Tại sao lực lượng phòng không Nga được chỉ thị sẵn sàng chiến đấu?
Bộ Quốc phòng Nga sáng 8-2 đã bất ngờ chỉ thị lực lượng phòng không Nga thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Mỹ và một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) gia tăng hoạt động quân sự áp sát sườn phía Tây nước Nga.
Binh lính NATO tại Litva hôm 7-2. Ảnh: AP
Trước đó, hôm 7-2, khoảng vài trăm binh sĩ của Đức đã đến Litva để tham gia đội quân đa quốc gia do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai tại đây.
Đây là một trong bốn đội quân được NATO triển khai luân chuyển tới Litva và ba quốc gia khác. Sau Đức, trong năm nay Mỹ, Anh và Canada sẽ lần lượt đưa các binh sĩ tới Ba Lan, Estonia và Latvia. Các binh sĩ của Đức sẽ cùng với binh sĩ Bỉ, Hà Lan, Pháp và một số quốc gia khác tạo thành lực lượng gồm 1.200 quân trong mùa xuân này.
Hồi cuối tháng 1, chưa đầy một tuần sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, NATO đã tuyên bố điều 1.200 binh lính tới căn cứ hải quân Klaipeda của Litva nhằm củng cố sườn Đông. Cùng với đó, hơn 100 binh sĩ và khoảng 60 thiết bị quân sự của Bỉ cũng được điều tới căn cứ hải quân Klaipeda trên biển Baltic, nằm rất gần khu vực Kaliningrad (Nga). Dù là một phần trong kế hoạch tăng cường lực lượng ở sườn phía Đông của NATO, nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng, động thái này không nằm ngoài nỗ lực “ngăn chặn” một nước Nga “trỗi dậy về quân sự”.
Phản ứng trước động thái của NATO, Bộ Quốc phòng Nga sáng 8-2 đã chỉ thị lực lượng phòng không Nga thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Hãng Interfax dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chỉ thị sẵn sàng chiến đấu đã được truyền đạt xuống các bộ phận và các đơn vị phòng không thực hiện nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ thủ đô Mátxcơva và các khu vực công nghiệp trọng yếu của liên bang.
“Mệnh lệnh chiến đấu được thực hiện đầy đủ. Các đơn vị, lực lượng và hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 được triển khai vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Các thiết bị bảo đảm sẽ được vận chuyển bằng đường sắt tới khu vực được chỉ định”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Video đang HOT
Trước đó vào sáng 7-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị cho quân đội nước này thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, báo động sẵn sàng chiến đấu nhằm đánh giá năng lực và khả năng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị quân đội liên bang. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, lực lượng không quân là bộ phận được kiểm tra kỹ nhất.
“Lực lượng không quân phải đặc biệt chú ý đến cảnh báo chiến đấu, nhanh chóng triển khai các hệ thống phòng không và tập hợp sức chiến đấu trên không để đánh đuổi kẻ thù trong thời điểm chiến tranh”, Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, một cuộc tập trận trên quy mô lớn được diễn ra từ hôm 7-2 nhằm kiểm tra khả năng tác chiến bao gồm việc triển khai bất ngờ các hệ thống phòng không cũng như phối hợp trên không nhằm đẩy lui một đợt tấn công của đối phương.
Dù không nêu lý do khiến Nga tổ chức cuộc tập trận bất ngờ vào thời điểm này nhưng theo nhận định của truyền thông phương Tây, động thái này có liên quan đến việc Mỹ điều vũ khí đến Estonia và hàng loạt hành động nhằm chống Nga của Latvia, EStonia và Litva. Và không phải ngẫu nhiên Nga lại huy động lực lượng không quân vào cuộc tập trận bất thường này bởi theo một số chuyên gia, đây là lực lượng chiếm ưu thế nhất trước NATO của Nga vào thời điểm hiện nay.
Cùng với thế mạnh trên, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Nga còn được đánh giá cao hơn hẳn NATO. Các nhà phân tích của Mỹ cho rằng, lực lượng vũ trang Nga có khả năng “chỉ trong 10 ngày hoặc ngắn hơn như vậy” để triển khai tại vùng Baltic 27 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, bao gồm 30-50 nghìn quân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn diện.
Trong khi đó, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội NATO vô cùng yếu kém. Để triển khai một cuộc tập trận đa quốc gia, có di chuyển binh lực tầm xa, đội quân của NATO phải mất đến hàng tuần chuẩn bị, trong điều kiện thiếu thốn phương tiện vận chuyển. Do đó, khối này không thể điều quân tăng viện kịp thời cho Baltic. Thực trạng này đã được nhóm chuyên gia 6 người của NATO, trong đó có cựu Tổng thư ký của NATO Jaap de Hoop Scheffer và tướng Anh Richard Shirreff – cựu Phó tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang liên hợp của NATO ở châu Âu chỉ ra.
Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Nga và NATO vẫn trong giai đoạn đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraina bùng phát. Trong khi NATO ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraina, Mátxcơva kiên quyết bác bỏ điều này. Tuy nhiên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga.
Đây là động thái đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga – NATO, theo đó quy định NATO không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên mới nằm sát Nga.
Mátxcơva tỏ ra rất giận dữ và cho rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng “bao vây” Nga. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Nếu theo dõi các phương tiện truyền thông, có thể thấy Nga thể hiện thái độ rõ ràng đối với việc NATO điều quân đến sát biên giới. Và đó là thái độ tiêu cực”.
Dù căng thẳng là vậy, nhưng lập trường của Tổng thống Mỹ D.Trump đã khiến nhiều học giả kỳ vọng vào khả năng xoay chuyển tình hình theo chiều hướng tích cực hơn. Ngay từ khi tranh cử, ông chủ Nhà Trắng đã có nhiều tuyên bố tốt đẹp về Tổng thống Nga V.Putin cũng như về nước Nga. Sau khi giành chiến thắng, ông cũng liên tục lặp lại quan điểm muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Tỷ phú bất động sản cũng thể hiện những lập trường rất “hợp ý” Nga về nhiều vấn đề như NATO, Liên minh châu Âu (EU). Đây có thể được xem là nhân tố quan trọng hướng tới khả năng “tan băng”, tiến tới một mối quan hệ cải thiện hơn giữa Nga với Mỹ cũng như với NATO trong thời gian tới.
Theo Ngọc Hà
Quân đội nhân dân
Radar phát hiện mục tiêu ở cách 10.000 km của Nga
Lực lượng phòng không Nga sẽ vận hành hệ thống radar Voronezh có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo từ cách hàng nghìn km trong năm 2017.
Một hệ thống radar Voronezh-DM. Ảnh: Science Pole.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 12/2016 cho biết ba trạm radar Voronezh-DM đã được thử nghiệm thành công tại Orsk, Barnaul và Yeniseisk. Các tổ hợp này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017, giúp Nga lần đầu tiên sở hữu mạng lưới radar cảnh báo sớm phủ sóng toàn bộ đường biên giới, Sputnik ngày 8/1 đưa tin.
Nga mất đi hệ thống cảnh báo sớm hợp nhất sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Các tổ hợp radar nằm ở những nước cộng hòa độc lập đều bị loại biên hoặc phá hủy hoàn toàn. Việc biên chế các trạm Voronezh-DM sẽ trám lỗ hổng radar ở vùng tây bắc, tây nam, nam và đông nam của Nga, điều ngay cả Liên Xô trước đây cũng chưa làm được.
Mỗi trạm Veronezh thế hệ mới có thể phát hiện đồng thời 500 mục tiêu từ khoảng cách 6.000 đến 10.000 km ở độ cao 8.000 km. Ở khoảng cách 8.000 km, nó có thể xác định mục tiêu có tiết diện phản xạ radar bằng quả bóng đá, theo TvZvezda.
Đài radar ở Orsk có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo ở Trung Đông, phía nam châu Âu, bán đảo Arab và Bắc Phi. Nga đang xây dựng thêm một số trạm ở vùng Armavir phía nam, vùng lãnh thổ Kaliningrad và Leningrad, Siberia và Cực Bắc. Moscow cũng lên kế hoạch đặt một trạm Voronezh tại bán đảo Crimea nhằm thay thế hệ thống cảnh báo sớm đã già cỗi tại đây.
Tầm bao phủ của hệ thống Voronezh thống nhất. Ảnh: Radikal.ru.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Ông Trump và 5 điểm nóng có thể bùng phát thành Thế chiến 3 năm 2017 Năm 2017, ông Trump sẽ phải lưu ý đến nhiều điểm nóng "cực kỳ nguy hiểm" có thể bùng phát thành xung đột giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tổng thống đắc cử mới đắc cử của Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2017 trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn hơn lúc nào hết. Với...