Tại sao liều vaccine Pfizer tiêm trẻ 5-11 tuổi thấp hơn người lớn
Trẻ có hệ miễn dịch mạnh mẽ, đủ sinh lượng lớn kháng thể dù chỉ tiêm lượng nhỏ vaccine, vì vậy các nhà khoa học thử nghiệm liều 10 microgam để giảm tối đa tác dụng phụ.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép vaccine Covid-19 của Pfizer, tiêm cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Liều dùng cho trẻ lứa tuổi này là 10 microgam, bằng một phần ba so với người lớn.
Moderna gần đây cũng công bố kết quả ban đầu cho thấy trẻ từ 6 đến 11 tuổi tiêm nửa liều vaccine của người lớn vẫn hiệu quả.
Nhiều cha mẹ thắc mắc vì sao có sự khác biệt này, liệu trẻ sắp đến 12 tuổi có nên chờ đợi thêm để tiêm liều bằng người lớn hay không.
Tìm ra liều lượng phù hợp với trẻ nhỏ
Mục tiêu của các thử nghiệm vaccine cho mọi lứa tuổi là tìm ra liều lượng giúp sản sinh mức kháng nguyên nhỏ nhất, vẫn đủ hiệu quả phòng ngừa Covid-19 mà không để lại tác dụng phụ.
“Vaccine của chúng tôi giúp tối đa hóa phản ứng miễn dịch và không để lại phản ứng phụ”, Phó chủ tịch cấp cao của Pfizer, tiến sĩ William Gruber, cho biết.
Liều vaccine không phụ thuộc vào kích thước, cân nặng của đứa trẻ. Trẻ em vẫn đang phát triển, hệ miễn dịch sẽ suy yếu theo tuổi tác. Tiến sĩ Kari Simonsen, người dẫn đầu thử nghiệm vaccine Pfizer tại Bệnh viện Nhi đồng & Trung tâm Y tế ở Omaha, Nebraska, cho biết: “Trẻ em có hệ miễn dịch rất tốt. Trong một số trường hợp, các em có thể tạo ra phản ứng mạnh mẽ chỉ với lượng nhỏ vaccine”.
Đối với một số loại vaccine, liều lượng cho người lớn và trẻ em giống nhau. Những trường hợp khác, như vaccine viêm gan A, người lớn tiêm liều cao hơn.
“Như chúng tôi thường nói trong khoa nhi: trẻ em không phải người lớn. Trẻ em là trẻ em”, tiến sĩ James Versalovic, Bệnh viện Nhi Texas, cho biết. “Cơ thể chúng đang phát triển và có phản ứng khác biệt, chúng ta cần xử lý theo cách khác”.
Pfizer đã cân nhắc điều này khi thử nghiệm vaccine ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
“Chúng tôi lùi một bước sau khi thử nghiệm ở thiếu niên. Chúng tôi xem xét liều lượng vì nghĩ rằng với liều thấp hơn, các em vẫn có phản ứng miễn dịch tương tự”, tiến sĩ Bob Frenck, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine tại Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, nhận định.
Video đang HOT
Một bé gái 7 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer trong cuộc thử nghiệm tại Đại học Duke ở thành phố Durham, bang Bắc Carolina, Mỹ, hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.
Sau khi thử nghiệm liều 10 microgram, phản ứng miễn dịch ở trẻ tốt tương đương với liều 30 microgram ở người lớn, ít tác dụng phụ hơn. Theo dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn hai và ba mà Pfizer đệ trình vào tháng 9, vaccine hai liều, mỗi liều 10 microgram có hiệu quả 90,7%, ngăn ngừa nhiễm nCoV có triệu chứng ở trẻ 5-11 tuổi. Với liều dùng trên, phản ứng ớn lạnh và sốt giảm bớt.
Về lý thuyết, liều thấp giảm nguy cơ viêm cơ tim – phản ứng phụ ở một số người tiêm vaccine Moderna và Pfizer. Trong thử nghiệm của Pfizer, không tình nguyện viên nào bị viêm tim. Song với quy mô nhỏ, nghiên cứu chưa thể xác định nguy cơ tiềm ẩn.
Tiến sĩ Paul Offit, thành viên Ủy ban Vaccine FDA, người chỉ đạo Trung tâm Giáo dục về Vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho biết: “Tôi rất yên tâm vì chúng tôi thử nghiệm (cho trẻ em) liều thấp hơn”.
Trẻ gần 12 tuổi có nên chờ để tiêm liều cao hơn?
Phụ huynh của các em nhỏ hơn 11 tuổi đang cân nhắc chờ đợi đến sinh nhật con để tiêm liều 30 microgam vì nghĩ sẽ hiệu quả hơn. Song tiến sĩ Bernhard Wiedermann, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, làm việc trong thử nghiệm của Pfizer tại Viện Nhi khoa Quốc gia ở Washington, cho rằng các bậc cha mẹ không nên làm điều này.
“Nếu có con trong độ tuổi đó, tôi sẽ để chúng tiêm vaccine theo khuyến nghị. Có khả năng các ca nhiễm sẽ tăng trở lại trong vài tháng tới”, tiến sĩ Wiedermann nói.
Tiến sĩ William Gruber cho biết hãng có thể giảm liều lượng cho người tiêm vaccine từ 12 đến 15 tuổi ở một thời điểm nào đó, nhưng các dữ liệu hiện chưa hỗ trợ. Nghiên cứu trước đó cho thấy nhóm tuổi này có phản ứng kháng thể cao hơn ở liều 30 microgram.
“Chúng tôi cân nhắc phương án này (giảm liều vaccine) như một lựa chọn tiềm năng, đặc biệt khi thế giới đã bước ra khỏi đại dịch. Còn mục tiêu quan trong hiện giờ là bảo vệ người dùng bằng loại vaccine an toàn và hiệu quả”, ông Gruber nói.
Wiedermann không nên lập tức giảm liều vaccine với trẻ từ 12 đến 15 tuổi.
“Phản ứng miễn dịch đối với loại virus này rất phức tạp. Nhiều bác sĩ nghĩ tăng hay giảm liều vẫn hiệu quả với trẻ em, nhưng nếu chưa có nghiên cứu thì chúng ta không nên làm vậy. Chúng tôi chưa biết tác động của nó sẽ ra sao. Đây không phải lúc sáng tạo bất cứ điều gì ngoài khuôn khổ cho phép”, ông nói.
Con đường chông gai của vaccine mRNA
Gần ba thập kỷ trước, Katalin Kariko gọi chồng và con gái 10 tuổi đến văn phòng ở ngoại ô Philadelphia để chia sẻ một ý tưởng khoa học thú vị.
Đó là loại vật liệu di truyền mỏng manh được gọi là RNA thông tin (mRNA). Phân tử này có nhiệm vụ hướng dẫn tế bào cách tạo ra protein. Niềm đam mê của Kariko với RNA đã kéo dài hơn một thập kỷ.
Khi ấy, bà nghĩ rằng mình đã tìm ra cách vượt qua trở ngại lớn, nhằm biến cơ chế sinh học căn bản thành công nghệ tiềm năng, có ý nghĩa y học lớn lao. mRNA nổi tiếng với đặc tính kém ổn định. Song bà Kariko đã phát hiện phương pháp ngăn nó bị hấp thụ và phân tách.
"Bà ấy trở nên phấn khích. Thành thật mà nói, hai bố con không hiểu những gì mẹ đang giải thích, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự nồng nhiệt. Vì vậy, cả gia đình đều hào hứng", con gái bà, Zsuzsanna "Susan" Francia, nhớ lại.
Sinh trưởng tại Kisujszallas, một thành phố nhỏ có khoảng 15.000 dân ở Hungary, Katalin Kariko là con của một người chủ cửa hàng bán thịt nhưng mong ước trở thành một nhà khoa học. Bà lấy bằng tiến sĩ ở Szeged - trường đại học tốt nhất tại Hungary, và làm việc như một nghiên cứu viên ở Trung tâm Nghiên cứu Sinh học của trường. Năm 1985, khi ngân sách nghiên cứu hạn hẹp, Kariko đi cùng chồng và đứa con hai tuổi đến Mỹ chỉ với 900 USD giấu trong tã lót con gái, sau khi được nhận công việc nghiên cứu ở đại học Temple Philadelphia.
Năm 2019, Covid-19 quét qua, những câu hỏi bà Kariko từng đặt ra như: "Làm sao tạo được phân tử mRNA trong phòng thí nghiệm?" và "Làm sao đưa mRNA ấy vào trong tế bào?" trở thành chủ đề y khoa nóng bỏng. Sự cống hiến quên mình của bà được coi là điều kỳ diệu, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng. Công trình đã đặt tiền đề cho vaccine ngừa Covid-19 theo cơ chế mRNA của Pfizer và Moderna.
Bước đột phá với sự nghiệp của Kariko được đánh dấu bằng cuộc gặp tình cờ trong một tiệm photocopy gần 25 năm trước, với chuyên gia miễn dịch Drew Weissman. Hơn hai thập kỷ, Weissman và Kariko cùng làm việc tại phòng thí nghiệm để biến mRNA thành thuốc điều trị. Nếu DNA là "bản thiết kế" của sự sống thì mRNA là trình tự công việc để tạo nên sự sống. Cả hai tin rằng quá trình tự nhiên này nên được khai thác để cách mạng hóa vaccine và thuốc trị bệnh.
Katalin Kariko, giáo sư chuyên ngành hóa sinh - sinh học phân tử người Hungary. Ảnh: Washington Post
Con đường nghiên cứu của Weissman và Kariko không trải hoa hồng. Trở ngại đầu tiên nằm ở khoa học: RNA kích hoạt phản ứng viêm có hại. Đây là thách thức lớn đối với hai nhà khoa học, bởi họ đã kỳ vọng sử dụng công nghệ để điều trị các bệnh liên quan đến não bộ.
Nếu họ không thể tìm cách ngăn chặn tình trạng viêm, nghiên cứu có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Đây là kiểu thất bại mà cả hai đã quen thuộc trong nhiều năm. Xen giữa các nghiên cứu thuốc, Weissman vẫn tò mò về tiềm năng biến RNA thành vaccine.
Đến năm 2005, Weissman và Kariko tìm ra phương pháp giải quyết tình trạng viêm, nâng cao tiềm năng điều trị của mRNA. Đó là điều chỉnh mã di truyền của nó. mRNA là mã di truyền biểu thị bằng 4 chữ cái C, G, A và U. Hai nhà khoa học phát hiện nếu sửa đổi về hóa học đối với U, mRNA không còn gây viêm nữa và tạo ra nhiều protein hơn.
Họ cho rằng đây là bước ngoặt của mọi thứ. Song khi ấy, những người cầm cân nảy mực trong giới khoa học như biên tập viên tạp chí, nhà đầu tư, nhà tài trợ còn nhiều nghi ngờ. Công trình vẫn không nhận được hồi âm. Khi họ gửi bản thảo bài báo khoa học đến các tập san lớn thì đều bị từ chối. Cuối cùng, tạp chí Immunity chấp nhận công bố bài báo song quá trình xuất bản mất nhiều thời gian.
"Điện thoại của chúng tôi chẳng bao giờ đổ chuông. Không ai quan tâm hết. Nhưng chúng tôi biết tiềm năng của nghiên cứu và không ngừng nỗ lực", ông Weissman nói.
Nhiều năm liền, Kariko và Weissman cố gắng làm mọi cách để đẩy mạnh ý tưởng. Họ tìm kiếm nhà tài trợ, thành lập công ty để biến công nghệ này thành biện pháp cứu sinh.
Khi virus Zika bùng phát năm 2015-2016, Weissman bắt đầu nghiên cứu vaccine. Sản phẩm thành công trên khỉ, nhưng được gác lại dịch bệnh đã hạ nhiệt.
Covid-19 ập đến, vợ ông là Mary Ellen Weissman và con gái ông, Allison Weissman, tình nguyện thử nghiệm vaccine. Phòng thí nghiệm của ông được công ty BioNTech tài trợ. Weissman phát hiện vaccine Pfizer-BioNTech có hiệu quả rõ rệt với vợ.
Vào cuối 2020, vaccine Pfizer và Moderna sử dụng mRNA để đào tạo hệ miễn dịch cách nhận biết và ngăn chặn nCoV ra đời, tạo nên bước đột phá y học trên toàn cầu. Công nghệ của Weissman và Kariko nhanh chóng trở thành xu hướng khoa học chủ đạo.
Nhà khoa học Drew Weissman mô tả cách thức khiến phân tử mRNA hoạt động tại Đại học Pennsylvania. Ảnh: Washington Post
Đại dịch chỉ là sự khởi đầu, không phải kết thúc của câu chuyện khoa học.
Weissman muốn sử dụng vaccine mRNA thông tin để ngăn ngừa bệnh cúm, bệnh mụn rộp, HIV hoặc đại dịch từ virus corona tiếp theo. Ông nhìn thấy tiềm năng thậm chí còn lớn hơn trong tương lai: một phương pháp chữa thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể cung cấp cho châu Phi, khác hoàn toàn với những loại thuốc và liệu pháp hiện tại.
Đến giờ, ông Weissman vẫn không quen thuộc với sự nổi tiếng đột ngột của mình. Nhiều tháng, những tấm bưu thiếp và thư từ khắp nơi đổ về, được đặt dưới cánh cửa văn phòng tầng 4 giản dị của ông tại Trường Y Perelman của Đại học Pennsylvania.
"Cảm ơn ông vì những nỗ lực nghiên cứu và sự kiên trì của mình", một lá thư viết.
Weissman hoang mang trước tình cảm dồn dập, thậm chí nghi ngờ khi được hỏi xin chữ ký và chụp ảnh chung. Cộng sự của ông, bà Kariko cũng có trải nghiệm tương tự. Vài tháng qua, bà và ông Weissman giành nhiều giải thưởng khoa học, được coi là ứng viên sáng giá cho giải Nobel Y Sinh 2021.
Song Kariko có góc nhìn khác biệt về thành công và thất bại. Bà coi những năm tháng không tiền tài, danh vọng, những lần đem thí nghiệm thất bại về nhà hoặc cất giữ vật dụng khoa học trong lọ dưa muối là trải nghiệm cần thiết. Kariko không làm việc cho sự thành công của bất cứ ai, bà làm việc cho lý tưởng của riêng mình.
Tỷ lệ tiêm chủng cao có thể kiểm soát biến thể Delta tại Hàn Quốc Ngày 14/10, Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc nhận định tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đạt 85% có thể kìm hãm được sự lây nhiễm của Delta, biến thể của virus SARS-CoV-2 có sức lây lan mạnh. Nhân viên y tế tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Seoul,...