Tại sao phim ‘Người phán xử’ được quan tâm trên mạng xã hội?
“Người phán xử” là bộ phim truyền hình hiếm hoi của Việt Nam tiến hành thu tiếng đồng bộ, đồng thời cũng là tác phẩm tâm lý tội phạm đầu tiên do VFC sản xuất.
Phát sóng từ ngày 23/3, Người phán xử của bộ ba đạo diễn Mai Hiền – Khải Anh – Danh Dũng là dự án phim truyền hình trọng điểm của VFC trong năm 2017.
Mới lên sóng 3 tập đầu tiên, Người phán xử đã nhận được sự quan tâm của khán giả truyền hình và cư dân mạng. Tên phim cũng là một trong những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Google, tính đến tối 31/3.
Phim nói về cuộc chiến tranh giành quyền lực trong thế giới ngầm nhiều góc khuất. Ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng đóng) yêu thương gia đình nhưng cũng rất đa mưu túc trí trong làm ăn kinh doanh.
Đặc biệt, trong giới giang hồ, lão được ghi danh là “Người phán xử”, chuyên đứng ra xét xử các mâu thuẫn tranh chấp không thể đưa ra pháp luật của thế giới ngầm.
Người phán xử là bộ phim thể loại cảnh sát hình sự nhưng nhân vật trung tâm lại là một ông trùm tội phạm.
Mới lạ vì tội phạm là nhân vật trung tâm
Người phán xử là bộ phim truyền hình tâm lý tội phạm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, thuộc thể loại cảnh sát hình sự. Lần đầu tiên, nhân vật trung tâm của bộ phim lại là một ông trùm trong giới tội phạm thay vì các nhân vật chính diện như các tác phẩm thông thường.
“Tôi nghĩ khán giả sẽ không thấy phim hoành tráng ở yếu tố hành động mà thấy hấp dẫn ở khía cạnh tâm lý tội phạm. Đây là phim mà trung tâm là ông trùm xã hội, không phải cảnh sát như thường thấy ở trong loạt phim hình sự trước kia.
Thực tế mô hình ông trùm này chúng ta từng có Năm Cam. Trong quá trình triển khai kịch bản, chúng tôi có đọc lại tư liệu báo chí và bồi đắp lên nhân vật Phan Quân đầy đủ hơn”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Người phán xử là một bộ phim truyền hình chuyển thể từ kịch bản của Israel. Và bản thân kịch bản gốc đã coi tội phạm là nhân vật trung tâm. Tuy vậy, ở phiên bản gốc, các yếu tố sex, bạo lực, hành động xuất hiện khá nhiều vì văn hóa Do Thái tương đối cởi mở.
Khi về Việt Nam, để phù hợp với văn hóa và thói quen xem phim của người Việt, các nhà biên kịch đã phải thống nhất với nhau để tối giản các cảnh sex, bạo lực. Thế nhưng, nhiều khán giả vẫn rùng mình với cảnh cắt đứt ngọn tay nhân vật Tuấn, con trai nuôi Phan Quân trong tập 1.
Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, trong đó có NSND Hoàng Dũng, Hồng Đăng,…
Đảm bảo với dàn diễn viên truyền hình “ăn khách”
Video đang HOT
Người phán xử quy tụ dàn diễn viên truyền hình không thể sáng giá hơn với nhiều gương mặt gạo cội như NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hương Dung, NSƯT Trung Anh. Đặc biệt, là sự góp mặt của NSND Hoàng Dũng (vai Phan Quân), người được cho là “quái kiệt” trong vai phản diện, ông trùm tội phạm.
Ngoài ra, phim còn quy tụ lứa diễn viên sung sức, trong đó có những người được coi là “ngôi sao” của phim truyền hình hiện nay như Hồng Đăng, Việt Anh. Người phán xử cũng có sự tham gia của gương mặt không chuyên nhưng lại nổi tiếng trong công chúng như nhà thiết kế thời trang Đức Hùng, MC Đan Lê.
Chia sẻ với Zing.vn, đạo diễn Khải Anh khẳng định đó là một dàn diễn viên rất chuyên nghiệp: “Tôi chưa bao giờ phải phàn nàn về chuyện đi muộn của diễn viên dù chỉ 5 phút”.
Một dàn diễn viên hùng hậu, có kinh nghiệm diễn xuất luôn đi liền với cá tính và cực đoan trong cách làm nghề. Khải Anh tiết lộ rằng anh và các diễn viên đã có nhiều tranh luận về chuyên môn để có một tác phẩm tốt nhất.
“Khi làm việc với Việt Anh, tôi đặt vấn đề về việc làm thế nào để vai mới của Việt Anh thoát khoải vai Cao Thanh Lâm trong Chạy án. Nhiều lúc, tôi bảo với Việt Anh rằng diễn như thế này là không đúng với nhân vật trong phim. Hai bên đã tranh luận rất nhiều trước khi tìm ra tiếng nói chung. Anh Hoàng Dũng và Trung Anh cũng vậy”, nam đạo diễn nói thêm.
Sau 3 tập đầu, diễn xuất của các diễn viên nhận nhiều phản hồi tích cực. Không quá khi nói rằng Việt Anh đã có một vai diễn xuất thần. Còn NSND Hoàng Dũng đã toát lên được thần thái của một ông trùm. Bên trong vẻ ngoài điềm tĩnh, thanh cao, nhã nhặn là thủ đoạn, mưu mô và những tính toán.
Người phán xử là bộ phim hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ.
Âm thanh chân thực hơn nhờ thu tiếng đồng bộ
Người phán xử là bộ phim hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ. Vấn đề muôn thuở của phim truyền hình Việt là lồng tiếng đã được giải quyết. Âm thanh đến tai khán giả đã chân thực và sinh động hơn. Đây cũng là xu thế chung của phim truyền hình thế giới.
“Tôi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim, với các dạng vai khác nhau. Tôi nghiệm ra một điều, diễn ở phim trường là chủ quan, lồng tiếng là khách quan. Vai diễn có thể sẽ không đạt chỉ vì khách quan. Chính tôi lồng tiếng cho vai của tôi, nhiều khi còn không khớp chứ chưa nói đến người khác lồng cho mình. Do vậy, thu âm đồng bộ là một xu thế tốt”, NSND Hoàng Dũng nói.
Tuy vậy, không khó để nhận ra khán giả truyền hình Việt vẫn chưa thực sự quen với phim lồng tiếng. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra không hài lòng khi trong phim có những tiếng ồn không cần thiết. Nhưng đây là điều khó tránh với phim thu đồng bộ. Đó là còn chưa kể đến việc, nhà sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc này.
Thêm nữa, dù quy tụ dàn diễn viên hùng hậu với nhiều gương mặt gạo cội và sáng giá, một số diễn viên vẫn lộ đài từ kém, lời thoại ngập ngừng, chưa dứt khoát.
Số khác lại bị ảnh hưởng bởi yếu tố “kịch” khiến khẩu hình phát âm không tự nhiên, người xem có cảm giác diễn viên đang gồng mình để thoại.
Dù còn những thiếu sót, Người phán xử vẫn được khán giả chờ đón từng tập và hứa hẹn sẽ là bộ phim đánh dấu bước chuyển mình của thể loại phim cảnh sát hình sự của Việt Nam.
Theo Zing
Bí hiểm vai "ông trùm" của NSND Hoàng Dũng trong phim "Người phán xử"
NSND Hoàng Dũng bất ngờ vào vai "ông trùm" xã hội đen trong phim truyền hình "Người phán xử" gây tò mò đối với khán giả.
NSND Hoàng Dũng
NSND Hoàng Dũng bất ngờ vào vai "ông trùm" xã hội đen trong phim truyền hình Người phán xử. Đây là lần trở lại màn ảnh đầu tiên của ông sau khi chính thức nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Hà Nội đầu tháng 1 vừa qua.
Tính cách quyết đoán như "ông trùm"
Lý do gì khiến anh quyết định trở thành một "ông trùm" xã hội đen?
Vai "ông trùm" Phan Quân trong Người phán xử là vai diễn phức tạp và nhiều cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Tôi rất thích nhân vật này ở sự tính toán, bản lĩnh, yêu thương và tôn trọng gia đình, không bắt nạt những người yếu thế. Không nói về chuyện làm ăn phi pháp thì về mặt nghĩa khí, cư xử với những người tử tế xung quanh mình, ông ấy rất tốt.
Tôi thích sự quyết đoán của nhân vật bởi bản thân tôi đã rất nhiều năm phấn đấu vì sự quyết đoán đó. Quyết đoán không phải thích gì làm nấy mà mọi chuyện phải suy nghĩ kỹ, dám làm dám chịu. Ngay khi đọc kịch bản, tôi cũng đọc liền mạch để theo cảm xúc. Tôi nghĩ, mình phải bị thuyết phục bởi kịch bản thì mới thuyết phục được khán giả.
Anh có gặp nhiều khó khăn khi thể hiện vai diễn này?
Đây là dòng phim hình sự nhưng không khai thác mặt dao búa, đâm chém nhiều mà chủ yếu khai tác tâm lý nhân vật. Với một diễn viên như tôi không có nhiều khó khăn. Bởi, một khi đã làm phim, tôi sẽ vứt bỏ tất cả mọi chuyện để toàn tâm, toàn ý chuyên tâm vào nhân vật. Khi mình tư duy về nhân vật trong hoàn cảnh vô tư, thoải mái, hào hứng sẽ khác khi bận bịu, stress hay bị xung quanh tác động.
Vả lại đã là diễn viên, tất cả mọi người không phải lúc nào cũng có cơ hội có vai diễn hay. Các vai chính bây giờ thường tập trung vào người trẻ, còn những người già như tôi chỉ là thứ yếu thôi (cười). Thế nên, hiếm khi mình lại được trở thành nhân vật chính có tâm lý dày dặn, hay ho thế này thì phải cố gắng nắm bắt, hoàn thành vai diễn một cách tốt nhất, để không phải làm xong rồi mới giá như thế nọ, thế kia.
Hoàng Dũng cùng 2 học trò là Hồng Đăng và Việt Anh.
Vậy chắc hẳn, "ông trùm" này có nhiều điểm giống anh ngoài đời?
Tôi nghĩ mình cũng là người sống dung dị, chan hòa, yêu thương gia đình. Chuyện gì tôi đã suy nghĩ và quyết rồi thì rất ít khi thay đổi. Đó là điều tôi cảm thấy gần gũi giữa mình và nhân vật, quyết đoán và thức tỉnh về tình cảm. Còn là tội phạm thì chắc chắn là không rồi (cười).
Gameshow không sáng tạo về nghệ thuật, giải trí
Đây là lần đầu anh trở lại màn ảnh sau khi nghỉ hưu. Có vẻ cuộc sống bận rộn của anh vẫn không thay đổi nhiều?
Cũng không thay đổi nhiều lắm. Chỉ là bây giờ mọi việc tôi chủ động hơn. Ai mời đóng phim thì sẽ làm nếu rảnh. Những năm trước, tôi phải từ chối nhiều phim vì công việc ở cơ quan rất bận. Ở Nhà hát Kịch Hà Nội, mọi người cũng đi đóng phim rất nhiều như: Hồng Đăng, Chí Nhân, Công Lý, Trung Hiếu... nếu mình cũng như thế thì cơ quan sẽ ra sao? Tôi phải làm gương. Họ đi đóng phim nhưng khi có việc ở nhà hát thì phải ưu tiên lên hàng đầu. Mọi người đi đóng phim cũng để tăng thêm thu nhập, rồi quảng bá hình ảnh rộng rãi hơn cũng tốt.
Nhưng anh có thấy, nếu các nghệ sĩ chịu khó tham gia gameshow để quảng bá hình ảnh sẽ tốt hơn nhiều việc quảng bá hình ảnh qua phim?
Quảng bá hình ảnh qua gameshow chỉ tốt hơn với một bộ phận khán giả thôi, bộ phận khác chưa chắc đã thích thế. Các gamehow hiện nay phát triển với tiến độ rất nhanh, những người đắt show cũng làm việc với cường độ chóng mặt. Thế nên, những nghệ sĩ trẻ dễ bị "sảy miệng", đôi khi chưa đủ chín để xử lý các tình huống. Tôi nghĩ mọi người cần tỉnh táo khi tham gia gameshow để không bị quá đà.
Lại nói tới sự bùng nổ của các gameshow truyền hình, là nghệ sĩ lâu năm trong nghề, anh đánh giá thế nào về sự tác động của gameshow tới nghệ thuật?
Thực ra, về mặt hình ảnh có thể hào nhoáng hơn nhưng cũng dễ dãi hơn. Đôi khi, nhà sản xuất mang vài format của nước ngoài về, kỹ thuật sân khấu làm hoành tráng. Đó là phương tiện kỹ thuật chứ cũng không phải sáng tạo về nghệ thuật, giải trí. Nhiều chương trình tôi thấy hơi lẩm cẩm. Tôi nghĩ các nhà sản xuất hãy nghĩ đến thực chất cái tên của chương trình, đừng nghĩ nó là một gameshow giải trí sẽ tốt hơn.
Thậm chí, tôi thấy có chương trình bản chất rất tốt, nhưng đôi khi gây cảm giác mang tính giải trí hơn hướng tới mục đích chính của chương trình. Về mặt kinh tế tôi không bàn, nhưng đôi khi vì cái đó nên làm phần tốt nhẹ hơn. Còn tôi nghĩ, những chương trình thực sự đi đúng bản chất sẽ rất hấp dẫn và tồn tại mãi. Tính chiêu trò sẽ chỉ được mùa đầu thôi. Có những chương trình không có tính nghệ thuật nhưng tôi tin rất nhiều người xem như Đường lên đỉnh Olympia chẳng hạn. Những chương trình ấy đáng mua hơn nhiều chứ.
Nhà sản xuất không quan tâm đến thẩm mỹ văn hóa
Khi các chương trình đặt tính giải trí lên cao, theo anh phải chăng khán giả đang quá dễ dãi hay nghệ sĩ đang dễ dãi với nghệ thuật?
Ngày xưa các nhà sản xuất rất quan tâm đến phản hồi của khán giả, nhưng bây giờ họ nắm chắc phần khán giả dễ tính. Cứ đưa một vài diễn viên, ca sĩ đang nổi tiếng vào sẽ có một loạt khán giả trẻ lao theo. Rồi có người lại chỉ đi hát vài buổi, vào lò luyện vài tháng bỗng dưng trở thành "sao", thành giám khảo, huấn luyện viên. Họ chưa biết mình ở đâu, mấy bài họ hát có khi còn phải vỡ chữ thì làm sao huấn luyện được. Cũng thông cảm rằng, họ đang muốn quảng bá hình ảnh, làm kinh tế. Nhà sản xuất có lẽ cũng không đánh giá cao mấy người đó đâu, nhưng khán giả đang thích thì cứ làm thôi.
Còn tôi không thích một vài chương trình sa đà vào trẻ con. Một đứa trẻ được khen quá nhiều sẽ dễ bị hư. Nó tưởng mình là cái gì ghê gớm thì sẽ không học được, bởi trong đầu cứ nghĩ nay mai sẽ trở thành ca sĩ, diễn viên đi diễn, đi show kiếm tiền.
Với sự phát triển này, anh có nghĩ các nhà quản lý văn hóa đang quá lơi lỏng?
Các nước khác cũng có nhiều loại chương trình, nước nào cũng có chương trình xàm cả. Còn người xem, họ còn làm. Bản thân nhà sản xuất đặt mục đích kinh tế lên trên, chương trình không hở hang, không vi phạm chính trị, văn hóa thì cứ làm thôi. Họ không quan tâm đến thẩm mỹ văn hóa.
Nói đi cũng phải nói lại, ai cũng muốn làm chương trình tốt, nhưng muốn thế phải có tiền đã. Ngay như Đài Truyền hình Việt Nam cũng kinh tế tự chủ, phải có những chương trình ấy để nuôi các chương trình chính thống. Còn nhà quản lý, họ thấy chương trình không bậy, không phản động thì kệ thôi. Cũng khó nói được điều gì.
Cảm ơn anh!
Theo Hoàng Anh (thực hiện) (Báo Giao thông)
Phim "Người phán xử" phát sóng tập 1 đã đầy cảnh máu me đến rợn người "Người phán xử" thuộc thể loại hình sự tiếp tục được trình chiếu trên kênh VTV3 vào khung giờ vàng. Tuy nhiên ngay khi tập 1 được phát sóng, rất nhiều khán giả đã e ngại bởi cảnh máu me đến rợn người trong phim. Diễn viên Việt Anh máu chảy ngay trong tập 1 bộ phim Người phán xử Bộ phim "Người...