Tai nạn GT: Lái xe tải đứt lìa cánh tay
Khoảng 5h sáng nay (30/11), một vụ va chạm giao thông xảy ra tại Cầu Đen – Phố Đình, thị trấn Đại Từ (Thái Nguyên), khiến hai xe tải nát đầu, một lái xe (BKS 20L- 7854) đứt lìa cánh tay.
Hai xe tải mang BKS 22C – 00417 và 20L – 7854 hướng Đại Từ đi Tuyên Quang, đến khu vực Cầu Đen – Phố Đình, thị trấn Đại Từ, thì va chạm với nhau. Hai xe dính chặt vào nhau, lái xe 20L – 7854 bị đứt lìa cánh tay.
Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng của huyện Đại Từ có mặt để phân làn và điều xe cứu hộ trợ giúp. Tuy nhiên, xe cứu hộ nhỏ hơn không thể kéo được xe gặp nạn, nên giao thông ùn tắc kéo dài trong nhiều giờ.
Đến khoảng 9h, xe cẩu 25 tấn mới xuất hiện, để kéo chiếc xe 22C – 00417 khỏi hiện trường.
Một số hình ảnh vụ tai nạn:
Video đang HOT
Phải điều xe cứu hộ hạng nặng mới đưa được hai chiếc xe bị tai nạn ra khỏi hiện trường.
Đưa xe gặp nạn rời hiện trường
Theo 24h
Tai nạn GT: Kí ức của trung úy cảnh sát
Hai mươi năm làm cảnh sát giao thông thì có đến 16 năm chứng kiến, tiếp xúc với nạn nhân các vụ tai nạn giao thông, trung úy Mai Thanh Liêm (cán bộ đội xử lý tai nạn, cảnh sát giao thông quận 12, TP.HCM) không nhớ nổi mình đã xử lý bao nhiêu vụ.
Không chỉ lạnh lùng bảo vệ hiện trường, phân tích bằng chứng để ghi vào hồ sơ ban đầu, mà anh đã kịp thời đưa đi cấp cứu, mang lại sự sống cho rất nhiều người.
"Không thể nhớ nổi"
Một nạn nhân bị tai nạn giao thông tên là Ngọc (Hóc Môn) chấn thương nặng ở đầu được anh đưa đi cấp cứu. Đưa nạn nhân vào viện rồi quay ra xử lý hiện trường, ghi chép, đo đạc xong trở vào bệnh viện vẫn thấy nạn nhân nằm trên băng ca ở hành lang phòng chờ chụp CT. "Tôi hỏi bác sĩ trực sao không cấp cứu. Bác sĩ nói chờ người nhà nạn nhân đến. Tôi bảo người ta đang trên đường đến, cứ để đó người ta chết à, ai chịu trách nhiệm? Lúc đó anh Ngọc mới được đưa vào phòng chụp rồi mổ luôn".
Nhiệt tình như vậy nhưng có không ít vụ tai nạn khiến anh phải đau lòng bởi khi anh đến nạn nhân đã chết, không còn cứu được nữa. Có bà lão bị bánh xe cắt đôi người, thân một nơi, chân một nẻo, đứa con thì bị cuốn nằm gọn trong gầm xe tải. Lúc ấy dù cứng rắn đến mấy cũng không thể tránh được xúc động. "Với những người này, tôi chỉ có thể làm những động tác cuối cùng để họ được nhắm mắt thanh thản. Dù sai hay đúng thì những cái chết bởi tai nạn thương tâm như vậy đều là bất công đối với họ và gia đình họ rồi".
Không bị chai lì đi bởi những hình ảnh các vụ tai nạn, nhiều vụ tai nạn khi đến hiện trường nhìn nạn nhân là những đứa trẻ, những cô giáo còn mặc chiếc áo dài hay cụ ông cụ bà bê bết bên vũng máu: "Nhìn vào những đối tượng gây ra tai nạn vẫn còn nằm say xỉn, hay những thanh thiếu niên phóng xe bạt mạng chở ba chở bốn... mà muốn đập cho họ một trận hả giận. Nhưng rồi tự lắc đầu lo xử lý tai nạn, đến khi họ tỉnh táo mời lên cơ quan làm việc để khuyên nhủ, răn đe".
Trung úy Mai Thanh Liêm đo vẽ hiện trường vụ tai nạn giao thông gây chết người ở chân cầu Tham Lương
Mất mát...
Bảy năm trước, khi đứa con trai út vừa tròn 6 tuổi thì vợ anh Liêm mất vì bệnh ung thư. Sự ra đi của người vợ tảo tần khiến anh choáng váng. Không chỉ bởi đàn con nheo nhóc cần được mẹ chăm sóc, mà còn bởi biết bao nhiêu công việc khác của "một nửa" cuộc đời đã gửi lại cho anh. Nhìn đôi mắt con nháo nhác như bầy gà lạc mẹ, anh càng thấu hiểu hơn nỗi đau của những đứa trẻ khác khi bị mất cha mẹ và người thân bởi những cái chết bất thình lình do tai nạn giao thông.
"Tôi thấu hiểu nỗi mất mát của thân nhân các nạn nhân tai nạn giao thông. Họ không chỉ mất đi một chỗ dựa tinh thần, một con người hiện diện mà những vụ va quẹt giữa các phương tiện giao thông còn khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng". Nhìn đàn con bé bỏng hoảng hốt ra sao khi mất mẹ, anh luôn tìm mọi cách bù đắp và làm thay vai trò người phụ nữ trong nhà. Sau mỗi ca trực đêm đến kiệt sức vì đưa người đi cấp cứu, xử lý hiện trường tai nạn, anh lại vội vã về nhà trước 5 giờ sáng để lo cơm nước và gọi các con dậy đi học. "Vậy mà có hôm xử lý hiện trường quá muộn, về tới nhà chỉ kịp hối các con đi học, đứa lớn đứa bé chẳng kịp ăn" - anh xót xa.
"Mình không muốn đám trẻ của nhiều gia đình khác hoảng hốt, nháo nhác như đám con mình. Nên chưa bao giờ tôi chậm một giây phút nào khi nghe thấy thông tin có tai nạn giao thông" - anh nói.
Huấn luyện kỹ năng cấp cứu cho tình nguyện viên
Chỉ mong... "thất nghiệp"
Có mặt tại trụ sở cảnh sát giao thông quận 12 để làm thủ tục giải quyết sau tai nạn giao thông cho người nhà, ông Trần Hồng Thiết (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết người thân của ông đã phải cầm cố căn nhà đang ở tại Nghệ An, mượn thêm sổ đỏ của một người thân, vay tiền nong của họ hàng lối xóm để lo tang ma cho nạn nhân vụ tai nạn: "Tiền đưa vào viện, mổ, mua áo, lo đám tang hết gần 70 triệu đồng. Nhà nó (người gây tai nạn) nghèo quá nên cũng chỉ lo được chừng đó thôi". Ông Thiết chỉ là một trong số rất nhiều người tìm đến đây để gặp anh Liêm sau khi vụ việc đã được giải quyết. "Lúc tai nạn chú Liêm đã đưa cả mấy người vào viện, rủi không cứu được một người".
Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ tai nạn giao thông mà anh trực tiếp xử lý hiện trường, đưa người đi cấp cứu rồi lại hướng dẫn người tham gia giao thông giải quyết sau tai nạn. "Xử lý nhiều đến mức không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu vụ, có những vụ tai nạn quá khủng khiếp. Nó tác động trực tiếp lên thần kinh khiến tôi không ngủ được. Nhưng an ủi lại, nhiều vụ tôi đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống cho họ. Làm cảnh sát xử lý tai nạn không chỉ lạnh lùng với chứng cứ, hồ sơ mà còn cần cả tấm lòng, sự nhạy cảm và kịp thời nữa".
Anh lật từng trang trong hai cuốn sổ trực ghi lại các vụ va chạm và tai nạn giao thông trên địa bàn. Những vụ va chạm nhẹ thì ghi vào cuốn thứ nhất, những vụ nặng dẫn đến tử vong ghi vào cuốn thứ hai. "Chỉ cần nhìn vào cuốn thứ hai là biết mỗi năm, mỗi quý, mỗi tháng, mỗi tuần có bao nhiêu vụ tai nạn nghiêm trọng. Cứ mỗi năm ghi hai cuốn, mà năm nay số trang ghi của cuốn thứ hai đã bớt đi so với năm trước. Mỗi ngày đi làm xem sổ trực tôi đều mong hôm nay sẽ không phải giở sổ ra để ghi chép thêm nữa. Người ta mong có nhiều việc để làm, tôi chỉ mong thất nghiệp".
Anh Liêm nói, gấp cuốn sổ trực, nén lại một tiếng thở dài.
Mỗi người là một tình nguyện viên
Một chiếc xe lớn gặp sự cố, mất thắng gây ra tai nạn đồng loạt. Hiện trường ngổn ngang với hàng chục chiếc xe máy. Người bị nạn nằm la liệt trên đường với đủ mọi thương tích... Những người dân trong khu vực nhanh nhẹn chạy ra...
Đây là một tình huống giả định thảm họa tai nạn giao thông mà các tình nguyện viên của Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TP.HCM (thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM) phải học cách đối phó.
Đến nay, Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu đã tổ chức huấn luyện ở khắp 24 quận huyện, 322 phường xã của TP.HCM, được hàng trăm ngàn lượt người học sơ cấp cứu, duy trì được lực lượng tình nguyện viên thường xuyên hơn 10.000 người ở khắp thành phố. "Trong ấy có nhiều y bác sĩ, có người về hưu, có giáo viên, tiểu thương, công nhân, và tích cực nhất là nhiều tài xế xe ôm, taxi đóng chốt ở các điểm đen tai nạn giao thông..." - ông Nguyễn Minh Nhựt, phó giám đốc trung tâm, cho biết.
Theo 24h
Những "bóng hồng" sau chiếc vô lăng Tài xế xe tải đường dài là nghề khó nhọc. Thế nhưng, nhiều phụ nữ tự chọn cho mình nghề ôm vô lăng chạy xe chở hàng ba bốn trăm cây số mỗi đêm. Những cô tài xế tải lái rất có trách nhiệm, với bạn hàng và với luật đường bộ. Họ coi xe như thân thể mình. Ốm, ra nổ máy...