Tại sao ông Phí Thái Bình và 6 người được hủy quyết định khởi tố?
Trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố 7 bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex – giai đoạn năm 2003-2004. Tuy nhiên, sau đó cả 7 người này đều được hủy bỏ quyết định khởi tố.
Đường ống nước sạch Sông Đà về Hà Nội nhiều lần vỡ gây bức xúc cho người dân. (Ảnh: VTV)
9 người trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà hầu tòa
Theo lịch của TAND TP.Hà Nội, vào ngày 5.3 tới, cơ quan này sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến vụ vỡ đường ống nước Sông Đà. Trong vụ án này có 9 người phải hầu tòa, gồm: Hoàng Thế Trung – nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà – Hà Nội (viết tắt Ban quản lý); Nguyễn Văn Khải – nguyên Phó giám đốc Ban quản lý; Trương Trần Hiền, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải, Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân. Tất cả những người này cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng chú ý của vụ án này là có 7 người từng bị Cơ quan điều tra khởi tố nhưng sau đó Viện KSND Tối cao đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, 7 người đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố gồm các ông: Phí Thái Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị), Nguyễn Văn Tuân (Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc), Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành (Ủy viên Hội đồng quản trị), Lại Văn Bích (Giám đốc Ban quản lý dự án), Nguyễn Đức Lưu (Trưởng phòng Đầu tư Tổng công ty Vinaconex).
Sau khi nhận được đề nghị phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can nêu trên, Viện KSND Tối cao đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ căn cứ khởi tố bị can.
Video đang HOT
Chưa có căn cứ xác định hành vi phạm tội của 7 trường hợp
Quá trình điều tra điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã yêu cầu cơ quan chuyên môn làm rõ Hội đồng quản trị Vinaconex có vi phạm gì trong việc thay đổi vật liệu tuyến ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh và việc thay đổi này có phải là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố vỡ ống khi vận hành trong thời gian vừa qua không?
Kết luận giám định bổ sung số 107/BXD-GĐ của Bộ Xây dựng ngày 30.9.2016 đã kết luận: “Nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, thử nghiệm, vận hành và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống”.
Thực tế hiện nay, nhiều công trình ở trong nước sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh để chuyển dẫn nước, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cũng vẫn sử dụng loại ống composite cốt sợi thủy tinh để thay thế các ống bị vỡ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Do đó, việc thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh cho tuyến ống truyền tải nước sạch của Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến ống truyền tải nước.
Cơ quan tố tụng xác định việc Hội đồng quản trị Vinaconex chỉ định Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex là nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện cho dự án là đúng thẩm quyền, phù hợp với tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với hình thức đầu tư dự án.
Từ những căn cứ nêu trên, Viện KSND Tối cao kết luận tài liệu điều tra đến nay chưa có căn cứ để xác định hành vi đề xuất, quyết định thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh và giao cho Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án của các ông: Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích, Nguyễn Đức Lưu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống truyền tải nước sạch của Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội.
Viện KSND Tối cao kết luận: Hành vi của những người này không đồng phạm với các bị can đã khởi tố, nên không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Do đó, Viện KSND Tối cao đã quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích và Nguyễn Đức Lưu.
Theo Danviet
Cựu Phó chủ tịch Hà Nội được hủy quyết định khởi tố
VKSND Tối cao đã hủy quyết định khởi tố bị can với ông Phí Thái Bình (nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Nội) và sáu người khác.
Ngày 21.12, ông Phí Thái Bình cho biết nhận được thông báo của VKSND Tối cao với nội dung hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và yêu cầu các cơ quan liên quan khôi phục quyền lợi dân sự cho ông. Trước khi làm Phó chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2006-2011, ông Bình làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex - chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà.
Ngoài ông Bình, VKSND Tối cao cũng ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can với các thành viên HĐQT Vinaconex giai đoạn 2003-2004, gồm các ông: Nguyễn Văn Tuân (Tổng giám đốc), Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành. Hai người khác là ông Lại Văn Bích (Giám đốc Ban quản lý dự án) và ông Nguyễn Đức Lưu (Trưởng phòng Đầu tư) cũng được hủy quyết định khởi tố.
Ông Bình cảm ơn những người thụ lý vụ án tại VKSND Tối cao đã xác minh vụ việc đúng theo sự thật, trả lại công bằng cho ông và các lãnh đạo khác trong Hội đồng quản trị của Vinaconex.
Theo ông Bình, Vinaconex khi xây dựng nhà máy cấp nước cho người dân Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện dự án, một số lãnh đạo cấp dưới có sai sót song không tham nhũng, vụ lợi.
"Trong một nồi cháo chỉ có vài hạt sạn mà chúng tôi đã bị xã hội lên án. Chúng tôi phải chịu đau khổ trong thời gian dài, ảnh hưởng tinh thần của bản thân và cả gia đình", ông Bình chia sẻ.
Ông Phí Thái Bình: "Dự án gặp sự cố liên tiếp bản thân tôi cảm thấy rất đau xót". Ảnh: Bá Đô
Ngày 22.5, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can với ông Phí Thái Bình để điều tra tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" do liên quan sự cố liên tục vỡ đường ống nước sông Đà.
Cơ quan điều tra cáo buộc, trong giai đoạn làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, ông Bình để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn tới đường ống nước sạch kém chất lượng, hư hỏng nhiều lần, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân.
Trao đổi với VnExpress vào thời điểm đó, ông Bình cho biết, kết luận của cơ quan điều tra chưa thấu đáo. Cơ quan điều tra phải xem xét trên nhiều phương diện như kỹ thuật, cá thể hoá trách nhiệm của từng người phụ trách, chứ không phải cứ dồn trách nhiệm về chủ trương chỉ đạo.
Năm 2004, Vinaconex đầu tư dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội với công suất 600.000 m3 một ngày đêm, tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng.Theo cơ quan điều tra, trong quá trình vận hành khai thác, từ năm 2012 đến 2015, đường ống đã hàng chục lần bị vỡ. 177.000 hộ dân đã bị dừng cấp nước gần 350 giờ, gây thiệt hại trên 13 tỷ đồng để khắc phục sự cố.
Theo Đoàn Loan (VNE)
Hủy quyết định khởi tố đối với nguyên Phó Chủ tịch TP Hà Nội Liên quan đến tình trạng liên tục vỡ đường ống nước Sông Đà, VKSND Tối cao khẳng định việc đổi từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh cho Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến ống nước. Do đó VKSND Tối cao quyết định huỷ bỏ khởi tố...