Tại sao lại ép chúng tôi phải xa nhau
Nếu lần này nữa mà số phận lấy mất của tôi người con gái tôi yêu, tôi nhất định sẽ tung hê tất cả, sẽ nhấn chìm tất cả trong cơn bão giận dữ của lòng mình.
Chưa bao giờ tôi thấy tuyệt vọng như vậy. Lan Chi nói với tôi là em rất mệt mỏi. Em muốn tôi phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định bởi trong chuyện này dù thắng, dù thua thì tất cả chúng tôi đều đau khổ…
Cách đây 10 năm, lần đầu tiên tôi biết Lan Chi khi em đến chơi nhà vị hôn thê của tôi. Họ là bà con bạn dì ruột với nhau. Khi ấy em hãy còn là một cô bé 16 tuổi. Khi ấy tôi không hề biết rằng sau này mình lại nặng nợ với em.
Chúng tôi chuẩn bị đám cưới thì ba tôi bị người ta lừa, tài sản mất hết còn mang tội lừa đảo, phải vướng vào vòng lao lý. Thụ án được mấy tháng thì ba tôi mất. Đám cưới bị lùi vô thời hạn và sau đó, Phương Quyên, vợ sắp cưới của tôi đã có người khác.
Đau đớn cho tôi là người ấy lại chính là bạn làm ăn một thời của ba tôi, đã biết rất rõ mối quan hệ giữa hai gia đình. Phương Quyên bảo tôi: “Em biết làm điều đó với anh lúc này thật bất nhẫn nhưng em nghĩ thà đau bây giờ còn hơn là cứ dây dưa, chẳng biết ngày mai. Đây là ý của em chứ không phải của ba mẹ”.
Tôi lặng người đi sau những lời nói như roi quất ấy. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ, chơi với nhau một thời gian dài trước khi hai gia đình có ý định kết làm sui gia. Ba má Phương Quyên xem tôi như con ruột; thậm chí tôi ở bên nhà Phương Quyên còn nhiều hơn ở nhà mình. Cứ nghĩ tình cảm ấy sẽ bền chặt suốt đời. Nào ngờ ba tôi vừa gặp nạn thì Phương Quyên đã quay lưng. Thế nhưng tôi không trách nàng bởi ai cũng muốn lựa chọn cho mình con đường tươi đẹp nhất.
Mẹ tôi buồn rầu rồi sinh bệnh. Trong những ngày nuôi mẹ trong bệnh viện, tôi tình cờ gặp lại Lan Chi. Chị gái của em bị viêm ruột thừa cấp, nhập viện phẫu thuật ngay hôm tôi đưa mẹ vào. Vậy là những ngày sau, Lan Chi vừa nuôi chị, vừa trông giúp mẹ tôi những khi tôi có việc phải ra ngoài.
Có một điều mà ai cũng thừa nhận là những người đi nuôi bệnh rất dễ làm thân với nhau. Sau khi mẹ tôi khỏi bệnh thì Lan Chi đã trở nên thân thiết với mẹ con tôi. Cô bé 18 tuổi xinh tươi, hồn nhiên và tốt bụng ấy đã thổi một luồng sinh khí mới vào không gian u buồn của mẹ con tôi. Khi ấy tôi xem Lan Chi như một đứa em. Tôi quý Lan Chi vì em đã ở bên đỡ đần, động viên chúng tôi trong lúc khó khăn nhất. Tôi tự nhủ lòng, sau này có điều kiện sẽ đền đáp cho em.
Thế nhưng tôi chưa kịp làm điều đó thì Lan Chi báo tin: “Ba mẹ em quyết định dọn về Bảo Lộc ở. Nhà nội em có trang trại rộng lắm… Chắc em cũng phải theo về trên đó…”. Tôi thấy mắt em chớp nhanh. Dường như em sắp khóc. Tôi đường đột nắm lấy tay em: “Không được đâu, em còn phải đi học mà. Để anh nói với ba mẹ cho em ở dưới này”. Tôi còn định nói với Lan Chi là nếu không có em trong lúc này, tôi sẽ không thể nào sống nổi, thế nhưng tôi đã kịp dừng lại vì không muốn em phải băn khoăn.
Cuối cùng thì Lan Chi cũng được ở lại Sài Gòn nhưng phải ở nhà bà con của mình chớ không thể ở nhà tôi. Cũng được, miễn là tôi không phải xa em. Lúc ấy, tôi thấy hình như có một sợi dây vô hình đang cột chúng tôi lại với nhau. Nhưng em còn quá nhỏ để tôi có thể nghĩ đến điều gì đó xa xôi.
Suốt gần 5 năm đại học, Lan Chi luôn là sinh viên xuất sắc, năm nào cũng được nhận học bổng. Tôi nhìn em trưởng thành từng ngày và trong lòng không lúc nào không mơ tới ngày tôi được chính thức nói lời yêu em. Và điều đó đã đến ngay khi em hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Em sung sướng nhận lời và nói em cũng yêu tôi rất nhiều. Tôi thấy mình đã được đền bù xứng đáng.
Video đang HOT
Lan Chi được một tập đoàn lớn nhận vào làm quản trị viên tập sự. Mẹ tôi giục cưới nhưng tôi không bằng lòng. Tôi không muốn con đường phía trước của em bị ảnh hưởng vì gánh nặng gia đình. “Anh sẽ chờ… Chỉ sợ đến lúc đó em lại chê anh già”- tôi nói khi hay tin em được công ty chọn đưa ra nước ngoài đào tạo. Em cười: “Anh già em cũng cứ lấy”.
Khi đó, trước mặt chúng tôi hoàn toàn không có một trở ngại nào. Thế nhưng ngay trước khi đi, em bảo tôi, giọng buồn buồn: “Có chuyện này mà em đã giấu anh. Chị Quyên đã bị ông kia bỏ rồi. Chị về nhà dì ở mấy tuần nay và xin số điện thoại của anh…”.
Tôi giật mình. Thảo nào mấy hôm nay có một số lạ gọi vào máy tôi. Bao nhiêu năm qua tôi đã cố tình né tránh gia đình bên ấy. Mặc cảm bị chối bỏ khiến tôi không bao giờ muốn gặp bất cứ ai bên ấy. Thậm chí có lần thấy em trai của Phương Quyên trong một cuộc hội thảo, tôi đã tìm một góc khuất ngồi để tránh mặt.
Tôi đã gặp em đúng vào lúc cuộc sống của mình vô nghĩa nhất, tuyệt vọng nhất (Ảnh minh họa)
“Em đừng lo lắng, cố gắng học cho tốt. 1 năm qua nhanh lắm. Anh sẽ chờ”- tôi nắm chặt tay em. Lan Chi bảo tôi đừng tiễn em vì hôm đó Phương Quyên cũng có mặt. Thoạt đầu tôi cũng muốn nghe lời em nhưng sau đó, tôi lại nghĩ khác. Một khi lòng tôi đã quyết thì có gặp hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Thế nhưng sau này tôi ân hận về quyết định đó. Phương Quyên thay đổi đến nỗi tôi không nhận ra. Người phụ nữ xinh đẹp ngày nào không còn nữa. Phương Quyên gầy gò, xanh xao như người có bệnh. Nàng đến ngay trước mặt, tôi mới nhận ra… “Em khỏe không?”- tôi bật ra một câu hỏi hoàn toàn xã giao bới với hình hài trước mặt, tôi biết rõ là Phương Quyên không khỏe. Nàng cười, chìa tay nắm tay tôi: “Cũng tàm tạm. Em mới vừa ốm khỏi. Sao em gọi mà anh không nghe máy?”. Khi nghe tôi bảo mình không có thói quen nghe điện thoại của người lạ thì Phương Quyên có vẻ trầm ngâm. Sau đó nàng thở dài, buông tay tôi ra: “Đúng là em đã trở thành người lạ… Nhưng từ bây giờ, xin anh hãy nghe máy”.
Lúc đó Lan Chi đã vào bên trong khu vực gửi hành lý. Tôi bận nhìn theo em nên không trả lời Phương Quyên. Tôi mong Lan Chi quay ra một lần để tôi được trông thấy em nhưng có lẽ Lan Chi thấy ngại nên đã vào luôn.
Đến lúc đó, tôi quay lại vẫn thấy Phương Quyên đứng bên cạnh. Nàng đề nghị tôi đưa về. Đến nhà, dù đã khuya nhưng nàng vẫn không chịu vào nhà mà cứ nán lại trên xe để hỏi tôi về công việc làm ăn của gia đình. Biết người trước kia lừa gạt ba tôi đã trả lại tiền, Phương Quyên mừng ra mặt. Nàng bảo có một số kế hoạch làm ăn, hôm nào sẽ gặp tôi để trình bày.
Cứ vậy, Phương Quyên ngày nào cũng tìm cách gặp gỡ, gọi điện, nhắn tin. Tôi rất khó chịu và không muốn dính líu với nàng bất cứ chuyện gì. Tôi bảo: “Em đừng cố gắng nữa. Đối với anh bây giờ, ngay cả chuyện làm bạn với em cũng rất khó khăn”.
Khi tôi nói điều này, Phương Quyên cúi mặt. Lát sau nàng mới nói: “Em biết là em có lỗi nhưng con người ta trong suốt cuộc đời mình ai chẳng một lần lầm lỗi… Huống hồ gì chúng mình đã lớn lên bên nhau từ nhỏ. Thật lòng là trước đây, quyết định chia tay anh là vì em quá sợ hãi, em không đủ niềm tin vào tình yêu, hạnh phúc, vào chính anh và chính mình. Em nghĩ anh sẽ suy sụp, kéo theo em vào vũng lầy phá sản, nợ nần, tù tội… Nói chung là em sợ…”.
Tôi nói thẳng là giờ đây tôi đã có Lan Chi, cô ấy còn là em họ của Phương Quyên nên tôi xin nàng đừng chen vào giữa hai chúng tôi. Thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn khăng khăng: “Lan Chi biết em muốn quay lại với anh, con bé hứa sẽ từ bỏ”. Có điên không chứ? Ai đời lại dùng quyền làm chị mà ép em mình như vậy? Tôi gay gắt: “Nếu em còn chút lòng tự trọng thì hãy tránh xa anh và Lan Chi ra, anh không bao giờ quay lại với em. Nói thật, nếu Lan Chi có bỏ anh thì anh cũng sẽ không quay về với em. Em về đi, đừng quấy rầy anh nữa”.
Tôi đã nói đến thế mà Phương Quyên vẫn không chịu nghe ra. Chẳng biết nàng đã nói gì với ba mẹ Lan Chi mà họ cũng đến tìm tôi và yêu cầu chúng tôi chia tay. Mẹ em nói với tôi rằng sẽ rất khó xử cho gia đình bà nếu sau này tôi và Lan Chi thành đôi. Chị gái của bà sẽ không tha thứ nếu Lan Chi “giật chồng” của Phương Quyên. “Hồi ông bà ngoại con Chi mất, bác còn nhỏ xíu. Chị Hai đã tảo tần hôm sớm để nuôi bầy em nhỏ nên chịu nhiều hi sinh, thiệt thòi. Đối với bác, mẹ của Phương Quyên như một người mẹ. Nếu bây giờ cãi lời, bác sẽ trở thành bất hiếu, bất nghĩa. Bác xin cháu…”- bà hết dọa nạt lại năn nỉ, bắt tôi phải hứa quay lại với Phương Quyên trước khi Lan Chi trở về vào đầu tháng 7 này.
Tôi làm sao mà hứa được một điều vô duyên, vô cớ như vậy? Tôi trả lời thẳng thắn với họ: “Chuyện giữa cháu và Lan Chi sẽ do chúng cháu quyết định. Cháu cũng xin nói rõ là nếu vì sức ép của gia đình, dòng họ mà Lan Chi bỏ cháu thì cháu cũng không bao giờ quay lại với Phương Quyên”.
Tôi gọi điện cho Lan Chi, em khóc bảo rằng những ngày này em chịu rất nhiều áp lực vì phải làm bài thu hoạch cho chương trình đào tạo, thế mà liên tục nhận những cuộc điện thoại từ gia đình mình và gia đình Phương Quyên yêu cầu phải từ bỏ tôi, không được gặp gỡ, liên lạc sau khi về nước; nếu không chấp nhận thì đi luôn, đừng về nhà nữa.
Đi luôn thì đi, có gì phải ngại chứ? Nếu cần tôi đón Lan Chi về nhà mình ngay khi em vừa đặt chân xuống sân bay. Tôi nói với Lan Chi như vậy dù biết rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra vì em là một đứa con hiếu thảo. Nhưng tôi cũng biết em rất yêu tôi. Tình yêu của chúng tôi là duyên tiền định. Tôi đã gặp em đúng vào lúc cuộc sống của mình vô nghĩa nhất, tuyệt vọng nhất. Chính em đã đưa tay cho tôi nắm lấy, dẫn dắt tôi đi qua những tháng năm bế tắc của cuộc đời; nâng đỡ, động viên những lúc tôi tưởng chừng không thể vượt qua được chính mình.
Thế thì tại sao lại ép chúng tôi phải xa nhau? Tôi không thể và không làm được điều đó. Nếu lần này nữa mà số phận lấy mất của tôi người con gái tôi yêu, tôi nhất định sẽ tung hê tất cả, sẽ nhấn chìm tất cả trong cơn bão giận dữ của lòng mình.
Bây giờ tôi chỉ còn biết chờ đợi và chờ đợi. Tháng 7 đang đến chậm từng ngày. Tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình…
Theo VNE
Làm ngân hàng vẫn ngửa tay xin tiền vợ
... Nhưng vẫn phải rao lương của mình cao ngút trời. Vì nếu than nghèo kể khổ thì chắc chẳng có khách khứa nào dám đến mà gửi tiết kiệm tiền.
Đó là câu chuyện thật của mấy anh bạn làm ngân hàng của tôi. Nói ra thì bảo 'vạch áo cho người xem lưng' chứ thật sự, lương ngân hàng đâu phải cao như thế. Nhưng anh chị em, bạn bè, ngay cả người thân cận cũng chẳng ai tin, vì họ chỉ cần biết, cứ ngân hàng là giàu đã. Thế nên, gần đây, khi người làm ngân hàng than nghèo kể khổ thì dân mạng mới dấy lên làn sóng rất mạnh phản ứng lại chuyện này.
Có thông tin trên mạng xôn xao về sự thật con số lương của một nhân viên ngân hàng, người bảo cao, người kêu thấp. Vì thế, chúng tôi quyết định tổ chức một diễn đàn mở để hai bên liên quan: nhân viên ngân hàng và cư dân mạng cùng đăng đàn để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề trên.
Nhân viên ngân hàng ấm ức:
Trên đời này có nhiều người "đóng cửa đi ăn mày", tôi cũng chẳng ưa gì cái hạng người tiền đầy thẻ ATM nhưng lúc nào cũng than nghèo kể khổ, đi ăn thì toàn giả bộ chạy đi vệ sinh đúng lúc tính tiền. Nhưng mà có những người là "ăn mày" thực, song vì đặc thù nghề nghiệp lúc nào cũng phải bóng bẩy quần là áo lượt, ra vào các chốn toàn gắn sao. Bi kịch ấy, chỉ có nhân viên ngân hàng chúng tôi mới thấu hiểu cho nhau.
Bạn có hiểu được nỗi đau khổ của một người dù gần sát bên người mình yêu nhưng không thể vươn tay chạm tới không? Nếu bạn bảo là cảm được thì bạn sẽ tưởng tượng được nỗi đau của một nhân viên ngân hàng, ngày ngày đếm tiền, vây quanh là chồng tiền Đô tiền Việt nhưng hàng tháng lại nhận mức lương chia ra chắc không đủ tiền ăn hằng tháng. Nỗi đau này, chúng tôi ngấm ngầm chịu đựng với nhau bao lâu nay mà không dám sẻ chia. Bởi lẽ: Quá khứ vinh quang thời tiền khủng hoảng thì đã qua nhưng bóng dáng của nó thì vẫn còn tồn tại. Nghĩa là nếu được tiếng làm ngân hàng thì cũng là công nhân viên chức ngồi ghế văn phòng, được coi là một trong những nghề "sạch đẹp" của xã hội.
Ngân hàng giờ chẳng giàu như trước (ảnh minh họa)
Thứ nữa, nếu nhân viên ngân hàng nào cũng rên rỉ than nghèo kể khổ thì đố có khách hàng nào dám giao dịch mà như thế thì chỉ có hại chứ chẳng bao giờ có lợi. Ấy thế mà, người ta không để cho chúng tôi yên. Người ta còn lên báo than thở, đố kị ghen tị với mức lương "khủng" mà nhân viên ngân hàng nhận được hàng tháng. Nói thế có khác gì xát muối vào lòng nhau?!
Chuyện lương lậu, thu nhập cũng giống như vấn đề chăn gối của vợ chồng người ta, đều xếp vào phạm trù riêng tư. Thử hỏi giờ có người cứ xộc vào hỏi anh làm chuyện ấy với vợ mấy lần một ngày? Bao nhiêu phút một lần? thì anh có mỉm cười mà trả lời không? Rồi chẳng cần biết câu trả lời đúng sai thế nào, người ta vu luôn cho anh là bất lực, là "chưa đến chợ đã hết tiền", tôi thề là anh sẽ chỉ muốn bổ vào mặt kẻ vô duyên ấy một phát. Nhưng trong trường hợp của tôi, tôi chẳng biết ai là người đã mạnh miệng tuyên bố Nhân viên ngân hàng giàu có sang chảnh mặc kệ tình hình kinh tế đang bi đát, để mà "xử lý".
Phản hồi của cư dân mạng:
Trước hết, xin khẳng định nhà tôi chẳng ai làm ngân hàng, tôi cũng không có may mắn làm việc gì liên quan tới ngân hàng trừ chuyện hàng tháng ra cột ATM rút tiền lương về tiêu; nên chuyện nội bộ trong các ngân hàng tôi cũng không nắm rõ. Từ xưa tới nay, nhìn xa trông lại thì tôi ghen tị với các bạn làm ở ngân hàng lắm. Các bạn có thu nhập đáng mơ ước so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Môi trường làm việc của các bạn cũng văn minh, được tiếp xúc với toàn người giàu có trong xã hội. Trước khi khủng hoảng xuất hiện, tôi chắc lương các bạn cũng đâu có thấp. Vậy nên đừng trách nếu mọi người có nhận định rằng lương các bạn cao, đời sống các bạn sung túc.
Chứ qua mấy bài báo gần đây, tôi thấy các bạn bức xúc hơi bị nhiều. Bây giờ thời buổi kinh tế khó khăn, ai chẳng bị cắt lương, công ty nào chẳng có chuyện cắt giảm nhân sự hay phá sản. Công việc nào chẳng có đặc thù riêng mà các bạn phải than thở rằng mình toàn làm đến 7h - 8h tối nhưng vẫn nhận lương thấp. Các bạn còn nhận lương là còn tốt chán so với nhiều người thất nghiệp khác trong thời điểm hiện nay. Việc gì các bạn phải lấy nghề ô sin ra so sánh với nghề của bản thân. Họ lao động cả ngày quần quật, không có cơ hội mở mang, tiếp xúc với xã hội, chẳng có chế độ gì, thế thì xét ra lương như thế lại thành ra quá thấp.
Các bạn thì vẫn được ở văn phòng điều hòa mát lạnh, cơ hội để các bạn tìm kiếm các vị trí cao vẫn có, các bạn cũng có nhiều dịp để học hỏi nâng cao hiểu biết lẫn kinh nghiệm của bản thân. Giờ lương thấp nhưng sau này sẽ khá hơn, sẽ phát triển được. Đơn giản hơn, nếu chê lương thấp lẫn nghề vất vả thì sao không bỏ việc để kiếm việc khác mà ngồi đó than thở, rồi hờn trách người khác?!
Cuộc tranh luận chắc chắn là vẫn còn tiếp tục diễn ra rất sôi nổi nhưng khuôn khổ tin bài có hạn xin hẹn các bạn vào dịp sau. Đúng là thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều chuyện tréo ngoe dễ xảy ra. Những nghịch lý kiểu làm ngân hàng lương thấp hay giám đốc phải xin tiền vợ hằng tháng đều có hết. Nhưng trong tình hình hiện tại, tất cả cũng chỉ còn có cách thắt lưng buộc bụng, cùng cắn răng mà vượt qua lúc khó khăn, chờ thời mà thôi.
Theo VNE
Giá có thể trả lương cho nghề làm vợ Nói ra như thế này, có lẽ chị em sẽ cười vào mặt tôi, bảo tôi ỷ lại chồng, bảo tôi được chồng nuôi mà không biết điều. Ở đất nước Nhật Bản, người ta trích tiền lương của chồng hàng tháng để đóng thuế cho người vợ khi người vợ làm việc nhà. Bởi ở nơi ấy, người ta coi nội trợ,...