Tại sao sốt xuất huyết “thích” tấn công thành phố?
Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang bị sốt xuất huyết đe dọa với hàng trăm ca bệnh mỗi ngày. Các chuyên gia y tế nhận định, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự thờ ơ của người dân chính là “môi trường” lý tưởng cho sốt xuất huyết bùng phát
Tính đến giữa tháng 7.2017, cả nước có gần 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, trong đó 15 ca tử vong được xác định do sốt xuất huyết gây ra.
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết vừa diễn ra,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Năm nay bệnh đến sớm lại có hai tháng 6 nhuận, thời tiết mùa hè kéo dài sẽ là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển. Số ca mắc bệnh chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao, nguy cơ trở thành dịch lớn, số người chết vì bệnh do đó cũng chưa dừng lại”.
Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết đa số tập trung ở thành phố. Hà Nội sắp đạt 5.000 ca và tăng nhanh từng ngày, gấp 300% cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM có hơn 10.200 ca sốt xuất huyết, tăng 15-20% so với cùng kỳ năm trước.
Bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư (Ảnh: DL)
Video đang HOT
Lý giải về việc sốt xuất huyết “thích” thành phố, PG, TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, muỗi Aedes truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các thành phố. Khi mùa mưa đến thì thuận lợi cho muỗi này phát triển. Ở các thành phố lớn, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, có nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
Theo PGS Phu, ngoài những nguyên nhân khách quan từ diễn biến bất thường của thời tiết, sự thích nghi của các chủng vi rút gây bệnh, thì nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm chính là sự thờ ơ của con người. Theo PGS Phu, qua kiểm tra, cán bộ y tế nhận thấy các điểm nóng về sốt xuất huyết thường đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng đang thi công, dẫn đến rất nhiều phế liệu, phế thải tại công trường thành nơi chứa nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển.
Những thùng đọng nước chứa nhiều ấu trùng muỗi được phát hiện ở Hà Nội
Không ít hộ dân đang xây dựng, cơi nới hoặc trồng rau, chứa nước trong sân vườn, trên tầng thượng chủ quan không thực hiện đầy đủ các biện pháp diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt. Các dụng cụ trong nhà vườn như lốp xe, chai lọ, vỏ hộp các loại, các thùng, chum, bể chứa nước… đều cần được vệ sinh khô ráo sau khi dùng, lật úp, hoặc bỏ đi để tránh thành nơi cho muỗi vằn đẻ trứng.
“1 mảnh nilon, một mảnh bát vỡ, 1 vỏ hộp sữa chua đọng nước cũng là môi trường lý tưởng cho muỗi đẻ trứng. Người dân chỉ dọn sân vườn cho sạch sẽ, quang đãng mà quên dọn nước trên tầng thượng, hốc cây, úp các vật có thể đọng nước xuống, thậm chí dọn các hốc cây… thì muỗi vẫn đẻ được. Việc dọn dẹp này cũng phải được để tâm hàng ngày chứ không thể “dọn một lần” là xong”, PGS Phu nói.
Theo Danviet
TP.HCM: Xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết diễn biến nặng
Tính đến thời điểm giữa tháng 7, TP.HCM có hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 1.000 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, xuất hiện nhiều ca xuất huyết, suy tạng nặng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến ngày 13.7 toàn thành phố đã có 10.157 ca sốt xuất huyết nhập viện, cùng kỳ năm 2016 có 8.601 ca. Ghi nhận 17/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết được nhập viện, tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quận 12 tăng 85%. Thành phố ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và 1 trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện cho biết, từ tuần 21 đến tuần 26, số ca sốt xuất huyết đến khám tăng 100 - 150 trường hợp, số ca nhập viện điều trị nội trú cũng tăng từ tuần 21, đặc biệt trong tuần 26 đã có đến 250 ca, tăng 100 ca so với các tuần trước đó. "Bệnh viện cũng đã cố gắng lọc máu sớm cho các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và đã cứu sống được 6/10 ca nặng", bác sĩ Châu cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt Đới Tp HCM ngày 19.7 (Ảnh: Hồ Văn).
Cũng theo bác sĩ Châu, Bệnh viện Nhiệt Đới là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các ca bệnh lây nhiễm. 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận 4.328 ca sốt xuất huyết. Trong 250 ca nặng có 101 ca sốc thoát huyết tương, 12 ca xuất huyết nặng, 34 ca suy đa tạng, 1 ca viêm cơ tim và 3 ca sốt xuất huyết thể não. Từ đầu năm đến nay, đã có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng cho biết đến mùa bùng phát dịch, các bệnh viện tuyến trên của thành phố đều quá tải do tâm lý người dân muốn được điều trị tại các bệnh viện lớn, không tin vào viện tuyến dưới. "Ngoài tâm lý người dân thì năng lực của các bệnh viện tuyến dưới vẫn còn hạn chế, nhiều ca sốt xuất huyết dù chưa đến mức nặng nhưng tuyến dưới vẫn cho chuyển viện vì không dám điều trị. Sở Y tế đã và đang có dự án đào tạo và hỗ trợ tuyến dưới đủ sức điều trị bệnh sốt xuất huyết, lúc đó sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên" - ông Thượng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhắc nhở hai Sở Y tế và Tài nguyên - Môi trường chưa thực sự phối hợp tốt với Thành đoàn trong việc ra quân phòng chống dịch. "Mùa hè, Thành đoàn thường tổ chức lực lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện như Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ. Hai Sở nên tận dụng lực lượng này trong việc dọn dẹp vệ sinh những điểm có nguy cơ cao, tham gia cùng người dân diệt lăng quăng, bọ gậy..." - bà Thu chỉ đạo.
Trước đó, cán bộ của các quận, huyện TP.HCM cho biết việc phòng chống dịch, nhất là phun thuôc diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng vẫn chưa thực sự làm tốt. Nhiều nơi khi cán bộ y tế đến phun thuốc diệt muỗi thì nhiều hộ dân đóng cửa không cho xịt, trong khi cán bộ thì e ngại không dám gõ cửa từng nhà. Ý thức vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy trong người dân vẫn chưa cao.
Theo Danviet
Thả muỗi vào nhà dân để phòng ngừa sốt xuất huyết UBND tỉnh Khánh Hòa vừa làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN" với kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết (SXH) tại 4 phường của TP.Nha Trang vào năm 2017. Cộng tác viên của dự án thả muỗi mang Wolbachia tại gia đình...