Tại sao ta không thể đánh tan bão bằng bom nguyên tử?
Một nhà khí tượng học đã đề xuất nó từ hồi 1959 cơ!
Theo một nguồn tin tham dự buổi họp giữa Tổng thống Mỹ và các quan chức chịu trách nhiệm an ninh quốc gia, ông Donald Trump nêu ý kiến sử dụng bom hạt nhân để đánh tan cơn bão.
Gần như ngay lập tức ta nhận ra ý kiến này tệ tới mức nào, nó tệ đến mức ông Trump khẳng định ngay mình chưa bao giờ nói thế. Dù vậy tờ Axios, nguồn gốc của sự việc thì nói họ có cả băng ghi âm.
Trong quá khứ, các nhà khoa học làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Eisenhower (nhiệm kỳ 1953-1961) đã từng đặt câu hỏi như vậy, nhưng rồi họ cũng sớm nhận ra kế hoạch ấy bất khả thi. Ý tưởng này trồi sụt như cổ phiếu suốt khoảng thời gian qua, và theo Axios đưa tin, ông Donald Trump lại một lần nữa nêu “sáng kiến”.
Đã nhiều lần các nhà khoa học khẳng định ý tưởng này không thể thành sự thực, bởi lẽ bom nguyên tử vẫn chưa đủ mạnh để đánh bật được sức mạnh của tự nhiên, và sức ép từ cú nổ không đủ để lái hướng áp lực không khí quá được vài giây.
Đây là cách một cơn bão hình thành
Khi không khí nóng ẩm bay lên cao, nó sẽ tỏa ra năng lượng, gây nên bão sét – thunderstorm, những cơn bão sét yếu có tên khác là thundershower. Đến lúc lượng bão sét đủ nhiều, gió ở khu vực này sẽ xoáy lên và hướng ra ngoài, tạo thành một cơn lốc xoáy đầy thịnh nộ. Ở khu vực trên cùng, mây sẽ tụ thành khối và không khí nóng ngày một đặc lại.
Gió tiếp tục xoáy, góp phần hình thành một khu vực áp suất thấp trên bề mặt biển. Đây cũng là lý do khiến một cơn bão có hình xoáy.
Bất kỳ yếu tố hình thành cơn bão nào yếu đi – dù là không khí ấm hay khu vực áp suất thấp, cơn bão sẽ yếu đi đáng kể và tan dần. Dựa trên sự thật này, năm 1959, nhà khí tượng học Jack Reed đề xuất ý tưởng đánh tan bão bằng vũ khí hạt nhân.
Ông Reed đưa ra giả định rằng một vụ nổ hạt nhân sẽ chặn bão bằng cách đẩy khí nóng ra khỏi mắt bão, cho phép khí lạnh tràn vào. Ông cũng đưa ra hai ý tưởng thả bom vào mắt bão, cho rằng việc này rất dễ thực hiện.
Video đang HOT
Cách đầu tiên, hiển nhiên nhất sẽ là thả bom từ trên không, cách thức thứ hai sẽ cần tới một con tàu ngầm. Một phương tiện luồn được xuống dưới cơn bão để phóng vào giữa tâm cơn bão sẽ là cách thức hữu hiệu và an toàn hơn cả.
Ủy ban Đại dương và Khí tượng Quốc gia Mỹ (NOAA) đưa ra hai trở ngại lớn nhất ngăn ý tưởng “khác người” trở thành hiện thực.
Bão là một khối năng lượng khổng lồ, bom hạt nhân thấm vào đâu?
Trong một cơn bão đã phát triển đến mức đỉnh điểm, cứ 20 phút nó sẽ phóng ra lượng năng lượng tương đương một vụ nổ nguyên tử 10 megaton. Từng đó năng lượng là lớn gấp 666 lần quả bom nguyên tử Little Boy rơi xuống Hiroshima hồi năm 1945.
Khói từ quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima.
Số liệu đã có, tính toán cho thấy để dùng bom đánh tan bão, ta sẽ phải thả bom xuống bão với tốc độ 2.000 quả Little Boy mỗi giờ, thả liên tục cho tới khi nào bão tan thì thôi.
Tsar Bomba là quả bom hạt nhân mạnh nhất từng nổ trên bề mặt Trái Đất, nhưng quả bom hydrogen mạnh 50 megaton, được người Nga thử nghiệm trên bề mặt Bắc Băng Dương, vẫn quá nhỏ bé trước cơn thịnh nộ của tự nhiên.
Hơn nữa, khi áp lực lớn từ quả bom nổ ở mắt bão lan ra ngoài, mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy. Trừ khi ta có thể ném bom liên tục vào mắt bão, ta sẽ không thể cân bằng được chỗ không khí có áp suất thấp đang liên tục tiếp năng lượng cho cơn bão.
Và tệ hơn, hậu quả một quả bom nguyên tử để lại quá lớn
Có vẻ như ông Jack Reed chưa tính tới hiện tượng fallout, khi những vật liệu phóng xạ tỏa ra từ vụ nổ đi vào bầu khí quyển. Gió bão sẽ sớm đưa ảnh hưởng của fallout ra xa; nói cách khác, khi ném bom hạt nhân vào bão, bão sẽ chẳng tan nổi mà còn khuếch đại ảnh hưởng của quả bom lên thêm nhiều lần.
Khi con người nhiễm bức xạ đủ nhiều, tế bào trên cơ thể sẽ mất cả khả năng tự hồi phục, cơ thể bạn sẽ tan rã dần dưới ảnh hưởng của phóng xạ.
Con người sẽ không sống được ở vùng đất nhiễm xạ, môi trường tự nhiên trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu thắc mắc về ảnh hưởng của phóng xạ lên môi trường, bạn cứ nhìn vào Chernobyl là hiểu.
Báo cáo khoa học của NOAA kết luận ngắn gọn: “ Chẳng cần nói nhiều, rõ ràng đây không phải ý hay“.
Tham khảo NOAA, Business Insider
Theo Trí thức trẻ
Điều gì sẽ xảy ra nếu con người có khả năng quang hợp?
Bầu khí quyển sẽ trở nên trong lành hơn, quá trình nóng lên toàn cầu sẽ được làm chậm lại...
Tất cả những điều tuyệt vời này xảy ra chỉ cần chúng ta nằm tắm nắng trên bãi biển, trước ban công nhà, trong công viên suốt ngày trời!
Khác với con người cũng như các loài động vật, thực vật có thể tự mình tổng hợp tất cả những chất thiết yếu cho sự sống của mình. Chính vì điều này mà người ta phân thực vật vào nhóm tự dưỡng (trừ một vài loài thực vật ký sinh bắt buộc). Điều tạo nên khả năng kỳ diệu này của cây xanh chính là: "quá trình quang hợp".
Tìm hiểu về quá trình quang hợp
Cụ thể, quá trình này sẽ giúp thực vật có thể sử dụng chính ánh sáng mặt trời để biến nước, CO2 trở thành chất dinh dưỡng và giải phóng khí Oxy. Trên thực tế, quang hợp là một trong những quá trình quan trọng nhất đối với toàn bộ sự sống trên Trái Đất, bởi vì không chỉ giúp nuôi sống cây xanh, nó còn là lý do giúp chúng ta có thể hít thở, còn Trái Đất không bị nướng chín vì quá nóng.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng quang hợp là một quá trình cực kỳ phức tạp mà đến nay nền khoa học của loài người vẫn chưa thể bắt chước được. Đây cũng là lý do vì sao cây xanh vẫn là phương tiện lọc khí tốt nhất của Trái Đất và bảo vệ cây xanh cũng chính là bảo vệ môi trường, cũng như sự sống của tất cả chúng ta.
Chỉ có thực vật, tảo và một số loài vi khuẩn (vi khuẩn lam) có thể thực hiện quang hợp, bởi tế bào của chúng có đặc điểm chung là đều sở hữu "Lục lạp". Vậy sẽ thế nào khi con người - giống loài đang chiếm ưu thế tuyệt đối trên hành tinh xanh - cũng sở hữu khả năng này?
Lục lạp
Lục lạp là một bào quan có kích thước rất nhỏ chứa đầy chất diệp lục - một loại sắc tố quang hợp có khả năng bắt và chuyển đổi năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Chính sắc tố đặc biệt này cũng tạo ra màu xanh ở những loài có khả năng quang hợp.
Điều gì sẽ xảy ra nếu con người có thể quang hợp?
Như đã đề cập ở trên, một loài muốn có khả năng quang hợp trước hết cần phải có lục lạp. Do đó, để sở hữu siêu năng lực này, chúng ta sẽ phải chấp nhận "tác dụng phụ" của nó là toàn bộ làn da có màu xanh (có lẽ bạn sẽ liên tưởng đến nhân vật Hulk trong trường hợp này).
Để quang hợp, cây xanh sẽ hút nước từ đất thông qua bộ rễ, sau đó vận chuyển chúng lên lá, nơi có đầy những lỗ nhỏ li ti - Khí khổng - có thể hấp thụ CO2 từ không khí xung quanh. Với sự xuất hiện của ánh sáng mặt trời, lục lạp sẽ thực hiện khả năng kỳ diệu của nó là biến nước và CO2 vừa hấp thụ trở thành thành Glucose - chính là loại đường đóng vai trò nguồn cung cấp năng lượng trong cơ thể người. Điểm khác biệt lớn nhất là chúng ta cần nhiều năng lượng hơn cây xanh rất nhiều. Dữ liệu so sánh dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về mối tương quan này :
Vào một ngày nắng đẹp, mặt trời có thể giúp cây xanh tạo ra tối đa 200 calo. Tuy nhiên, con người lại cần đến nguồn năng lượng tương đương 2000 calo mỗi ngày để tồn tại.
Vấn đề nằm ở chỗ quá trình quang hợp ở thực vật có hiệu suất khá thấp. Theo tính toán, cây xanh chỉ có thể biến 5% - 10% lượng ánh sáng mà chúng nhận được trở thành năng lượng. Do đó, nếu muốn có thể tự nuôi sống bản thân bằng quang hợp, con người cần phải nâng cao hiệu quả của quá trình này.
Trước hết, con người phải tiến hóa để có một cơ thể lớn hơn rất nhiều, nhằm tăng diện tích bề mặt để có thể hấp thụ đủ ánh sáng mình cần. Tiếp đó, thay vì trùm kín người khi ra ngoài trời nắng vì sợ hỏng da, chúng ta cần đứng dưới ánh nắng nhiều nhất có thể.Nếu may mắn , con người có thể tiến hóa thêm để mọc ra một bộ phận tương tự lá ở cây xanh, thứ sẽ vừa giúp tăng hiệu quả quang hợp, vừa tạo ra bóng râm cần thiết.
Không chỉ có ánh sáng, nguyên liệu tham gia quá trình quang hợp còn có cả CO2. Chính vì vậy, cơ thể con người cần phải tăng lượng lỗ nhỏ li ti trên da lên gấp 100 lần thì mới hấp thụ đủ lượng CO2 cần thiết. Chưa bàn đến những vấn đề chuyên sâu, trước mắt số lượng lỗ khổng lồ này đương nhiên sẽ khiến chúng ta gặp rắc rối với việc đổ mồ hôi.
Bàn về khía cạnh tích cực. Đương nhiên, khi có thể tự dưỡng chúng ta gần như không cần phải ăn thêm thức ăn mà chỉ dừng lại ở việc uống nước và hấp thụ khoáng chất. Đối với Trái Đất, khi có thêm hơn 7,5 tỷ cá thể cùng tham gia vào nhiệm vụ hấp thụ khí CO2 và trả lại dưỡng khí Oxy, bầu khí quyển sẽ trở nên trong lành hơn, và quá trình nóng lên toàn cầu sẽ được làm chậm lại, trong khi chúng ta chỉ cần nằm tắm nắng trên bãi biển, trước ban công nhà, trong công viên suốt ngày trời!
Minh Nhật
Theo dantri.com.vn
Các phi hành gia lên sao Hỏa có thể bị mất trí nhớ Các nhà nghiên cứu từ Đại học California (Mỹ) đã tiết lộ rằng, các phi hành gia thực hiện chuyến du hành đến hành tinh Đỏ có khả năng bị mất trí nhớ và mắc hội chứng lo lắng. Trong khi NASA có kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa trong 16 năm tới, một nghiên cứu mới đã cảnh báo về...