Tài sản 300 tỷ của sư Thích Thanh Toàn sẽ thuộc về ai khi sư xả giới?
Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ việc sư Thích Thanh Toàn hoàn tục mong muốn giữ lại tài sản mà ông từng nói mình đến đứng tên trị giá khoảng 200-300 tỷ đồng, ngày 9/10, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Giáo hội nhận được báo cáo cho thấy, nhà sư Thích Thanh Toàn tự mua hơn 6.000 m2 đất xung quanh chùa Nga Hoàng của người dân.
Tuy nhiên, đất này chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai nên UBND huyện Tam Đảo đã ra thông báo đề nghị giao lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho UBND xã Hợp Châu quản lý.
Chùa Nga Hoàng nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing.
Nói về thỉnh nguyện sở hữu tài sản của sư Thích Thanh Toàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, dù có đúng theo Luật Đất đai nhưng theo Luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì họ đang sử dụng đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn). Đến khi vị tỳ kheo mất đi, ngay cả tài sản trên mình gồm 3 tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.
Nói thêm về chuyện này, trên Tri thức trực tuyến Thượng Tọa Thích Đức Thiện cho biết: “Giáo hội sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc buộc sư Toàn phải thực hiện đúng quy định. Hiện nay, về cơ bản nắm được thầy Toàn chỉ có hơn 6.000 m2 đất, Giáo hội đã trao đổi với Ban Tôn giáo tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và địa phương ra quyết định thu hồi đất.”
Trao đổi với Zing, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, có những Phật tử rất rõ ràng, đến chùa có phần công đức cho chùa, phần khác công đức cho thầy. Tiền công đức cho chùa phục vụ cho các hoạt động chung của chùa, chuyện từ thiện, an sinh xã hội. Tiền công đức cho thầy, thầy sử dụng cho mục đích riêng, nhưng tất cả mục đích gì cũng phải phục vụ cho Đạo theo Hiến chương của Giáo hội.
Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản.
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cũng nêu rõ, các thầy sử dụng tài sản dù là mục đích cho cá nhân như sinh hoạt, đi lại thì phương tiện ấy đều để phục vụ cho hoằng pháp.
Video đang HOT
Chính vì vậy tài sản công đức đó không phải của thầy. Thầy là đại diện của Tăng, Tăng giao cho thầy trụ trì ngôi chùa này thì thầy được sử dụng chứ không thể xác lập tài sản đó là của thầy. Các Phật tử cũng nên hiểu cho đúng, dù cúng gì thì cúng cũng là cho Tăng. GHPGVN sẽ định đoạt, kể cả việc sư Toàn phải ra đi mà không có tài sản gì.
Luật sư nói gì?
Phân tích về vấn đề này, luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) thông tin trên Tri thức trực tuyến rằng luật pháp Việt Nam không quy định nhà tu hành không được có tài sản riêng. Vì họ cũng là công dân nên đều bình đẳng trước pháp luật.
“Về mặt quyền nhân thân, tu sĩ cũng là công dân, họ có quyền nhận đất để canh tác. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải xem chính xác họ có khả năng làm hay không để giao?”, luật sư Huy nói thêm.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Hà Nội) cho rằng, sư Toàn có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản của mình. Theo luật sư Tú, nếu sư Toàn không hề có tài sản thừa kế, không kinh doanh gì trong thời gian tu tập mà có sinh lời, tài sản mua bằng tiền cúng dường, tiền công đức của Phật tử, thì phải chuyển lại cho chùa.
Bình luận về chuyện giải quyết khối tài sản của ông Lê Hữu Long khi còn làm trụ trì chùa Nga Hoàng, trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho hay, câu chuyện này cho thấy pháp luật của chúng ta đang có lỗ hổng.
Theo ông Đồng, pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận nhà chùa có tư cách pháp nhân có quyền sở hữu tài sản nên trong các giao dịch mua bán tài sản thì buộc phải có cá nhân là vị sư trụ trì đứng tên sở hữu.
Trong khi đó, người đi tu thì phải phục vụ cho chùa và cộng đồng, và ông sư trụ trì, giống như một giám đốc trong một công ty, chỉ là đại diện cho chủ sở hữu tập thể chứ không phải là chủ sở hữu.
Hoàng Phúc (t/h)
Theo vietnamdaily
Nhân vụ sư Toàn xin giữ 300 tỷ: Kiểm toán dòng tiền khủng ở đền chùa
Việc nhà sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại khối tài sản trị giá hơn 300 tỷ đồng thuộc quyền sở hữu của mình khiến dư luận đặt câu hỏi về nguồn tiền đổ vào các cơ sở thờ tự hàng năm.
Theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III (Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ), về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần có sự kiểm soát.
Tổng nguồn lực của quốc gia luôn là hữu hạn
Ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn quỹ công này được kiểm soát rất tốt và thông thường họ thông qua cơ chế kiểm toán để nhằm mục đích kiểm soát, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong việc sử dụng.
Tuy nhiên, ở nước ta, việc kiểm soát nguồn quỹ công từ các cơ sở thờ tự, đền chùa còn là một lỗ hổng pháp lý.
Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Ảnh: LĐO.
"Chúng ta đều biết rằng những năm vừa qua, các cơ sở thờ tự, các khu du lịch tâm linh với quy mô rất lớn và thu hút được nhiều người dân đang phát triển mạnh.
Song chúng ta vẫn chưa có cơ chế quản lý, kiểm soát những nơi này. Nguồn lực công sử dụng cho mục đích thờ tự nhưng không được thống kê, ban hành cơ chế kiểm soát và thực hiện kiểm toán việc sử dụng theo đúng mục đích.
Và những điều xảy ra tại chùa Nga Hoàng như báo chí phản ánh trong thời gian qua chỉ là một điểm nhỏ trong tất cả những lỗ hổng pháp lý hiện nay, có thể dẫn tới lạm dụng tiền công đức. Theo chúng tôi, các quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán", ông Thăng nhận định.
Ông Thăng cũng phân tích, tổng nguồn lực của quốc gia luôn là hữu hạn nên nếu dòng tiền chảy vào đền, chùa, cơ sở thờ tự nhiều thì sẽ giảm bớt tiền vào sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó dòng tiền vào cơ sở lại không quản lý, thiếu minh bạch, rất dễ dẫn đến trường hợp tài sản công đó biến thành của riêng.
Phải coi quỹ công đức, thiện nguyện là quỹ công và phải kiểm toán
Dù nhìn thấy rất rõ những bất cập, sự thiếu minh bạch trong việc quản lý nguồn thu chi tại các cơ sở thờ tự, song theo ông Thăng thì đang gặp khó khăn để thực hiện nhiệm vụ của mình tại khu vực được xem là "nhạy cảm" này.
Mặc dù Hiến pháp đã quy định rõ về việc kiểm toán tài chính công và tài sản công là nhiệm vụ của KTNN. Tuy nhiên, Luật kiểm toán nhà nước lại không quy định cụ thể các loại quỹ công ở cơ sở thờ tự là nhiệm vụ của KTNN.
"Theo tổ chức minh bạch tài chính thế giới việc quản lý các quỹ này có nguy cơ dẫn đến tham nhũng cao nhất. Song Việt Nam lại chưa có cơ chế quản lý thích hợp", ông Lê Đình Thăng nhấn mạnh.
Theo ông Thăng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy về cách quản lý, phải coi các quỹ công đức, thiện nguyện là quỹ công và phải được kiểm toán. Luật KTNN cần quy định rõ trách nhiệm kiểm toán. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường năng lực cho KTNN.
"Chúng tôi đã nghiên cứu quy định của nhiều nước về vấn đề này, điều chúng ta cần lúc này là có sự đồng thuận. Một khi có sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội thì tôi tin rằng chúng ta sẽ giải quyết được dứt điểm vấn đề này. Chúng ta phải nhận thức rằng, quy định kiểm toán là thẩm quyền của nhà nước về kiểm toán và kiểm soát các quỹ công chứ không phải là đặc quyền đặc lợi cho KTNN", Kiểm toán trưởng chuyên ngành III nhấn mạnh.
"Hiện nay, quỹ công được phân làm 3 loại:
Loại thứ nhất là quỹ công do nhà nước xác lập quyền sở hữu như ngân sách nhà nước hay một số quỹ khác thì đã quy định rõ và kiểm soát chặt chẽ. Loại quỹ này chiếm khoảng từ 22-25% thu nhập quốc dân hàng năm và KTNN thực hiện kiểm tóan hàng năm.
Loại thứ 2 là quỹ công thuộc sở hữu chung của nhiều người nhưng không ai đại diện chủ sở hữu và trong trường hợp này chính phủ đứng ra làm đại diện chủ sở hữu như quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Quỹ này cũng được KTNN kiểm toán hàng năm nên công tác kiểm soát cơ bản là ổn.
Loại thứ 3 là quỹ khác do nhà nước ban hành cơ chế quản lý, đây là các quỹ công mà các cơ sở thờ tự, các quỹ thiện nguyện hay các quỹ khác quy mô nhỏ, không của riêng ai mà là của chung nhưng quy mô quỹ nhỏ và rải rác nhiều loại quỹ và nhiều hình thức khác nhau."
Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III - KTNN Lê Đình Thăng
Theo Thùy Dung/LĐO
GHPGVN: Sư Toàn có thể hoàn tục mà không có tài sản gì Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN: "Giáo hội sẽ định đoạt vấn đề tài sản, sư Toàn có thể hoàn tục mà không có tài sản gì cả". Sáng 9/10, trao đổi với VOV.VN, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN đã chia sẻ quan điểm chính thức của GHPGVN...