Tài sản lớn của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa: Cần làm rõ việc thâu tóm cổ phần
Trao đổi với PV, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính ( VAFI) cho biết, với những thông tin báo chí nêu thời gian qua, cần làm rõ quá trình thâu tóm cổ phần tại Công ty CP Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng như làm rõ việc điều hành với tư cách Thứ trưởng có làm lợi cho công ty mà gia đình bà Thoa đang sở hữu cổ phần lớn.
Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang trên đường Hàm Nghi, Quận 1, TPHCM. Ảnh: PV
Khối tài sản lớn
Liên quan đến những thông tin về bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc thâu tóm, sở hữu cổ phần của các thành viên trong gia đình bà Thoa được thực hiện khá nhanh chóng sau khi công ty này cổ phần hóa năm 2005 và niêm yết trên sàn hai năm sau đó.
Sau khi cổ phần hóa và trước thời điểm thực hiện niêm yết, cổ phiếu của Điện Quang (DQC) từng được giao dịch ở mức rất cao, có thời điểm được đẩy giá lên tới 60 lần so với mệnh giá. Tuy nhiên, sau khi lên sàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Điện Quang không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thậm chí, năm 2008-2009, Điện Quang dưới thời Tổng Giám đốc Hồ Thị Kim Thoa gặp khó khăn đến mức dường như không thể vực nổi khi bị khách hàng Cuba nợ tới hơn 1.000 tỷ đồng. Mãi đến năm 2010, khoản nợ hơn 56 triệu USD Mỹ này được thống nhất sẽ trả dần trong thời gian sáu năm.
Từ ngày 23/2/2005 đến 17/5/2010, khi giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, bà Thoa đã bắt đầu sở hữu khá lớn số cổ phần cổ phiếu của Điện Quang. Sau khi cổ phiếu Điện Quang lên sàn chứng khoán, có những phiên giao dịch bà Thoa mua hàng chục nghìn cổ phiếu để gia tăng sở hữu.
Điển hình ngày 13/8/2008, bà Thoa đăng ký mua thêm 200.000 cổ phiếu. Đến phiên giao dịch ngày 11/11/2008, bà Thoa mua 62.200 cổ phiếu DQC để nâng tỷ lệ sở hữu lên tổng cộng 736.420 cổ phiếu, tương đương 2,31% vốn Điện Quang. Tính về giá trị cổ phiếu DQC bà Thoa nắm giữ đạt hơn 18,1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2009, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu DQC của bà Thoa đã tới gần 858.000 cổ phiếu, tương ứng hơn 33 tỷ đồng.
Còn theo thông tin từ Bộ Công Thương, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang và nắm giữ tổng cộng 1.686.415 cổ phiếu với giá trị ước tính lên tới 102 tỷ đồng, tương đương với 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền.
Vụ chuyển nhượng đáng chú ý tại Điện Quang
Ngày 15/9/2014, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ra thông báo đã bán toàn bộ 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang với số tiền 179 tỷ đồng và hoàn tất việc thoái vốn tại công ty này.
Video đang HOT
Bà Hồ Thị Kim Thoa
Đáng chú ý, một trong hai cá nhân đã mua lại 1,17 triệu cổ phiếu DQC từ SCIC chính là ông Hồ Đức Dũng, con trai ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông (ông Lam cũng là anh ruột của ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Điện Quang tại thời điểm đó và cho đến nay). Tại thời điểm SCIC thực hiện thoái vốn, ông Hưng là đại diện vốn của SCIC tại DQC đồng thời giữ 2 vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Điện Quang. Cá nhân ông Hưng thời điểm đó nắm giữ tổng cộng 597.972 cổ phiếu DQC.
Đúng một năm sau, ngày 15/9/2015, ông Hồ Đức Dũng bán ra 1,5 triệu cổ phiếu Điện Quang với tổng số tiền 83,25 tỷ đồng. Sau khi thực hiện giao dịch, tỷ lệ nắm giữ của ông Hồ Đức Dũng giảm từ 10% xuống còn 4,9% cổ phần của Điện Quang. Cùng thời điểm, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, ông Hồ Quỳnh Hưng cũng đăng ký mua vào theo hình thức thỏa thuận cũng chính 1,5 triệu cổ phiếu trên. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 10/9 đến 8/10/2015. Sau cú giao dịch này, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DQC của ông Hưng nâng lên 2.289.085 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,17%.
Cùng với ông Hưng, theo báo cáo quản trị của DQC, nhiều thành viên trong gia đình bà Thoa đang nắm giữ khối tài sản rất lớn tại đây. Cụ thể, con gái lớn của bà Thoa là bà Nguyễn Thái Nga (sinh năm 1984) tham gia thành viên HĐQT từ tháng 3/2014 và từng giữ chức Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tính đến tháng 6/2016 sở hữu hơn 4,1 triệu cổ phiếu DQC trị giá trên 230 tỷ đồng. Một người con gái khác của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm giữ hơn 2,23 triệu cổ phiếu DQC trị giá khoảng 133,6 tỷ đồng, tương đương 6,49% vốn DQC. Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ (mẹ bà Thoa) cũng nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu trị giá 70,2 tỷ đồng (tương đương 3,83%).
Bịt lỗ hổng về trách nhiệm quản lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, hiện vẫn có lỗ hổng về mặt quy định pháp luật chặt chẽ liên quan đến những người nắm chức vụ quản lý và những người có liên quan tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách. Trong khi thực tế, như trường hợp của bà Thoa, có nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp lên làm lãnh đạo ở Bộ rồi phụ trách đúng lĩnh vực, các doanh nghiệp mà họ đã từng làm việc. “Việc cần hiện nay là phải làm rõ từ khi giữ chức Thứ trưởng, bà Thoa có các quyết định gì có ảnh hưởng, tạo điều kiện không công bằng trong cạnh tranh giữa Điện Quang và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Cùng đó, cần có các quy định cụ thể tránh để xảy ra những trường hợp có thể lợi dụng để tư lợi”, ông Hải nói.
Theo đại diện VAFI, việc xem xét lại các quyết định của bà Thoa là cần thiết, đặc biệt liên quan đến những quyết định trong chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên dùng hàng Việt. Thực tế, chỉ cần các doanh nghiệp ngành công thương được yêu cầu ưu tiên mua hàng của Điện Quang là cũng có thể tạo sự không bình đẳng trong cạnh tranh. Đây là điều cũng cần làm rõ. Một điểm khác đáng lưu ý, theo ông Hải, là việc cần truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu tại Điện Quang của các cổ đông lớn, trong đó có bà Thoa và những người liên quan. Đặc biệt là quá trình sau khi SCIC thoái vốn, bán hơn 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang hồi năm 2014 theo hình thức thỏa thuận, chứ không đấu giá công khai cũng như quá trình chuyển nhượng cổ phiếu giữa các thành viên trong gia đình bà Thoa.
“Về nguyên tắc, khi bán vốn Nhà nước, sẽ có các đối tác chiến lược và thực hiện bán. Nhưng với thoái vốn của SCIC tại Điện Quang thì người mua lại là người thân của bà Thoa”, ông Hải nói và kiến nghị cần làm rõ có vi phạm các quy định hay không.
Về Chủ tịch HĐQT Điện Quang
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. HCM chuyên ngành công nghệ thông tin năm 1994, ông Hồ Quỳnh Hưng về làm nhân viên xuất nhập khẩu thuộc Công ty CP Nhựa Rạng Đông. Hai năm sau, ông Hưng chuyển Công ty Giày Hiệp Hưng giữ chức vụ Giám đốc xuất nhập khẩu. Năm 2000, ông Hưng nghỉ việc ra lập Công ty TNHH Việt gồm 3 nhân sự với số vốn ban đầu 150 triệu đồng chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu giày dép.
Gần một năm sau khi trở thành nhân viên dưới quyền của chị gái là bà Thoa (năm 2007 Công ty Điện Quang (khi đó bà Thoa là Tổng giám đốc) quyết định mua lại 51% vốn của Công ty TNHH Việt), ông Hưng được điều động về làm Phó Tổng giám đốc Điện Quang quản lý Nhà máy Đồng An, một nhà máy chủ lực của Điện Quang. Năm 2010 ông Hưng (sinh ngày 24/7/1971) được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Điện Quang thay cho bà Thoa ra Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương. Khi đó, ông Hưng 39 tuổi. Giai đoạn 2010-2013, doanh thu hàng năm của Điện Quang tăng rất mạnh từ 646 tỷ đồng lên 914 tỷ đồng.
(Theo Tiền Phong)
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ thực hiện đầy đủ kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
Sáng nay (27/10), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời báo chí về những việc sẽ làm sau kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm, vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ trước), của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Thưa Bộ trưởng, Uỷ ban Kiếm tra Trung ương đã kết luận hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Vậy, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương bao giờ sẽ họp để thực hiện yêu cầu này?
- Vì đây là kết luận của UBKTTƯ mới thông qua, khi nào nhận được quyết định chính thức thì chúng tôi sẽ tổ chức họp để triển khai thực hiện. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được bằng đường văn bản chính thức. Về tinh thần của quyết định này thì chúng tôi đã nắm được hết rồi. Chắc chắn chúng tôi sẽ tổ chức họp sớm để triển khai thực hiện quyết định của UBKTTƯ.
Khi họp Ban cán sự Đảng thì chúng tôi sẽ đánh giá, làm rõ toàn diện những yêu cầu trong kiểm tra, từ đó sẽ đưa ra kế hoạch triển khai theo đúng yêu cầu. Kết luận kiểm tra là một chuyện, nhưng từ thực tiễn qua quá trình sinh hoạt, kiểm điểm thời gian qua thì chúng tôi cũng đã nhận thức được vấn đề, để có giải pháp toàn diện, khắc phục cơ bản.
Hướng xử lý kết luận này thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Tuy kết luận đưa ra những vấn đề cụ thể nhưng là cả quá trình dài từ các quyết định nhân sự tới công tác cán bộ nói chung và những vấn đề khác nữa. Nên một mặt thực hiện đủ, đúng theo đúng tinh thần chỉ đạo tại kết luận của UBKTTƯ, theo đúng nguyên tắc của Đảng phải khắc phục tồn tại và có hướng hoàn thiện tiếp nguyên tắc Đảng. Ngoài ra, phải thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật. Những vấn đề này cần được xem xét, làm rõ. Tinh thần là sai ở đâu, sửa đó, theo đúng tinh thần kết luận và quy định pháp luật. Vì vậy, chỉ có thể khẳng định, thời gian tới Ban cán sự Đảng bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện và chấp hành đầy đủ chỉ đạo tại kết luận.
Có sai sót và có yếu tố vụ lợi trong quá trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng thì xử lý với ông Hải thế nào, thưa Bộ trưởng?
-Về cụ thể có thể tôi sẽ nói không được đầy đủ ở đây vì gắn với cả quá trình dài, bản thân qúa trình công tác Hải cũng được điều chuyển qua nhiều vị trí khác nhau. Ngay từ giai đoạn kiểm tra đầu tiên chúng tôi đã xác định được những vi phạm, sai phạm đã có. Và trong kết luận của UBKTTƯ đã thể hiện rõ tinh thần kiểm điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu và các cá nhân trong Ban cán sự..
Một số sai phạm thể hiện rõ trong quá trình nghiên cứu quy định pháp luật cũng như hướng dẫn quy định của Nhà nước (NN) chưa toàn diện, cách hiểu chưa đầy đủ theo bối cảnh chung cũng như trong quản lý NN nên kết luận bổ nhiệm, luân chuyển bộc lộ sai phạm trong hiểu biết, cách đưa ra quyết định về nhân sự như vậy. Mức độ sai phạm tới đâu, trách nhiệm của ai trong quy trình đó, cách xử lý những nhân sự mắc sai phạm, thẩm quyền trong ra quyết định nhân sự sẽ được Ban cán sự Đảng Bộ làm rõ và đề xuất hướng xử lý phù hợp theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBKTTƯ.
Như Bộ trưởng nói là có sai phạm trong việc ra quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, Kết luận của UBKTTƯ cũng yêu cầu Bộ Công Thương thu hồi lại những quyết định sai. Vậy Bộ có thu hồi quyết định bổ nhiệm Hải?
- Quan điểm của chúng tôi là tiếp thu đầy đủ tinh thần trong kết luận của UBKTTƯ, đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng như trong quá trình làm việc của chúng tôi với đoàn kiểm tra, nguyên tắc là sai đâu sửa đó. Tất nhiên, mức độ sai phạm đến đâu, hình thức xử lý như thế nào và đặc biệt hướng giải quyết cụ thể như thế nào thì phải đợi các cơ quan tham mưu của chúng tôi căn cứ theo quy định chung của Đảng, pháp luật Nhà nước để đưa ra cho phù hợp.
Bộ trưởng có xem xét lại vị trí các cán bộ trong kết luận?
- Tất cả các giải pháp của chúng tôi đều hướng vào việc khắc phục các khuyết điểm mang tính hệ thống, đặc biệt là những vấn đề tồn tại ở Ban cán sự Đảng Bộ cũng như các đơn vị có liên quan, cá nhân có liên quan. Giải quyết của chúng tôi là hướng tới khắc phục toàn diện những bất cập, tồn tại trong cách chỉ đạo điều hành cũng như trách nhiệm của Ban cán sự Đảng chứ không phải vào câu chuyện cụ thể. Tuy nhiên, câu chuyện cụ thể của đồng chí nào, của Vũ Quang Hải hay cá nhân nào khác cũng nằm trong chu trình đó. Tất nhiên dư luận xã hội thì đã có rất nhiều, chúng ta có trách nhiệm phải lắng nghe dư luận xã hội và đối chiếu lại khuôn khổ, quy định pháp lý Nhà nước, vai trò trách nhiệm cũng như cách thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước của cơ quan đó, trong đó có Bộ Công Thương, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.
Vì vậy, bất cứ giải pháp nào chúng tôi nói phải tính đến yếu tố toàn diện đó, những nguyên tắc chung đó, cũng đồng thời, giải quyết, khắc phục những sai phạm, vi phạm trong thời gian qua một cách có hệ thống về cơ bản.
Theo kết luận của UBKTTƯ thì các cơ quan Đảng đã có kiến nghị cụ thể nhưng với cơ quan Nhà nước thì ông Vũ Huy Hoàng đã về hưu thì có thể xử lý như thế nào?
- Tôi không thể bình luận việc này vì tôi không có thẩm quyền quản lý vấn đề này, tôi chỉ là Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bí thư Ban cán sự. Thế nhưng như tôi đã nói, ở đây rất rành mạch, UBKTTƯ đã kết luận về kỷ luật Đảng đối với các tập thể, cá nhân của Bộ Công Thương, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương thì phải chấp hành và thực hiện.
Thế còn về trong nội dung kết luận nêu rất rõ, tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức việc kiểm điểm trách nhiệm và có các hình thức xem xét xử lý trách nhiệm phù hợp với những vi phạm, sai phạm nếu có như kết luận đã nêu.
Đồng thời, có biện pháp xử lý những tồn tại liên quan đến công tác cán bộ, cũng như trường hợp cụ thể và Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới.
Mạnh Quân
Theo Dantri
Phó Chủ tịch VAFI: "Ông Vũ Quang Hải nên viết đơn thôi việc" Theo yêu cầu tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương phải khẩn trương thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong công tác cán bộ của bộ này, trong đó có việc điều động, đề cử Vũ Quang Hải tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco....