‘Tai nạn giao thông nhiều, cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe’
Theo đại biểu Quốc hội, trước tình trạng tai nạn giao thông nhiều như hiện nay, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe như đề xuất của Bộ Công an là cần thiết.
Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, trong văn bản của Bộ Công an đã lý giải rõ vì sao cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe. Đó là vì thói quen hay uống rượu, bia của người dân, hơn nữa điều kiện hạ tầng của chúng ta chưa bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện.
“Tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người vi phạm nồng độ cồn cũng tương đối lớn. Vì mục tiêu chung là đảm bảo tính mạng người dân nên tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Công an”, đại biểu Lê Hữu Trí nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Khánh Hòa, khi cơ sở hạ tầng giao thông tốt lên, thói quen dùng rượu, bia của người dân thay đổi, cơ quan chức năng cũng cần xem xét sửa đổi quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở điều khiển phương tiện giao thông.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với nữ tài xế. (Ảnh: Đình Hiếu)
Video đang HOT
Về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, quy định “nồng độ cồn bằng 0″ với người điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết. “Cơ quan chức năng cũng cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm, triệt để với những người không tuân thủ quy định”, đại biểu Sửu nói.
Theo nữ đại biểu, luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông. “Do vậy, những người cho rằng cấm tuyệt đối rượu, bia ảnh hưởng đến các nhà hàng, văn hóa chỉ là bao biện”, bà Sửu nêu quan điểm.
Theo dõi lực lượng công an xử lý nghiêm người vi phạm nồng độ cồn trong năm 2023, đại biểu Sửu cho rằng, điều này đã thay đổi rất lớn đến hành vi tham gia giao thông của người dân.
“Khi lực lượng chức năng xử lý nghiêm như vậy, tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm; nhiều người đã chủ động sử dụng phương tiện công cộng khi đi ăn uống. Cá nhân tôi và người thân lưu thông trên đường cũng cảm thấy yên tâm hơn”, bà Sửu chia sẻ.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng, trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều như hiện nay thì quy định cấm tuyệt đối người uống rượu, bia tham gia giao thông là hợp lý.
“Với bất kỳ mức nồng độ cồn nào trong cơ thể để được điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng là làm khó cho cơ quan chức năng. Thực tế, có người uống 1 chén rượu, 1 lon bia đã không tỉnh táo”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh), quy định cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần dựa vào năng lực, hành vi của người uống.
“Nhiều người uống một vài chén rượu vẫn tỉnh táo, làm việc bình thường chứ chưa nói đến điều khiển phương tiện giao thông”, đại biểu Bế Trung Anh nói.
Do vậy, ông Bế Trung Anh cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế cần nghiên cứu đưa ra mức nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bao nhiêu sẽ ảnh hưởng đến hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông.
Người dân có quyền yêu cầu CSGT thay ống thổi nồng độ cồn
"Nếu người dân phát hiện lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra nồng độ cồn không thay ống thổi mới thì có thể yêu cầu thay ống thổi khác".
Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết tại buổi họp báo chiều 14/12.
Theo ông Hà, hiện nay, công tác kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT thực hiện theo hai bước kiểm tra định tính và kiểm tra định lượng.
Cụ thể, CSGT khi dừng, kiểm tra phương tiện yêu cầu thổi một hơi thở định tính (tốn khoảng 3-5 giây), nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện được tiếp tục hành trình tham gia giao thông.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo
Trong trường hợp phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, Cảnh sát dùng máy đo định lượng nhằm xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.
"Trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn, nếu người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới có thể yêu cầu thay ống thổi khác", ông Hà cho biết.
Cũng theo Thượng tá Hà, nếu người dân, phóng viên...phát hiện đơn vị CSGT, cá nhân nào thực hiện không đúng quy định về kiểm tra nồng độ cồn thì báo về Công an TP để chấn chỉnh, xử lý.
Cảnh cáo cán bộ thuế đòi ném ly nước vào mặt công an ở Bình Dương Bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, cán bộ thuế ở Bình Dương không chấp hành rồi đòi ném ly nước vào mặt công an. Liên quan đến vụ việc cán bộ thuế ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương không hợp tác kiểm tra nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, đòi ném ly nước vào mặt công an...