“Tái sinh” rau củ từ những phần bỏ đi bằng cách trồng đơn giản này
Đừng vội bỏ đi những phần rau củ thừa sau khi nấu ăn vì một số loại thảo mộc và rau củ chúng ta sử dụng trong nhà bếp thực sự có thể tái sinh lại để dùng tiếp.
Giữa bối cảnh thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng, mỗi lần đi chợ là mỗi lần các bà nội trợ đau đầu tính toán giá cả, cân đo đong đếm hàm lượng dinh dưỡng và cả độc tố, hóa chất tiềm ẩn trong những thực phẩm bóng bẩy, tươi ngon bắt mắt ngoài kia.
Tâm lí của chị em nội trợ luôn rất thích việc tự trồng những loại rau củ ngay tại nhà để vừa tiết kiệm vừa đảm bảo an toàn cho cả nhà. Đặc biệt, nhiều chị em đang truyền tai nhau cách trồng rau củ từ những phần bỏ đi sau khi chế biến vô cùng đơn giản, lại đạt hiệu quả cao.
Dưới đây là cách trồng húng quế, cà rốt, hành lá và rau xà lách từ những phần còn thừa sau khi đã chế biến, chị em nội trợ nào cũng có thể thực hiện.
Cách trồng rau củ từ phần thừa bỏ đi sau khi nấu ăn
Sử dụng phương pháp tương tự như với cần tây, ngâm gốc cây trong nước cho đến khi lá non nhú lên, sau đó đem cây trồng ra đất và gia đình bạn có thể ăn quanh năm suốt tháng.
Húng quế
Để trồng loại rau thơm này, chị em chỉ cần chừa lại vài nhánh rau, bỏ bớt phần lá trên thân và ngâm vào một cốc nước cho đến khi ra rễ.
Sau khoảng 3 – 4 ngày, rễ đã ra dài, bạn hãy đem chúng trồng vào chậu đất ẩm và cung cấp đủ nước và ánh sáng để cây phát triển nhanh chóng.
Tỏi
Tự mình trồng tỏi rất dễ! Bạn thậm chí có thể trồng nó trong nhà. Để trồng tỏi trong nhà, hãy chuẩn bị một cái chậu đổ đầy đất, đặt 3 hay 4 củ tỏi vào và đặt chúng trên mép cửa sổ đầy nắng. Tưới nước nhẹ. Các mầm tỏi xanh sẽ phát triển chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày.
Video đang HOT
Cà rốt
Hãy giữ lại đầu cà rốt mà bạn thường cắt và ném đi. Đặt chúng trong một cái đĩa nông, mặt cắt úp xuống dưới. Thêm nước ngập một nửa đầu cà rốt. Đặt đĩa trên mép cửa sổ, để hứng ánh sáng. Trong những ngày sau, ngọn cà rốt sẽ hấp thụ nước để giữ cho chúng khỏi bị khô. Sau 1 hay 2 tuần, ngọn cà rốt sẽ bắt đầu nảy mầm.
Rau diếp
Giống như cải chíp, rau diếp có thể tái trồng bằng cách ngâm ngập 1/2 phần gốc của chúng trong một bát nước. Sau khi rau diếp mọc lá non, bạn có thể chuyển chúng sang chậu đất và để chúng tự lớn trong điều kiện thoáng mát, đủ ánh sáng.
Sả
Phần dưới cùng của cây sả không được sử dụng trong nấu ăn vì thế thường bị bỏ đi. Tuy nhiên, nếu đặt chúng trong một ly nước, bạn có thể làm chúng mọc một lần nữa trong thời gian khoảng 3, 4 tuần. Chọn những cây còn sức sống và thay nước trong ly mỗi vài ngày. Trong vài tuần hoặc lâu hơn, nhưng gốc xả sẽ mọc rễ.
Ngay sau khi những cây sả mọc rễ vững chắc, hãy chuyển chúng đến một vị trí đầy nắng.
Hành tây
Bạn có thể trồng hành tây bằng cách cắt phần sát rễ của nó và trồng nó trong đất. Cắt bỏ phần đế cùng với tất cả rễ cây vẫn còn nguyên vẹn. Phần đế nên để lại càng nhiều càng tốt. Để chúng khô một vài ngày trong một vùng râm mát, thoáng gió trước khi trồng. Nếu cảm thấy đã khô, thì bạn có thể trồng chúng.
Trong hậu, hãy đổ vào 2/3 phân hữu cơ. Tạo một khoảng không ở giữa để đặt hành tây, điều này giúp tiếp xúc đất tốt hơn. Đặt phần đế của hành tây vào vết lõm và phủ đất lên. Tưới nước khi cần thiết.
Ngay khi gốc hành tây nảy mầm một vài lá, hãy lấy nó ra khỏi chậu. Loại bỏ những vảy hành cũ và cắt đế hành thành nhiều phần nhỏ hơn, do đó bạn có thể trồng thành nhiều cây hơn từ một đế củ hành duy nhất. Hãy chắc rằng phần đế hành tây bạn cắt có rễ kèm theo. Trồng những phần đã cắt này trong đất.
Cắt bớt 1/3 độ dài lá để cho củ có thể phát triển tốt hơn.
Rau xà lách
Thay vì vứt gốc rau xà lách đi, bạn hãy đặt chúng trong một thùng chứa khoảng 4 cm nước. Vị trí thùng này nên đặt gần cửa sổ, nên kiểm tra mức nước hằng ngày để thêm nước khi cần thiết. Và sau đó các gốc cây bắt đầu mọc lại.
Cần tây
Cần tây hữu cơ khá hiếm, vì vậy nếu muốn chế độ ăn của bạn không có thuốc trừ sâu, hãy bắt đầu trồng cần tây ở nhà ngay bây giờ. Đặt phần gốc của cây cần tây trong một bát nước nhỏ và để đó trong 3 đến 4 ngày. Đặt gần cửa sổ để cần tây có thể nhận được ánh nắng mặt trời. Khi nó bắt đầu đâm chồi, chuyển sang một chậu đầy đất. Sau một tuần tưới nước, bạn có thể thưởng thức cần tây hữu cơ có vị rất riêng của bạn!
Hành lá
Hành lá một trong những loại gia vị không thể thiếu trong hầu hết các món ăn của người Việt. Các chị em nội trợ hoàn toàn có thể tự tay trồng hành lá tại nhà với với cách làm đơn giản này.
Bạn chỉ cần ngâm phần gốc hành dài khoảng 3 – 4 cm vào ly nước ấm và để ở nơi có đủ ánh sáng. Sau khoảng 5 – 7 ngày, bạn chuyển chúng sang chậu đất và để hành mọc tự nhiên.
Chúc bạn thành công với cách tận dụng những phần rau củ bỏ đi để trồng cây ở trên.
Theo www.phunutoday.vn
Hiểm họa quà vặt trước cổng trường
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm gây ra chủ yếu do bất cẩn của HS khi ăn quà vặt như kẹo, chè, trà sữa... ở cổng trường.
Nạn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc là nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn hiện hữu hằng ngày, hằng giờ ngay trước các cổng trường học trên địa bàn TPHCM.
Lập "chợ" trước cổng trường
Ngay đoạn đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10), giáp ranh với quận 5, giao lộ có nhiều trường học, nhất là vào giờ sáng và giờ tan học, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe lưu động, gánh hàng rong bày bán đủ các món ăn nhanh: Cơm; bánh mỳ; nước ngọt; bánh tráng, bắp rang bơ, kẹo bông, thịt xiên nướng, xúc xích nướng... thường xuyên đổ bộ, án ngữ ngay trước cổng trường, thậm chí "họp chợ" ngay giữa lòng đường.
Theo quan sát của chúng tôi, đặc điểm chung của các thực phẩm bày bán ở đây là đều được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi, và nguyên liệu thì có khi đến người bán cũng không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, những món ăn 3 không (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) vẫn cuốn hút học sinh - sinh viên (HS-SV) và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của thế hệ tương lai.
Mỗi giờ tan học là thời điểm những quán hàng nằm sát cổng trường hay những gánh hàng rong xung quanh bắt đầu hoạt động náo nhiệt. Chủ một quầy hàng nhỏ ở khu vực này cho biết, HS-SV ở đây rất thích ăn bánh tráng trộn... Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các gói quà vặt có màu sắc bắt mắt với giá chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, đa số đều không rõ nguồn gốc...
Tại khu vực cổng Trường THPT An Đông (quận 5) vào giờ tan trường, đủ kiểu quán hàng di động: Thịt nướng, xúc xích, bột chiện, thịt nướng... "mọc lên như nấm". Xen kẽ là những quán nước mà chủ quán dùng bàn tay lem luốc không đảm bảo vệ sinh bốc đá cho vào cốc nhựa... Cùng với đó, các loại bò bía, trái cây, bánh bột lọc, cá viên chiên... được chủ hàng đựng trong các khay nhựa để phơi nắng bám bụi đường, thậm chí còn bày bán ngay trên nắp cống bốc mùi hôi thối...
Khuyến cáo về thức ăn không rõ nguồn gốc
Đề cập đến vấn đề quản lý hàng rong tràn lan cổng trường học, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM cho rằng, thức ăn đường phố cũng như hàng quà bày bán tại cổng các trường học là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND quận, huyện, phường, xã.
Riêng tại khu vực căng tin và các bếp ăn trường học trên địa bàn TPHCM, Ban quản lý ATTP đang phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM triển khai tại các quận, huyện, tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát, để đảm bảo nguồn gốc thực phẩm cung ứng trong trường học phải đạt chuẩn, an toàn. Nếu đơn vị cung cấp thực phẩm không đạt chuẩn, Ban quản lý sẽ khuyến khích, vận động nhà trường thay đổi một đơn vị cung ứng khác.
Theo bà Phong Lan, để kiểm soát được vấn đề thức ăn đường phố, thì đối với những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cần phải được tập huấn về vệ sinh ATTP, phải có giấy khám sức khỏe, các thực phẩm cung ứng phải có nguồn gốc rõ ràng.
Từng quận, huyện cũng như Ban quản lý ATTP thành phố tiếp tục tuyên truyền và có biện pháp để giúp giảm thiểu nguy cơ mất vệ sinh ATTP, việc lấy mẫu xét nghiệm và kiểm tra ngưỡng ATTP phải được thực hiện thường xuyên... nếu có phát hiện là phải xử lý nghiêm.
Để giải quyết triệt để nạn quán hàng rong "tấn công" cổng trường học, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phối hợp vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Các bậc phụ huynh cần tuyên truyền, giáo dục con em mình không mua thức ăn ở ngoài cổng trường, hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và kiên quyết tẩy chay các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ - bà Lan nhấn mạnh.
Thụy An
Theo giaoducthoidai.vn
Giải khát với 5.000 đồng, ung thư "ùn ùn" kéo đến Chỉ với 5.000-10.000 đồng là bạn đã có ngay một ly nước mía để giải khát một cách nhanh chóng. Tiện lợi, hấp dẫn là thế nhưng đằng sau những ly nước đó là cả một câu chuyện về thực phẩm bẩn? Mía là loại cây đã quá quen thuộc trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Những ngày nắng nóng, một...