Tại sao bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – khẳng định khả năng xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ là hiện hữu, nhưng không vì thế người dân quá hoang mang, lo lắng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
PGS Đỗ Văn Dũng nói: “Với sự toàn cầu hóa, ngày nay việc đi lại từ quốc gia này qua quốc gia khác hết sức dễ dàng, do đó khả năng xâm nhập và lây lan bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam là có. Tuy vậy khả năng bệnh biến thành làn sóng dịch bệnh như COVID-19 là không cao nếu chúng ta có sự cảnh giác, kèm theo đó là các chương trình giám sát trong cộng đồng”.
Bệnh không chỉ xảy ra ở khỉ
* Đậu mùa khỉ có phải là bệnh lý hiếm gặp không, thưa ông?
- Từ năm 1958, bệnh lý này đã được con người phát hiện trên một số con khỉ bị phát ban đậu mùa và kể từ đó gọi là bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh này không phải là bệnh lạ với con người nhưng là bệnh hiếm, bởi trước đây chủ yếu tập trung ở các quốc gia vùng Tây Phi và Trung Phi và trở thành bệnh lưu hành ở các quốc gia này.
Tên gọi bệnh đậu mùa khỉ gợi ý chúng ta một số đặc điểm. Thứ nhất, đây là bệnh từ động vật truyền sang người, do đó dù tiêu diệt được bệnh trên người nhưng nếu trong quần thể của động vật vẫn còn tồn tại vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Thứ hai, tuy gọi là bệnh đậu mùa khỉ nhưng bệnh này không chỉ xảy ra ở khỉ, mà ở nhiều loài động vật hoang dã khác (như các loài gặm nhấm).
Ở các quốc gia châu Phi có thể vì một số lý do con người săn bắn hoặc xâm chiếm môi trường sống bị thú cào, cắn hoặc ăn thịt chưa khi chưa xử lý chín đã bị nhiễm bệnh.
* Với số ca mắc tăng nhanh, Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) khuyến cáo các nước cần có các biện pháp ứng phó như chuẩn bị năng lực chẩn đoán, sàng lọc, cách ly – quản lý ca bệnh. Điều này khiến người dân lo ngại khi cho rằng liệu sắp có một đợt dịch mới như COVID-19 hay không?
- Bệnh này không phải không thể kiểm soát được, bởi khác với COVID-19 (có người không có triệu chứng), đa số các trường hợp lây lan đều có triệu chứng nhiễm bệnh như sốt, đau đầu, đau cơ, nổi hạch và đặc biệt là phát ban rất rõ ràng.
Ngoài ra, dù lây lan nhưng đậu mùa khỉ có tỉ suất lây truyền ít hơn so với COVID-19. Cụ thể với COVID-19, chủng Vũ Hãn tỉ lệ 1 lây cho 2, chủng Delta tỉ lệ 1 lây cho 5 hoặc 7 và Omicron cao hơn nữa.
Nhưng với đậu mùa khỉ nếu không quan hệ đồng giới thì tỉ lệ lây nhiễm chỉ là 1.1, còn có quan hệ cũng chỉ 1 lây cho 1,6 hoặc 1,8 người. Với khả năng lây lan như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình.
Quan hệ đồng giới tiềm ẩn rủi ro
* Một vấn đề rất được quan tâm sau kết quả đánh giá của WHO cho thấy trong số các ca mắc chủ yếu là nam giới (chiếm 98%), đặc biệt rơi vào nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Các dữ liệu này nói lên điều gì, thưa ông?
- Như tôi đã nói, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan theo nhiều cách khác nhau tùy vào từng khu vực và đối tượng. Và lây từ người sang người hiện nay chủ yếu xuất phát từ những người có quan hệ đồng giới.
Video đang HOT
Phải khẳng định ngay rằng bản thân của việc quan hệ đồng giới không phải là điều gì ghê gớm gây ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vấn đề ở đây là tần suất, mức độ và hình thức tiếp xúc với người lạ của nhóm người này.
Thực tế người quan hệ tình dục đồng giới hiện ít nhiều còn bị kỳ thị ở nhiều quốc gia, họ ít khi có gia đình với người đồng giới và đây cũng chính là lý do khiến họ tìm kiếm bạn tình xa lạ ngoài xã hội thông qua các app.
Bên cạnh đó, cơ hội được quan hệ tình dục của nhóm này cũng tương đối hạn chế, do đó mỗi lần quan hệ có thể cùng lúc với nhiều người ở nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau và không loại trừ trong số đó có người mang mầm bệnh đậu mùa khỉ. Đó cũng là một trong các lý do tại sao người nam quan hệ tình dục đồng giới thường có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Tuy nhiên khi có sự cảnh báo từ chuyên gia về bệnh lý này, tôi tin rằng với sự hiểu biết của cộng đồng người đồng giới, cùng với trách nhiệm đối với sức khỏe của chính mình, gia đình và xã hội, họ sẽ có sự cảnh giác, sàng lọc khi quan hệ để tránh đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Xét nghiệm không phải là rào cản lớn
* Các chuyên gia dịch tễ cho rằng điều khó khăn hiện nay không phải nằm ở số ca mắc và tử vong, mà nằm ở năng lực xét nghiệm chẩn đoán bệnh, cá nhân ông có nghĩ như vậy không?
- Theo tôi, rào cản về xét nghiệm chẩn đoán không phải là vấn đề lớn, rào cản lớn nhất hiện nay là làm sao để người dân nhận biết được các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, từ đó chủ động phòng ngừa cho mình, và khi mắc bệnh thì chủ động đến bệnh viện chẩn đoán, điều trị sớm.
Hiện nay tùy theo nguồn lực của từng quốc gia, với các quốc gia có đầy đủ nguồn lực họ có thể thực hiện xét nghiệm khẳng định chính xác các ca bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên ở nhiều quốc gia khác, họ không nhất thiết phải chẩn đoán bằng biện pháp xác định (virus học), bởi bệnh này có các biểu hiện rất đặc trưng có thể chẩn đoán bằng lâm sàng hoặc khả năng lây lan giống như bệnh đậu mùa trước đây, và hầu như trên 90% đều xác định chính xác bệnh đậu mùa khỉ.
WHO ngày 23-7 quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ gây ra, sau khi ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc tại 75 quốc gia, tử vong 5 trường hợp. Trong số này, phần lớn các ca mắc là nam giới chiếm 98%, đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao.
Việt Nam dù chưa có báo cáo ca bệnh nhưng theo nhận định của Bộ Y tế, việc bệnh du nhập qua các cửa khẩu chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện.
Không dễ giám sát bệnh đậu mùa khỉ
Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ gây ra, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước cần có biện pháp ứng phó như chuẩn bị năng lực chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, ngăn chặn sự lây nhiễm.
Nhân viên bảo vệ đứng ở lối vào của khu cách ly dành cho bệnh nhân đậu mùa khỉ tại một bệnh viện ở TP Hyderabad (Ấn Độ) vào ngày 25-7-2022 - Ảnh: AFP
Nhiều nước (trong đó có Việt Nam) đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế, việc du nhập bệnh qua các cửa khẩu chỉ là vấn đề thời gian, chưa kể đã có sự lây truyền trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Giả thiết nếu dịch bệnh đậu mùa khỉ du nhập vào Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng không dễ để chẩn đoán, cách ly và điều trị.
Đo thân nhiệt, giám sát triệu chứng người nhập cảnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định đến thời điểm hiện tại địa bàn TP.HCM vẫn chưa phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nào.
Tuy vậy, căn cứ vào các yêu cầu của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, đơn vị đã chỉ đạo cơ sở y tế trực thuộc, yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Sau nhiều cuộc họp với các đơn vị chuyên môn, ông Thượng nói TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp nhằm "đón lõng", trong đó giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức giám sát thân nhiệt và triệu chứng người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải tại các cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Trong trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin và lập phiếu điều tra dịch tễ.
"Nếu trường hợp có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ, kiểm dịch viên sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi. HCDC đồng thời chịu trách nhiệm xây dựng nội dung truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh nêu trên thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn" - ông Thượng nói.
Ngoài ra, ông còn khẳng định sẽ đề nghị các đơn vị tăng cường truyền thông cho người dân biết khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất (ban đầu) để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán.
Các bệnh viện đóng trên địa bàn phải bố trí buồng khám dự phòng để khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc. Tất cả các đơn vị khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải báo cáo về HCDC trong vòng 24 giờ.
Các mẫu bệnh phẩm lấy được có thể gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.
Bên cạnh việc phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - ĐH Oxford (OUCRU) nghiên cứu ca lâm sàng mắc bệnh đậu mùa khỉ (nếu có), Sở Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp kèm triệu chứng nặng; không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện tuyến dưới và các trường hợp đã xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Cần nghiên cứu thêm về phương pháp lây truyền
Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh, tuy vậy tại cuộc họp trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham gia của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-7 đã thống nhất về nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và gây bệnh bất cứ lúc nào do dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, trong khi sự giao lưu đi lại ngày càng thuận tiện.
Bộ Y tế cho biết từ 1-1-2022 đến 23-7-2022, WHO đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực. Tại khu vực châu Á, các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
Đây cũng chính là cơ sở để WHO chính thức ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu bởi tốc độ lây lan rộng "rất rõ ràng". Tuy vậy, cơ quan này cũng thừa nhận "còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus".
Với một loại dịch bệnh còn nhiều điểm chưa rõ, trước mắt Bộ Y tế đưa ra hàng loạt giải pháp "tạm thời", trong đó đáng chú ý là chỉ đạo địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, xác định ca bệnh, đồng thời tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu hoặc các cơ sở y tế. "Khuyến khích khai báo từ người dân vì bệnh thường biểu hiện nhẹ, ít phải vào cơ sở y tế, khó phát hiện qua giám sát chủ động" - báo cáo của Bộ Y tế nêu.
Không dễ giám sát
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho rằng các động thái của ngành y tế ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ là rất cần thiết, đặc biệt với TP.HCM nơi đông dân, có mật độ giao thương lớn. Tuy vậy, theo ông, bên cạnh các khuyến cáo được xem là "đương nhiên" thì việc chẩn đoán và giám sát các ca bệnh không dễ.
"Các nghiên cứu hiện nay cho thấy tỉ lệ lây nhiều nhất vẫn là thông qua quan hệ đồng tính, chứng tỏ phải tiếp xúc rất gần mới có thể lây bệnh. Điều này cũng là cơ sở đánh giá khả năng đột biến của con virus này chưa đáng kể, chưa thể tạo ra một loại dịch bệnh có thể lây ồ ạt như một số bệnh hô hấp khác. Nhưng đây là câu hỏi của 5-10 năm sau, rất cần được giám sát và giải mã" - ông Khanh đánh giá.
Để ứng phó với dịch bệnh này, theo ông, điều khó khăn nhất không phải nằm ở số ca mắc và tử vong mà ở năng lực xét nghiệm chẩn đoán bệnh chưa có sự thống nhất, rõ ràng ở các nước. Do đó cần phải có quy trình làm sao chẩn đoán đúng bằng xét nghiệm và việc xét nghiệm này phải nhanh, còn chậm sẽ không có giá trị.
Ông nói: "Nếu không xét nghiệm nhanh để xác định mà chỉ nhìn triệu chứng lâm sàng bên ngoài sẽ không thể phát hiện được chính xác đó có phải là đậu mùa khỉ hay không".
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) - cho rằng bệnh đậu mùa khỉ cũng có nhiều nét tương đồng bệnh thủy đậu, khi trong nước chưa có ca mắc, biện pháp duy nhất để xác định là dựa vào các triệu chứng để xét nghiệm khoanh vùng khống chế nguồn lây.
Đặc biệt cũng giống như dịch COVID-19, cần có biện pháp bảo vệ nhóm nguy cơ như mắc bệnh nền và cơ địa suy giảm miễn dịch.
Trong khi đó, một chuyên gia dịch tễ khác tại TP.HCM cũng cho rằng việc giám sát triệu chứng lâm sàng hành khách ở sân bay sẽ không mang đến nhiều giá trị về dịch tễ. Theo vị này, thay vì đo thân nhiệt, giám sát triệu chứng ở cửa khẩu, ngành y tế nên tập trung vào xét nghiệm nhanh các ca bệnh "đi lạc" ở trong các bệnh viện hoặc được phát hiện trong cộng đồng.
Nhiễm bệnh ra sao?
Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, biểu hiện có nét tương đồng như bệnh đậu mùa với triệu chứng thường thấy như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban giống mụn nước ở nhiều bộ phận của cơ thể. Tỉ lệ tử vong từ 0-11%.
Việt Nam sẽ được cung cấp vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ
Nhân viên an ninh quan sát máy tính có kết nối hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa để phát hiện hành khách có thân nhiệt bất thường - Ảnh: VĂN BÌNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-7, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đến nay chưa có khuyến cáo sử dụng vắc xin đậu mùa khỉ rộng rãi, do bệnh ít lây nhiễm hơn so với các bệnh lây khác như COVID-19.
"Trong điều kiện cần thiết có thể sử dụng vắc xin trên nhóm nguy cơ, đặc biệt là sau phơi nhiễm"- đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.
Về xét nghiệm phát hiện người mắc đậu mùa khỉ, Cục Y tế dự phòng cho biết có thể thực hiện qua giải trình tự gene hoặc Realtime - PCR, thời gian cho kết quả tương tự COVID-19. Hiện một số tổ chức quốc tế đã thông báo sẽ cung cấp sinh phẩm cho Việt Nam.
Để phòng chống đậu mùa khỉ xâm nhập thời gian tới, Bộ Y tế đề xuất 5 biện pháp, trong đó cho biết đã xây dựng các kịch bản cho trường hợp nhóm 2 (dịch xuất hiện tại Việt Nam và lây từ người sang người) và nhóm 3 (dịch lây từ động vật sang người). Đồng thời phối hợp với WHO, CDC Hoa Kỳ về sử dụng vắc xin đảm bảo an toàn, đúng thời điểm và hiệu quả.
Chuyên gia nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam Các chuyên gia đưa ra nhận định về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam, trong bối cảnh hơn 170 nước ghi nhận căn bệnh này. Theo Ths.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, không giống như đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm khá hiếm gặp, chủ yếu bệnh nhân sống...