Tại sao châu Âu lại hoảng hốt, run rẩy?
Về lý luận quân sự, các nước trong khối NATO có ý nghĩ tấn công hay đe dọa tấn công vào lãnh thổ Nga bằng quân sự là sự điên rồ.
Tập trận, quốc gia nào cũng tiến hành, mang ý nghĩa chính trị và quân sự rất lớn. Về chính trị thì qua đó nó gửi đến đối phương một thông điệp gì đó như răn đe hay gây áp lực…nhưng về quân sự, trong tình thế khu vực căng thẳng, xung đột quân sự cục bộ đã xảy ra thì tập trận là một hình thức hoạt động chiến đấu (trinh sát, cài thế, điều binh bố trí lực lượng và chuyển sang trạng thái tấn công phủ đầu khi cần thiết…).
Qua các cuộc tập trận, Nga đã chứng tỏ và NATO-phương Tây đã nhận thức được 2 vấn đề cốt tử sau:
Một là quân đội Nga đã sẵn sàng rất cao cho chiến tranh. Sự sẵn sàng sàng không chỉ về ý chí, tinh thần, vũ khí kỹ thuật…mà sẵn sàng cả thế trận.
Hai là sau cuộc tập trận ngày 12/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố đã đưa toàn bộ vũ khí chiến lược vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Có nghĩa là Nga sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật với bất kỳ kẻ nào động đến lãnh thổ Nga và sẵn sàng đối đầu hạt nhân với Mỹ.
Với một quân đội đã sẵn sàng như vậy, với một nền công nghiệp quân sự đứng thứ hai thế giới, với một hệ thống vũ khí chiến lược không kém Mỹ…khi những miếng đòn kinh tế nhằm vào tử huyệt của Nga, được Mỹ-EU tung ra nhưng chỉ làm Nga “loạng choạng” và đã đứng vững, tiếp tục phát triển thần kỳ ngoài trí tưởng tượng (Bloomberg), khi nước Nga trong tay lèo lái của vị Tổng thống Putin “Đại đế” thì rất khó để đoán biết được tình thế sẽ đi đến đâu, nếu như châu Âu thiếu tỉnh táo, manh động, cậy Mỹ, coi thường cảm giác Nga.
Video đang HOT
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng: “Diễn tập quân sự bất ngờ, đột ngột và không thể đoán trước của Nga luôn tạo ra sự bất ổn. Sự thống nhất mau lẹ Crimea cũng nằm trong vỏ bọc của một giáo án bất ngờ đó…” là không sai.
NATO đã vỡ vạc ra rất nhiều sau thất bại “đau không thể kêu”, một giấc mơ bị tan nát, khi Nga ra tay trước, lấy Crimea không tốn một viên đạn.
Để triệt hạ Nga của Putin có thể bằng nhiều cách, như dùng kinh tế, tiền tệ và cả “cách mạng màu”. Tất cả miếng đòn này dù khó khăn, nhưng còn có hy vọng mang lại chiến thắng, vì Nga không phải là vô địch thiên hạ, Nga vẫn có rất nhiều điểm yếu…nhưng, liệu có hy vọng chiến thắng bằng đối đầu quân sự-đối đầu với lĩnh vực mạnh nhất của Nga?
Về lý luận quân sự, các nước trong khối NATO có ý nghĩ tấn công hay đe dọa tấn công vào lãnh thổ Nga bằng quân sự là sự xuẩn ngốc, điên rồ.
Không ai chắc chắn tên lửa chiến lược của Nga đã triển khai tại Crimea và Kalinigrad như các tuyên bố úp úp mở mở của các nhà lãnh đạo Nga hay chưa, nhưng điều chắc chắn là nếu như chúng được triển khai thì mọi lá chắn tên lửa tại châu Âu đều vô tác dụng và quốc gia nào cho Mỹ xây dựng lá chắn là rước họa vào thân, là muốn tự sát.
Tuyên bố của đại sứ Nga tại Đan Mạch “…nếu Đan Mạch tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu thì các tàu chiến của Đan Mạch sẽ trở thành mục tiêu cho tên lửa hạt nhân của Nga” không phải là vô ý.
Gấu Nga đang nổi đóa khi cảm giác an ninh bị đe dọa, cộng với sự đồn thổi rằng, Nga sẽ tấn công xâm lược các nước vùng Bantic… khiến châu Âu hoảng hốt.
NATO không ngồi yên, họ cũng tiến hành các cuộc tập trận và Anh quốc cũng đã tổ chức một cuộc tập trận không quân lớn nhất từ 13 năm trở lại đây…tất cả đều bắt đầu từ cuộc khủng hoảng Ukraine và các cuộc tập trận có tính chất nghiêm trọng như “bên miệng hố chiến tranh” của Nga.
Những con “thiên nga” hay là “lưỡi hái của thần chết” đang trên đầu châu Âu?
Hiện nay, giữa Mỹ-Nga và châu Âu đang tồn tại có 4 mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn Nga-Mỹ; Nga-châu Âu; Mỹ châu Âu và nội bộ châu Âu, trong đó mâu thuẫn Nga-Mỹ là chính. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã bộc lộ mâu thuẫn giữa Mỹ-châu Âu sâu sắc hơn khi càng ngày Mỹ đã bất chấp lợi ích của châu Âu để chống Nga, thu lợi nhuận cho các tập đoàn sản xuất vũ khí của mình…và thậm chí muốn biến Ukraine thành chiến trường để thử vũ khí với Nga.
Chiến tranh với Nga, liệu có một nước nào trong NATO muốn làm điều đó với Nga không hay họ chỉ cậy nhờ vào Mỹ? Vậy thì nước Mỹ có muốn chiến tranh với Nga không? Rõ ràng Mỹ không bao giờ muốn chiến tranh trực tiếp với Nga, vì nếu xảy ra thì cả 2 đều không sống sót, nhưng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, triển khai các loại vũ khí hạng nặng sát biên giới Nga thì nhất định sẽ biến châu Âu thành chiến trường nếu xung đột xảy ra.
Thực tế đã chỉ ra rằng, khi lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia Nga bị đe dọa nghiêm trọng…thì tình huống xảy ra như ở Gruzia hoặc Ukraine là không tránh khỏi. Nga sẽ không bao giờ cân nhắc xem Gruzia hay Ukraine có là thành viên của NATO hay không và chắc chắn lúc đó, theo logic, Mỹ sẽ sẵn sàng hy sinh một thành viên nào đó của NATO khi “bị gấu Nga cho ăn tát”.
Tư cách là cường quốc quân sự hạt nhân, Nga và Mỹ đều có “vạch đỏ giới hạn” về an ninh, lợi ích quốc gia, của mình để không ai xâm phạm. Nói cách khác là Mỹ có thể dùng quân cờ NATO chơi với Nga chứ không đời nào châu Âu có đủ tài để dùng quân cờ Mỹ để chơi với Nga. Cho nên, 28 thành viên NATO thừa đủ tỉnh táo để biết danh phận mình, thừa biết cái “vạch đỏ giới hạn” của Nga, họ vừa là “con tin hạt nhân” của Nga vừa bị Nga “tống tiền hạt nhân” nếu cứ theo đuôi Mỹ.
Ở trong một tình thế đó, không hốt hoảng, không run rẩy mới là chuyện lạ. Châu Âu không những hốt hoảng run rẩy bởi sự triển khai, bố trí lực lượng và tuyên bố rắn về sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga mà còn hơn thế nữa khi Mỹ bất chấp an ninh châu Âu, quyết “trừng phạt Nga đến người châu Âu cuối cùng”.
Đây là lý do vì sao Đức, Pháp bỏ qua Mỹ đàm phán với Nga cho ra đời Minsk-2 và phản đối quyết liệt việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây cũng là lý do vì sao châu Âu muốn thành lập quân đội riêng để tự bảo vệ, định đoạt an ninh châu Âu, thoát khỏi cái gậy chỉ huy của Mỹ thông qua NATO chỉ vì lợi ích Mỹ.
Để cấu trúc lại an ninh châu Âu, nếu như EU muốn thành lập quân đội EU thì Nga cũng đang “góp một tay” để đưa lính Mỹ rời khỏi châu Âu bằng những “đường chuyền vượt tuyến”. Nước Anh cũng đang hốt hoảng tập trung binh lực để phòng thủ quần đảo Falkland khi Argentina đã chính thức có 12 chiếc SU-24 của Nga…
Khi Crimea đã về tay Nga cũng là thời khắc ghi nhận thế giới đơn cực đã kết thúc. Nga đã chứng tỏ cho châu Âu biết rằng cấu trúc an ninh châu Âu không thể thiếu Nga. Nga không phải là Lybia, Iran, Iraq… Nga là một cường quốc và trong tình thế hiện nay, không một quốc gia nào trong khối NATO có thể làm Nga của Putin thay đổi suy nghĩ.
Theo Đất Việt