Tại sao diễn viên Thiên sứ 99, Bóng ma học đường “lặn” ở Cánh Diều Vàng?
Giải Cánh diều năm nay tuyệt nhiên vắng bóng những ngôi sao mà khán giả yêu mến. Lý do vì đâu mà hàng loạt ngôi sao điện ảnh “bỗng dưng mất tích”?
Đến hẹn lại lên, tối chủ nhật ngày 13/3, các nghệ sĩ diễn viên, nhà làm phim lại có mặt tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng để tham gia vào một sự kiện điện ảnh lớn thứ hai của nước nhà. Thế nhưng một điều lạ là tuyệt nhiên không thấy những ngôi sao mà khán giả yêu mến có mặt, khán đài vị trí dành cho Sao cũng “vắng như chùa bà Đanh”. Lý do vì đâu mà hàng loạt ngôi sao điện ảnh “bỗng dưng mất tích”.
Họ bận đóng phim, nghỉ mát …
Nhìn qua thảm đỏ Cánh Diều Vàng năm nay, các cháu học sinh xem truyền hình có thể không khỏi bỡ ngỡ vì toàn “các ông các bà”. Lướt qua một vài bức ảnh thảm đỏ trên các báo ai cũng có thể tính nhẩm ra con số 70% khách tham dự là U40 và “trên nữa”. Với một sự kiện điện ảnh tầm cỡ như Cánh Diều Vàng mà chẳng sao nào có mặt thì thật lạ lùng. Thậm chí những ngôi sao đã “rinh” về nhà Cánh Diều 2010 cũng tìm chẳng thấy đâu.
Tìm mãi cũng không thấy ai thuộc dàn diễn viên Thiên sứ 99 trên thảm đỏ
Lý do thuộc về ban tổ chức không mời ư? Không tính những ngôi sao năm nay không có hoạt động gì thì một loạt phim Thiên sứ 99, Em hiền như ma-sơ, Giao lộ định mệnh và Bóng ma học đường đều được tham gia tranh giải nhưng cũng tuyệt nhiên không thấy “dàn sao” trong những phim này xuất hiện. Lý do thuộc về cá nhân các ngôi sao cũng có thể kể ra nhiều, các sao đắt sô bận đóng phim hay họ đang đi nghỉ mát … thế nhưng hiếm có khi nào lại “trùng hợp” nhiều sao bận đến thế này.
Không có giải thì không đến dự?
Ngay từ trước thềm lễ trao giải Cánh Diều Vàng năm nay, dư luận và báo chí dường như đã dự đoán được khả năng nhận giải của các diễn viên và phim tham dự. Không kể những bộ phim nghiêm túc tham gia tranh giải thì hầu hết phim Tết năm nay đều “bị đập tơi tả” từ trước. Những bộ phim như Thiên sứ 99, Bóng ma học đường, Em hiền như ma-sơ đều đã bị chê bai một cách thậm tệ và khả năng đoạt giải gần như không có. Giao lộ định mệnh sau vụ um sùm về nghi án “đạo phim” thì bị rút khỏi danh sách. Có lẽ chính vì những lý do này mà chẳng thấy ngôi sao trẻ nào “sàn sàn cùng lứa” Lan Ngọc đến chung vui và chúc mừng cô.
Lan Ngọc, một diễn viên mới vào nghề đã đoạt giải
Bên cạnh những diễn viên trẻ thì dàn diễn viên gạo cội và nổi tiếng từ lâu của Sài Gòn cũng không thấy xuất hiện. Có chăng việc hai nữ diễn viên trẻ “ngồi chiếu dưới” năm nay là Lan Ngọc và Nhật Kim Anh được đề cử nên họ vắng mặt hay không? Hay đã từ lâu nghệ sĩ ta đã quen với việc “mình phải được gì thì mình mới có mặt”? Điều này thì chẳng ai hiểu được. Tuy nhiên nhìn thảm đỏ một lễ trao giải uy tín ở nước nhà mới thấy buồn. Loạt ảnh chụp “sao trên thảm đỏ” trông còn ít hơn ảnh sao của một event – sự kiện bình thường. Đâu rồi văn hóa “chia sẻ và chúc mừng” của người nghệ sĩ.
Video đang HOT
Bây giờ sao rất “hay” tham gia các sự kiện (Ảnh minh họa)
Hay vì không có… phong bì
Lướt qua các mặt báo dành cho giới trẻ thấy rõ gần đây rộ lên mốt “sao đi dự event”. Từ ôtô, xe máy cho đến mỹ phẩm, rượu, thời trang …. Bất cứ khi nào có event, các ngôi sao lúc nào cũng có mặt đông đủ. Thế nên mới có tin đồn gần đây đang nở rộ một nghề trong giới ngôi sao là nghề “dự event”. Một lần đi, một lần xuất hiện là họ được một khoản thù lao nghe nói lên tới “nghìn đô”. Dĩ nhiên chẳng ai trả thù lao để đi dự Cánh Diều Vàng. Có lẽ vì thế nên “sao lặn” chăng?
Nhìn sang Hollywood có giải Mâm xôi vàng mới sự yêu nghề của nữ diễn viên Sandra Bullock thật đáng trân trọng. Năm 2010 cô được đề cử giải Mâm xôi vàng với vai diễn trong bộ phim All About Steve. Một vai diễn có thể nói là rất tệ. Vốn là một nữ diễn viên hạng A của Hollywood, vậy mà Sandra Bullock sẵn sàng lên sân khấu để tự mình “rinh” về nhà bức tượng Mâm xôi vàng, để tự nhắc nhở mình về thất bại trong năm. Tuy nhiên chỉ ngay sau đó 1 ngày, cô đã được vinh danh tại lễ trao giải Hollywood với bức tượng vàng Oscar cho vai diễn trong The Blind Side.
Chỉ còn biết thở dài: Bao giờ sao “ta” mới như sao “Tây”.
Theo 2Sao
Điểm danh những bộ phim 'ồn ào' trước thềm Cánh diều vàng
Còn vài ngày nữa là diễn ra giải thưởng điện ảnh được chờ đợi nhất trong năm, trong danh sách những bộ phim tranh giải vẫn chưa tìm thấy một tác phẩm điện ảnh nào thực sự nổi bật.
Người không đến và kẻ ra đi
Có lẽ nghi án Giao lộ định mệnh nhái hàng là nóng hơn cả ngay từ khi báo chí và cư dân mạng phát hiện bộ phim này quá giống Shattered của đạo diễn Wolfgang Petersen người Mỹ từ nội dung kịch bản đến từng góc quay. Thất vọng và mất niềm tin là những gì mà khán giả lẫn báo giới cảm nhận nhưng đạo diễn Victor Vũ vẫn một mực cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hơn thế, nếu dừng lại ở đó thôi thì có lẽ Giao lộ định mệnh sẽ không còn là đề tài nóng nữa vì ai cũng mặc nhiên hiểu trong... im lặng.
Thôi thì cứ hiểu Giao lộ định mệnh trong... im lặng
Thế nhưng khi giải Cánh Diều Vàng gần đến ngày khóa sổ lại bất ngờ ghi tên Giao lộ định mệnh vào vòng tranh cử. Sức nóng lan tỏa từ đây khi mà dư luận phản đối ầm ầm, báo chí liên tục chê bai về tư cách của bộ phim và cả người làm nghề. Từ đây dấy lên tính nghi ngờ đối với giải thưởng khi mời một phim mang tính nguy hiểm như thế tham gia ở Cánh Diều Vàng. Chịu sức ép từ nhiều phía, Hội Điện Ảnh mới ngồi lại xem xét và đối chiếu giữa Giao lộ định mệnh với Shattered để rồi kết quả cuối cùng gạch tên Giao lộ định mệnh ra ngoài cuộc chơi. Và lúc này Victor Vũ lên tiếng, anh cảm thấy mình như đang bị lợi dụng và cho rằng báo chí đã mạnh tay khi can thiệp quá sâu vào việc này. Nếu Hội Điện Ảnh ngay từ đầu đã xem xét và đưa ra quyết định thì có lẽ hợp lý hơn chứ không phải "nghe" người ta nói mới làm vậy. Và Victor Vũ cũng không còn vui vẻ để bộ phim thứ hai của anh là Cô dâu đại chiến tham trận.
Lý giải việc này, khi mời Giao lộ định mệnh tranh cử, ban tổ chức chỉ nghe việc đạo phim trên báo chí mà thôi, chưa có một đơn kiện nào cho việc này. Và phía đơn vị sản xuất phim, Saiga Film khẳng định rằng họ không nhận được bất cứ công văn hay đơn kiện chính thức của tổ chức hay cá nhân trong và ngoài nước nào về kịch bản Giao lộ định mệnh đã vi phạm bản quyền tác giả. Như vậy bộ phim có đầy đủ tư cách pháp lý để tham gia. Ngay sau khi loại Giao lộ định mệnh, hội thẩm định cũng không khẳng định phim của Victor Vũ là nhái Shattered nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy "số phận" của nó và những gì công chúng nghi ngờ không phải là không có cơ sở.
Số phận của vị đạo diễn Việt kiều này khá long đong khi chuyện cũ chưa ngã ngũ thì anh lại rơi vào vòng luẩn quẩn một lần nữa với nghi án Cô dâu đại chiến có nhiều chi tiết khá giống với Xin thề anh nói thật, một bộ phim truyền hình đang khởi chiếu. Khán giả lần này khá "công tâm", dù Giao lộ định mệnh dính nghi án đạo phim và cũng bị tẩy chay khá nhiều nhưng bộ phim chiếu Tết Cô dâu đại chiến được báo giới và người xem vỗ tay tán thưởng và được xem là khá nhất dịp Tết. Chuyện này cũng chỉ dừng ở việc xì xầm nhưng quả thật Victor Vũ khá lận đận và hy vọng anh sẽ sớm lấy lại danh tiếng cho mình nếu sự thật không đánh lừa công chúng.
Tiếc vì Bi, đừng sợ lại không tranh cử tại giải thưởng trong nước
Bi, đừng sợ, một phim độc lập của đạo diễn Phan Đăng Di đã giành 5 giải thưởng quốc tế khi "đem chuông đi đánh xứ người". Trong Liên hoan phim Quốc tế Cannes, Bi, đừng sợ giành hai giải ở hạng mục Tuần lễ phê bình phim quốc tế và phim hay nhất ở hạng mục Tài năng mới tại LHP Châu Á Hồng Kông vào tháng 11. Trong khuôn khổ LHP Stockholm (Thụy Điển), Phan Đăng Di và người cộng sự của mình đã "ẳm" gọn hai giải Phim đầu tay và quay phim xuất sắc nhất. Nhưng tại Cánh Diều Vàng, Bi, đừng sợ lại không có tên trong danh sách tranh cử vì rắc rối bản quyền. Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết anh chỉ là chủ thể sáng tạo còn phim thuộc quỹ đầu tư của nhà sản xuất Pháp nên không thể tự quyết định, điều này khiến người xem tỏ ra tiếc nuối cho một bộ phim hay.
Lượng và chất có đồng đều?
Nhìn vào số lượng phim tham dự Cánh Diều Vàng 2011 mới thấy hầu hết ở tất cả các hạng mục có sự tăng trưởng rõ rệt, cuộc chơi chia đều cho cả tư nhân và nhà nước. Ở hạng mục phim truyện nhựa có 10 phim, truyền hình có 16, phim họat hình là 19 còn phim tài liệu lên đến con số 30 và phim khoa học có 5. Lần đầu hạng mục phim ngắn dành cho các đạo diễn trẻ và sinh viên được đưa vào và đã có 41 phim đầu tay tranh cử. Năm nay ban tổ chức đã loại bỏ giải Phim hay do khán giả bình chọn thay vào đó là giải Báo chí bình chọn.
Long Thành cầm giả ca đã giúp Nhật Kim Anh rinh về giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất
Có rất nhiều hạng mục tham gia nhưng cũng như mọi năm, phim truyện nhựa là được chờ đón háo hức nhất. So với năm ngoái, ở mục quan trọng này chỉ tăng lên một phim nhưng lại trải rộng về đề tài. Tuy đa dạng về đề tài nhưng có thể thấy chưa có phim nào thật sự là nổi bật, là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Diều Vàng, vì dường như phim nào cũng có thế mạnh riêng nhưng sạn thì vẫn phải nhặt nhiều. Đơn cử có một phim được dự đoán sẽ giành giải cao nhất và xứng đáng nhất nhưng đã bị loại vì nghi án đạo phim nước ngoài nhưng không vì vậy mà cuộc tranh tài giảm đi khí thế. Nhìn vào danh sách phim tranh cử sẽ thấy một vài phim chỉ mang tính "dự thi cho vui" vì ai cũng biết chắc nó sẽ không có giải.
Vượt qua bến Thượng Hải là khá nhất trong ba bộ phim về đề tài Bác Hồ
Điểm qua một vài phim nổi bật có Long Thành cầm giả ca và Khát vọng Thăng Long về đề tài lịch sử và Cô dâu đại chiến cùng với Cánh đồng bất tận thuộc mảng giải trí, đương đại.
Tuy có nhiều ồn ào về kịch bản cũng như khâu phát hành nhưng Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được xem là có kịch tính và mang hơi thở hồn Việt hơn khi phim này thuộc thể loại cổ trang, mà những phim làm về đề tài này thường bị đánh giá là chưa tới và còn mang dáng dấp của triều đại Trung Quốc. Đây là một triều đại có nhiều biến cố trong lịch sử và việc dời kinh đô về Thăng Long của Lý Thái Tổ thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt, phim làm vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.
Từ phục trang, cảnh sắc hồn quê đều toát lên tinh thần Việt Nam, đây là điều đáng ghi nhận từ êkip làm phim. Nhưng dù vậy, khi xây dựng tuyến nhân vật phụ là vua Lê Long Đĩnh lại lấn át cả nhân vật chính là Lý Công Uẩn khiến phim không theo đúng dòng chữ Khát vọng Thăng Long. Còn Long Thành cầm giả ca lại chọn đề tài về cuộc đời oan trái của người kỷ nữ tên Cầm trong thời tao loạn để kỷ niệm đại lễ quan trong của đất nước không đúng tinh thần và có nhiều lời ra tiếng vào quanh chuyện này. Dù phim không mang nhiều kịch tính xong kịch bản và diễn xuất của dàn diễn viên khá tốt, tại LHP quốc tế được tổ chức ở Việt Nam lần thứ nhất đã ghi danh Nhật Kim Anh trong vai Cầm ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc. Chưa biết cuộc tranh tài trong nước, Long Thành cầm giả ca sẽ chiến thắng ở hạng mục nào, trong khi Tây Sơn hào kiệt bị đánh giá là mang hơi tuồng, "cải lương" thì khoảng cách chỉ thu hẹp trong hai phim này.
Tây Sơn hào kiệt chỉ mạnh về những góc quay đại cảnh hoành tráng
Cánh đồng bất tận lấy nước mắt người xem là nhờ diễn xuất trong sáng, tự nhiên của Nương Ngọc vai Nương. Dù phim quy tụ dàn diễn viên đẹp và có nghề nhưng diễn xuất của Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến và Tăng Thanh Hà không được đánh giá cao bằng hai diễn viên trẻ đóng vai con là Thanh Hòa trong vai Điền và Nương Ngọc trong vai Nương. Cánh đồng bất tận có những góc quay tuyệt đẹp khiến người xem gật gù khen ngợi Nguyễn Tranh. Những vệt khói lam chiều trong khunh cảnh bình yên của một miền quê sông nước, cảnh đồng lúa trải dài mênh mông như một bức tranh thơ mộng, một dòng sông yên ả trôi... xứng đáng nhận điểm 10 cho từng góc máy. Đây là tác phẩm văn học được chuyển thể thành tác phẩm nên khi lên phim Cánh đồng bất tận chưa chuyển tải hết tinh thần tác phẩm gốc của Nguyễn Ngọc Tư. Dù vậy Cánh đồng bất tận lại có sức hút rất lớn, và nó đang cùng với Khát vọng Thăng Long cạnh tranh quyết liệt cho giải Báo chí bình chọn phim hay nhất.
Cô dâu đại chiến thắng lớn về doanh thu
Xét về mặt giải trí và doanh thu thì Cô dâu đại chiến đang vượt mặt các đối thủ khác. Mùa phim Tết thì không trông đợi gì ở những bộ phim mang tính giải trí này nhưng nhìn tổng thể bộ phim thứ ba của đạo diễn Việt kiều tại quê hương của mình là một phim khá hay. Dù nội dung không có gì mới nhưng cách kể khá lạ so với phim Việt và sự duyên dáng của các nhân vật chính tạo nên sức hấp dẫn cho người xem, và do vậy Cô dâu đại chiến sẽ là một ứng cử viên không thể xem thường.
Đề tài về Bác Hồ có ba bộ phim cùng tranh cử là Vượt bến Thượng Hải và Nhìn ra biển cả cùng với Hoa đào. Tuy nhiên Hoa đào lại xem là yếu nhất vì nội dung lỏng lẻo, chưa bật lên tinh thần yêu nước và những khó khăn Người gặp phải, thêm nữa việc dựng quá cẩu thả bởi những tình tiết giả tạo trong phim khiến người xem thất vọng rất nhiều. Vượt qua bến Thượng Hải của Triệu Tuấn được đánh giá là khá hơn hai phim kia nhưng so với Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông vào năm 2003 thì lại bị bỏ xa. Vượt qua bến Thượng Hải kể lại hành trình của Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Kông tới Thượng Hải rồi sang Liên Xô để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch. Minh Hải, người đóng vai Bác Hồ trong phim ngoài ngoại hình có nét giống Hồ Chủ tịch thì diễn xuất lại khá gượng gạo, chưa thấy được cốt cách cao cả của vị lãnh tụ kính yêu.
Những cảnh quay đẹp như trong tranh của Cánh đồng bất tận
Diễn xuất của Lan Ngọc là điếm sáng trong phim
Nếu như năm trước, Cánh Diều Vàng dành cho Đừng đốt hoàn toàn thuyết phục thì năm nay xem ra chưa có phim nào thật sự xứng đáng. Nhưng tiêu chí của ban giám khảo, theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, trưởng ban tổ chức cho biết, nếu chưa tìm được phim hay nhất để trao giải thì Cánh Diều Vàng sẽ bỏ ngỏ chứ nhất quyết không phải trao cho có.
Khát vọng Thăng Long mang linh hồn Việt
Theo Bưu Điện Việt Nam
Thêm một phim dự giải Cánh diều dính scandal Vụ việc "Giao lộ định mệnh" bị loại khỏi giải Cánh diều vàng vẫn đang nóng thì "Vượt qua bến Thượng Hải" lại vừa bị phát hiện có đoạn nhạc y hệt một bộ phim truyền hình Trung Quốc. Để làm rõ nghi án "đạo nhạc" này, PV đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn Triệu Tuấn. Một cảnh trong phim "Vượt qua...