Tái mặt vì 1 tháng nhận được 15 tấm thiệp cưới
Vừa nhận tấm thiệp cưới từ bà bạn cùng lớp dưỡng sinh, bà vợ tôi đã tái mét mặt vì đây là tấm thiệp cưới thứ 15 trong tháng…
Thức ăn thừa để lại vô cùng lãng phí
Tôi về nghỉ hưu với tiền lương gần 4 triệu đồng/ tháng, nếu không phải chi tiêu đình đám thì 2 ông bà cũng không đến mức khó khăn. Thế nhưng, cứ mỗi mùa cưới hỏi đến, là 2 ông bà lại lo ngay ngáy.
Bảo không lo sao được khi mà tháng nào cũng nhận đến 4, 5 cái thiệp. Nào thiệp tân gia, thiệp đầy tháng cháu chắt, rồi đi đám ma chay, giỗ chạp, đến mùa cưới thì thiệp mời đến dồn dập, có tháng đỉnh điểm như tháng vừa rồi, tôi nhận đến 15 thiệp mời đám cưới. Không đi thì sau nhìn mặt nhau cũng thấy ngại. Nhưng đi thì … khổ quá.
15 đám, mà những đám tổ chức ở nhà, ở quê thì phong bì chỉ đồng giá khoảng 200 nghìn, nhưng những đám tổ chức ở nhà hàng, khách sạn thì bỏ 200 nghìn ai coi được, thế là lại phải 300 nghìn, thậm chí là 500 nghìn. Vị chi, đã mất 4 -5 triệu. Hết sạch cả tiền lương của tháng khiến tiền ăn sau đó của gia đình còn không có chứ đừng nói đến chuyện có tiền tiết kiệm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nếu là đi đám của họ hàng, bạn thân mời cưới con thì đã đành, đằng này có người chỉ quen sơ sơ ở quán bia, hoặc đi tập thể dục cùng nhau mấy bữa… cũng hỉ hả phát cho cái thiếp mời.
Tóm lại là nhiều gia đình tung thiếp mời “tràng giang đại hải” đến mức người nhận được thiếp cũng khó xử, mà người mời chắc cũng chẳng sung sướng gì vì đã mời là phải chuẩn bị cỗ.
Xong rồi vì muốn sang với anh em họ hàng, nên nhiều gia đình dù không có điều kiện nhưng vẫn cố gắng chạy vạy, vay mượn làm đến hàng trăm mâm cỗ, mà phải là cỗ thật to, mâm nào, mâm nấy đầy ụ thức ăn, khiến những vị khách như tôi chỉ nhìn thôi đã thấy hoảng. Bởi vì thời buổi bây giờ, có ai ăn uống được nhiều đâu. Có khi, cả mâm, ê hề thịt cá, mà người ăn cũng chỉ gầy gót chút ít, nên rốt cuộc là thừa đến nửa mâm cỗ. Đấy là chưa kể đến những vị khách đã mời nhưng không đến vì cách mời “tràng giang đại hải” của gia chủ nên cỗ thừa càng nhiều. Thậm chí có nhà, thừa đến cả chục mâm cỗ.
Sau đó, số thức ăn thừa đấy, anh em trong nhà chia nhau ăn mãi không hết lại phải đổ đi trong khi gia chủ vẫn phải ì ạch kéo cầy trả nợ trong một khoảng thời gian rất dài mà chưa hết. Thậm chí có gia đình, bố mẹ trả mãi không xong, nên còn phải “chia nợ” cho chính những người con mà họ đã xây dựng gia đình trươc đo.
Thế rồi, những gia đình khác, thấy vậy, nên lúc tổ chức cưới hỏi cho con cũng phải theo cho bằng anh bằng em. Như vậy, có phải là tự làm khổ nhau hay không?
Vẫn biết là việc cưới to, làm cỗ linh đình để thết đãi họ hàng, dân làng cũng như phong tục mừng cưới lẫn nhau là cái “nợ đồng lần”. Thế nhưng người Việt chúng ta đâu đã giàu nên cứ có cỗ bàn, công việc là gia chủ phải lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì phải chạy vạy khắp nơi, còn người được mời thì nhìn thấy thiệp là đã sợ xanh mắt, nên có ăn cũng chẳng thấy ngon. Vậy thì tại sao lại phải theo đuổi những “hủ tục” rườm rà, tốm kém và vô cùng lãng phí như vậy để người mời và người được mời đều không thấy vui ?
Theo VNE
Thiệp cưới của chồng và cô bạn thân
Tôi không tin vào mắt mình khi nhận ra chồng cũ của mình rạng rỡ ôm chặt Ly.
Tôi và Ly chơi thân với nhau suốt 4 năm đại học, Ly người miền Nam, nói năng nhỏ nhẹ và khá xinh xắn. Năm cuối đại học, hầu hết con gái trong lớp đều có đôi, có cặp, mình Ly là chưa yêu ai. Hỏi bạn, Ly chỉ cười khoe hai lúm đồng tiền sâu hút: "đợi ra trường về lại thành phố làm việc, ở gần ba má cho đỡ buồn. Yêu ngoài này rồi người Nam kẻ Bắc, cực lắm".
Ra trường được mấy tháng, tôi có người yêu rồi cưới. Liên lạc gửi thiệp mời cưới cho Ly, nó chép miệng đầy nuối tiếc vì thời gian đó trùng với khóa học nghiệp vụ của nó tại nước ngoài. Ly cứ tiếc hùi hụi mãi vì bỏ lỡ một dịp để tụ tập cùng bạn bè và thăm lại Hà Nội.
Chồng tôi là giám đốc chi nhánh một ngân hàng liên doanh, hai vợ chồng cùng nghề nên chúng tôi hỗ trợ nhau khá nhiều trong công việc. Con gái được 3 tuổi, tôi được cử đi nước ngoài học thạc sĩ, chồng tôi vui mừng ủng hộ vợ và động viên tôi trong những ngày tháng học tập xa gia đình.
Về nước chưa được bao lâu, tôi được cất nhắc lên vị trí cao hơn trong ngân hàng và từ đó, vòng quay của công việc cuốn tôi như một cơn lốc. Tôi hầu như còn rất ít thời gian dành cho gia đình, cho chồng con. Nhiều đêm về nhà đã muộn, nhìn con gái ôm con thú nhồi bông ngủ ngon lành ngay trên tấm thảm trải sàn, tôi thấy mình có lỗi và thương con vô cùng. Thế nhưng hôm sau đi làm, những cuộc gặp gỡ đối tác, những hợp đồng, những thương vụ kinh doanh lợi nhuận béo bở và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp lại khiến tôi lao vào như con thiêu thân.
4 tháng sau ngày ly hôn, tôi nhận được thiệp mời cưới của Ly với chồng cũ (Ảnh minh họa)
Tôi mải mê công việc đến độ tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà, tôi phó mặc cho chồng và người giúp việc. Nhà chồng có việc cưới hỏi, giỗ chạp, đều chỉ là chồng tôi lụi cụi thu xếp về một mình. Đến khi con gái chuẩn bị vào lớp 1, chồng tôi muốn sinh thêm con và muốn tôi dành thêm thời gian cho gia đình nhưng tôi cứ lần lữa mãi với lý do tuổi còn trẻ, đường công danh sự nghiệp đang phơi phới nên để vài năm nữa, sinh con cũng chưa muộn.
Chồng tôi không bằng lòng và những cuộc tranh luận rồi cãi vã giữa hai vợ chồng tôi xảy ra ngày một nhiều và gay gắt. Khi ngân hàng của chồng tôi mở thêm chi nhánh miền Nam, anh đăng ký đi ngay mà không hề trao đổi cùng tôi một lời. Rồi chồng tôi biền biệt trong đó có khi hàng tháng không ra thăm nhà với lý do chi nhánh mới mở nên nhiều việc.
Mâu thuẫn của vợ chồng tôi càng lúc càng gay gắt. Gọi điện thoại tâm sự với Ly, nó khuyên tôi nên giữ lấy gia đình bởi theo quan niệm của nó đối với người đàn bà, gia đình lớn hơn tất cả. Ly cũng kể với tôi nó đã có người yêu, một anh chàng người Bắc điển trai, đặc biệt rất tâm đầu ý hợp với nó khi cùng suy nghĩ về sự quan trọng của hai từ "tổ ấm". Tôi chúc mừng bạn và chạnh lòng buồn cho cuộc sống của gia đình mình.
Rồi cái gì đến cũng phải đến. Vợ chồng tôi ra tòa ly hôn, tôi đem con gái về sống cùng ông bà ngoại và lại càng lao đầu vào công việc để quên đi chuyện buồn của gia đình mình.
Chỉ chưa đầy 4 tháng sau ngày ly hôn, tôi nhận được thiệp mời cưới của Ly gửi ra. Mở thiệp mời, tôi không tin nổi vào mắt mình khi nhận ra chồng cũ của mình rạng rỡ ôm chặt Ly trong tấm hình in trang trọng cạnh tên của cô dâu và chú rể...
Theo VNE