Tại sao ông Hun Sen nói “đánh rắn phải đánh dập đầu”?
Hun Sen không thể ngờ thiện chí của mình lại có thể gây họa cho chính bản thân ông lẫn đất nước Chùa Tháp. Có lẽ đó là lý do tại sao ông nói, đánh rắn phải…
LTS: Căng thẳng chính trị tại Campuchia hiện nay đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế. Ts Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích thể hiện góc nhìn của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Khmer Times ngày 19/9 đưa tin, phe đối lập Campuchia CNRP đang kêu gọi nối lại các cuộc đối thoại với đảng CPP cầm quyền và coi đó là điều kiện tiền đề để CNRP ngừng các cuộc biểu tình hàng loạt.
CNRP đe dọa, nếu tình hình không cải thiện, sẽ có những cuộc biểu tình trong thời gian tới.
Người phát ngôn CNRP Yim Sovann phát biểu trước những người ủng hộ tại trụ sở đảng này hôm thứ Bảy 17/9 rằng:
“Tôi xin…Xin làm ơn giải quyết vấn đề, đừng để nó dẫn đến cuộc biểu tình. Thành thật mà nói, tôi cũng lấy làm tiếc về các cuộc biểu tình, phản đối.
Chúng tôi đã tổ chức các cuộc biểu tình trong hơn 21 năm qua, kể từ một trong những cuộc biểu tình đầu tiên liên quan đến Chủ tịch Sam Rainsy của chúng tôi với hơn 4 ngàn công nhân may.
Vì vậy đừng ép chúng tôi”.
Người phát ngôn CPP Sok Eysan hoan nghênh lời kêu gọi đàm phán và thảo luận.
Nhưng ông nhấn mạnh, hai đảng chỉ có thể đàm phán và thảo luận trong khuôn khổ giải quyết các vấn đề chính trị hiện tại, chứ không phải bàn về các bản án liên quan đến một số lãnh đạo CNRP.
“Họ có thể phản đối, nhưng khi họ đã vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng sẽ có hành động pháp lý”, ông Sok Eysan cảnh báo.
Ông Sam Rainsy Chủ tịch CNRP đang sống lưu vong tại Pháp gần một năm qua để né tránh một bản án phạt tù 2 năm vì tội phỉ báng.
Ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch CNRP thì đang cố thủ trong trụ sở đảng này gần 4 tháng qua, cũng để tránh thực hiện một bản án 5 tháng tù vì không chịu ra tòa theo lệnh triệu tập.
Đánh rắn phải đánh dập đầu
The Cambodia Daily ngày 14/9 đưa tin, sau khi CNRP thông báo kế hoạch sẽ tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ trên phạm vi toàn quốc chỉ khoảng 2 tiếng, ngay trong đêm thứ Hai 12/9, khoảng 30 đến 40 xe tải quân sự chở binh lính có vũ trang bao vây trụ sở phe đối lập CNRP.
Việc triển khai binh lính diễn ra sau khi Thủ tướng Hun Sen cảnh báo trên Facebook, chống lại bất kỳ hoạt động nào phá hoại trật tự trị an nhằm các mục đích chính trị. Ông Hun Sen viết:
“Tôi ra lệnh cho tất cả các lực lượng có thẩm quyền phải sẵn sàng loại bỏ các hoạt động bất hợp pháp, bảo vệ hạnh phúc của nhân dân bằng bất cứ giá nào.
Các quý bà quý ông xin vui lòng không “nghiện” các cuộc biểu tình. Đánh rắn phải đánh dập đầu. Nếu quý vị không tin điều đó, hãy thử xem.”
Tân Hoa Xã hôm nay 19/9 cho biết, phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Panha Chiet, ông Hun Sen khẳng định:
Không có khủng hoảng chính trị tại Campuchia và nước ngoài đừng can thiệp vào công việc nội bộ nước này.
“Chúng tôi không cho phép bất cứ ai phá hoại hòa bình, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Người nước ngoài không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia”, ông Hun Sen nói.
Video đang HOT
Về lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha, Thủ tướng Campuchia cho biết:
“Ông đã vi phạm pháp luật và phải chịu phạt tù, tất cả chỉ có thế”. Chính phủ Campuchia không có quyền can thiệp vào quyết định của tòa án.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: pinterest.com.
Còn Bangkok Post ngày 19/9 dẫn nguồn AFP dẫn lời ông Hun Sen phát biểu:
“Đừng đe dọa tôi bằng các cuộc biểu tình và dùng nó đổi lấy các cuộc đàm phán. Không có cách nào đâu, chú em!
Đây không chỉ là lời cảnh báo, nó nghiêm trọng hơn là một lời cảnh báo, vì nó là một bước để loại bỏ những kẻ phá hoại an ninh, trật tự xã hội”.
Tuần trước một nhóm 36 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, EU đưa ra một tuyên bố chung “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng chính trị gia tăng tại Campuchia.
Tại sao ông Hun Sen “đánh rắn phải đánh dập đầu”?
Cá nhân tôi cho rằng, duy trì hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ trật tự xã hội dựa trên luật pháp là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo bất kỳ quốc gia nào.
Những ai lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để thực hiện các ý đồ chính trị cá nhân, tìm kiếm quyền lực và phiếu bầu bằng con đường xuyên tạc lịch sử, biên giới lãnh thổ, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc đều phải lên án và trừng phạt thích đáng theo pháp luật.
BBC ngày 19/7/2013 đưa tin, ông Sam Rainsy bị kết án vắng mặt 10 năm tù vì tội ngụy tạo bản đồ, tuyên truyền xuyên tạc rằng Campuchia để mất đất cho Việt Nam, gây rối loạn và chia rẽ trong lòng xã hội đất nước Chùa Tháp cũng như quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Năm 2013, Sam Rainsy được Hoàng gia Campuchia ân xá vào ngày 12/7 theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, kịp trở về nước để tham gia cuộc bầu cử.
Những tưởng thiện chí hòa giải của ông Hun Sen sẽ được Sam Rainsy đền đáp bằng nỗ lực cùng nhau củng cố đoàn kết và hòa giải, xây dựng đất nước, Sam Rainsy đã làm ngược lại, tìm mọi cách kích động dư luận để lật đổ Hun Sen và CPP.
Sở dĩ CNRP giành được thắng lợi nhất định trong cuộc bầu cử năm 2013 là nhờ chính sách tuyên truyền bài Việt, chống phá quan hệ Việt Nam – Campuchia bằng việc ngụy tạo bản đồ, bịa đặt tài liệu về biên giới lãnh thổ.
Thủ đoạn này đã lừa gạt được một bộ phận không nhỏ cử tri Campuchia trẻ tuổi, thiếu thông tin, kiến thức và đang thừa bất mãn vì cuộc sống, công việc.
Ông Kem Sokha và ông Sam Rainsy, ảnh: simonroughneen.com.
Sam Rainsy, Kem Sokha đã không dừng lại, liên tục tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Campuchia hòng gây sức ép với Hun Sen và CPP.
Chiến dịch tranh cử của hai chính khách này không tập trung vào các vấn đề đặt ra với xã hội Campuchia và nhu cầu bức thiết của các cử tri, mà chỉ chăm chăm kích động chia rẽ, phân biệt chủng tộc, bài Việt, tuyên truyền bịa đặt về biên giới lãnh thổ.
Thủ tướng Hun Sen đã chứng minh được một cách thuyết phục quá trình đàm phán, phân định biên giới Campuchia – Việt Nam hoàn toàn hợp pháp, khách quan, công khai minh bạch, theo đúng các nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế hai bên thỏa thuận lấy làm căn cứ.
Khi con bài biên giới lãnh thổ mất thiêng, thủ đoạn ngụy tạo bản đồ tài liệu bị vạch trần và những kẻ chủ mưu thực hiện các hoạt động phạm pháp này như Hong Sokhua bị trừng trị, CNRP lại quay sang tìm kiếm “văn hóa đối thoại”.
Nhưng những gì Sam Rainsy và Kem Sokha đã làm chỉ nhằm mục đích thâu tóm quyền lực về tay mình, bất chấp thủ đoạn. Trước mặt Hun Sen thì họ nói đến văn hóa đối thoại, nhưng gặp dân chúng thì họ chỉ tuyên truyền nhằm tìm cách lật đổ Hun Sen.
Người dân đất nước Chùa Tháp đã phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát từ chiến tranh, và đặc biệt là từ những kẻ cực đoan diệt chủng như Khmer Đỏ cách nay chưa bao lâu, giờ có thể lại phải đối mặt với nguy cơ huynh đệ tương tàn, đồng bào nồi da xáo thịt vì những kẻ cực đoan.
Cá nhân tôi cho rằng, Thủ tướng Hun Sen hoàn toàn chính xác với nhận định, chiến tranh sẽ xảy ra nếu những kẻ cực đoan như Sam Rainsy, Kem Sokha lên cầm quyền, vì họ luôn coi nước láng giềng (Việt Nam) là kẻ thù.
Không thể phủ nhận thực tế năm 2013, nếu không có đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, thì khó có chuyện Sam Rainsy được ân xá.
Nhưng ông Hun Sen không thể ngờ thiện chí của mình lại có thể gây họa cho chính bản thân ông lẫn đất nước Chùa Tháp. Có lẽ đó là lý do tại sao ông nói, đánh rắn phải đánh dập đầu.
Người viết cũng đồng tình với Thủ tướng Hun Sen rằng, bất kỳ ý tưởng và hành động “xuất khẩu cách mạng màu”, xuất khẩu ý thức hệ” nào từ các nước lớn sang nước nhỏ đều dẫn đến chiến tranh, xung đột.
Trong quá trình phát triển, quốc gia nào cũng đối mặt với những vấn đề bất cập nội tại. Chỉ khi nào những bất cập ấy được giải quyết một cách đúng đắn, đất nước mới có thể phát triển.
Nhưng mọi sự áp đặt và can thiệp từ bên ngoài đã được chứng minh là không mang lại điều gì tốt đẹp. Vận mệnh của quốc gia dân tộc nào phải do quốc gia, dân tộc ấy định đoạt.
Theo Giáo Dục Việt Nam
Đội cảnh vệ trang bị xe tăng, trực thăng của Thủ tướng Hun Sen
Đơn vị 3.350 quân tinh nhuệ bảo vệ Thủ tướng Campuchia được quyền sử dụng các vũ khí, khí tài hạng nặng do Trung Quốc sản xuất để đảm bảo an ninh.
Các binh sĩ thuộc Bộ tư lệnh Cảnh vệ bảo vệ Thủ tướng Campuchia. Ảnh:PhnomPenh Post
Căng thẳng chính trị đang gia tăng ở Campuchia, sau khi Thủ tướng Hun Sen điều các binh sĩ thuộc lực lượng cảnh vệ hàng đêm đến triển khai trước trụ sở đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) ở thủ đô Phnom Penh nhằm ngăn chặn kế hoạch tổ chức biểu tình quy mô lớn của lãnh đạo đảng này.
Theo các chuyên gia phân tích, đơn vị cảnh vệ đang ngày càng trở thành công cụ đắc lực để Thủ tướng Hun Sen gây sức ép với lãnh đạo đảng đối lập, nhằm bảo vệ cái mà ông gọi là "trật tự và luật pháp". Đây là một đơn vị có quyền lực rất lớn, có ảnh hưởng bao trùm nhiều cơ quan nhà nước khác của Campuchia, kể cả tòa án, cảnh sát và các cơ quan công quyền.
Đơn vị bảo vệ Thủ tướng Campuchia được thành lập từ năm 1995, trực thuộc Lữ đoàn 70 bảo vệ lãnh đạo. Tuy nhiên, đến năm 2009, Thủ tướng Hun Sen ký nghị định tách Bộ tư lệnh Cảnh vệ khỏi Lữ đoàn 70, theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia.
Nghị định này chỉ rõ Bộ tư lệnh Cảnh vệ là một bộ phận của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng, có nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng và gia đình cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ Campuchia.
Trong lễ kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Bộ tư lệnh Cảnh vệ diễn ra hôm 11/9 tại sở chỉ huy ở thành phố Takhmao, tỉnh Kandal, tướng Pol Saroeun, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, tuyên bố các binh sĩ của ông luôn "tuyệt đối trung thành" với Thủ tướng Hun Sen và gia đình, quyết tâm "ngăn chặn cách mạng màu diễn ra ở Campuchia".
Trung tướng Hing Bun Heang, tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ, cũng đưa ra tuyên bố tương tự, khẳng định sẽ bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của chính phủ và các cơ quan nhà nước, tuân thủ những chính sách của chính phủ hợp pháp được thành lập sau bầu cử.
Ngoài sở chỉ huy ở Takhmao, đơn vị cảnh vệ này còn có một tổng hành dinh đóng ngay đằng sau dinh thự của Thủ tướng Hun Sen ở thủ đô Phnom Penh. Đây được cho là nơi xuất phát của những chiếc xe tải chở đầy binh sĩ hàng đêm kéo đến bao vây trụ sở của CNRP.
Kết huynh đệ với doanh nhân Trung Quốc
Thủ tướng Hun Sen (áo trắng) và doanh nhân Trung Quốc Fu Xianting. Ảnh: FT
Các binh sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là những người được đào tạo, huấn luyện và trang bị tốt nhất trong quân đội Campuchia. Ngoài các vũ khí cá nhân thông thường, họ còn được quyền sử dụng cả súng máy, xe thiết giáp và trực thăng vũ trang do Trung Quốc sản xuất. Họ cũng được nhận mức lương trung bình khoảng 300 USD, cao gấp nhiều lần so với mức lương bình quân 13 USD của lính bộ binh thông thường.
Theo một cuộc điều tra của tờ Financial Times, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Campuchia có mối quan hệ rất đặc biệt với Unite International, một công ty do nhà tài phiệt Trung Quốc Fu Xianting đứng đầu.
Trong cộng đồng doanh nhân Campuchia, "Đại ca Fu" là một cái tên rất nổi tiếng. Ông Fu là một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, có thân hình vạm vỡ và chất giọng sang sảng của một quân nhân. Ở Campuchia, hiếm có doanh nhân nào có mối quan hệ chính trị rộng rãi và được chính quyền ưu ái như "Đại ca Fu".
Nhà tài phiệt này ký thỏa thuận thành lập liên minh "quân đội - doanh nghiệp" với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ vào tháng 4/2010, bằng cách đầu tư trang thiết bị hiện đại cho đơn vị bảo vệ ông Hun Sen. Tại lễ ký kết, tướng Bun Heang đã ca ngợi ông Fu hết lời.
Công ty Unite International của ông này đã tài trợ một loạt phương tiện, trang bị cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, trong đó có 220 chiếc môtô vào năm 2009. Các binh sĩ cảnh vệ Campuchia vẫn thường xuyên sử dụng những môtô này để đi tuần tra trên đường phố Phnom Penh.
Trong lễ tiếp nhận các khoản tài trợ của ông Fu, Phó thủ tướng Sok An đã "cảm ơn Tập đoàn Unite vì món quà 220 môtô và nhiều khoản hỗ trợ về vật chất trước đó cho đơn vị cảnh vệ của ông Hun Sen".
Trong các sự kiện lớn, ông Fu thường quàng chiếc khăn màu đỏ đính huy hiệu vàng, biểu tượng cho thấy ông có quan hệ mật thiết với Thủ tướng Hun Sen. Mối quan hệ này thân cận đến mức các thành viên Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thường gọi ông Fu là "huynh đệ" và cam kết sẽ "tạo hành lang an toàn cho mọi hành động của ông Fu".
9 tháng sau khi đưa ra những khoản tài trợ hào phóng cho Bộ tư lệnh Cảnh vệ, công ty Unite International đã giành được gói thầu lớn, biến một vùng bờ biển đẹp nhất của Campuchia thành tổ hợp du lịch trị giá 5,7 tỷ USD. "Cá nhân tôi bày tỏ lòng biết ơn và ủng hộ công ty ông vì đã thực hiện dự án du lịch này", ông Hun Sen viết trong một lá thư gửi cho ông Fu, theo FT.
Ở Bắc Kinh, ông Fu là thành viên Hiệp hội Liên lạc Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc, tổ chức thường xuyên báo cáo lên Bộ Ngoại giao nước này. Còn ở Phnom Penh, ông là cố vấn chính thức của Thủ tướng Hun Sen, và là doanh nhân được trọng vọng nhất trong các nghi lễ nhà nước và quân đội.
Mở rộng quy mô
Với quyền lực bao trùm các cơ quan chính phủ và sự hỗ trợ lớn từ doanh nghiệp, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ không ngừng phát triển về quy mô cũng như mức độ can thiệp vào các sự kiện an ninh của nước này.
Binh sĩ và xe tăng Bộ tư lệnh Cảnh vệ diễu binh trong lễ kỷ niệm 7 năm ngày thành lập. Ảnh: PhnomPenh Post
Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc rằng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thường xuyên có các hành động bắt bớ, trấn áp trái quy định. Trong một cuộc tuần hành cuối năm ngoái, các cảnh vệ mặc thường phục thuộc đơn vị này đã lôi hai nghị sĩ đảng đối lập Campuchia ra khỏi xe và đánh đập dã man, khiến họ phải nằm viện nhiều tháng trời. Hồi tháng ba, một tòa án Campuchia tuyên án một năm tù đối với ba sĩ quan cảnh vệ vì tham gia vào cuộc tấn công.
Trong một nghị định được ông Hun Sen ký ngày 21/7, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ sẽ được tăng quân số lên đáng kể. Nhiều nguồn tin cho hay đơn vị này hiện có 3000 quân tinh nhuệ, và theo nghị định mới, họ sẽ được bổ sung thêm 350 binh sĩ vào biên chế.
Tướng Bun Heang khẳng định đợt bổ sung quân này "không có gì lạ", bởi đơn vị này cần phải thay thế những người đã về hưu. Tuy nhiên, động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội Campuchia đang tiến hành các cuộc diễn tập công khai, và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ vẫn đang huy động xuồng tuần tra, trực thăng và binh sĩ mang súng máy quần thảo xung quanh trụ sở CNRP.
Sisowath Thomico, thành viên đảng CNRP, cho rằng đây là đợt tăng quân số đáng kể so với quy mô của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, đơn vị vẫn không ngừng phình ra về biên chế và trang bị so với các lực lượng vũ trang thông thường. "Tôi cho rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ Thủ tướng đang lo lắng, nếu không ông ấy cần đến một đơn vị cảnh vệ mạnh như vậy để làm gì", Thomico nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Lực lượng cận vệ thiện chiến của thủ tướng Hun Sen Đây là lực lượng trung thành nhất với nhà lãnh đạo Campuchia và được cho là trang bị "tận răng" để bảo vệ "vòng trong" cho Thủ tướng Hun Sen. Hôm 4-9 vừa qua, lực lượng cận vệ của Thủ tướng Hun Sen đã kỷ niệm ngày thành lập với những cuộc phô diễn sức mạnh tại thành phố Takhmao, tỉnh Kandal -...