Tại sao Công ty Việt Á có thể “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 cao như vậy?
Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt vừa bị khởi tố liên quan đến việc “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19.
Vậy quy định về giá kit xét nghiệm ở Việt Nam như thế nào?
Công ty Việt Á tự định giá kit xét nghiệm Covid-19
Kết quả điều tra của Cơ quan điều tra cho biết, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt. Ảnh Bộ Công an
Dư luận đặt câu hỏi: “Tại sao Công ty Việt Á tự tung tự tác “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 mà vẫn không bị tuýt còi trong suốt thời gian qua?”.
Trước đó, trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 10/11 về việc giá vật tư y tế, đặc biệt là giá kit xét nghiệm Covid-19 thời gian qua “nhảy múa” rất khác nhau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã cho biết, các trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá.
“Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 131 sản phẩm, sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60 sản phẩm, xét nghiệm PCR 43 sản phẩm và xét nghiệm kháng thể là 28 sản phẩm
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Giá của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau, các nước sản xuất khác nhau, giữa các trang thiết bị y tế và sinh phẩm khác nhau cũng có giá khác nhau qua các thời điểm.
Về phía Bộ Y tế, Bộ đã liên tục cố gắng từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Đến nay, đã có 69.235 sản phẩm, 93.253 kết quả đấu thầu được niêm yết giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm…
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm… phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Video đang HOT
Bộ Y tế cũng liên tục có hướng dẫn về điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Giá kit xét nghiệm Covid-19 giống nhau có giá khác nhau?
Qua tìm hiểu của Dân Việt, theo Danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-C0V-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng, giá bán do đơn vị cung ứng công bố mà Bộ Y tế cập nhật đến ngày 2/7/2021, sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền virus SARS-CoV-2 do công ty trong nước sản xuất có 5 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm của Công ty Việt Á.
Cụ thể, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất có giá 470.000 đồng/test.
Hai sản phẩm tương tự của Công ty Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương có giá chênh nhau tới 170.000 đồng/test (Danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-C0V-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng, giá bán do đơn vị cung ứng công bố mà Bộ Y tế cập nhật đến ngày 2/7/2021 (Nguồn BYT)
Bên cạnh báo giá cũng ghi chú: giá 470.000 đồng/test đối với đơn hàng dưới 500.000 test, giá 367.000 đồng/test đối với đơn hàng từ 500.000 test đến 1 triệu test; giá 315.000 đồng đối với đơn hàng từ 1 triệu đến 5 triệu test và giá 220.000 đồng/test với đơn hàng từ 5 triệu test trở lên.
Như vậy, Công ty Việt Á cũng đã công khai báo giá 470.000 đồng/ test trên cổng thông tin điện tử của Bộ.
Bên cạnh đó, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có giá 300.000 đồng/test.
Như vậy, theo bảng kê khai, 2 bộ xét nghiệm “made in Việt Nam” có tác dụng, phương pháp như nhau nhưng đã có giá thành khá chênh lệch, lên đến 170.000 đồng/test.
Kit xét nghiệm Covid-19, trang thiết bị y tế sẽ bị quản lý giá tử 1/1/2022
Ngày 8/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.
“Đây là Nghị định làm thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định đã công khai minh bạch toàn bộ quá trình quản lý, chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá.
Hiện nay, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đang làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bình ổn giá trong trường hợp cần thiết đối với mặt hàng này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đưa vào chương trình thanh tra, kiểm tra năm 2022.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hải Dương đợt dịch hồi tháng 3/2021 (Ảnh BYT)
Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng phân tích, Nghị định 98/2021/NĐ-CP bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế nhằm mục tiêu giải quyết các tồn tại, bất cập trong quản lý giá giai đoạn vừa qua như cùng một trang thiết bị y tế nhưng có nhiều mức giá, giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế có sự khác biệt đáng kể, không có mức giá tham khảo để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu…., theo đó các biện pháp quản lý giá bao gồm:
Đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá.
Quy định cụ thể nội dung kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.
Quy định chỉ chủ sở hữu số lưu hành hoặc đơn vị phân phối được chủ sở hữu ủy quyền mới được thực hiện việc công khai giá và các nhà phân phối còn lại không được bán hơn giá mà chủ sở hữu số lưu hành đã công khai đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán.
Cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Việc bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm sẽ xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm về giá bán trang thiết bị y tế trên thị trường và chủ thể này phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá trang thiết bị y tế mà mình kinh doanh.
Đồng thời công khai các thông tin về giá bán của chủ sở hữu, giá bán của từng nhà phân phối, đại lý, giá trúng thầu của trang thiết bị đó tại các cơ sở y tế của Nhà nước để tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận, tham khảo.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Như vậy, từ ngày 1/1/2022, những cơ quan sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế trong đó có kit xét nghiệm Covid-19 sẽ chịu sự quản lý về giá, phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá sản phẩm và phải giải trình về các yếu tố cấu thành giá sản phẩm cho cơ quan quản lý.
Điều này sẽ khiến hạn chế việc cơ quan sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế không thể mập mờ về giá, tự “thổi giá”.
Về vấn đề thúc đẩy sản xuất test kit trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay Việt Nam có 8 đơn vị sản xuất trong nước, cung cấp cả test nhanh và test PCR, test nhanh kháng thể. Năng lực sản xuất và khả năng cung ứng của Việt Nam về test kit cơ bản đáp ứng đầy đủ.
Nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19: Còn bao nhiêu kẻ "đục nước béo cò"?
Dư luận cho rằng, dù đau đớn thế nào thì cũng phải đưa ra ánh sáng tất cả những kẻ "đục nước béo cò" liên quan đến vụ công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19.
Cuối tuần qua, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương để điều tra vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Dư luận một lần nữa lại bàng hoàng vì chỉ riêng tiền chi hoa hồng cho ông Giám đốc CDC Hải Dương đã lên tới gần 30 tỷ đồng và không chỉ Hải Dương, còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470.000đ/test PCR, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.
Như vậy, với việc cung cấp kit xét nghiệm cho hàng loạt tỉnh, thành thì ông Giám đốc CDC Hải Dương sẽ không phải là hiện tượng cá biệt. Dư luận cho rằng, dù đau đớn thế nào thì cũng phải đưa ra ánh sáng tất cả những kẻ "đục nước béo cò" liên quan "ông lớn" trong lĩnh vực xét nghiệm ở Việt Nam.
Tháng 6 năm nay, Tòa cấp cao Hà Nội xử phúc thẩm cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng các đồng phạm trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Ngay trước phiên xét xử, CDC thuộc 30 tỉnh, thành phố đã gửi đơn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cảm và các thuộc cấp. Thời điểm đó, không ít người từng cảm kích trước sự "sẻ chia" của những người đồng nghiệp dành cho ông Cảm khi vướng vòng lao lý. Giờ thì người cả tin nhất cũng phải nghi ngờ về sự "chân thành" trong những lá đơn kia.
Xét nghiệm trên diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là yêu cầu bức thiết nhưng không thể vì thế mà sẵn sàng bắt tay nhau để "thổi giá" kit xét nghiệm, nhắm mắt làm liều để bòn rút tiền của Nhà nước.
Dịch bệnh lan rộng với mức độ ngày càng nghiêm trọng đã dẫn tới nhu cầu về trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế...tăng cao. Trong tình huống cấp bách đó, chúng ta cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để các địa phương có trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, các bộ kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch bệnh một cách nhanh nhất. Nhưng quyết sách linh hoạt đó đã bị những kẻ xấu làm méo mó, biến dạng để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Bởi vậy, tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, càng chỉ định thầu càng phải công khai, minh bạch. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc quản lý giá với các mặt hàng y tế, đặc biệt là kit xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Do quá bận về công tác phòng chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị mới nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh".
Giờ thì không còn cơ hội cho các địa phương nghiêm khắc "nhắc nhở" và "chấn chỉnh" nữa. Các cơ quan chức năng đã chính thức vào cuộc trên diện rộng. Tổ chức, cá nhân nào sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật,
Đưa vụ việc ra ánh sáng dù biết chắc chắn sẽ làm dư luận bức xúc nhưng chúng ta không thể không làm. Chặt một cành sâu, thậm chí nhiều cành sâu để cứu lấy cái cây thì dù khó khăn bao nhiêu cũng phải quyết tâm thực hiện. Những kẻ thoái hóa, biến chất cần phải bị thanh lọc, trừng trị.
Nếu không xử nghiêm, không đi đến tận cùng vụ việc là chúng ta có lỗi với sự hy sinh, mất mát không thể đong đếm được của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu. Mấy trăm ngày đêm chống dịch, bao nhiêu người vì cộng đồng mà vĩnh viễn không trở về. Bao nhiêu người đổ mổ hôi, công sức mà không được trả thù lao và phụ cấp tương xứng.
"Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" - không thể có cụm từ nào chính xác hơn để diễn tả liêm sỉ của những kẻ được Nhà nước giao trọng trách chống dịch mà lại sẵn sàng "bỏ túi" cả chục tỷ đồng trong khi nhân dân khắp từ Bắc chí Nam điêu đứng vì đại dịch. Thậm chí, điêu đứng đến mức, ngay cả khi bỏ mạng vì Covid-19 cũng không đủ tiền để mua một tấm quan tài, dù là loại rẻ nhất!
Còn bao nhiêu kẻ "đục nước béo cò" đang đứng trong bóng tối?
Luật pháp Việt Nam từng xử tử hình một cán bộ quân nhu trong cuộc kháng chiến chống Pháp vì tội tham ô.
Nay, coi Covid-19 là giặc thì những kẻ tham ô khi đất nước có giặc, dứt khoát không thể nương tay. Dù có phải xử một vài người ở mức cao nhất thì chắc chắn dư luận cũng sẽ đồng tình./.
Người bên trong trụ sở Công ty Việt Á tại TP.HCM: "Không hay biết gì" Tại trụ sở của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM, người bên trong ngôi nhà này cho biết chỉ là nơi công ty đặt nhờ biển hiệu và người này "không hay biết chuyện gì đang xảy ra". Địa chỉ 134/3D đường Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, nơi được...