Tại sao yêu và được yêu lại khó đến vậy?
Trước khi tìm kiếm tình yêu, hãy đi tìm chính mình.
Theo Phân tâm học, khoảnh khắc cất tiếng khóc chào đời và bị tách ra khỏi tử cung của mẹ đã khắc ghi dấu ấn sự chia phôi trong tâm lý mỗi em bé. Trải nghiệm sơ khai ấy khiến cho cả phần đời về sau, ta luôn vô thức kiếm tìm cảm giác được gắn kết, được “ấm áp” như khi còn trong bụng mẹ. Và cuộc đời, chính là hành trình kiếm tìm nơi ta “thuộc về”, để ta từng bước, từng bước học cách yêu thương.
Yêu và được yêu, nghe dễ dàng nhưng với nhiều người trưởng thành, để có một tình yêu đích thực sao mà khó khăn quá. Ta đôi khi còn hoang mang tự chất vấn mình và chất vấn nhau: “Tình yêu là gì, nó có thật hay không?”. Ngay cả cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một tâm hồn lãng mạn với tình trường dày dạn cũng phải thú nhận: “Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu”.
Đi tìm chính mình trước khi đi tìm tình yêu
Nhiều khi bước trên cô đơn, con người càng thêm khao khát yêu thương và mong tìm được một nửa phù hợp. Nhưng ta đã quên mất một điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất: hiểu mình. Giống như đi tìm mua thêm một chiếc vung cho cái nồi ở nhà, ta không thể chọn được chiếc vung vừa vặn nếu còn chẳng rõ cái nồi nhà mình to nhỏ cỡ nào. Cũng như vậy, ta không thể biết đây có phải là người phù hợp với mình hay không nếu như ta còn chưa hiểu mình là ai.
Hiểu mình rồi, ta học cách yêu mình. Sẽ không thể yêu thương ai đó thật sự nếu như ta chưa biết tự ủi an, chăm sóc và nâng niu ta. Khoan vội vã chạy theo những điều mà ta đang cho là thiếu thốn, trước hết cần đặt “nền móng” vững chắc cho tâm hồn và cơ thể. Ta mạnh mẽ khi trở thành một điểm tựa, đặc biệt là trở thành điểm tựa của chính bản thân mình.
Đó là lúc ta có thể vui vẻ và bình yên khi ở một mình. Cô đơn giờ đây chẳng còn đáng sợ nữa, đó là một phần của cuộc sống và ta đón nhận nó như một người bạn thân thuộc, đến rồi sẽ lại ra đi. Ta thôi lao ra ngoài kiếm tìm thú tiêu khiển để cuộc sống bớt tẻ nhạt, bởi đã tìm thấy thật nhiều niềm vui sống bên trong mình.
Đừng vì cô đơn mà “chọn đại” một bàn tay “tạm bợ”
Ý nghĩ “chỉ cần có ai đó ở bên, mình sẽ không còn cô độc mà sống vui hơn” là điều nhiều người từng lầm tưởng. Một mình chưa chắc đã cô độc và ngược lại, “hai mình” chưa chắc đã thoát khỏi cô đơn nếu ở cạnh ta là một tâm hồn chẳng hề ăn rơ với ta. Cho trái tim mình một cơ hội được sống thật với cảm xúc của nó, chỉ bước vào một cuộc tình khi trái tim rung động. Chỉ riêng việc này cũng đã giúp ta tiết kiệm được kha khá thời gian và thoát được kha khá sự trớ trêu trên đường tình.
Video đang HOT
Tình yêu sẽ đến khi ta thôi phán xét về khái niệm tình yêu
Có những người bước ra khỏi tình yêu mới hay rằng mình đã yêu. Có những người tin rằng mình được yêu và cũng nhiều khi hiểu nhầm mình không được yêu. Thực ra, tình yêu sẽ đến một cách nhẹ nhàng như hơi thở – khi ta thôi băn khoăn với định nghĩa tình yêu là gì và ngừng bận tâm phán đoán xem đây liệu có phải tình yêu hay không. Một tình yêu thực sự sẽ không làm ta phải phân vân.
Một mối quan hệ là một “tấm gương phản chiếu”
Khi bước vào một mối quan hệ, người mà ta yêu cũng phản chiếu chính hình bóng của ta. Tất cả những sự xung đột, mâu thuẫn, những vấn đề ở người kia làm ta chướng mắt – thực tế cũng chính là vấn đề ta đang có. Nhờ có tình yêu, ta soi rọi được góc khuất của chính mình mà bấy lâu nay chưa từng ngờ tới.
Bởi vậy, đừng bỏ cuộc khi gặp những xung đột không mong muốn trong tình yêu. Xung đột là điều cần thiết trong tình yêu, mối quan hệ nào luôn êm ả không có 1 xung đột mới là điều bất thường. Nếu trốn tránh đối mặt những khúc mắc bằng cách từ bỏ một mối quan hệ, ta ắt sẽ gặp lại khúc mắc đó trong mối quan hệ tiếp theo. Đó là cách cuộc đời dẫn dắt để ta học thêm về sự thấu hiểu và bao dung, trưởng thành hơn trong hành trình sống.
Tình yêu là cơ hội để mỗi người hiểu về những tổn thương sẵn có bên trong mình, là cơ hội để ta chữa lành cho nhau bằng yêu thương vô điều kiện, là cơ hội để ta bước sang một chương mới của cuộc đời với một “ta” hoàn thiện hơn rất nhiều.
Xin được khép lại bằng thông điệp của người nhạc sĩ “Một cõi đi về”: “Chỉ có trong tình yêu ta mới bắt gặp được cái chết của chính mình. Tình yêu cũng mở ngõ cho những lần hóa kiếp. Hãy thử bước vào thế giới đó để khởi đầu bằng một cái chết thật vô cùng yêu dấu”. Thật vậy, “hóa kiếp” để tái sinh.
'Biết buông bỏ': 3 chữ giản đơn nhưng khó làm, chính là chìa khóa để sống một đời hạnh phúc
Mọi thứ xuất hiện đều chứa đựng một bài học sâu sắc, góp phần ảnh hưởng tới hành trình phát triển của mỗi người. Mọi thứ ra đi cũng vậy.
Câu chuyện về sự buông bỏ
Một tốp người đang phiêu du giữa sa mạc. Ai nấy đều mệt mỏi rã rời, vừa bước vừa thở hổn hển, tưởng như sắp kiệt sức đến nơi. Ấy vậy mà lại có 1 người trong đoàn vừa đi vừa hát ca vui vẻ, rất thoải mái.
Một người bèn hỏi anh chàng: "Đi cả chặng đường dài như thế, chả nhẽ anh không thấy mệt sao?".
Anh chàng kia cười đáp lại: "Bởi vì hành lý của tôi ít ỏi, nhẹ tênh ấy mà!".
Hóa ra chỉ cần những người kia bỏ bớt đồ đạc lỉnh kỉnh của mình đi, hành trình của họ sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều. Nhìn rộng ra, sống ở đời, chỉ cần bạn không níu giữ quá nhiều điều trong lòng, mỗi ngày trôi qua sẽ thêm phần nhẹ nhõm, thảnh thơi.
Đời vốn vô thường, buông bỏ là điều tất yếu
Cuộc đời vốn vô thường, và đổi thay là không thể tránh khỏi. Xin mượn lời nhà thơ Xuân Quỳnh để nói về sự "đến rồi lại đi": "Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi" . Có thể lúc này ta đang bước trên con đường A, biết đâu ngày mai số phận đã rẽ sang một hướng B khác hẳn.
Trong Phân tâm học có một khái niệm là "đoạn tang", nói về cách xử lý những mất mát trong đời. "Đoạn" là chấm dứt, đoạn tuyệt; còn "tang" không phải chỉ nói đến cái chết, mà là bất kỳ sự mất mát nào mà chúng ta phải đối mặt trên hành trình sống. Đó có thể là chia tay một mối tình, chia ly một người thân, thú cưng qua đời, rời khỏi quê hương để sinh sống tại một thành phố mới,...
Nếu không thể "đoạn tang" với những điều đã cũ, bạn sẽ vĩnh viễn mắc kẹt ở quá khứ. Rinpoche từng nói: " Đây là những bi kịch và trớ trêu khi chúng ta cố nắm giữ mọi thứ, bởi vì không những điều đó chúng ta không thể làm được mà còn làm cho chúng ta rất đau khổ khi chúng ta tìm cách để trốn tránh nó ".
Sợ "buông" vì ngại thay đổi
Nhiều khi người ta mãi không chịu buông tay còn bởi 1 lý do: ngại thay đổi. Họ nghĩ: "Nếu ở trong tình trạng này thì ít nhất là nó vẫn còn quen thuộc, và mình chịu đựng được". Họ khổ sở, mệt mỏi ngày qua ngày nhưng nhất quyết không buông bỏ. Vì nếu buông tay, họ sợ rủi ro khi không biết phía trước có gì.
Thực ra nếu "buông", đúng là bạn có thể phải đối mặt với rủi ro và những điều đáng sợ bạn chưa biết. Còn nếu giữ mãi những điều nặng nề, bạn chắc chắn đang tự hại chính mình rơi vào vòng nguy hiểm với cảm xúc của mình. Có những điều đáng sợ lại không hề nguy hiểm, và ngược lại.
Giống với những người phiêu du trên sa mạc trong câu chuyện ban đầu, mỗi người cần học cách buông bỏ bớt những "hành lý" không còn hữu dụng ra khỏi đời mình. Có vậy, ta mới sải bước được nhanh và xa hơn với một tâm hồn tự do, khoáng đạt. Và cuộc đời, vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi.
Đừng ép mình phải ổn ngay lập tức sau khi buông bỏ
Đầu tiên, đừng cố gượng ép bản thân phải về trạng thái bình thường ngay lập tức. Sau mỗi mất mát và chia ly, đau khổ là cảm xúc hoàn toàn bình thường của con người. Vui vẻ ngay đó mới là bất thường. Bạn không cần phải tìm cách vượt qua tâm trạng u buồn này ngay. Hãy cho phép mình được đau khổ, hãy dành thời gian "đoạn tang" với nỗi đau này và chữa lành bản thân từ bên trong. Đừng e sợ mình không vượt qua nổi, mọi mất mát hay tổn thương bạn gặp phải hoàn toàn nằm trong khả năng tự chữa lành của chính bạn!
Nhìn lại tất cả mất mát, bạn thấy mình đã học được điều gì?
Mọi thứ xuất hiện đều ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc, góp phần ảnh hưởng tới hành trình phát triển bản thân của bạn. Mọi thứ ra đi cũng vậy. Giờ đây, hãy nhìn lại chặng đường đã qua tự hỏi xem: "Mình đã học được điều gì? Điều này có gì tốt?".
Dù phải trải qua khó khăn vất vả nhưng chắc chắn, bạn sẽ tìm được ít nhất một điều tốt đẹp trong hoàn cảnh và trưởng thành hơn từ đó.
*Bài viết có sự tham khảo kiến thức từ Phật giáo và Thiền đương đại.
Một nửa thế giới: Những đặc quyền sau đây thuộc về bạn Một nửa thế giới: Những đặc quyền sau đây thuộc về bạn Không có bất kỳ giới hạn nào cho một người phụ nữ về việc được trở thành người mà họ muốn, chọn điều làm họ hạnh phúc, đón nhận một cơ hội nghề nghiệp, rời khỏi một mối quan hệ độc hại... Phụ nữ có rất nhiều sự lựa cho chính...