Tại sao bị chóng mặt khi ăn mì chính?
Nhiều người sau khi ăn bún, phở có nêm mì chính hay bị cảm giác gai gai, tê người, chóng mặt, bủn rủn tay chân. Vậy tác động này do đâu?
Tình trạng này từng được gọi là “Hội chứng Nhà hàng Trung Quốc”, xuất phát từ năm 1968 (60 năm sau khi mì chính ra đời). Khi đó, một nhà khoa học người Mỹ đã mô tả một vài triệu chứng xuất hiện sau khi ăn bị tê mỏi, khó thở, chóng mặt, hồi hộp,…
Nhà khoa học này giả định những triệu chứng trên có thể gây ra bởi một số thành phần gia vị được sử dụng rộng rãi trong chế biến món ăn ở nhà hàng Trung Quốc như rượu, nước tương, muối ăn hoặc mì chính.
Tuy nhiên, Uỷ ban Hỗn hợp các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm (JECFA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) sau nhiều năm nghiên cứu đã kết luận: “Không chứng minh được mì chính là tác nhân gây ra các triệu chứng của Hội chứng Nhà hàng Trung Quốc”. Từ đó đến nay, các nhà khoa học cũng không nhắc lại về hội chứng này.
Về hiện tượng bủn rủn tay chân, tê mỏi,… sau khi ăn mì chính, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, có thể là do cơ địa mẫn cảm của từng người. Việc quá mẫn cảm với mì chính cũng thông thường như khi chúng ta ăn các loại gia vị hoặc thực phẩm khác như sau khi ăn cá biển, tôm, cua hay ghẹ,… nhiều người cũng bị mẩn ngứa hoặc khó chịu. Muốn hết tình trạng này, chỉ cần giảm hoặc ngừng ăn các thực phẩm, gia vị bị dị ứng.
Còn theo bác sĩ Cao Hồng Phúc – Học viện Quân y, viện 103 cho hay việc xuất hiện các triệu chứng trên có 2 lý do.
Thứ nhất, người dùng đã ăn phải loại thực phẩm nào đó tác động lên hệ thần kinh đồng thời với việc ăn mì chính và chính những thực phẩm tác động lên hệ thần kinh gây ra các triệu chứng trên chứ không phải mì chính.
Thứ hai, có thể người dùng đã sử dụng một lượng quá nhiều mì chính, mà lượng này được tính từ vài trăm gam trở lên, tương đương với 1/5 túi mì chính thông thường. Lúc đó được gọi là ngộ độc mì chính, chứ đơn thuần, mì chính không gây hại. Giống như vitamin A, bình thường không gây hại, nhưng dùng một liều cao quá mức ngay tại một thời điểm thì bản thân vitamin A cũng gây hại chứ không chỉ mì chính. Như vậy, mì chính vô can với các triệu chứng trên nếu loại bỏ hai trường hợp đã nêu.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Phúc, các thực phẩm tác động lên hệ thần kinh có thể lấy ví dụ như: nước chè đặc, nước cà phê đặc, ca cao… Khi đang rất đói và ăn một bát bún phở, lỡ tay cho một thìa mì chính, ngay sau đó uống nước chè đặc hoặc uống cốc cà phê. Khi đó, bún phở chưa kịp làm cơ thể tỉnh táo thì đã bị tác động bởi cà phê/chè đặc. Và các triệu chứng trên là của cà phê/nước chè gây ra, chứ không phải mì chính. Cũng cần lưu ý, đó không phải là triệu chứng của dị ứng thực phẩm hoặc ngộ độc thực phẩm.
Mì chính giả có phải là nguyên nhân?
GS.TS Nguyễn Văn Khôi – Viện Hóa học Việt Nam cũng cho rằng mì chính là một gia vị an toàn với con người và hiện nay cả thế giới đang dùng. Theo đó, mì chính được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên như mía, khoai mì… với phương pháp lên men tự nhiên và không phải có nguồn gốc từ hóa chất.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại mì chính giả, mì chính nhái. Theo ông Khôi, mì chính không rõ nguồn gốc sẽ không được kiểm định về chất lượng hàng chính hãng. Không thể loại trừ những sản phẩm này có dùng hóa chất. Như vậy sức khỏe con người sẽ bị đe dọa, vì dùng nhiều dẫn đến ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy đau đầu, chóng mặt, nặng thì mắc các bệnh do chất độc tích tụ lâu dần trong cơ thể.
Do đó, về nguyên tắc, tốt nhất nên dùng mì chính ở mức độ cần thiết, không nên lạm dụng. Đồng thời phải chọn mua mì chính hàng chính hãng, cẩn thận với hàng nhái hiện nay.
Bột ngọt hay mì chính là tên gọi thường dùng của natri glutamat (tên đầy đủ là mononatri glutamat). Mì chính ra đời từ năm 1908 tại Nhật Bản. Ở nước ta, mì chính được Bộ Y tế xếp vào “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” từ năm 2001 theo quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT.
Thông tư số 27 /2012/TT-BYT có hiệu lực từ tháng 2/2013, cũng liệt mononatri glutamat vào danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm với chức năng chính là điều vị.
Theo Zing
Sự thật cần biết khi dùng mì chính
Đồn thổi về mì chính gây hại cho sức khỏe đang khiến nhiều người lo lắng, vậy thứ gia vị này có thực sự gây hại hay không?
Trả lời Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, đây hoàn toàn là hiểu nhầm.
Giá trị dinh dưỡng = 0
Bà Lâm cho hay, cũng như các loại gia vị khác như muối, mắm, dấm, nước tương, ớt, tiêu,... mì chính (hay còn gọi là bột ngọt) không đem lại giá trị dinh dưỡng mà chỉ đơn thuần là một chất tạo vị cho món ăn. Mì chính xuất phát từ Nhật Bản khi GS. Kikunae - Đại học Hoàng gia Tokyo tách chiết thành công glutamate từ một lượng lớn tảo biển khô và đã đặt tên cho vị này là "Umami" (có nghĩa là "vị ngon").
Từ lúc xuất hiện đến nay, tác dụng của mì chính là làm cho món ăn ngon hơn nhờ khả năng giữ nguyên hương vị tự nhiên của nguyên liệu và làm hài hòa hương vị tổng thể của món ăn. Chính vì vậy, nhiều người đã "nghiện" mì chính như một thứ gia vị không thể thiếu trong bất kỳ một món ăn nào.
Ở Việt Nam, thời bao cấp, các bác sĩ thường kê đơn mì chính cho những người bị đau đầu hay bệnh thần kinh để bồi bổ. Tuy nhiên, đây chỉ là chất phụ gia tạo vị ngon ngọt cho thức ăn chứ không phải là chất bổ dưỡng, hoàn toàn không thể thay thế các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, chất bột, chất xơ, chất béo, khoáng chất... có trong các nguồn thực phẩm tự nhiên khác.
Không vô hại như đồn thổi
Mì chính mặc dù không đem lại bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào, song Tiến sĩ Lâm lo ngại, hiện nay trên nhiều trang mạng đang xuất hiện rất nhiều thông tin sai chiều về mì chính khiến người tiêu dùng hoang mang. Bà Lâm khẳng định: mì chính hoàn toàn không đem lại bất kỳ tác dụng nào cho cơ thể.
Sự thật cần biết khi dùng mì chính.
"Sở dĩ có thông tin này là do trước đây, từng có nhiều tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới giả định về tác hại của mì chính cũng như nhiều loại gia vị, thực phẩm khác. Sau khi nghiên cứu, giả định này được cho là không có căn cứ. Nhiều người đã biết đến thông tin này nhưng lại không hiểu rõ ngọn ngành nên đã hiểu lầm về mì chính - một gia vị quen thuộc với nhiều nhà", bà Lâm nói.
Tiến sĩ Lâm cũng cho hay, nhiều tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới như JECFA (Ủy ban các chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO)), EC/SCF (Ủy ban Khoa học Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu), FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ),... kết luận mì chính là một gia vị an toàn đối với cả người lớn và trẻ em với liều dùng hàng ngày không xác định, tùy theo sở thích và khẩu vị. Riêng ở nước ta, Bộ Y tế xếp mì chính vào "Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm" từ năm 2001. Như vậy đủ để thấy sự an toàn của loại gia vị này.
Việc sử dụng mì chính không gây ảnh hưởng đến não và hoạt động thần kinh như nhiều người vẫn lo ngại. Mặc dù glutamate đóng vai trò là chất truyền dẫn thần kinh trong não bộ nhưng nhờ có "hàng rào ở ruột" và "hàng rào máu não" trong cơ thể, bột ngọt hay glutamate từ khẩu phần ăn không thể đi vào máu cũng như từ máu đi vào não.
Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, hiện nay không có khuyến cáo nào về việc sử dụng bột ngọt cho trẻ em. Hai tổ chức JECFA và FAO sau nhiều năm nghiên cứu đưa ra kết luận: "Quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không hề có bất kỳ mối nguy hại nào trên trẻ em được chỉ ra". Kể cả với thai nhi hay trẻ sơ sinh, việc người mẹ sử dụng gia vị này cũng không có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Về việc nhiều người có biểu hiện như chóng mặt, bủn rủn tay chân, tê mỏi tay chân, hồi hộp,... (Hay còn được gọi là "Hội chứng nhà hàng Trung Quốc"), PGS. TS Lâm cũng cho biết, mì chính tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. JECFA từng tuyên bố điều này vào năm 1987.
Tuy nhiên, không loại trừ một số người có cơ địa quá mẫn cảm với lượng lớn mì chính được sử dụng trong các món ăn hoặc do yếu tố tâm lý ở người sử dụng sau khi nghe nhiều thông tin không hay về bột ngọt. Việc quá mẫn cảm với mì chính cũng thông thường như khi chúng ta ăn các loại gia vị hoặc thực phẩm khác. Trong trường hợp này có thể giảm bớt lượng mì chính thường dùng.
Nhiệt độ nấu ăn thông thường dao động trong khoảng 130 - 190 độ C và thường không vượt quá 250 độ C. Ở khoảng nhiệt độ nấu ăn này, mì chính đã được chứng minh là không bị biến đổi thành những thành phần gây hại cho cơ thể.
Như vậy, có thể nêm loại gia vị này vào bất cứ thời điểm nào khi nấu ăn. Thời điểm này tùy thuộc vào món ăn cũng như kinh nghiệm của người nấu.
"Ngộ nhận về những tác hại của mì chính khiến nhiều người loại bỏ hẳn gia vị này trong các món ăn hàng ngày là điều hoàn toàn không nên. Bởi hiện nay chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu nào khuyến nghị dừng ăn mì chính. Song cũng không vì thế mà ăn quá nhiều. Nếu dùng quá nhiều bột ngọt sẽ làm thay đổi hương vị tự nhiên của thực phẩm, ăn nhiều cũng có thể làm ảnh hưởng đến khẩu vị,...", bà Lâm nhấn mạnh.
Theo Zing
Tại sao cần uống nước vào buổi sáng Cơ thể sau một đêm ngủ dậy đã tiêu hao hết lượng nước hôm trước nên cần được bổ sung vào sáng hôm sau để thúc đẩy tuần hoàn máu, lọc chất thải. Ảnh: Tổ Ấm Việt. Theo Health, nước là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu đối với con người, chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể. Nước phân bổ...