Tại sao phải rửa tay? Video cực kỳ trực quan về một buổi tiệc sẽ cho bạn thấy dịch bệnh lây lan mạnh như thế nào chỉ từ MỘT người nhiễm
Chỉ sau 30 phút, các chuyên gia thu được kết quả đáng kinh ngạc: bệnh phẩm gần như xuất hiện ở khắp mọi nơi trong buổi tiệc đó.
Về lý thuyết, có lẽ chúng ta đều biết rằng trong thời buổi dịch bệnh, bên cạnh việc phải đeo khẩu trang thì điều quan trọng khác là phải rửa tay thường xuyên và giữ gìn các tiêu chuẩn vệ sinh cá nhân căn bản.
Nhưng biết là một chuyện, làm theo hay không lại là chuyện khác. Trên thực tế, vẫn có rất nhiều người – đặc biệt là tại những khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh – đang lơ là trong việc tự bảo vệ mình. Họ có thể đeo khẩu trang nhưng không rửa tay, hoặc ngược lại.
Nắm được tâm lý này, các chuyên gia tại Nhật Bản quyết định cảnh tỉnh tất cả mọi người theo cách truyền thống nhất, đó là đưa ra ví dụ trực quan. Đài NHK đã phối hợp cùng các chuyên gia từ ĐH St. Mariana (Kawasaki, Nhật Bản) tung ra một video, nhằm mô phỏng lại cách dịch bệnh lây lan dễ đến mức nào.
Video cho thấy một người nhiễm bệnh có thể lây lan mạnh như thế nào
Cụ thể, nhóm chuyên gia đã tổ chức một bữa tiệc buffet gồm 10 người. Trong đó, một người sẽ được xịt sơn huỳnh quang lên lòng bàn tay (để mô phỏng lại tình huống người nhiễm bệnh ho vào tay), sau đó tiếp tục dùng bữa với các thực khách trong vòng 30 phút kế tiếp.
Hết 30 phút, các chuyên gia tắt đèn đi và thu được kết quả thực sự đáng kinh ngạc: Sơn huỳnh quang tượng trưng cho bệnh phẩm có mặt ở gần như khắp mọi nơi. Trên tay của tất cả mọi người đều có dấu sơn, trong đó 3 người còn có vết sơn trên mặt – những nơi được đánh giá là cực kỳ dễ nhiễm bệnh.
Được biết để hạn chế lây lan trong dịch Covid-19, Tổ chức y tế thế giới WHO đã luôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân trên thế giới cần thường xuyên rửa tay bằng nước và xà bông (tối thiểu 20 giây), không chạm tay lên mắt, mũi, miệng và duy trì khoảng cách tối thiểu 1 – 2m đối với những người xung quanh.
Đài NHK và các chuyên gia còn thực hiện thêm một thí nghiệm khác. Lần này, những người tham gia buổi tiệc đã cố gắng thực hiện các quy tắc vệ sinh: rửa tay thường xuyên, đĩa ăn được tách rời, kẹp thực phẩm thay mới liên tục. Lần này, không có ai “nhiễm bệnh” nữa, chỉ duy nhất người đầu tiên là có vết sơn huỳnh quang mà thôi.
Các chuyên gia cho biết, bài học ở đây là hãy tạm thời “tránh những bữa tiệc theo phong cách buffet” trong thời buổi dịch bệnh. Ngoài ra, cần nhớ rằng hãy luôn cảnh giác với các nguy cơ thường trực, và giữ gìn vệ sinh cá nhân cho thật tốt.
Mũi hay họng chứa nhiều virus SARS-CoV-2 hơn?
Mũi và họng là cửa ngõ chính để SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể. Vậy mũi hay họng chứa nhiều virus hơn ở bệnh nhân nhiễm COVID-19?
Lấy mẫu dịch mũi hành khách để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) - Ảnh DUYÊN PHAN
Mũi chứa nhiều virus SARS-CoV-2 hơn
Một nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine vào ngày 19-3-2020 đề cập về tải lượng virus ở đường hô hấp của bệnh nhân nhiễm COVID-19 (tải lượng virus là số lượng các mảnh hoặc các thành phần của virus chứa trong một đơn vị thể tích).
Trong nghiên cứu này, 17 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng được lấy mẫu cùng lúc ở cả mũi và họng. Mẫu bệnh phẩm ở mũi được lấy ở vị trí cuốn mũi giữa hay vòm mũi họng. Kết quả cho thấy tải lượng virus cao được phát hiện sớm ngay sau khi xuất hiện triệu chứng, và tải lượng ở mũi cao hơn ở họng.
Kết quả này cũng tương tự ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, cho thấy khả năng gây lây lan virus ở nhóm bệnh nhân này.
Tế bào niêm mạc mũi có khả năng là nơi lây nhiễm đầu tiên của SARS-CoV-2
Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở vòm mũi họng - Ảnh: CDC
Trong một nghiên cứu khác đăng trên tờ Nature Medicine vào ngày 23-4-2020, các nhà khoa học nhận thấy 2 loại tế bào niêm mạc mũi có khả năng là nơi nhiễm đầu tiên của SARS-CoV-2, đó là tế bào đài (tế bào tiết nhầy) và tế bào trụ có lông chuyển.
Theo nghiên cứu này, hai loại tế bào niêm mạc mũi kể trên chứa nhiều nhất biểu hiện gene của ACE2 và TMPRSS2, là 2 protein giúp virus xâm nhập vào tế bào để gây bệnh. Hai loại protein này trước kia được tìm thấy nhiều ở tế bào biểu mô phế nang loại II của phổi.
Cũng trong nghiên cứu này, ACE2 và TMPRSS2 còn được tìm thấy ở tế bào giác mạc và niêm mạc ruột, gợi ý khả năng lây lan qua mắt, hay đường tiêu hóa.
Như vậy 2 loại tế bào niêm mạc mũi là tế bào đài và tế bào trụ có lông chuyển có thể được xem là những tế bào đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 khi nó xâm nhập vào cơ thể người bệnh, và là nơi chứa virus.
Hiểu biết chính xác tế bào nào của đường hô hấp đóng vai trò quan trọng trong lây nhiễm bệnh sẽ góp phần cho nghiên cứu phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19 hiệu quả. Kết quả nghiên cứu này cũng có thể giúp lý giải tại sao tải lượng virus ở mũi nhiều hơn ở họng.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở mũi hay họng?
Virus hiện diện ở mũi nhiều hơn ở họng nên có thể suy ra việc lấy mẫu ở mũi sẽ có kết quả chính xác hơn? Thực tế còn tùy thuộc vào nhân lực, phương tiện lấy mẫu ở từng địa phương và quốc gia.
Lấy mẫu ở mũi (vòm mũi họng hay cuốn mũi giữa) có nhược điểm là kích thích nhiều hơn, gây hắt hơi làm tăng khả năng lây nhiễm cho nhân viên y tế, nên nhân viên y tế phải được huấn luyện cách lấy mẫu và trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân thật an toàn.
Lấy mẫu ở mũi cũng khó thực hiện ở trẻ em hay người già. Do đó nếu không làm đúng kỹ thuật thì lấy mẫu ở mũi có khi còn cho kết quả không chính xác bằng lấy ở họng.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) trước kia khuyến cáo ưu tiên lấy mẫu ở mũi, nhưng mới đây vào ngày 29-4-2020 họ đã điều chỉnh lại không còn ưu tiên này, mà lấy ở mũi hay họng đều được.
Chúng ta cần làm gì để hạn chế lây nhiễm?
Bên cạnh các biện pháp rửa tay bằng xà phòng hay nước sát khuẩn có cồn, che mũi miệng khi hắt hơi, tránh chạm tay vào mắt mũi miệng khi chưa rửa tay, giãn cách xã hội... việc đeo khẩu trang thường xuyên đóng vai trò quan trọng giúp phòng ngừa và giảm lây lan bệnh.
Đeo khẩu trang vải ở nơi công cộng đã được CDC khuyến cáo từ ngày 3-4 cho tất cả người dân Mỹ, kể cả người khỏe mạnh, để ngăn ngừa lây lan COVID-19. Gần đây, việc đeo khẩu trang cũng đã được các nước châu Âu khuyến cáo cho người dân, vốn trước kia ít được chú trọng như là một biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cần lưu ý khi đeo khẩu trang phải luôn che kín cả mũi lẫn miệng thì mới hiệu quả trong việc phòng ngừa, hay tránh gây lây lan cho người khác.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đi học an toàn trong mùa dịch Giới y khoa ủng hộ việc học sinh trở lại trường trong thời điểm này nhưng đi kèm những lưu ý quan trọng cho người lớn Khi trường học khắp Việt Nam đang chuẩn bị để đón học sinh, cũng là lúc chị Minh Anh (35 tuổi; quận Tân Bình, TP HCM) lo âu đi hỏi ý kiến gần như tất cả bác...