Tại sao cuộc tổng tuyển cử ở Mexico lại quan trọng đặc biệt với Mỹ?
Cuộc tổng tuyển cử ở Mexico năm nay rất quan trọng vì nó diễn ra cùng năm với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ – điều chỉ diễn ra 12 năm một lần – và xuất hiện vào thời điểm chuyển giao trong quan hệ giữa hai nước.
Cử tri bỏ phiếu tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Mexico City, Mexico ngày 2/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 2/6, hơn 98 triệu cử tri đủ điều kiện ở Mexico đã đi bỏ phiếu bầu ra tân tổng thống, 500 thành viên Hạ viện, 128 thành viên Thượng viện và gần 20.000 vị trí lãnh đạo địa phương. Nhưng không chỉ quy mô lớn của sự kiện mới khiến nó trở nên quan trọng trong mắt các nhà quan sát và hoạch định chính sách ở Mỹ.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Mexico sẽ bầu ra nữ tổng thống đầu tiên. Hai ứng cử viên dẫn đầu đều là nữ – Claudia Sheinbaum, thuộc đảng Morena, người được liên minh cầm quyền Sigamos Haciendo Historia (Chúng ta tiếp tục làm nên lịch sử) ủng hộ và Xóchitl Gálvez, người được liên minh các đảng đối lập Fuerza y Corazón por México (Sức mạnh và Con tim vì Mexico) hậu thuẫn.
Cuộc bỏ phiếu cũng rất quan trọng vì nó diễn ra cùng năm với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ – điều chỉ diễn ra 12 năm một lần – và xuất hiện vào thời điểm chuyển giao trong quan hệ giữa hai nước.
“Những năm mà tất cả những gì Mỹ mong muốn là một Mexico an toàn và ổn định đã qua. Bây giờ họ cũng quan tâm đến một quốc gia có chính sách công tốt”, Rafael Fernández de Castro Medina, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ-Mexico tại Đại học California, San Diego, cho biết, đồng thời chỉ ra số lượng người Latinh ngày càng tăng ở Mỹ và mối quan hệ ngày càng tăng giữa hai nước.
Dưới đây là một số vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ – Mexico bởi cuộc bầu cử ngày 2/6:
Về kinh tế: Mexico đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ vào năm ngoái, vượt qua Trung Quốc và Canada. Các chuyên gia cho rằng điều này phần lớn là do các vấn đề địa chính trị như đại dịch, di sản của cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Trung Quốc và cuộc xung đột ở Ukraine – tất cả đều khuyến khích hoạt động đưa chuỗi cung ứng về gần (nearshoring), tức là khi các công ty đưa cơ sở sản xuất đến gần thị trường nội địa hơn. Điều này đã thúc đẩy nhập khẩu của Mỹ từ Mexico và đầu tư từ Mỹ vào Mexico.
Video đang HOT
Chìa khóa tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi này là việc kí kết Hiệp định thương mại USMCA, có hiệu lực vào năm 2020 giữa Mexico, Mỹ và Canada.
Lila Abed, Giám đốc Viện Mexico tại tại Trung tâm Wilson giải thích: “Trong bối cảnh thuận lợi đó, USMCA đã đưa ra một khung pháp lý mang lại nhiều sự chắc chắn cho ba quốc gia Bắc Mỹ và Mexico đã nắm bắt các cơ hội cũng như đưa ra các chính sách thuế quan ưu đãi để biến điều này thành hiện thực”.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều “thuận buồm xuôi gió”. Việc Mexico tuân thủ USMCA là một vấn đề gây tranh cãi giữa chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Mexico Andrés Manuel López Obrador và chính quyền của cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.
Chuyên gia Abed chỉ ra: “Tổng thống tiếp theo của Mexico sẽ phải giải quyết một loạt tranh chấp pháp lý mà Mỹ, được Canada ủng hộ, đã đưa ra trong khuôn khổ USMCA. Những điều này bao gồm lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen [của Tổng thống López Obrador] để làm thực phẩm cho con người; sự chuyển hướng sang chính sách năng lượng dân tộc chủ nghĩa, điều đã ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của Mỹ vào điện và hydrocarbon, cũng như hạn chế tầm quan trọng của năng lượng sạch”.
Theo chuyên gia Abed, bất kỳ ai đắc cử tổng thống Mexico trong cuộc bầu cử ngày 2/6 sẽ phải giải quyết vụ kiện do Mỹ đưa ra về những vấn đề trên. Họ cũng sẽ phải đàm phán lại thỏa thuận khi đến thời điểm gia hạn vào năm 2026.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ hiện đang giảm nhẹ các tranh chấp về USMCA với hy vọng rằng điều này có thể xoa dịu những khác biệt trong các lĩnh vực khác, cả về các vấn đề trong nước của Mexico – chẳng hạn như cáo buộc vi phạm nhân quyền, cách đối xử của chính phủ với các nhà báo và sự gia tăng các vụ ám sát chính trị. – và các mối quan tâm song phương như nhập cư và buôn bán ma túy.
“Mối quan hệ Mỹ – Mexico rất mang tính giao dịch. Mexico đã đồng ý quản lý một phần cuộc khủng hoảng nhập cư ở Mỹ, giữ người nhập cư ở lại lãnh thổ Mexico. Đổi lại, Mỹ không kích hoạt các vụ kiện này”, Raquel López Portillo Maltos, thư ký điều hành nhóm thanh niên của tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mexico (Comexi) nói.
Về phần mình, Jorge Alberto Schiavon Uriegas, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách đối ngoại Mexico, cho biết Tổng thống Obrador đã tuân theo chính sách “có qua có lại” đối với cả chính quyền Mỹ thời Trump và Biden, và điều này có thể sẽ tiếp tục với bà Sheinbaum nếu đắc cử.
“Mexico cam kết giải quyết hai vấn đề chính của nước này có ảnh hưởng đến Mỹ: di cư và fentanyl (một loại thuốc giảm đau nhưng có tính gây nghiện cao). Đổi lại, Mỹ giảm đáng kể những lời chỉ trích về vấn đề dân chủ và thể chế của Mexico, đồng thời giảm các biện pháp can thiệp, để lại nhiều chỗ trống hơn cho chính sách đối nội của Tổng thống Obrador”, chuyên gia Uriegas nêu quan điểm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tại San Francisco, California, Mỹ ngày 17/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Về vấn đề di cư: Theo Carin Zissis, Tổng biên tập trang web của Hiệp hội châu Mỹ/Hội đồng châu Mỹ, trong khi cuộc khủng hoảng di cư qua biên giới dài hơn 3000 km giữa hai nước là mối quan ngại chung, vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của các chính trị gia Mexico thấp hơn nhiều so với ở Mỹ – nơi nó có thể là yếu tố quyết định trong cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Bà Zissis nói: “Các bài phát biểu của ứng cử viên Sheinbaum và Gálvez về vấn đề di cư không quá mạnh mẽ cũng không quá khác biệt với nhau, cũng như không đề cập quá nhiều đến những việc cần làm với những người di cư trong nước. Bằng chứng cho điều này là, trong cuộc tranh luận tổng thống vừa qua, khi đề cập đến vấn đề di cư, góc nhìn chính là những người di cư Mexico hiện đang sống ở Mỹ. Họ đều tập trung vào các cử tri tiềm năng của mình ở phía Bắc biên giới và với cộng đồng người Latinh nói chung, một cộng đồng lớn và mạnh mẽ nhờ lượng kiều hối gửi về”.
Điều khó khăn đối với các chính trị gia Mỹ là họ cần sự ủng hộ từ các đối tác Mexico nếu muốn thành công trong chính sách nhập cư của họ. Chuyên gia đưa ra ví dụ về cách Tổng thống Obrador đã biến Mexico thành “một phần bức tường của Trump” bằng cách cử “hàng nghìn thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội đến lo việc kiểm soát di cư”.
Chuyên gia Abed, thuộc Viện Mexico, cho biết tổng thống tiếp theo của Mexico sẽ phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa khác với các nhà lãnh đạo trước đó, bởi vì nước này đã thay đổi từ việc chỉ đơn thuần là một quốc gia quá cảnh, nơi những người nhập cư phải đi qua trên đường đến Mỹ, trở thành quốc gia trú ẩn cuối cùng của họ trong nhiều trường hợp.
“Phản ứng của chính quyền Tổng thống Obrador là chuyển những người di cư đang chờ đợi ở biên giới giữa Mexico và Mỹ về phía Đông Nam nước này và để họ ở đó. Các cơ quan di cư bị choáng ngợp, Ủy ban Hỗ trợ Người tị nạn Mexico (Comar) cũng bị choáng ngợp, các trung tâm nơi người di cư ở lại rất bấp bênh, những người di cư – đặc biệt là trẻ vị thành niên và phụ nữ không có người đi cùng, cũng như những người trẻ tuổi – có nguy cơ bị tội phạm có tổ chức và những kẻ buôn người lợi dụng”, chuyên gia Abed cảnh báo.
Bà cho biết chính phủ tiếp theo của Mexico sẽ cần phải giải quyết lượng dân nhập cư lớn này và quyết định xem có cấp thị thực tạm thời cho họ hay không, có cho phép họ làm việc hay không và liệu họ có được tiếp cận các dịch vụ y tế hay không…
Về vấn đề Fentanyl và buôn bán ma túy: An ninh là một trụ cột khác của mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Mexico, đặc biệt là về vấn đề buôn bán ma túy xuyên biên giới đang phát triển mạnh ở cả hai nước.
Trong khi Mỹ đang vật lộn với cuộc khủng hoảng sức khỏe trong nước do lượng fentanyl trên đường phố, Mexico phải đối mặt với tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các băng nhóm – bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã bị hủy hoại bởi hàng chục vụ ám sát và các vụ bạo lực chính trị khác.
“Mexico đã đạt được tiến bộ trong việc triệt phá các phòng thí nghiệm ma túy bí mật, nhưng chính phủ tiếp theo phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn chất gây nghiện này xâm nhập, vì sau đó chúng rơi vào tay bọn tội phạm có tổ chức để sản xuất ra những loại thuốc gây nghiện mạnh hơn. Nhưng Mỹ cũng phải triệt phá mạng lưới tội phạm và những kẻ buôn người trong (biên giới của chính mình). Có một mạng lưới tội phạm có tổ chức lớn ở Mỹ mà chính quyền phải bắt giữ, đưa ra xét xử và phải hạn chế các hoạt động của chúng”, bà Abed nói.
Ngoài ra, một vấn đề mà Mỹ có thể muốn theo dõi với bất kỳ ai giành chiến thắng sau cuộc bầu cử ngày 2/6 là những cải cách đối với Luật An ninh Quốc gia của Mexico mà chính quyền Tổng thống Obrador thực hiện vào năm 2018 như một trong những biện pháp đầu tiên nhằm hạn chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Mexico.
Tổng thống C. Ramaphosa kêu gọi đoàn kết sau khi đảng ANC mất thế đa số
Ngày 2/6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi lãnh đạo các đảng phái ở nước này hợp tác vì lợi ích chung, trong bối cảnh đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua mất thế đa số vốn đã duy trì 30 năm tại Quốc hội.
Tổng thống Nam Phi, Chủ tịch đảng ANC Cyril Ramaphosa phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố tại Midrand, ngày 2/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh rằng tất cả các đảng phái phải tôn trọng kết quả bầu cử và hợp tác với nhau.
Theo kết quả chính thức công bố ngày 2/6, đảng ANC chỉ giành được 159 ghế trong Quốc hội gồm 400 thành viên, thấp nhất trong các cuộc tổng tuyển cử. Đảng trung hữu Liên minh Dân chủ (DA) đứng thứ hai với 87 ghế. Ở vị trí thứ 3 là đảng cấp tiến mới thành lập MK của cựu Tổng thống Jacob Zuma với 58 ghế và các đảng khác tiếp theo. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Zuma không tham dự buổi công bố kết quả bầu cử và đảng của ông từ chối công nhận kết quả.
Dự kiến, Quốc hội khóa mới sẽ nhóm họp trong vòng 2 tuần tới và nhiệm vụ đầu tiên sẽ là bầu ra tổng thống để thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, với việc không có đảng nào giành thế đa số, đảng ANC cần liên minh với các đảng khác để Tổng thống Ramaphosa có thể tái đắc cử. Lãnh đạo đảng DA, ông John Steenhuisen, nhắc lại cam kết sẵn sàng hợp tác với đảng ANC. Tổng thư ký đảng ANC, ông Fikile Mbalula cho biết đảng này đang có các cuộc thảo luận thăm dò với các bên nhằm đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể.
Ấn Độ: Đảng BJP cầm quyền được dự đoán thắng lớn Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo sẽ giành được khoảng 350 trong số 543 ghế của Lok Sabha (Hạ viện) nước này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước...