Tai nạn GT: Kí ức của trung úy cảnh sát
Hai mươi năm làm cảnh sát giao thông thì có đến 16 năm chứng kiến, tiếp xúc với nạn nhân các vụ tai nạn giao thông, trung úy Mai Thanh Liêm (cán bộ đội xử lý tai nạn, cảnh sát giao thông quận 12, TP.HCM) không nhớ nổi mình đã xử lý bao nhiêu vụ.
Không chỉ lạnh lùng bảo vệ hiện trường, phân tích bằng chứng để ghi vào hồ sơ ban đầu, mà anh đã kịp thời đưa đi cấp cứu, mang lại sự sống cho rất nhiều người.
“Không thể nhớ nổi”
Một nạn nhân bị tai nạn giao thông tên là Ngọc (Hóc Môn) chấn thương nặng ở đầu được anh đưa đi cấp cứu. Đưa nạn nhân vào viện rồi quay ra xử lý hiện trường, ghi chép, đo đạc xong trở vào bệnh viện vẫn thấy nạn nhân nằm trên băng ca ở hành lang phòng chờ chụp CT. “Tôi hỏi bác sĩ trực sao không cấp cứu. Bác sĩ nói chờ người nhà nạn nhân đến. Tôi bảo người ta đang trên đường đến, cứ để đó người ta chết à, ai chịu trách nhiệm? Lúc đó anh Ngọc mới được đưa vào phòng chụp rồi mổ luôn”.
Nhiệt tình như vậy nhưng có không ít vụ tai nạn khiến anh phải đau lòng bởi khi anh đến nạn nhân đã chết, không còn cứu được nữa. Có bà lão bị bánh xe cắt đôi người, thân một nơi, chân một nẻo, đứa con thì bị cuốn nằm gọn trong gầm xe tải. Lúc ấy dù cứng rắn đến mấy cũng không thể tránh được xúc động. “Với những người này, tôi chỉ có thể làm những động tác cuối cùng để họ được nhắm mắt thanh thản. Dù sai hay đúng thì những cái chết bởi tai nạn thương tâm như vậy đều là bất công đối với họ và gia đình họ rồi”.
Không bị chai lì đi bởi những hình ảnh các vụ tai nạn, nhiều vụ tai nạn khi đến hiện trường nhìn nạn nhân là những đứa trẻ, những cô giáo còn mặc chiếc áo dài hay cụ ông cụ bà bê bết bên vũng máu: “Nhìn vào những đối tượng gây ra tai nạn vẫn còn nằm say xỉn, hay những thanh thiếu niên phóng xe bạt mạng chở ba chở bốn… mà muốn đập cho họ một trận hả giận. Nhưng rồi tự lắc đầu lo xử lý tai nạn, đến khi họ tỉnh táo mời lên cơ quan làm việc để khuyên nhủ, răn đe”.
Trung úy Mai Thanh Liêm đo vẽ hiện trường vụ tai nạn giao thông gây chết người ở chân cầu Tham Lương
Video đang HOT
Mất mát…
Bảy năm trước, khi đứa con trai út vừa tròn 6 tuổi thì vợ anh Liêm mất vì bệnh ung thư. Sự ra đi của người vợ tảo tần khiến anh choáng váng. Không chỉ bởi đàn con nheo nhóc cần được mẹ chăm sóc, mà còn bởi biết bao nhiêu công việc khác của “một nửa” cuộc đời đã gửi lại cho anh. Nhìn đôi mắt con nháo nhác như bầy gà lạc mẹ, anh càng thấu hiểu hơn nỗi đau của những đứa trẻ khác khi bị mất cha mẹ và người thân bởi những cái chết bất thình lình do tai nạn giao thông.
“Tôi thấu hiểu nỗi mất mát của thân nhân các nạn nhân tai nạn giao thông. Họ không chỉ mất đi một chỗ dựa tinh thần, một con người hiện diện mà những vụ va quẹt giữa các phương tiện giao thông còn khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng”. Nhìn đàn con bé bỏng hoảng hốt ra sao khi mất mẹ, anh luôn tìm mọi cách bù đắp và làm thay vai trò người phụ nữ trong nhà. Sau mỗi ca trực đêm đến kiệt sức vì đưa người đi cấp cứu, xử lý hiện trường tai nạn, anh lại vội vã về nhà trước 5 giờ sáng để lo cơm nước và gọi các con dậy đi học. “Vậy mà có hôm xử lý hiện trường quá muộn, về tới nhà chỉ kịp hối các con đi học, đứa lớn đứa bé chẳng kịp ăn” – anh xót xa.
“Mình không muốn đám trẻ của nhiều gia đình khác hoảng hốt, nháo nhác như đám con mình. Nên chưa bao giờ tôi chậm một giây phút nào khi nghe thấy thông tin có tai nạn giao thông” – anh nói.
Huấn luyện kỹ năng cấp cứu cho tình nguyện viên
Chỉ mong… “thất nghiệp”
Có mặt tại trụ sở cảnh sát giao thông quận 12 để làm thủ tục giải quyết sau tai nạn giao thông cho người nhà, ông Trần Hồng Thiết (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết người thân của ông đã phải cầm cố căn nhà đang ở tại Nghệ An, mượn thêm sổ đỏ của một người thân, vay tiền nong của họ hàng lối xóm để lo tang ma cho nạn nhân vụ tai nạn: “Tiền đưa vào viện, mổ, mua áo, lo đám tang hết gần 70 triệu đồng. Nhà nó (người gây tai nạn) nghèo quá nên cũng chỉ lo được chừng đó thôi”. Ông Thiết chỉ là một trong số rất nhiều người tìm đến đây để gặp anh Liêm sau khi vụ việc đã được giải quyết. “Lúc tai nạn chú Liêm đã đưa cả mấy người vào viện, rủi không cứu được một người”.
Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ tai nạn giao thông mà anh trực tiếp xử lý hiện trường, đưa người đi cấp cứu rồi lại hướng dẫn người tham gia giao thông giải quyết sau tai nạn. “Xử lý nhiều đến mức không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu vụ, có những vụ tai nạn quá khủng khiếp. Nó tác động trực tiếp lên thần kinh khiến tôi không ngủ được. Nhưng an ủi lại, nhiều vụ tôi đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống cho họ. Làm cảnh sát xử lý tai nạn không chỉ lạnh lùng với chứng cứ, hồ sơ mà còn cần cả tấm lòng, sự nhạy cảm và kịp thời nữa”.
Anh lật từng trang trong hai cuốn sổ trực ghi lại các vụ va chạm và tai nạn giao thông trên địa bàn. Những vụ va chạm nhẹ thì ghi vào cuốn thứ nhất, những vụ nặng dẫn đến tử vong ghi vào cuốn thứ hai. “Chỉ cần nhìn vào cuốn thứ hai là biết mỗi năm, mỗi quý, mỗi tháng, mỗi tuần có bao nhiêu vụ tai nạn nghiêm trọng. Cứ mỗi năm ghi hai cuốn, mà năm nay số trang ghi của cuốn thứ hai đã bớt đi so với năm trước. Mỗi ngày đi làm xem sổ trực tôi đều mong hôm nay sẽ không phải giở sổ ra để ghi chép thêm nữa. Người ta mong có nhiều việc để làm, tôi chỉ mong thất nghiệp”.
Anh Liêm nói, gấp cuốn sổ trực, nén lại một tiếng thở dài.
Mỗi người là một tình nguyện viên
Một chiếc xe lớn gặp sự cố, mất thắng gây ra tai nạn đồng loạt. Hiện trường ngổn ngang với hàng chục chiếc xe máy. Người bị nạn nằm la liệt trên đường với đủ mọi thương tích… Những người dân trong khu vực nhanh nhẹn chạy ra…
Đây là một tình huống giả định thảm họa tai nạn giao thông mà các tình nguyện viên của Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TP.HCM (thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM) phải học cách đối phó.
Đến nay, Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu đã tổ chức huấn luyện ở khắp 24 quận huyện, 322 phường xã của TP.HCM, được hàng trăm ngàn lượt người học sơ cấp cứu, duy trì được lực lượng tình nguyện viên thường xuyên hơn 10.000 người ở khắp thành phố. “Trong ấy có nhiều y bác sĩ, có người về hưu, có giáo viên, tiểu thương, công nhân, và tích cực nhất là nhiều tài xế xe ôm, taxi đóng chốt ở các điểm đen tai nạn giao thông…” – ông Nguyễn Minh Nhựt, phó giám đốc trung tâm, cho biết.
Theo 24h
Bác sĩ và những ám ảnh tại phòng cấp cứu
Rời khỏi nhà những nạn nhân của tai nạn giao thông, nơi những mất mát, đau đớn vẫn mỗi ngày mỗi chồng chất, chúng tôi quay về những phòng cấp cứu của bệnh viện, nơi mỗi ngày lại tiếp nhận thêm những nạn nhân mới, những nỗi đau mới...
Trên hành lang
Chiều tối chập choạng cuối tháng 9 trời mưa nặng hạt. Phòng cấp cứu kề sát cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (Q.5, TP.HCM) lúc nào cũng mở sẵn. Chốc chốc lại nghe tiếng còi xe cấp cứu vẳng tới inh ỏi gấp gáp, những hộ lý điều dưỡng chạy ào đến đỡ bệnh nhân, chuyển ngay lên băng ca rồi đẩy nhanh vào.
Một người đàn ông tự chạy xe máy đến. Đầu xe lảo đảo của ông chen cả vào cửa phòng cấp cứu khiến bảo vệ không kịp phản ứng. Vẻ mặt đầy đau đớn và tái nhợt, ông thều thào kêu: "Tui bị xe tông, nó bỏ chạy rồi...". Chừng như đã quen với những tình huống bất ngờ này, hộ lý Trần Công Thuận chạy ngay đến đỡ người đàn ông, tháo áo mưa và lấy xe lăn đẩy nạn nhân vào. Ông cho biết tên là Thành Đô, 50 tuổi, ở huyện Bình Chánh, vừa bị một xe máy chở hàng cồng kềnh tông phải trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Chiếc xe gây tai nạn đã bỏ chạy, mặc kệ ông với vết thương đẫm ướt máu cả một bên ống quần. Chỉ nhìn từ bên ngoài đã thấy đầu gối trái của ông bị biến dạng. Một bảo vệ bệnh viện vào dắt chiếc xe của ông Đô ra, bức xúc nói: "Chạy ẩu gây tai nạn cho người ta rồi đành đoạn bỏ đi. Thật ác quá. Ông này bị vậy chắc chữa hết nhiều tiền, tốn kém lắm, nhưng dẫu sao vẫn may mắn hơn nhiều người phải mất mạng...".
Ông Đô vừa được bác sĩ tiếp nhận, ông Thuận lại tiếp tục đẩy băng ca ra sân đỡ một bệnh nhân khác. Ông lầm bầm: "Lại đụng xe nữa...". Năm nay đã gần 60 tuổi, chỉ vài tháng nữa là hộ lý Thuận nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, xốc vác. Ông chạy đi chạy lại không biết mệt, chỉ bằng vài động tác đã dễ dàng chuyển bệnh nhân từ băng ca này sang băng ca khác, gọn gàng, nhẹ nhàng...
Bị tai nạn giao thông, nạn nhân tự chạy đến bệnh viện, vào phòng cấp cứu, trên đầu còn đội mũ bảo hiểm
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng cấp cứu, chấn thương sọ não liền kề nhau. Bệnh nhân nằm trên giường xếp san sát. Người lịm đi trong cơn mê, người quằn quại đau đớn, người băng bó trắng toát, người dây dợ kim ống gắn đầy, người lại phải dùng dây cột chân tay vào thành giường... Bác sĩ, điều dưỡng, y tá, hộ lý chạy lui tới tất bật không ngơi nghỉ. Bên ngoài, người nhà bệnh nhân đứng ngồi không yên, thất thần, hoảng hốt. Hỏi thăm thì hầu hết mọi người đều vừa nhận được tin dữ khi người thân bị tai nạn giao thông. Cứ một lát lại thấy một người hớt hải chạy tới.
Chị P. (Tân Bình, TP.HCM) đứng ngóng ở cửa phòng cấp cứu được hơn 15 phút thì bác sĩ ra gọi vào. Anh trai chị đã không thể qua khỏi. Chị nấc lên, cùng với nhân viên bệnh viện đẩy chiếc băng ca ra khỏi phòng. Những lao xao, ồn ã bên ngoài hành lang lặng đi. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều tự động lùi lại, tránh đường cho chiếc băng ca đi dọc hành lang hun hút. "Chị ấy còn giữ được bình tĩnh, chứ có nhiều người ngất xỉu, rồi gào khóc. Cảnh phòng này đã thương tâm lại càng thêm thê lương...", một hộ lý nhìn theo bóng chiếc băng ca đẩy người xấu số thở dài nói. Anh chuẩn bị cho ca trực đêm, nhìn ra cơn mưa mịt mù bên ngoài rồi tự nhủ đầy kinh nghiệm: "Sắp tới giờ cao điểm, tăng tốc rồi đó".
Bác sĩ Phạm Trí Dũng, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đến 2/3 số ca tai nạn giao thông vào cấp cứu bị chấn thương sọ não, nguy hiểm tính mạng, lại kèm theo nhiều chấn thương khác ở hàm mặt, tứ chi, nội tạng. "Và đa số là nam, trẻ tuổi, trong độ tuổi lao động, là trụ cột gia đình", bác sĩ Dũng thở dài. Bác sĩ Trần Quang Vinh, trưởng khoa hồi sức ngoại thần kinh, cho biết chi phí điều trị những bệnh nhân này dao động 2-5 triệu đồng/ngày. Như thế đủ thấy gánh nặng lên gia đình là như thế nào. "Nhiều bệnh nhân phải sống cuộc đời thực vật, có người tỉnh lại nhưng bị liệt bộ phận, liệt nửa người... Cảnh khổ không thể nào nói cho hết" - bác sĩ Vinh tư lự bên hành lang phòng bệnh.
Bên ngoài lại có tiếng còi xe cấp cứu.
Bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy
Trong lòng người
Mấy anh bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy nói có đêm có tới cả trăm ca cấp cứu mà trong đó tai nạn giao thông chiếm đa số. Ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, "chắc chỉ kém tí xíu", anh Cường, thâm niên 20 năm bảo vệ bệnh viện, nói. "Với các ca tai nạn giao thông, tụi tui cực lắm. Bồng bế, khiêng vác, đưa người vào phòng cấp cứu chỉ là chuyện nhỏ, còn phải đi tìm thân nhân để báo tin. Nhớ cái hồi điện thoại di động chưa phổ biến, phải tìm giấy tờ, hỏi tổng đài số điện thoại nhà, không có lại phải tìm số những nhà lân cận...", anh Cường kể.
Bây giờ thì điện thoại di động phổ biến rồi nhưng cũng có những người không có, nhất là khi Sài Gòn lại là nơi tập trung dân nhập cư, vẫn có người được đưa vào cấp cứu mà trên người không có lấy một mẩu giấy tờ nào để có thể tìm tông tích. "Gặp những trường hợp đó thật là khó xử cho bệnh viện - anh Cường nói tiếp - Chúng tôi chỉ biết giao bệnh nhân cho bác sĩ và ngồi cầu trời cho họ tỉnh lại, nhớ ra manh mối gì đó để tìm người thân. Rồi lại có bao nhiêu người không thấy người nhà về, nhao đi tìm hỏi khắp các bệnh viện nữa. Gặp tụi tôi họ nhào vô hỏi, lắc hay gật thì ánh mắt họ cũng vẫn vừa sợ hãi vừa hi vọng. Chứng kiến những cảnh đó thật thương, chỉ mong ra đường đừng ai bị đụng xe...".
Đó cũng là mong ước của ông Trần Công Thuận và cả vợ ông với thâm niên hơn 30 năm làm hộ lý Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Đặc điểm của tai nạn giao thông là bất ngờ, nên ông Thuận cứ bị ám ảnh bởi những bệnh nhân vào cấp cứu với thân thể bầm giập, biến dạng với nguyên những bộ đồ đi làm, đi chơi, đi tiệc trên người. "Có nhiều trường hợp bác sĩ đã gặp rất nhiều khó khăn vì một chiếc vòng tay, nhẫn không tháo ra được khỏi cánh tay sưng vù, tiến trình cấp cứu bị chậm trễ, có khi dẫn đến hoại tử bộ phận. Nên tôi đã chế ra vài cái kềm để cắt giúp họ...", bộ dụng cụ của ông Thuận đã giúp được rất nhiều cho bác sĩ và bệnh nhân.
"Công việc của chúng tôi ở phòng cấp cứu thật sự là vất vả, môi trường thì như ai cũng thấy và báo chí cũng đã đăng: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình giống cái bến xe liên tỉnh, áp lực thì căng thẳng, từng giây từng phút đều liên quan đến sinh mạng bệnh nhân... Nhưng đã đến bệnh viện, không mấy ai kêu ca về sự chật chội, bừa bãi, họ chỉ không bằng lòng khi gặp thái độ vô cảm, lạnh lùng. Tôi luôn tự dặn mình và học trò mình như vậy. Và mong bớt tai nạn đi để đỡ khổ cho bao nhiêu người. Khi đó tôi thất nghiệp cũng được", ông Thuận tâm sự cạn lòng sau ca trực. Nhưng chỉ còn vài tháng nữa là ông đến tuổi về hưu mà tai nạn giao thông vẫn chưa giảm, công việc ở phòng cấp cứu mỗi ngày vẫn tất bật.
Theo 24h
Sêrêpốk: Năm tháng sau thảm nạn Đêm 17/5/2012 có lẽ là đêm chẳng bao giờ quên đôi với nhiêu người dân tại Đắk Lắk. Bàng hoàng, thảm khôc... là tât cả những gì mà những người chứng kiên sự viêc và thân nhân các gia đình trải qua khi chiêc xe khách xuât phát từ huyên M'Đrắk đi vê TP.HCM đã phải dừng lại và châm dứt hành trình...