưng từ thời điểm ông Kim Jong-Un lên nắm quyền, ngoài những cuộc tập trận tên lửa, pháo binh, hay những chỉ trích đầy gây hấn là bề nổi, thì thực tế, mối quan hệ giữa hai miền đã có những sự cải thiện đáng kể.
Đáng chú ý nhất trong diễn biến này là việc ngày 14/8/2014, Triều Tiên đã lên tiếng kêu gọi Hàn Quốc gỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, ngừng các cuộc tập trận với Mỹ, yêu cầu Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên… và hai miền sẽ bước sang một trang sử mới cho quan hệ liên Triều.
Tất nhiên điều này mâu thuẫn nghiêm trọng tới lợi ích Mỹ và an ninh Hàn Quốc, nhưng dù sao, Bình Nhưỡng đã có sự mở lời và đây là cái giá cho một nền hòa bình lâu dài, thậm chí là tương lai cho thống nhất. Dù nó chưa thể xảy ra trong hiện tại, nhưng chắc chắn, Seoul sẽ xem xét sự thực lòng của Bình Nhưỡng.
Quân đội Triều Tiên bắn rocket
Phải nói rằng để mối quan hệ liên Triều cải thiện được như vậy cần nhờ đến công lao của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Dù khó tin nhưng đó là sự thật, bởi chính nhà lãnh đạo này đang theo đuổi chính sách “thoát Trung” và đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại.
Triều Tiên đã có một loạt các biện pháp nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc và đòi thêm quyền lợi cho mình như tăng thuế xuất khẩu tài nguyên, thuế môi trường… Sản lượng ngũ cốc Triều Tiên nhập khẩu từ Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu được Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc công bố hôm 30/7, Triều Tiên nhập 58.387 tấn ngũ cốc từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014, giảm 53% so với con số 124.228 tấn được ghi nhận cùng kỳ năm 2013.
Thậm chí, Triều Tiên còn đầu tư gia tăng sức mạnh cho quân đoàn số 12 từ năm 2010, có nhiệm vụ giám sát và ứng phó với mọi diễn biến bất thường từ Trung Quốc. Ông Kim Jong-un cũng quyết định thay đổi hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành trên tờ tiền của Triều Tiên với quyết tâm thoát khỏi bóng cây đa cây đề của ông cha.
Việc thanh trừng người chú quyền lực Jang Song-thaek cũng là một trong những minh chứng rõ nhất chính trị của Triều Tiên đã không cần tới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận của quân đội
Đồng thời, Bình Nhưỡng mở rộng những mối quan hệ của mình không ngừng. Tiêu biểu vào tháng 8/2014, Nhật Bản đã xóa bỏ một số lệnh cấm vận đơn phương lên Triều Tiên.
“Sân sau” của Trung Quốc tại Đông Bắc Á ngày càng bất ổn với một Kim Jong-un khó lường. Nhà lãnh đạo này vẫn lệnh cho quân đội tập trận, vẫn thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân, nhưng cũng không ngừng kêu gọi những sự hỗ trợ từ bên ngoài, thậm chí là các quốc gia mang tính “thâm thù” như Nhật Bản.
Dường như nhà lãnh đạo của miền Bắc đang theo đuổi chính sách tự lực tự cường một cách đầy quyết liệt. Vũ khí hạt nhân chính là át chủ bài để Triều Tiên tự chủ, song song với những tuyên bố cứng rắn để bảo vệ thể chế chính trị. Còn tự cường, có lẽ Bình Nhưỡng đã mất lòng tin vào Bắc Kinh và tìm kiếm sự đa phương hóa.
Chiến lược này của ông Kim Jong-un đã để mở ra cơ hội cho tương lai hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên. Và có lẽ Hàn Quốc sẽ tận dụng thời cơ ấy để từng bước một giành được niềm tin. Dù sao họ cũng là những người đồng bào, và sẽ chẳng bên nào muốn chiến tranh.
Theo Đất Việt