Tại sao lại tử hình Nguyễn Đức Nghĩa?
Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa sáng 13/10 (sau đó bị hoãn)
“Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giống như một “câu chuyện kinh dị ma quái” sắp đi đến hồi kết thúc. Một số người hồi hộp chờ đợi xem có đột biến gì trong việc tuyên án tử hình Nghĩa hay không. Một số khác thì tin chắc rằng án tử hình sẽ là đương nhiên, giống như câu chuyện kinh dị thường hay vào lúc cuối” – Luật sư Ngô Ngọc Trai gửi một bài viết phân tích cặn kẽ các vấn đề khoa học pháp lý xung quanh vụ án Nguyễn Đức Nghĩa.
Xung quanh chuyện Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo
Trong bài viết trên một tờ báo điện tử về chuyện Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo, LS Trai viết:
Là một người công tác trong ngành luật, quan điểm của người viết bài này cho rằng khả năng Nghĩa bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình là 99,99%.
Điều này xuất phát từ việc tôn trọng nguyên tắc chung của Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Ở đây, một điểm rõ ràng cần thống nhất, đó là cho dù Nghĩa có hành vi giết người rõ ràng và chính Nghĩa đã thừa nhận điều này thì Nghĩa vẫn có quyền được pháp luật bảo vệ bằng việc được đưa ra xét xử theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trong đó có sơ thẩm, phúc thẩm.
Không ai được tước đi các quyền này của Nghĩa, cho dù tại phiên sơ thẩm Nghĩa có nói là không kháng cáo, đến ngày thứ 15 kể từ ngày tuyên án Nghĩa thay đổi ý kiến và có đơn kháng cáo thì đơn của Nghĩa vẫn được chấp nhận, pháp luật quy định cho thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để cho Nghĩa suy nghĩ quyết định.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy là người bào chữa cho bị cáo lập luận rằng hành vi của nghĩa là nhằm phi tang dấu vết tội phạm và không phải là thực hiện tội phạm một cách man rợ vì nạn nhân đã chết.
Dưới góc độ yếu tố pháp lý thì “thực hiện hành vi một cách man rợ” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, luật sư Ngô Ngọc Thủy muốn tránh cho bị cáo chịu tình tiết tăng nặng này.
Về vấn đề này tôi cho rằng luật sư Thủy đã nhầm lẫn giữa hành vi và hành động. Rõ ràng, hành vi giết người của Nghĩa là vụ giết người man rợ nhất từ trước tới nay mà báo chí đưa tin.
Hành động đâm từ sau lưng rồi cắt rời cổ nạn nhân là một chuỗi hành động tiếp nối liền nhau, trong cùng không gian, cùng bối cảnh, cùng công cụ phương tiện, cùng thủ phạm và nạn nhân, đây là một hành vi phạm tội, hành vi giết người.
Chúng ta có thể phân biệt bóc tách từng hành động thực hiện tội phạm như các thao tác đâm, cắt nhưng không được bóc tách hành vi phạm tội như thế.
Hành vi là thuật ngữ pháp lý chỉ một chuỗi các hành động hoặc một hành động hoặc một sự không hành động của một con người mà việc hành động hoặc không hành động đó xâm phạm tới quan hệ pháp luật được nhà nước bảo vệ.
Việc không hành động cũng có thể là một hành vi phạm tội như việc thấy người sắp chết mà không cứu, Bộ luật hình sự quy định tại Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Trong hành vi giết người có thể bao hàm nhiều hành động như đánh, đấm, đạp, đâm, chém, hoặc chỉ một hành động đâm.
Ở đây ông luật sư Ngô Ngọc Thủy đã nhầm lẫn giữa hành động và hành vi nên đã bóc tách hành động đâm và hành động cắt.
Nếu tách từng thao tác hành động ra để xử lý thì có lẽ cần xử Nghĩa thêm tội về xâm phạm thi thể mồ mả hài cốt theo Điều 246 Bộ luật hình sự, mà như thế thì dẫn đến một hành vi phạm tội bị xử lý hai lần. Điều này là hết sức vô lý bởi không thể một hành vi vi phạm (một chuỗi hành động) người ta sẽ bị xử lý mỗi hành động là một tội danh.
Luật sư Ngô Ngọc Trai đã đề cập đến vấn đề khoa học pháp lý xung quanh vụ án được dư luận quan tâm này:
Video đang HOT
Bác sĩ Khuất Duy Thái, Phó chủ nhiệm khoa Ngân hàng Mô & Điều trị liền vết thương, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã nêu vấn đề bị cáo Nghĩa nên tự nguyện hiến xác cho khoa học. Đây là vấn đề mới với đa số công chúng, gây bất ngờ và đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía gia đình bị cáo.
Sau đó, vấn đề đã không còn được báo chí nhắc đến, tuy nhiên không thể phủ nhận đây thực sự là tâm huyết của người bác sĩ hành nghề cứu người, và đề xuất của ông hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Diễn biến cuộc sống cho thấy rằng, mỗi tiến trình thực hiện đều có những bước đi đầu tiên và khi cái mới lạ xuất hiện thường hay bị đón nhận bởi sự nghi kỵ và lảng tránh.
Bỏ án tử hình?
Phiên tòa phúc thẩm sẽ được TAND tối cao mở lại trong thời gian tới (theo dự kiến vào ngày 13/10, nhưng đã bị hoãn do vắng mặt luật sư bào chữa cho bị cáo Nghĩa), trường hợp Nguyễn Đức Nghĩa bị tuyên y án tử hình thì bản chất toàn bộ sự việc sẽ không thể rõ ràng hơn là: Nghĩa đã giết người không hợp pháp, ngược lại nhân danh luật pháp để giết Nghĩa là hợp pháp.
“Một số người hồi hộp chờ đợi xem có đột biến gì trong việc tuyên án tử hình Nghĩa hay không. Một số khác thì tin chắc rằng án tử hình sẽ là đương nhiên, giống như câu chuyện kinh dị thường hay vào lúc cuối…”.
Theo lẽ thường, có rất nhiều lý do được đưa ra minh chứng cho việc giết Nghĩa là đúng đắn, như: Nghĩa đã giết người man rợ và pháp luật quy định mức án tử hình cho người có hành vi đó, do vậy tử hình Nghĩa là chính xác. Hoặc: Tử hình Nghĩa là để trừng trị, loại bỏ kẻ ác. Hoặc: Tử hình Nghĩa để răn đe, phòng ngừa kẻ khác để không xảy ra vụ việc tương tự.
Tất cả những lý do trên nghe qua thì hợp lý và có cơ sở thực tiễn, nhưng tựu chung lại, nếu xét về bản chất, ý nghĩa, vai trò của luật pháp, thì đó là sự áp dụng một “biện pháp tồi tệ” để đạt đến một mục đích tốt đẹp.
Nếu coi luật pháp là phương tiện thực hiện và coi các quyền con người là mục tiêu bảo vệ, thì rõ ràng việc sử dụng án tử hình chứa đựng sự bất dung hòa về thang giá trị giữa phương tiện và mục tiêu.
Như vậy, sử dụng phương tiện luật pháp, nhân danh nhà nước để giết một người với mục tiêu bảo vệ những người còn lại là đã sử dụng một phương tiện mang giá trị phản lại giá trị của chính mục tiêu hướng đến. Một mục tiêu đúng đắn phải được thực hiện bởi những phương tiện đúng đắn. Bất chấp phương tiện để đạt đến mục tiêu là đã xóa bỏ các giá trị nền tảng cơ bản.
Ý nghĩa, vai trò của luật pháp là gì?
Trong xã hội văn minh, luật pháp không là công cụ để cai trị xã hội, mà là phương tiện để bảo vệ các quyền của con người. Trong đó, trước nhất và trên hết là quyền được sống. Do vậy, các quy định của luật pháp phải chứa đựng được nội dung cơ bản này và việc thực hiện không được đi ngược lại ý nghĩa, vai trò của luật pháp.
Từ sự khác biệt về ý nghĩa, vai trò giữa công cụ để cai trị và phương tiện để bảo vệ sẽ đem lại sự khác nhau về các thang giá trị xây dựng và các biểu hiện (quy định pháp luật cụ thể) trên thực tế.
Nếu luật pháp đơn giản là công cụ của người cầm quyền để cai trị xã hội thì nó sẽ xem nhẹ việc ban hành luật pháp, coi nặng hình phạt và sẵn sàng giết người để đạt mục tiêu cai trị xã hội. Nhưng nếu luật pháp là phương tiện để bảo vệ các quyền con người, thì việc xây dựng luật pháp phải dựa trên nền tảng các giá trị là quyền con người.
Các quy định về hình phạt cũng phải đảm bảo sự dung hòa đúng mực giữa việc ngăn ngừa vi phạm và sự tồn tại của đối tượng cần được bảo vệ.
Do vậy, nếu đồng ý rằng luật pháp là phương tiện để bảo vệ các quyền của con người thì cần bỏ đi án tử hình. Sử dụng án tử hình là việc làm hoàn toàn vô nghĩa nếu nhìn nhận dưới lăng kính rằng luật pháp là phương tiện để bảo vệ các quyền con người. Quyền sống là quyền tối thượng của con người mà mọi xã hội, mọi luật pháp đều hướng đến và bảo vệ nó.
Nếu cứ giữ quan điểm cho rằng mức án tử hình là để trừng trị, răn đe và phòng ngừa thì ta lý giải thế nào về việc lâu nay có án tử hình mà các vụ việc giết người vẫn thấy ngày một nhiều?
Một điều chắc chắn là sử dụng án tử hình chỉ giúp ngăn ngừa giảm thiểu, chứ không loại bỏ 100% các vụ phạm tội. Vậy hiệu quả răn đe phòng ngừa của mức án tử hình đến đâu, có được phân tích thống kê hay không?
Thực tế ta thấy, án tử hình ngoài việc đi ngược lại nền tảng giá trị của luật pháp nó còn không giúp giảm số vụ phạm tội.
Giải pháp nào thay thế cho án tử hình?
Án tử hình là nội dung không đúng cần bỏ đi và không thể áp dụng một hình phạt không đúng khác thay thế cho án tử hình. Không có nhiều sự lựa chọn, chúng ta sẽ sử dụng các hình phạt còn lại một cách nghiêm minh hơn và mang tính răn đe hơn. Chúng ta sử dụng án chung thân hoặc án có thời hạn nhưng không hạn chế số năm tù, ví dụ 50 năm, 100 năm, 200 năm tù giam.
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng, hầu như tất cả các tên tội phạm khi phạm tội đều tìm cách che dấu hoặc tìm cách trốn thoát khỏi sự trừng phạt. Tâm lý của tội phạm luôn luôn là tìm cách trốn thoát khỏi sự trừng phạt. Rất nhiều trường mà hợp lý do thúc đẩy một người phạm tội là suy nghĩ rằng hắn sẽ thoát khỏi sự trừng phạt.
Để giảm thiểu số vụ vi phạm pháp luật nói chung, có một vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục, phổ biến pháp luật. Chúng ta cần đánh giá đúng mức vai trò của việc giáo dục và phổ biến pháp luật, bởi khi đánh giá không đúng vai trò của phương tiện thì thực hiện thường không đem lại kết quả.
Sự phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở việc được làm cái này hay không được làm cái kia. Giáo dục pháp luật phải giúp cho tất cả mọi người thấy rằng, khi một người vi phạm, người đó nhất định bị trừng phạt, người đó chắc chắn không thoát khỏi được sự trừng phạt. Khi mọi người ý thức được rằng nếu vi phạm mình nhất định bị trừng phạt, tự mỗi người sẽ cân nhắc về hành vi vi phạm.
Đó là niềm tin của mọi người vào tính nghiêm minh của pháp luật.
Để làm cho mọi người tin vào sự nghiêm minh của pháp luật như vậy, thì cần nâng cao năng lực của cá nhân người thi hành luật pháp, và nâng cao tính đúng đắn, khoa học của các quy định pháp luật. Không làm được hai điều đó sẽ dẫn đến người dân không tin vào sự nghiêm minh của luật pháp và có tâm lý coi thường, vi phạm.
Dưới góc độ người làm luật, thì việc làm thế nào để không xảy ra vi phạm khó khăn hơn nhiều là đưa ra những hình phạt. Giết người thì dễ dàng hơn nhiều là giáo dục để họ không vi phạm, và lựa chọn phương án giết người là sự chọn lựa của con người chưa văn minh.
Trở lại vụ án này, Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội là vì hắn cho rằng sẽ trốn tránh được sự trừng phạt. Nếu trước đó chúng ta giúp Nghĩa hiểu được là hắn sẽ bị trừng phạt nếu hắn phạm tội thì có lẽ vụ việc đã không xảy ra.
Như vậy, đừng quên rằng, lỗi rất lớn thuộc về tất cả chúng ta… Thời gian qua đi, câu chuyện buồn của Nghĩa có thể sẽ không còn được quan tâm nữa, nhưng có những vấn đề mang tính nhân văn, tính pháp lý to lớn đã và nên được gợi mở thông qua vụ án này. Nếu tất cả chúng ta cùng quan tâm và xử lý khéo léo, thì vụ án sẽ có tác dụng đóng góp hết sức bổ ích.
Ở nước ta, tuân theo xu hướng của pháp luật tiến bộ, Luật hình sự năm 2009, sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đã bỏ mức án tử hình đối với các tội: Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội buôn lậu (Điều 153); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); Tội đưa hối lộ (Điều 289); Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).
Theo VNN
Nguyễn Đức Nghĩa: Sự níu kéo vô vọng
Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa hôm 13-10.
Sáng 13/10, phiên toà phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa bất ngờ bị hoãn vì lý do vắng mặt của LS Ngô Ngọc Thuỷ, người đã được gia đình Nguyễn Đức Nghĩa mời bào chữa cho Nghĩa tại phiên toà phúc thẩm. Nghĩa tươi cười lên xe trở về Trại giam, tiếp tục chờ đợi phiên toà phúc thẩm được mở lại.
Theo qui định của pháp luật, sau phiên toà sơ thẩm, tất cả các bị cáo đều có quyền kháng cáo. Nguyễn Đức Nghĩa cũng không là ngoại lệ. Riêng đối với các bị án tử hình như Nghĩa, sau phiên toà phúc thẩm, kể cả trong trường hợp bị y án, thì vẫn còn có quyền làm đơn xin được tha tội chết gửi lên Chủ tịch Nước.
Kháng cáo vì cha?
Trước khi phiên toà sơ thẩm được mở, ngày 4/6 tại Trại tạm giam Hà Nội, Nguyễn Đức Nghĩa đã viết rằng:"Tôi biết rằng tội ác mình gây ra là quá lớn và không một ai kể cả bản thân tôi cũng không thể tha thứ cho mình được. Hành vi của tôi đã thực hiện là hành vi giết người, thậm chí là giết người dã man... Tôi thành khẩn khai nhận toàn bộ những hành vi tội ác của mình. Kính mong các cơ quan pháp luật - Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và toà án - xem xét và phán xử tôi với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tôi biết rằng, bản thân mình có chết hàng trăm, hàng nghìn lần cũng không thể nào bù đắp được những tội ác quá ghê sợ mà mình đã gây ra với gia đình nạn nhân, với gia đình tôi và cả những người có liên quan khác".
Cũng vào thời điểm trước phiên toà sơ thẩm, cũng tại Trại tạm giam Hà Nội, ít ngày sau khi Nguyễn Đức Nghĩa viết những dòng nêu trên, trong một cuộc gặp gỡ với PV, Nguyễn Đức Nghĩa nói rằng, nếu anh ta là toà án thì anh ta cũng sẽ tuyên tử hình thôi và tái khẳng định:" Với tội ác ấy, tôi có chết trăm nghìn lần cũng đáng".
Còn tại phiên toà sơ thẩm, khi được nói lời sau cùng, Nghĩa cũng thú nhận rằng: "Với những tội ác khủng khiếp mà tôi đã gây ra thì dù có chịu mức án nào đi chăng nữa vẫn là quá nhẹ. Thậm chí án tử hình hàng trăm hàng nghìn lần cũng chỉ giúp cho thân nhân của Linh vơi bớt phần nào sự căm phẫn với kẻ tội phạm như tôi và thêm phần nào đó có thể giảm được sự bức xúc của dư luận chứ cũng không thể nào bù đắp được cái tội lỗi mà tôi gây ra".
Mong ước cuối cùng của Nghĩa trước khi nhận bản án là: "Thời gian trôi đi, khi mà giây phút đền tội của tôi đã qua có một ai đó dự phiên toà ngày hôm nay, có thể biết được phiên toà này qua truyền hình xin nghĩ về tôi như nghĩ về một con người bình thường đã gục ngã, đã phạm phải sai lầm không thể tha thứ được, đã phải trả giá đắt cho tội ác mà mình gây ra chứ không phải nghĩ về tôi như một tên giết người máu lạnh".
Nguyễn Đức Nghĩa cúi gằm mặt bước vào tòa phúc thẩm
Nhưng sau phiên toà sơ thẩm ít ngày thì Nghĩa lại làm đơn kháng cáo. Báo chí viết rằng, Nghĩa kháng cáo là vì cha. Rằng, cha Nghĩa đã khóc và trong cuộc gặp mặt Nghĩa tại trại giam sau phiên sơ thẩm cha Nghĩa cứ dặn đi dặn lại Nghĩa rằng, con phải kháng cáo. Rằng, Nghĩa phải có niềm tin vào sự sống, chết thì không có cơ hội để chuộc tội nên hãy cố gắng hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Nhưng cho dù vì bất cứ lý do gì thì việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo cũng là một việc làm thuộc quyền của bị cáo được pháp luật cho phép. Tôi đã từng được chứng kiến cuộc sống của các tử tù trong khu giam riêng tại Trại tạm giam Hà Nội, từng trò chuyện với rất nhiều người trong số họ và hiểu rằng, cuộc sống của những tử tù sau tuyên án là một cuộc sống khác.
Khi cái chết đến gần cũng là khi niềm tiếc đời trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Những quản giáo buồng giam tử hình kể lại rằng, hầu hết các tử tù, trong những ngày sống cuối cùng này đều tiếc nuối cuộc sống. Hầu hết họ đều hãi hùng khi nghĩ đến cái giờ phút phải ra đi.
Ở đằng sau song sắt của buồng biệt giam, ngay đến cả một người đã từng ra tù vào tội nhiều lần như tử tù Nguyễn Thế Đô mà cũng khóc nức nở như một đứa trẻ khi nói với tôi rằng:"Đối với em bây giờ, ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên rất mong manh. Có khi chỉ là một buổi sáng thôi, khi lệnh thi hành án được bắt đầu. Biết đâu, chỉ ngày mai thôi, khi chị quay lại khu giam này thì em đã ra trường bắn". Thế nên, đối với các tử tù sau khi tuyên án, hy vọng được sống trong họ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết, dù họ, tất cả đều hiểu rằng, rất mong manh.
Thế nên, Nghĩa kháng cáo với hy vọng được xem xét giảm nhẹ hình phạt ở phiên phúc thẩm, để được sống cũng là điều không mấy khó hiểu. Thêm nữa, kể cả trong trường hợp ở phiên toà phúc thẩm, hình phạt có không thay đổi, vẫn giữ nguyên như ở phiên sơ thẩm thì ít nhất cuộc sống của Nguyễn Đức Nghĩa cũng sẽ được kéo dài thêm. Lần này, Toà phúc thẩm lại hoãn. Vậy là Nghĩa lại có cơ hội sống và chờ đợi thêm một thời gian nữa. Phải chăng, vì thế mà Nghĩa cười khi rời Tòa tối cao để về trại giam chăng?
Cách nói liệu có thay đổi được bản chất hành vi phạm tội?
Theo qui định của pháp luật, khi bị can bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất thì họ sẽ được Toà án chỉ định một luật sư bào chữa cho họ tại phiên toà mà bị can hoặc gia đình sẽ không phải chi trả bất kỳ một khoản kinh phí gì cho việc bào chữa này. Cáo trạng truy tố Nghĩa về tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Bởi vậy, Toà án đã chỉ định LS Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng LS Nguyễn Anh thuộc Đoàn LS thành phố Hà Nội bào chữa cho Nghĩa.
Nhưng tại phiên toà sơ thẩm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nghĩa không chỉ có một mình LS Nguyễn Anh Thơm. Gia đình Nghĩa đã mời thêm một LS khác cùng bảo vệ cho Nghĩa. Đó là LS Ngô Ngọc Thuỷ, TS Luật học.
... và tươi cười khi... tòa hoãn.
Cũng cần phải nói thêm rằng, LS Ngô Ngọc Thuỷ là một LS từng bảo vệ quyền lợi cho nhiều bị cáo trong nhiều vụ án nổi tiếng. Vào những năm 1995, khi TS Ngô Ngọc Thuỷ đang là giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội, ông đã từng nhận lời bào chữa cho trùm xã hội đen Dung Hà trong phiên toà sơ thẩm diễn ra tại Hải Phòng. Ông cũng là một trong các LS tham gia bảo vệ quyền lợi trong vụ án Bùi Tiến Dũng - PMU18.
Trở lại với vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, tại phiên toà sơ thẩm, LS Ngô Ngọc Thuỷ cho rằng kết tội Nghĩa "giết người dã man" là không đúng mà đúng bản chất là phi tang dã man. Hành vi đó bóc tách ra hai giai đoạn. Giai đoạn giết và giai đoạn phi tang. LS Thuỷ khằng định, hành vi giết người của Nghĩa không phải là "man rợ" như cáo trạng truy tố. Theo trình tự diễn biến của vụ án, đó là hành vi che giấu tội phạm một cách man rợ.
Luật sư Thủy phân tích: "Giết người man rợ là việc thực hiện hành vi man rợ nhằm tạo ra cái chết, ví dụ như đập búa vào đầu, đổ xăng để đốt, dìm xuống nước ngạt đến chết... Còn về hành vi chặt xác là sau khi đã giết, Nghĩa thực hiện để phi tang, che giấu. Chỉ có thể coi hành vi đó là che giấu tội phạm man rợ".
Trái ngược với quan điểm của LS Ngô Ngọc Thuỷ, các LS bảo vệ quyền lợi cho người bị hại Nguyễn Phương Linh khi trả lời phỏng vấn của báo chí đã khẳng định:"Bị cáo đâm hai nhát dao oan nghiệt nhằm tước đoạt sinh mạng của bị hại, chỉ dừng lại ở hành vi này thôi cũng đủ để cho thấy hành vi giết người của bị cáo là thực hiện tội phạm man rợ, bởi bị cáo đâm bị hại từ phía sau một cách bất ngờ, bị hại chỉ kịp quay lại nhìn bị cáo với "ánh mắt bàng hoàng" (theo lời khai của bị cáo).
Bị cáo đã tiếp tục thực hiện một loạt các hành vi mất nhân tính, vô nhân đạo: Chặt đầu, ngón tay, phi tang thi thể nạn nhân. Như vậy có thể thấy rõ, hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ dừng lại ở việc đâm hai nhát dao để tước đoạt sinh mạng của nạn nhân mà còn diễn tiến đến một loạt các hành vi dã man khác nhằm che giấu tội phạm, gây cản trở cho quá trình điều tra của các cơ quan tố tụng...
Các LS bảo vệ quyền lợi cho bị hại cũng đã viện dẫn qui định Tại điểm i, khoản 1, Điều 93, Bộ luật hình sự nêu rõ: "1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ" và khẳng định Toà án cấp sơ thẩm áp dụng điều luật này đối với Nguyễn Đức Nghĩa là hoàn toàn chính xác.
Trao đổi với PV, LS Nguyễn Anh Thơm, người từng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyễn Đức Nghĩa ở phiên toà sơ thẩm cũng cho rằng, các hành vi của Nguyễn Đức Nghĩa được thực hiện theo một chuỗi liên hoàn: giết người rồi chặt đầu, chặt các ngón tay... Theo quan điểm của ông thì việc xem xét hành vi giết người của Nghĩa là "man rợ" hay "không man rợ" phải trên cơ sở đối chiếu các qui định của pháp luật.
Để phân tích bản chất hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Nghĩa theo các qui định hiện hành của pháp luật, LS Thơm viện dẫn khoản 1, Chương II, Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: "Thực hiện tội giết người một cách man rợ (điểm b) như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội (như: móc mắt, xẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc...).
Từng là LS bào chữa cho Nghĩa, LS Nguyễn Anh Thơm nói rằng, bản chất hành vi của Nghĩa dù có nói cách nào thì cũng không thay đổi được. Còn với cương vị là luật sư, cho dẫu sẽ không bào chữa tiếp cho Nghĩa tại phiên toà phúc thẩm nhưng LS Thơm vẫn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho Nghĩa một cơ hội sống dù đó chỉ là hy vọng rất rất mong manh...
Thì Nghĩa vẫn tiếp tục chờ đợi, phiên toà phúc thẩm sẽ được mở lại và những ngày chờ đợi đó chính là cơ hội để tử tù này tiếp tục được sống, dù chỉ là cuộc sống ở trong khu biệt giam mà thôi...
Diễn biến của vụ án Nguyễn Đức Nghĩa * Sáng 17/5 trên tầng thượng của chung cư G4 (phố Trung Yên 1, Hà Nội) thi thể cô gái không mảnh vải che thân đang trong giai đoạn phân hủy đã được phát hiện. *Đêm 18/5, Nguyễn Đức Nghĩa bị Công an Hà Nội bắt giữ tại gia đình một người họ hàng ở Thái Nguyên. * Ngày 7/6, tìm thấy phần thi thể bị vứt xuống sông Cấm của nạn nhân. * Ngày 14/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình, đồng thời bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh 113 triệu đồng. Hoàng Thị Yến bị tuyên phạt 15 tháng tù treo vì tội "Không tố giác tội phạm". *Ngày 27/7, Nguyễn Đức Nghĩa gửi đơn kháng cáo lên VKSND tối cao trong đó nhấn mạnh bị cáo không phạm tội giết người với tình tiết man rợ như phán quyết của tòa. *Ngày 13/10 Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa. Tuy nhiên, phiên toà phúc thẩm đã bị hoãn bởi sự vắng mặt của LS Ngô Ngọc Thuỷ, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Lý do mà LS Thuỷ đưa ra trong lá đơn xin hoãn phiên toà gửi tới Hội đồng xét xử phúc thẩm là do ông phải tham dự một hội thảo quốc tế từ từ ngày 12 đến ngày 25/10.
Theo CAND
Lý giải nụ cười của Nguyễn Đức Nghĩa Nụ cười của Nguyễn Đức Nghĩa đã được lý giải Được dẫn giải ra xe bít bùng đưa về trại giam sau khi Tòa phúc thẩm hoãn xử, Nguyễn Đức Nghĩa ngoái đầu tìm người thân và nở nụ cười, vẻ bình thản lộ rõ trên gương mặt bị cáo. Điều gì khiến bị cáo, kẻ đã chấp nhận bản án tử hình...