Tải phim ‘đen’, 800.000 người bị móc sạch tài khoản
Thêm một thủ đoạn chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người sử dụng điện thoại di động thông qua địa chỉ website “Chợ nội dung số mmoney.vn”.
Nhóm đối tượng “móc túi” tiền tỷ thông qua thủ đoạn cài đặt ứng dụng điện thoại
Loại tội phạm này vừa bị lực lượng CS PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội lật tẩy, với con số gây sốc: khoảng 800.000 người bị lừa với số tiền trên dưới 9 tỷ đồng.
Mồi câu hấp dẫn
Đối tượng vừa bị Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (theo Điều 226b BLHS), là Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985), Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP IMMC (địa chỉ phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Khoảng cuối tháng 5/2014, qua công tác nắm tình hình, trinh sát Đội 3 của Phòng CS PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội phát hiện việc nhiều người sau khi tải các ứng dụng cho điện thoại di động từ website “Chợ nội dung số mmoney.vn”, đã bị mất sạch tiền trong tài khoản. Cụ thể, khi khách hàng nhấn vào các ứng dụng tải hình sex, phim sex, ghi rõ là “miễn phí”, nhưng sau đó chỉ nhận được những hình ảnh phụ nữ mặc bikini, sau đó tài khoản điện thoại hết sạch tiền. Trên cơ sở thông tin thu thập, Đội 3 đã lập tức vào cuộc điều tra, phát hiện chủ mưu của thủ đoạn “móc túi” tài khoản thuê bao điện thoại là Nguyễn Tuấn Anh.
Tài liệu cơ quan chức năng xác định, khoảng tháng 7/2013, Tuấn Anh đề xuất với lãnh đạo Công ty cho triển khai kinh doanh dịch vụ gia tăng trên điện thoại di động. Tuấn Anh chỉ đạo Đoàn Việt Dũng (SN 1986), là cộng tác viên kỹ thuật của Công ty IMMC lập trình, xây dựng hệ thống “Chợ nội dung số mmoney.vn”, viết trên 300 ứng dụng dùng trên điện thoại di động có chức năng tự động gửi tin nhắn ẩn đến đầu số định sẵn. Theo đó, các đầu số này sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của thuê bao di động rồi chuyển đến tài khoản của Công ty IMMC, mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Nhằm mở rộng mạng lưới phát tán ứng dụng, các đối tượng còn lập một trang facebook có tên “Mmoney.vn – Dịch vụ kiếm tiền online hàng đầu Việt Nam”, trong đó quảng cáo tỷ lệ chia sẻ “hợp tác – làm giàu” cho thành viên lên tới 85%. Chính vì vậy, trong vòng chưa đầy 1 năm từ khi website “Chợ nội dung số mmoney.vn” hoạt động, đã có trên 2.400 thành viên tham gia. Các thành viên này đảm trách phát tán các ứng dụng vi phạm, và đã khiến trên 800.000 thuê bao di động bị mắc bẫy, với số tiền bị “móc túi” khoảng trên 9 tỷ đồng.
Video đang HOT
Làm rõ trách nhiệm các nhà mạng
Để trò “móc túi” không bị phát hiện cũng như có thể chiếm đoạt được nhiều tiền của người sử dụng, Tuấn Anh chỉ đạo Đoàn Việt Dũng lập trình và thiết kế website mmoney.vn có các chế độ hoạt động mang tính đối phó cao với cơ quan chức năng. Theo đó, ban ngày các đối tượng sẽ bật chế độ thể hiện trên màn hình dòng cảnh báo tải ứng dụng mất tiền. Tuy nhiên vào buổi tối và đêm khuya, khi số lượng người có nhu cầu tải ứng dụng xem phim sex tăng, các đối tượng tắt chế độ cảnh báo đi, và người tải ứng dụng sẽ bị trừ tiền mà không biết.
Theo phân tích của chỉ huy Đội 3, “mmoney.vn” đã sử dụng gần 10 đầu số dịch vụ để trừ tiền. Do đã lập trình chức năng tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ để trừ tiền trong tài khoản nên khi người sử dụng tải ứng dụng quảng cáo miễn phí vẫn bị trừ 15.000 đồng. Còn khi tải ứng dụng mất phí 15.000 đồng, người tải ứng dụng đinh ninh chỉ mất tiền cho một đầu số dịch vụ, song thực tế đã bị phần mềm tự động chuyển tin nhắn đến tất cả các đầu số dịch vụ mà mmoney.vn sử dụng. Hậu quả là nhiều chủ thuê bao “trót dại” tải ứng dụng xem phim sex đã bị trừ sạch tiền trong tài khoản mà không thể biết nguyên nhân. “Việc quảng cáo ứng dụng tải clip sex chỉ là trò lừa đảo, bởi thực tế khi mở ứng dụng, người tải chỉ nhận được ảnh hay clip phụ nữ biểu diễn bikini. Có thể chính từ sự gian dối này, nhiều người dân mới ý thức được họ đang bị rơi vào bẫy lừa”, chỉ huy Đội 3 nhận định.
Một vấn đề trọng tâm trong vụ án này đang được CQĐT xác minh, xử lý, là dấu hiệu vi phạm của nhà mạng và công ty đầu số có liên quan. Theo khai nhận của các đối tượng, số tiền “móc túi” thuê bao điện thoại tải ứng dụng được chuyển cho nhà mạng viễn thông 55%, công ty đầu số 45%, sau đó sẽ chuyển tiếp cho Công ty CP IMMC 85% số tiền nhận được từ nhà mạng. Trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức này đến đâu? Câu hỏi này chắc chắn sẽ sớm được trả lời. “Còn với người dân, để phòng tránh bị mất tiền oan bởi các thủ đoạn lừa đảo “tải ứng dụng”, chỉ nên tải ứng dụng phổ biến từ các trang web chính thức, hoặc các cửa hàng ứng dụng, không nên tải về từ các nguồn không rõ”, chỉ huy Đội 3 khuyến cáo.
Đầu tư 50 triệu, kiếm trên 2 tỷ Trước vụ án giăng bẫy bằng trò tải clip sex nêu trên, lực lượng CS PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm 4 đối tượng chiếm đoạt tiền của người sử dụng điện thoại khi cài đặt các ứng dụng di động. Các đối tượng đã lập tài khoản “Tiensoloha” trên trang web adrocket.vn; đồng thời đầu tư 50 triệu đồng thuê máy chủ, xây dựng 2 trang web clickdi.com, soundfest.com.vn để phát tán ứng dụng đã qua chỉnh sửa tại adrocket.vn. Khi người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn đến một số đầu số dịch vụ với mức phí 15.000 đồng và không thông báo cho chủ sở hữu thiết bị biết. Cơ quan công an xác định số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của trên 100.000 thuê bao ước tính trên 2 tỷ đồng. Liên tiếp những vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ đã cho thấy, hiện nhiều người dân thích sử dụng thiết bị công nghệ cao nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, hiểu biết và sự cảnh giác của nhiều người cao như vậy!
Theo Xahoi
Cú lừa ngoại mục mạo danh cảnh sát chiếm đoạt tiền của những người 'yếu bóng vía'
Không ít chủ thuê bao nghe đến "cảnh sát" hoặc bị dọa cắt liên lạc đã hốt hoảng "dâng" cả tài sản gom góp được, cuối cùng ngã ngửa vì đã bị lừa "đẹp".
Khách hàng đến Trung tâm dịch vụ khách hàng Viễn thông Khánh Hòa báo tình trạng thuê bao bị đối tượng giả danh VNPT để lừa đảo, chiếm đoạt tiền cước viễn thông
"Nhà mạng" dọa cắt liên lạc
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa xác nhận: Thời gian vừa qua xuất hiện nhiều thuê bao không rõ mã vùng gọi đến máy điện thoại bàn của khách hàng VNPT trên địa bàn như: 0844.3939.7777, 7088.5744.2526, 7088.884. 2664..., đều đã bị mã hóa nên không xác định được mã vùng.
Cuộc gọi đầu tiên mạo danh VNPT Khánh Hòa vào ngày 6/3, nội dung chính thông báo đến các gia đình còn nợ cước viễn thông. "Những kẻ mạo danh này thường thông báo đến các chủ thuê bao số tiền nợ cước khoảng từ 8 - 9 triệu đồng, đề nghị các chủ thuê bao nhanh chóng nộp tiền và cung cấp một số thông tin cá nhân như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND.... Sau đó, chúng yêu cầu các chủ thuê bao nộp tiền trong vòng hai tiếng đồng hồ, nếu không sẽ bị cắt liên lạc. Những cuộc điện thoại mạo danh trắng trợn này liên tiếp điện đến nhiều khách hàng của chúng tôi", đại diện của VNPT Khánh Hòa cho biết.
Anh Trần Văn Thiện (40 tuổi, ngụ số nhà 226/44 đường Thống Nhất, TP.Nha Trang) bức xúc: Gia đình anh dùng sử dụng gói cước VNPT đã nhiều năm, tuy nhiên thời gian gần đây rất ít sử dụng đến điện thoại cố định. Khoảng 10h30 ngày 13/3, anh nhận được hai cú điện thoại liên tiếp tự xưng là nhân viên VNPT Khánh Hòa: "Cuộc thứ nhất gọi đến lúc tôi đang bận khởi động máy phun sơn nên tôi hẹn gọi lại sau. Chỉ khoảng 10 phút sau, họ gọi lại thông báo gia đình tôi nợ 8,6 triệu đồng tiền cước của VNPT. Tôi thấy lạ vì máy điện thoại cố định của gia đình rất ít sử dụng, nhất là từ khi mọi người đều sắm di động. Hơn nữa, tháng nào có sử dụng nhiều, số tiền cũng không nhiều đến mức đó. Tôi đem thắc mắc hỏi người bên kia đầu dây được hướng dẫn bấm số 0 hoặc 9 sẽ được trả lời cụ thể, gọi đến có một giọng nữ xác nhận số tiền nợ là chính xác. Người bên kia đầu dây còn dọa trong vòng hai tiếng đồng hồ nếu không đem đủ tiền nộp sẽ bị cắt liên lạc", anh Thiện kể. Giọng nữ giới trực tổng đài rất nhỏ nhẹ, còn nhiệt tình gợi ý nếu công việc bận rộn, khách hàng có thể gửi tiền cước nợ vào số tài khoản mà họ nhắn tin vào di động sau đó.
Lo lắng gia đình bị cắt liên lạc, anh Thiện vội phóng xe đến VNPT Khánh Hòa để nộp tiền. "Lúc đến tôi mới té ngửa là mình bị lừa. Tại đây tôi được các nhân viên VNPT khuyến cáo là có một số phần tử xấu mạo danh để lừa đảo khách hàng, và tôi cũng chỉ phải đóng hơn 30 nghìn đồng giá cước cho nhà mạng", anh Thiện cho hay.
Chủ thuê bao khác là ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1954, ngụ số nhà 37, đường Trần Nhật Duật, TP.Nha Trang) cũng kể: Vào ngày 14/3, ông nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là VNPT Khánh Hòa thông báo còn nợ 8 triệu tiền cước. "Giọng nữ gọi đến yêu cầu trong vòng hai giờ tới phải thanh toán tiền cước, bằng không sẽ cắt liên lạc. Tôi thấy quá vô lí vì trước đó vừa đóng 300 nghìn tiền cước vài ngày, nhưng cũng chỉ nghĩ nhà mạng nhầm lẫn. Hỏi lại thì đầu máy bên kia gằn giọng: "Không biết. Tôi chỉ thay mặt bưu điện", sau đó cúp máy".
Các chủ thuê bao trên cho biết, theo quy định của VNPT Khánh Hòa, nếu khách hàng chậm trả tiền cước 15 ngày sẽ cắt liên lạc chiều gọi đi, chậm 30 ngày thì cắt chiều còn lại. Tuy nhiên lần này họ thấy thái độ hối thúc kỳ lạ của "nhân viên đại diện bưu điện" đã gọi lên Trung tâm chăm sóc khách hàng của VNPT Khánh Hòa, được khuyến cáo đây chỉ là thủ đoạn của những kẻ lừa đảo.
"Cảnh sát" đe không nộp tiền sẽ... bắt
Theo VNPT Khánh Hòa, có nhiều khách hàng đề cao cảnh giác nên không bị mắc lừa những kẻ mạo danh. Tuy nhiên một số chủ thuê bao khác đã không may mắn như vậy.
Ông Nguyễn Quân (phường Vĩnh Hải, TP.Nha Trang) buồn bã kể: "Ngày 18/3, chị gái tôi nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ gọi vào số điện thoại cố định. Người gọi đến xưng là VNPT Hà Nội, thông báo chị gái tôi còn nợ số tiền cước gần 9 triệu. Chị tôi trả lời là thuê bao ở Khánh Hòa, đầu máy bên kia nói: "Không biết. Nếu không trả sẽ báo công an bắt bỏ tù" khiến chị rất hoang mang và sợ hãi". Chưa biết xử lí thế nào, người phụ nữ trên lại nhận được cuộc gọi từ số khác: "Người đầu dây lần này xưng là cảnh sát của Bộ Công an, cho biết chị tôi liên quan đến một đường dây lừa đảo tài sản. Người này yêu cầu chị cung cấp thông tin về cá nhân, tiền bạc trong tài khoản, đồng thời yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản của họ cho sau đó, hứa nếu không phạm tội sẽ hoàn trả lại số tiền".
Người phụ nữ hoang mang cực độ bởi nhiều cuộc điện thoại "khủng bố" tinh thần liên tiếp diễn ra sau đó. "Có 5 số điện thoại khác nhau gọi đến số máy của chị tôi. Các đối tượng còn cảnh báo đang theo dõi 24/24h, nếu chị có động thái gì sẽ bắt ngay. Thấy chị có vẻ sợ, chúng còn đe dọa: "Không cho bất cứ người thân nào biết". Sau đó chị tôi tự ra ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền dành dụm là hơn 182 triệu đồng đến tài khoản một ngân hàng tại TP.HCM của một người tên Nguyễn Văn Minh", ông Quân kể. Cũng với thủ đoạn trên, những ngày sau đó, chính gia đình ông Quân và hai người em ruột cũng bị các đối tượng gọi điện nhiều lần, nhưng vì vững tâm nên họ không bị lừa.
Nạn nhân trên là công nhân về hưu, sau ngày bị mất oan số tiền tiết kiệm, bà ăn ngủ không yên, ngại cả tiếp xúc với bên ngoài vì mỗi khi nhắc đến số tiền trót dại đưa cho kẻ lừa đảo lại không giữ được bình tĩnh. Tinh thần bà suy sụp, luôn tự chất vấn bản thân tại sao lại mất hết số tiền cả đời chắt chiu, làm lụng. Một nạn nhân khác ở phường Vĩnh Hòa cũng bị lừa tương tự, chuyển hết 200 triệu đồng tiết kiệm cho những kẻ lừa đảo gọi đến.
Ông Lương Viết Thanh, tổ trưởng tổ thu cước và giải quyết khiếu nại Trung tâm dịch vụ khách hàng VNPT Khánh Hòa, cho biết: "Hiện nay có một số phần tử xấu, lợi dụng uy tín của VNPT giả danh nhân viên thu cước gọi điện nhắc nợ thu cước khách hàng với số tiền lớn nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều chủ thuê bao đã trực tiếp phản ánh và vụ việc đã được VNPT trình báo cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa. VNPT chỉ thu cước bằng hình thức đến nộp trực tiếp tại các điểm giao dịch và thanh toán bằng hóa đơn của VNPT". Ông Thanh khuyến cáo: "VNPT Khánh Hòa đã thông tin về tình trạng này trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát tờ rơi đến với người dân trên địa bàn Khánh Hòa. Từ đó những cú điện thoại của các đối tượng lừa đảo chỉ mới tạm chấm dứt vài ngày nay vì hành vi của chúng đã bị lộ. Khách hàng cần nâng cao cảnh giác, không thực hiện nộp tiền hoặc cung cấp cá nhân khi được yêu cầu qua điện thoại".
Hiện Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã... khẩn trương rà soát, thống kê, điều tra những sự việc liên quan đến một số đối tượng nhân danh Bộ Công an hoặc đơn vị nhà mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.
Sáng 15/3, hàng chục cán bộ, công an và cảnh sát cơ động đã phong tỏa, khám xét căn nhà 3 tầng tại 289 Lê Hồng Phong (Nha Trang), đưa đi một số đối tượng tình nghi trong một vụ lừa đảo công nghệ cao. Chưa có kết luận những đối tượng này có dính líu hay không đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng loạt qua điện thoại tại Nha Trang kể trên.
Theo Xahoi
Tội phạm và cảnh báo (P.137): Lật tẩy 'mánh khóe' của những tay 'đạo chích' internet Tội phạm lừa đảo qua mạng internet đang xuất hiện và ngày càng hoạt động tinh vi với nhiều thủ đoạn khó lường. Tội phạm mạng ngày càng hoạt động tinh vi (Ảnh minh họa) Vạch mặt "nhà văn" trên mạng lừa đảo hàng loạt người Ngày 6/1 vừa qua, cơ quan CSĐT công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã tạm giữ hình...