Tai nạn giao thông: “Nóng” từ nội thành ra vùng ven
Kéo giảm tai nạn giao thông, trong đó tỉ lệ người chết phải giảm 3% là một thách thức. Tai nạn đường sắt, đường thủy cũng tăng.
Chiều 19-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã triệu tập cuộc họp khẩn bàn về các biện pháp kiểm soát giao thông và phòng chống tai nạn giao thông trên địa bàn. “Gần đây, liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây ra những cái chết oan uổng cho nhiều người vô tội. Số lượng phương tiện đăng ký hiện nay đã quá đông, cộng thêm một lượng lớn phương tiện từ các địa phương nhưng vẫn còn nhiều xe quá cũ được sử dụng, gây mất an toàn” – ông Lê Hoàng Quân nói.
“ Nóng” đều ở các mặt
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn Giao thông TP, tai nạn giao thông trong những tháng đầu năm 2011 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tăng cả ba mặt: số vụ tai nạn, số người chết (tăng 25%) và số người bị thương (tăng đến gần 84%). Ban An toàn Giao thông quốc gia đã chỉ đạo trong năm 2011 phải kéo giảm tai nạn giao thông, trong đó tỉ lệ người chết phải giảm 3%. Nhưng trước tình hình này, yêu cầu này đang bị thách thức.
Video đang HOT
“Năm nay tai nạn giao thông ở các khu vực cửa ngõ thành phố như huyện Củ Chi, quận 9, huyện Bình Chánh tăng rất cao, huyện Cần Giờ trước đây khá yên ắng thì nay tai nạn giao thông cũng tăng cao; nguyên do tuyến đường Rừng Sác đưa vào khai thác, các tuyến đường nông thôn được đầu tư, nâng cấp” – ông Tường nói.
“Điểm đặc biệt ở năm nay là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra thường xuyên hơn trước và lại xảy ra ở những tuyến đường “không đen” – Thượng táNgô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP, bổ sung.
Một vụ tai nạn giao thông chết người ở TP.HCM. Ảnh: MP
Phạt nặng nhưng chưa hiệu quả
Ông Tường dẫn chứng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như vụ va chạm giữa hai xe máy (ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) làm hai người chết, ba người bị thương; vụ ôtô đầu kéo đụng xe khách trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (ở phường 5, quận 5) làm bốn người chết và 16 người bị thương; vụ ôtô không làm chủ tốc độ tông vào trụ điện (ở huyện Cần Giờ) làm hai người chết, sáu người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người lái xe thiếu ý thức, thường xuyên vi phạm các lỗi như lấn tuyến, tránh vượt sai, không làm chủ tốc độ, sử dụng bia rượu…
heo thống kê từ đầu năm đến nay, riêng lực lượng công an toàn thành phố đã lập biên bản vi phạm gần 700.000 trường hợp, trong đó đã phạt khoảng 600.000 vụ với tổng số tiền phạt gần 86 tỉ đồng, so với cùng kỳ tăng gần 200.000 vụ với gần 20 tỉ đồng… Tuy vậy, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng cần phải xử phạt mạnh hơn nữa.
Theo ông Ngô Minh Châu: “Ở các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà do lỗi cố ý như vượt đèn đỏ, quá tốc độ thì cần phải khởi tố vụ án, xử lý hình sự dù bên bị hại có đơn bãi nại. Ngoài ra, Sở GTVT cần nhanh chóng tổ chức lại giao thông ở những điểm chưa hợp lý…”.
Ông Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu Ban An toàn Giao thông TP và Sở GTVT phối hợp có phương thức tuyên truyền, vận động để người dân có sự chuyển biến tốt về ý thức chấp hành pháp luật giao thông nhằm từng bước xây dựng văn hóa giao thông, chứ chỉ biện pháp xử phạt mạnh tay không thể làm chuyển biến tình hình.
Tai nạn đường sắt, đường thủy cũng tăng
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có năm vụ tai nạn giao thông đường sắt, so với cùng kỳ tăng ba vụ và số người chết cũng tăng ba. Tương tự, ở lĩnh vực đường thủy có bảy vụ làm hai người chết, hai người bị thương.
Theo Đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt TP.HCM, tai nạn đường sắt trên địa bàn thành phố hiện cũng là vấn đề nóng bỏng. Phòng CSGT đường bộ-đường sắt vừa làm việc với ngành đường sắt để thực hiện một số biện pháp chấn chỉnh, lập rào chắn để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đường sắt.
Theo Pháp Luật TP