Tài khoản Twitter bí ẩn mang tên trùm ma túy Mexico
Không ai rõ tài khoản Twitter mang tên Joaquin “El Chapo” Guzman có thuộc về trùm ma túy vừa vượt ngục hay không nhưng nó thu hút hơn 400.000 người theo dõi và khiến giới điều tra Mỹ phải lo ngại.
Tài khoản Twitter mang tên của trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman. Ảnh:Twitter
Hôm 12/7, vài giờ sau khi trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman tẩu thoát khỏi nhà tù nghiêm ngặt bậc nhất Mexico thông qua một đường hầm dài 1,5 km, một Twitter mang tên y đã lên tiếng đe dọa tỷ phú, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump bằng những lời lẽ tục tĩu.
Điều này rất dễ hiểu khi ông Trump gần đây khiến nhiều người giận dữ với những phát ngôn về người nhập cư Mexico. Tweet đe dọa trên sau đó được chia sẻ lại hơn 20.000 lần và thu hút hơn 21.000 lượt yêu thích. Nó cũng trở thành tâm điểm trên báo chí khắp thế giới và khiến tỷ phú bất động sản phải yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào cuộc.
Tuy nhiên, không ai biết rõ liệu tài khoản mang tên @ElChap0Guzman có thực sự liên quan đến ông trùm Guzman hay không.
Bằng chứng mong manh
@ElChap0Guzman lần đầu tiên tweet vào năm 2012 và đến nay đã viết hơn 600 tweet. Các dòng tweet này thường là những triết lý hay vài câu bông đùa.
Một tweet chia sẻ bức ảnh ghép mặt của hai ngôi sao Justin Bieber và Miley Cyrus để cho thấy nét giống nhau của hai người. “Không thể nhịn được cười”, chủ tài khoản viết.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tài khoản này đã trở nên nổi tiếng với hơn 400.000 người theo dõi và nhiều thông điệp tích cực gửi đến đây. Tài khoản này tự mô tả là “chính thức” và trong 18 tài khoản mà nó theo dõi có các thành viên của gia đình Guzman và một tài khoản mang tên Tổ chức Sinaloa mà Guzman cầm đầu.
FBI từ chối bình luận về tính xác thực của tài khoản trong khi các chuyên gia bày tỏ nhiều ý kiến trái ngược.
“Điều này không làm tôi ngạc nhiên”, Howard Campbell, một giáo sư nhân chủng học tại trường đại học Texas, nghiên cứu về thói quen của thành viên trong tổ chức tội phạm khét tiếng Mexico, nói. “Trước đây, các thành viên trong nhóm rất hay dùng mạng xã hội”.
“Chắc chắn 99.999999999999% đó không phải là tài khoản của Chapo”, Alejandro Hope, một chuyên gia về các mạng lưới tội phạm nhận định. “Suốt nhiều tháng, tôi đã nghi ngờ y sẽ sử dụng bất kỳ thứ gì phức tạp hơn là bút bi và bút chì, hoặc có thể là ám hiệu khói thuốc”.
Mạng xã hội vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và một số người cho rằng Guzman sẽ không sử dụng nó với tư cách cá nhân. David Shirk, một trợ lý giáo sư tại đại học San Diego và giám đốc của dự án Công lý ở Mexico, chỉ ra rằng thật “ngu xuẩn” nếu một thủ lĩnh cấp cao của tổ chức tội phạm chia sẻ trên mạng xã hội theo tư cách cá nhân, và nhìn chung chỉ “những cá nhân trẻ, ít kinh nghiệm” mới dùng các trang mạng như Twitter một cách công khai như thế.
Thế hệ trẻ
Có hai thành viên trẻ và tiếng tăm của Sinaloa có thể sử dụng tài khoản trên thay cho Guzman đó là hai con trai của y Ivan và Alfredo.
Guzman được cho là có vài đứa con nhưng Ivan và Alfredo nổi tiếng nhất nhờ vai trò trong băng nhóm. Các tài khoản Twitter mang tên hai thanh niên này đã hoạt động nhiều năm nay, chia sẻ nhiều hình ảnh về đời sống của các thành viên trẻ trong tổ chức.
Tuy nhiên, chúng chỉ gây chú ý trở lại vào tuần trước. Vài ngày trước khi Guzman vượt ngục, một tài khoản mang tên Ivan đã bật mí: “May mắn đến với những ai biết chờ đợi”.
Video đang HOT
Tài khoản được cho là của con trai Guzman, Alfredo. Ảnh:Twitter
Tuy nhiên, cũng có nhiều tài khoản khác mang tên Ivan và Alfredo, trong đó có những tài khoản thu hút hàng chục nghìn người theo dõi. Có tài khoản thi thoảng đề cập đến @ElChap0Guzman hoặc một tài khoản tương tự ít phổ biến hơn là @ElChap0guzman. Tài khoản này cũng được gắn mác là chính thức và cũng đưa ra lời đe dọa với Donald Trump.
Một số chuyên gia tin rằng việc Ivan sử dụng mạng xã hội là hoàn toàn bình thường nhưng cũng có những người nêu ý kiến ngược lại. Mạng xã hội từng gây rắc rối cho các tổ chức tội phạm.
Jose Rodrigo Arechiga Gamboa, một thành viên hàng đầu của Sinaloa, đã bị bắt ở Amsterdam vào năm 2013 sau khi cảnh sát dùng Instagram của y để buộc tội y về hoạt động trong tổ chức. Cùng năm đó, Serafin Zambada, con trai của một lãnh đạo hàng đầu trong Sinaloa, cũng bị bắt sau khi chia sẻ ảnh lên Twitter.
Giáo sư Campbell nhận định rằng sau những vụ việc trên và những “sai sót ngớ ngẩn” khác, các mạng lưới tội phạm đã trở nên cẩn trọng hơn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, gia đình Guzman có thể vẫn thích thể hiện. Sau khi y bỏ trốn, một người nào đó đã gửi đến trang web El Blog Del Narco những bức ảnh chụp ông trùm đang uống bia và ngồi trên máy bay.
Những người ủng hộ
Có thể những người không có quan hệ gì với Sinaloa đã tạo ra tài khoản trên cho Guzman. “Việc các fan của những tội phạm khét tiếng lập tài khoản trên mạng xã hội cho họ là rất phổ biến”, ông Antoine Nouvet, một nhà nghiên cứu của Quỹ SecDev Canada, cho biết. “Nhiều khả năng đó là một số thanh niên quá thừa thời gian”.
Tất nhiên, việc dính líu đến các tổ chức tội phạm có thể dẫn đến một số nguy cơ. Một trong những tài khoản của Alfredo từng đăng ảnh một thanh niên đã chết và tuyên bố người này mạo danh Ivan trên Twitter.
Tuy nhiên nhìn chung, các trang web do người ủng hộ lập ra thường được dung thứ. Nouvet cho hay ông từng nói chuyện với một người dùng Facebook lập trang web cho thành viên đã chết của Sinaloa là Manuel Torres Félix.
“Ông ta là một người tốt”, người này nhã nhặn giải thích với Nouvet. Việc các thủ lĩnh tội phạm được tưởng nhớ trên mạng cũng giống như những lăng mộ xa hoa ở ngoài đời thực của một số kẻ buôn lậu ma túy đã chết.
Hơn một chục bài hát đã được viết và đăng tải trên mạng để tôn vinh Guzman kể từ khi y vượt ngục. Những video quay cảnh bạo lực và sự hào nhoáng trong tổ chức Sinaloa xuất hiện trên các trang web được những người ủng hộ đón đợi. Các băng nhóm cũng dùng mạng xã hội để de dọa những người hoài nghi về tính xác thực của tài khoản hay báo cáo sai phạm.
Ông Trump tất nhiên không có gì phải sợ tài khoản @ElChap0Guzman nhưng việc tài khoản Twitter này thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi và nhận được sự ủng hộ lớn có thể là điều đáng sợ.
Anh Ngọc
Theo Washington Post
Những cuộc vượt ngục gây chấn động trong lịch sử
Đào đường hầm bí mật, giả vờ làm thanh tra, lái trực thăng để cướp tù, trên thế giới từng xảy ra nhiều pha vượt ngục ngoạn mục, nhưng vận may của những tên tội phạm thường không kéo dài được lâu.
Đường hầm bí mật
Miệng hố dẫn xuống đường hầm bí mật của trùm ma túy. Ảnh: Reuters
Trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman, 58 tuổi, cầm đầu mạng lưới Sinaloa ở Mexico, chuyên buôn lậu ma túy và rửa tiền. Guzman cuối tuần trước trốn thoát nhà tù được canh phòng cẩn mật Altiplano. Trong buồng giam của ông ta, nhân viên an ninh phát hiện một hố sâu 10 m và có thang leo xuống dưới.
Hố này dẫn tới một đường hầm dài 1,5 km được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió. Đường hầm thông với một ngôi nhà chưa hoàn thiện phía ngoài nhà tù. Bên trong đường hầm, nhà chức trách tìm thấy một môtô được cải tiến để dùng trên đường ray.
Đây là lần thứ hai trùm ma túy vượt ngục thành công. Guzman được cho là đã trốn thoát khỏi nhà tù Puente Grande bằng cách trốn vào một giỏ giặt ủi năm 2001.
Co người chui qua lỗ nhỏ
Choi Gap-bok co người và chui qua lỗ đưa thức ăn trên chấn song. Ảnh: Joongang Daily
Theo Huffington Post, Choi Gap-bok, người Hàn Quốc luyện yoga trong 23 năm, ngày 12/9/2012 bị bắt vì tình nghi ăn cướp. Ông ta bị giam tại đồn cảnh sát ở thành phố Daegu.
Ông ta ở lại đó 5 ngày cho đến sáng sớm ngày 17/9, Choi thoa thuốc mỡ lên thân trên và co cơ thể, chui qua khe đưa đồ ăn ở chấn song. Toàn bộ cuộc đào thoát chỉ mất 34s.
Theo Korea Times, Choi cao khoảng 1,65 m. Lỗ mà ông ta chui qua cao khoảng 15 cm và rộng 45 cm. Ông ta trốn thoát khi ba người quản ngục đang ngủ. Tuy nhiên, 6 ngày sau đó, Choi bị bắt lại và bị giữ trong một buồng giam có khe đưa thức ăn nhỏ hơn nhiều.
Lái trực thăng cứu chồng
Tạp chí Paris Match năm 1986 đăng bức ảnh không chuyên ghi lại cảnh vượt ngục của đôi vợ chồng Vaujour. Ảnh: delcampe.com
Nadine Vaujour quyết tâm cứu chồng ra khỏi một nhà tù ở Paris nên bà ta đã học lái trực thăng. Chồng bà, Michel Vaujour, nhận án tù vì âm mưu giết người và cướp có vũ trang.
Michel năm 1986 cầm quả xuân đào được vẽ trông giống như lựu đạn để hù dọa lực lượng an ninh và chạy lên mái nhà tù. Nadine đến đón chồng bằng trực thăng và đưa ông ta đến một sân vận động. Họ hạ cánh và lái xe tẩu thoát.
Tuy nhiên, Nadine vài tháng sau đó bị phát hiện và bắt giữ ở tây nam nước Pháp. Michel tiến hành một vụ cướp ngân hàng thất bại và bị bắn vào đầu nhưng sống sót.
Giả làm thanh tra
Frank Abagnale năm 1978. Ảnh: The Denver Post
Khi một cảnh sát trưởng Mỹ để quên trát bắt giam, "siêu lừa" Frank Abagnale năm 1971 phối hợp với đồng lõa bên ngoài để thuyết phục lính gác nhà tù liên bang ở Georgia rằng, ông ta thực chất là một thanh tra nhà tù ngầm, đang đóng giả làm tù nhân để kiểm tra các quản ngục, chứ không phải là phạm nhân.
Trong vài tuần, ông ta và đồng lõa ở bên ngoài đã tạo dựng được bằng chứng ngoại phạm và giành được lòng tin của lính gác. Họ cho phép Abagnale ra ngoài nhà tù để gặp đồng lõa trong một chiếc xe hơi. Abagnale trốn thoát nhưng hai tháng sau đó bị bắt lại ở Washington, DC. Ông ta ngồi tù 4 năm ở Virginia trước khi được ân xá.
Abagnale sau đó trở thành cố vấn an ninh cho FBI. Năm 2002, chuyện đời ông được đưa lên màn ảnh rộng trong bộ phim "Hãy bắt tôi nếu có thể" của đạo diễn Steven Spielberg.
Trốn thoát nhà tù khét tiếng
Từ trái sang, Frank Lee Morris, Clarence Anglin and John Anglin khi còn trẻ và khi trung niên. Ảnh: Reuters
Nhà tù Alcatraz được coi là nhà tù không thể trốn thoát ở Mỹ. Nó nằm trên hòn đảo ở giữa vịnh San Francisco, nhằm cách ly tù nhân khỏi thế giới bên ngoài bằng dòng nước lạnh lẽo.
Tuy nhiên, năm 1962, Frank Morris và anh em John và Clarence Anglin, những người bị kết án tù chung thân vì cướp bóc và các tội danh khác đã vượt ngục thành công. Họ làm những chiếc đầu hình nộm được gắn tóc người thật để đánh lừa lính gác tuần tra ban đêm. Họ dùng thìa kim loại và máy khoan tự chế từ máy hút bụi để mở rộng lỗ thông hơi và chui vào đó.
"Sau đó, họ leo xuống ống thoát ở cuối phía bắc trại giam và nhảy xuống nước". Văn phòng nhà tù cho biết. "Họ sử dụng áo mưa của nhà tù để làm thành áo phao và một chiếc phao bè".
Nhiều thập kỷ sau, vẫn chưa rõ họ có sống sót ra khỏi vịnh San Francisco hay không. Morris và anh em nhà Anglin được cho là mất tích và có thể là đã chết đuối.
Dùng súng gỗ khống chế cảnh sát
John Dillinger. Ảnh: FBI
John Dillinger được coi là kẻ thù quốc gia số một của Mỹ khi ông ta cùng băng đảng cướp hơn 20 ngân hàng và vài trạm cảnh sát trong những năm 1930. Ông ta bị bắt giữ tại Tuscon, Arizona tháng 1/1934 và đưa đến nhà tù Lake County ở Crown Point, Indiana.
Ngày 3/3/1934, Dillinger cùng với một tù nhân khác được cho là đã sử dụng một khẩu súng giả được làm bằng gỗ và "nhuộm" đen bằng xi đánh giày. Ông ta dí súng vào người lính gác, đoạt chìa khóa của người này và thoát ra. Vụ vượt ngục này trở thành một trong những pha ngoạn mục nhất trong lịch sử, tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng súng mà Dillinger dùng là thật và được bí mật tuồn vào.
Dillinger còn dùng chiếc xe mới của cảnh sát trưởng để làm phương tiện trốn thoát. "Nếu tôi nhìn thấy John Dillinger, tôi sẽ bắn chết anh ta với chính khẩu súng lục của tôi", Time dẫn lời cảnh sát trưởng Crown Point Lillian Holley nói. Cuối năm đó, các nhân viên FBI tiêu diệt Dillinger bên ngoài một nhà hát ở Chicago.
Phương Vũ
Theo NY Times/ CNN
Mexico treo thưởng gần 4 triệu USD để bắt trùm ma túy Mexico hôm qua treo thưởng khoản tiền 3,8 triệu USD để bắt trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman, đồng thời kêu gọi người dân nước này hỗ trợ nhà chức trách. Bộ trưởng Nội vụ Mexico Miguel Angel Osorio Chong. Ảnh: Reuters. "Chúng tôi sẽ không để yên cho tên tội phạm này", AFP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Mexico Miguel...