Tại sao “The Lion King” chẳng có lấy một mống người nhưng vẫn được gọi là phim “live-action”?
Bộ phim làm lại của Disney “ The Lion King” (Vua Sư Tử) đang đứng trước tranh cãi lớn khi vắng bóng các nhân vật “người” trong phim
Trailer của The Lion King vừa cập bến, cư dân mạng đã xôn xao vì tạo hình quá sức dễ thương của Simba. Thế nhưng điều mà một bộ phận khán giả băn khoăn là thể loại “ live action” của bộ phim mà nhiều tờ báo đưa đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận dai dẳng trên mạng.
Trailer “The Lion King”
Nếu theo như đúng khái niệm live-action (phim người đóng) The Lion King phải có nhân vật người, hoặc ít nhất động vật thật. Thế nhưng như Disney đã công bố thì gần như 100% The Lion King được thực hiện trên máy tính, từ đồng cỏ châu Phi cho tới hình ảnh sư tử, chim muông. Một phim live-action phải sở hữu ít nhất một cảnh “frame to frame” tức là quay trức tiếp mà không qua xử lý đồ họa máy tính. Xét với The Jungle Book, dù cả dàn thú rừng là sản phẩm CGI, nhưng chỉ cần có Mowgli là người thật thì bộ phim cũng đã được gọi là một live-action.
Simba siêu dễ thương trong teaser trailer mới.
Từng có thời mà khái niệm “hoạt hình” và “người đóng” thật dễ để phân biệt. Chỉ cần nhìn “ảo ảo” như Zootopia hay Frozen với các nhân vật dễ thương đầu to hơn người là có thể biết đây là hoạt hình. Thế nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ làm phim hoạt hình, các thước phim cho ra đời ngày càng trở nên chân thực tới nỗi ranh giới này đang bị mờ dần đi. Nhìn vào một con thú trong The Jungle Book, bạn có phân biệt được đây là sản phẩm máy tính hay thước phim quay thật hay không?
“The Jungle Book” gọi là phim người đóng vì đơn giản có… người đóng trong đó.
“Lion King” như trên biểu đồ, thuộc vào phim hoạt hình kỹ xảo tương tự “Toy Story” hay “Up”.
Trên trang Wikipedia, The Lion King được mô tả là bộ phim “hoạt hình mô phỏng” tức là các khung hình đồ họa máy tính được dựng cho cảm giác như phim được quay trong thực tế. Thế nhưng Disney chưa bao giờ phủ nhận phim của họ là live-action và thậm chí cụm từ “đến từ Disney Live Action” còn xuất hiện trong mô tả chính thức của teaser trailer phim. Điều này có ý nghĩa gì?
Thứ nhất, nếu The Lion King được xếp vào thể loại phim hoạt hình thì tức là năm sau hạng mục phim hoạt hình tại Oscar rất có thể sẽ là sân chơi của Nhà Chuột với Toy Story 4, Frozen 2 và Vua Sư Tử. Để tăng khả năng “lượm vàng” thì Disney hoàn toàn có thể chèn một vài cảnh quay thật trong The Lion King và gọi đó là live-action. Viện Hàn Lâm có yêu cầu nếu như một phim nhập nhằng giữa hai khái niệm thì đoàn làm phim có thể gửi giải trình cho hạng mục mà phim họ phù hợp. Bùm, chúng ta có một phim gây tranh cãi, nhưng khá chắc là sẽ được xếp vào hạng mục phim tại Oscar mà thôi.
So sánh hai phiên bản 1994 và 2019
Thêm vào đó, sẽ ngày càng khó hơn cho khán giả trong việc đoán định và đánh giá bộ phim này là “thật” hay “giả” nữa. The Jungle Book sở dĩ phải để một đứa trẻ đóng trên phông xanh thay vì quay cậu bé lăn lộn trong một khu rừng là bởi cách thứ hai quá tốn kém và không khả thi. Vậy nhưng các nhà sản xuất của Lion King đã nắm bắt điều này và phát triển nó lên thành kỹ thuật đồ họa tiên tiến tới mức giám sát kỹ xảo Rob Legato cho rằng khán giả trong tương lai sẽ không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là kỹ xảo và mọi thứ đều có thể thực hiện bằng máy tính. Chính Legato cũng thừa nhận ông không coi đây là một bộ phim hoạt hình mà giống với một tác phẩm phim người đóng (movie) hơn. Quan trọng là, bạn có thấy ổn với chuyện này không?
Từ giờ để tránh bị nhầm lẫn và mở màn cho cuộc đấu khẩu không có hồi kết, có lẽ bạn nên gọi The Lion King phiên bản 2019 là một phim làm lại, hoặc phim kỹ xảo thay vì live-action. Vua Sư Tử dự kiến ra mắt vào ngày 19/7/2019.
Theo Helino
Mười phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại
Trong danh sách 10 phim hoạt hình có doanh thu cao nhất tính tới thời điểm hiện nay, có tới bảy phim đạt doanh thu hơn 1 tỷ đô, ba phim còn lại cũng bám đuổi sát cột mốc này.
Xếp theo doanh thu từ thấp đến cao, bộ phim đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng là Finding Nemo (tựa Việt: Cuộc phiêu lưu của Nemo hay Đi tìm Nemo) và phim có doanh thu cao nhất, đứng vị trí số 1 là Frozen (Nữ hoàng băng giá). Dưới đây là danh sách và doanh thu của 10 bộ phim:
10. Finding Nemo - Đi tìm Nemo đạt doanh thu 940.335.536 USD
Bộ phim do hai hãng Walt Disney và Pixar đồng sản xuất, phát hành năm 2003. Đi tìm Nemolà câu chuyện về chú cá hề Marlin cùng cá Dory đi tìm con trai của Marlin bị lạc. "Finding Nemo" nhận được nhiều nhận xét tốt từ các nhà phê bình và sự chào đón nhiệt tình của công chúng. Năm 2008, bộ phim được Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ đưa tên vào danh sách 10 phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại.
9. The Lion King - Vua sư tử đạt doanh thu 968.483.777 USD
Bộ phim về Vua sư tử phát hành năm 1994 trở thành một trong những bộ phim kinh điển của thế giới hoạt hình. Do thành công quá lớn về cả doanh thu lẫn giá trị nghệ thuật, hãng Disney đã tái phát hành "The Lion King" năm 2002 với hình ảnh công nghệ cao IMAX trong phạm vi giới hạn tại một số rạp. Lần phát hành này mang về doanh thu 15.686 triệu đô tại khu vực Bắc Mỹ. Năm 2011, một lần nữa "The Lion King" được phát hành lại dưới định dạng 3D và thu về hơn 73 triệu đô trên toàn cầu.
8. Despicable Me 2 - Kẻ trộm mặt trăng đạt doanh thu 970.761.885 USD
"Despicable Me 2" (tựa Việt: Kẻ trộm mặt trăng) là sản phẩm hợp tác giữa Univesal Pictures và Illumination Entertainment. Sau sự thành công ngoài mong đợi của phần 1 phát hành năm 2010, năm 2013, phần 2 của phim chính thức ra rạp và đã tạo ra cơn sốt năm đó để chính thức bước vào danh sách top 10 phim hoạt hình có doanh thu cao nhất.
7. Zootopia - Phi vụ động trời đạt doanh thu 1.023.784.195 USD
"Zootopia" (tựa Việt: Phi vụ động trời) phát hành năm 2016 đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng nhưng đã bước qua cột mốc tỷ đô doanh thu. Cũng là một sản phẩm của nhà "Chuột", ngay khi ra mắt, bộ phim đã phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé tại nhiều quốc gia. Tại giải Oscar lần thứ 89, "Zootopia" đã được trao giải Phim hoạt hình hay nhất.
6. Finding Dory - Đi tìm Dory đạt doanh thu 1.028.570.889 USD
Sau thành công của "Finding Nemo" năm 2003, năm 2016 "Finding Dory" được hãng Pixar xây dựng và Walt Disney phát hành. Bộ phim kể về cô cá Dory mắc chứng hay quên, trên hành trình tìm đường về nhà, cô đã học được nhiều điều mới, trên hết cô hiểu được không có gì quý hơn tình cảm gia đình, bạn bè.
5. Despicable Me 3 - Kẻ trộm mặt trăng 3 đạt doanh thu 1.034.779.409 USD
Vượt thành công của hai phần trước đó, "Kẻ trộm mặt trăng 3" phát hành năm 2017 chứng tỏ sức hút không thể dừng của những tiểu quái Minion và "cha đẻ" của chúng -"ác nhân đã hoàn lương Gru". Phần phim này chứng kiến cuộc gặp giữa Gru gặp lại người em song sinh chưa từng biết đến của mình Dru.
4. Incredible 2 - Gia đình siêu nhân 2 đạt doanh thu 1.049.143.567 USD
"Incredible 2" (tựa Việt: Gia đình siêu nhân 2) sẽ không chỉ dừng chân ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng bởi tính tới thời điểm nảy, "Incredible 2" mới ra rạp tuần thứ 8, vẫn còn nhiều thị trường đang chờ sự tiến quân của "Incredible 2".
3.Toy Story 3 - Câu chuyện đồ chơi 3 đạt doanh thu 1.066.969.703 USD
"Câu chuyện đồ chơi 3" phát hành năm 2010 là tác phẩm thành công nhất của series phim này. Các nhà phê bình hầu hết đều ca ngợi và nhất trí nhận xét "Phim là tác phẩm pha trộn giữa hài hước, phiêu lưu và tình cảm. Một trong những phim hoạt hình đáng xem nhất".
2. Minions đạt doanh thu 1.159.398.397 USD
Sau thành công vang dội của 2 tập phim Despicable (Kẻ trộm mặt trăng) hãng Illumination Entertainment quyết định làm một sản phẩm riêng cho các chú "tiểu quái" đáng yêu, và năm 2015 "Minions" ra đời. Đội quân màu vàng đi đến đâu gây náo loạn đến đó đã không phụ lòng nhà sản xuất khi nhanh chóng lập nhiều kỷ lục doanh thu.
1. Frozen - Nữ hoàng băng giá đạt doanh thu 1.290.000.000 USD
Nữ hoàng băng giá dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu những phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại tính tới nay. Vào cuối năm sau, 2019, phần 2 của "Nữ hoàng băng giá" sẽ ra rạp, liệu nó có khả năng "chiếm ngôi vương" hay không phụ thuộc vào nội dung phim và tình cảm của khán giả.
Bảng xếp hạng danh sách phim hoạt hình được cập nhật tới ngày 03/8/2018
Theo Tổ quốc
Trailer 'Lion King' bản live-action giống và khác gì so với phim hoạt hình? Phim được đạo diễn bởi Jon Favreau, với sự tham gia lồng tiếng của dàn ngôi sao thượng thặng Hollywood như Jon Favreau trong vai Simba, Beyoncé trong vai Nala, ngoài ra Elton John cũng sẽ hợp tác để cho ra một sáng tác mới cho phiên bản live-action này. Cuối cùng thì trailer phiên bản live-action The Lion King (Vua sư tử)...