Tại sao Nhật Bản ‘thay đổi căn bản’ thái độ với Nga?
Nhật Bản đang là nhà viện trợ hàng đầu của Ukraine, nhưng điều này lại tạo ra rạn nứt mới với Nga.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp ở Kiev, ngày 7/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đánh giá của Đài phát thanh Quốc tế Đức (DW.com), Nhật Bản đang trở thành một trong những nhà cung cấp viện trợ quan trọng nhất của Ukraine với hàng tỷ USD. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ với Nga?
Trong bối cảnh viện trợ từ EU và Mỹ có dấu hiệu chậm lại, các quốc gia phương Tây khác đã tăng tỷ lệ hỗ trợ của họ cho Ukraine, trong số đó có Nhật Bản. Theo Bộ Tài chính Ukraine, Nhật Bản đã âm thầm trở thành một trong những nước hỗ trợ tài chính quan trọng nhất của Kiev, dẫn đầu trong những tháng đầu năm 2024.
Tại một hội nghị ở Nhật Bản vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết viện trợ được cung cấp và cam kết từ Tokyo sẽ có tổng trị giá 12 tỷ USD (11,2 tỷ euro). Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 6 về viện trợ quốc tế cho Ukraine vào tháng 1 vừa qua, cung cấp hơn 7 tỷ euro.
Khoản viện trợ này từ Nhật Bản đang giúp duy trì nền kinh tế Ukraine. Ngân hàng Quốc gia Ukraine ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 1/3 kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Mặc dù Tokyo không thể cung cấp cho Kiev vũ khí sát thương vì lý do lịch sử và các hạn chế pháp lý quốc gia, nhưng họ có thể gửi thực phẩm, thuốc men, máy phát điện, ô tô, áo giáp chống đạn và thiết bị rà phá bom mìn.
Nhưng khi Ukraine cần vũ khí, Nhật Bản có thể giúp đỡ bằng cách chuyển giao cho Mỹ các tên lửa được sản xuất tại Nhật Bản dành cho hệ thống phòng không Patriot của Mỹ để Washington có thể chuyển chúng cho Ukraine.
Video đang HOT
Đáp lại, đại diện Bộ Ngoại giao Nga cho biết sự xuất hiện của tên lửa Nhật Bản ở Ukraine sẽ gây ra “hậu quả” cho mối quan hệ của Moskva với Tokyo.
Atsuko Higashino, Giáo sư nghiên cứu xung đột ở Ukraine tại Đại học Tsukuba, ủng hộ việc chuyển giao như vậy vì tên lửa “sẽ bảo vệ người dân Ukraine”. Tuy nhiên, Giáo sư Higashino cho rằng việc chuyển giao như vậy có thể khó xảy ra “trong tương lai gần”, bởi vì Nhật Bản đang “thâm hụt nghiêm trọng” về hệ thống phòng thủ.
Về phần mình, James Brown, Giáo sư và chuyên gia về quan hệ Nga – Nhật tại Đại học Temple ở Tokyo, tin rằng việc chuyển giao tên lửa Patriot cho Mỹ “phần lớn đã được thống nhất”, nhưng sự chậm trễ là do các quy định, đồng thời giải thích rằng điều rất quan trọng đối với Nhật Bản là tên lửa của nước này không chuyển trực tiếp đến Ukraine.
“Thay đổi căn bản” trong quan hệ với Nga
Nhưng làm thế nào mà Nhật Bản lại trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Ukraine? Giáo sư Brown nêu quan điểm: “Khi Nhật Bản hỗ trợ Ukraine, họ thực sự đang nghĩ đến việc cố gắng duy trì một hệ thống quốc tế nhằm ngăn chặn những thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Higashino cho rằng thái độ của Nhật Bản đối với Ukraine và Nga đã “thay đổi hoàn toàn”: Trong khi Nhật Bản “không phản ứng về việc Nga sáp nhập Crimea” vào năm 2014, mọi thứ đã khác sau chiến dịch quân sự quy mô lớn của Nga ở Ukraine năm 2022.
Sự thay đổi lãnh đạo ở cấp cao nhất của chính phủ đã góp phần trong sự thay đổi này. Ông Brown cho biết: “Dưới sự lãnh đạo trước đây của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã theo đuổi rất nhiều mối quan hệ hợp tác với Nga. Với mục tiêu thực sự là tìm cách phát triển quan hệ đối tác nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên và ký kết một hiệp ước hòa bình”.
“Nhưng sau năm 2022, Chính phủ Nhật Bản nhận ra rằng những nỗ lực đó không thực sự có hiệu quả, và thay vào đó, ưu tiên của họ không phải là tạo dựng mối quan hệ đối tác với Nga”, Giáo sư Brown nhận định.
Do đó, ngược lại với ông Abe, Thủ tướng Kishida đã ủng hộ việc thực hiện “các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga – điều không thể tưởng tượng được trước đây”, Giáo Higashino nói.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga và có những trường hợp ngoại lệ đối với một số lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Các hãng ô tô Nhật Bản đã rút khỏi thị trường béo bở Nga nhưng Nhật Bản vẫn tham gia vào dự án dầu khí Sakhalin 2 do tập đoàn Gazprom dẫn đầu, mặc dù các công ty phương Tây khác rút khỏi dự án. Dự án này cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho Nhật Bản. Do hầu như không có nhiên liệu hóa thạch, Nhật Bản sử dụng khoảng 9% lượng khí đốt từ Nga.
Các nước EU do dự chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sở hữu hệ thống phòng không Patriot tỏ ra do dự trong việc cung cấp hệ thống cho Ukraine trong khi quốc gia này đang cố gắng tìm kiếm ít nhất 7 đội hình tên lửa phòng để đối phó mối đe doạ không kích của Nga.
Hệ thống phòng không Patriot tại sân bay Warsaw Babice, Ba Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trang Yahoo News dẫn các hãng tin nước ngoài đưa tin tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU ngày 22/4, Ngoại trưởng Hà Lan Hanke Bruins Slot cho biết Hà Lan đang xem xét mọi khả năng vào lúc này và đang đề nghị hỗ trợ tài chính cho sáng kiến của Đức nhằm giúp Ukraine tăng cường phòng không và mua thêm máy bay không người lái.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không gửi một số hệ thống Patriot của mình cho Ukraine, Ngoại trưởng Slot thừa nhận nước này đang xem xét đến tình huống có thể cạn kiệt kho vũ khí nếu cung cấp cho Ukraine.
Tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng liên minh quân sự này đã vạch ra các khả năng hiện có của liên minh và có những hệ thống có thể được cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo không nêu tên các quốc gia sở hữu hệ thống phòng không Patriot.
Patriot là hệ thống tên lửa dẫn đường có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Mỗi khẩu đội bao gồm một hệ thống phóng gắn trên xe tải với 8 bệ phóng, mỗi bệ có thể chứa tối đa 4 tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar mặt đất, một trạm điều khiển và một máy phát điện.
Ngoài tính hiệu quả cao, một trong những lợi thế chính của các hệ thống do Mỹ sản xuất là quân đội Ukraine đã được đào tạo để sử dụng chúng.
Tuy nhiên, để sản xuất một hệ thống Patriot cần nhiều thời gian, có thể lên tới 2 năm. Chính vì vậy, một số quốc gia không muốn cho đi. Đức hiện có 12 hệ thống nhưng đã cung cấp 3 chiếc cho Ukraine. Trong khi đó, Ba Lan - quốc gia giáp biên giới với Ukraine - có hai hệ thống và cần chúng để phòng thủ.
Khi được hỏi liệu Thuỵ Sĩ có cung cấp bất kỳ hệ thống Patriot nào không, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Pl Jonson trả lời: "Tôi không loại trừ khả năng đó, nhưng hiện tại chúng tôi đang tập trung vào việc viện trợ tài chính". Ông Pal cũng tiết lộ Thụy Điển sẽ gửi các hệ thống khác có thể giảm bớt một số áp lực về nhu cầu sử dụng Patriot tại Ukraine.
Ông lưu ý nhiều hệ thống phòng không của Mỹ có thể sẽ được cung cấp cho Ukraine sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ 61 tỷ USD vào cuối tuần qua, bao gồm 13,8 tỷ USD để Ukraine mua vũ khí.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares nói rằng đất nước của ông sẽ đưa ra quyết định dựa trên khả năng nước này có trong tay để hỗ trợ Ukraine.
Nhật Bản đề xuất sáng kiến giải trừ vũ khí hạt nhân Nhật Bản bày tỏ quan ngại về việc cộng đồng quốc tế trở nên chia rẽ trước vấn đề giải trừ loại vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết, nước này muốn tập hợp các đối tác để đàm phán Hiệp ước cắt giảm vật liệu phân hạch - FMCT. (Nguồn: Kyodo) Ngày 18/3, tại New York, Mỹ,...