Tái hôn và chuyện con anh, con tôi, con chúng ta
Đã từng một lần đổ vỡ hôn nhân, họ đến với nhau với hy vọng một lần nữa tìm được hạnh phúc. Nhưng chẳng có con đường nào là bằng phẳng, nhất là với những người đến với nhau khi mang thêm trách nhiệm làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân trước đó…
Đã từng một lần đổ vỡ hôn nhân, họ đến với nhau với hy vọng một lần nữa tìm được hạnh phúc. Nhưng chẳng có con đường nào là bằng phẳng, nhất là với những người đến với nhau khi mang thêm trách nhiệm làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân trước đó…
Chim sợ cành cong đi tìm… cành thẳng
Chị Hoàng Hải Yến (Bắc Ninh) đã qua một đời chồng và có một bé gái 6 tuổi, về với anh Nguyễn Đình Chính (Thanh Hóa), cũng có một cậu con trai 3 tuổi sau 2 năm quen biết và tìm hiểu.
Duyên phận đưa họ đến với nhau khi anh Chính đưa con trai rời quê đến làm công nhân tại công ty nơi chị Yến đang làm, không những vậy anh Chính còn ở trọ gần nhà chị Yến. Đều là những người đã từng tổn thương bởi hôn nhân tan vỡ nên chẳng dễ dàng gì để họ đủ dũng khí cho mình thêm cơ hội kiếm tìm hạnh phúc. Điều họ mong cũng chỉ là hạnh phúc đời thường với những bữa cơm rộn ràng câu chuyện, giọng ê a của cậu trai nhỏ, giọng lảnh lót của chị gái lớn tỏ vẻ biết nhiều.
“Tôi lấy chồng khi mới 18 tuổi, cái tuổi ngoài yêu ra chẳng biết gì. Hai vợ chồng trẻ con về sống với nhau 10 ngày thì tới 9 ngày đánh cãi nhau. Chồng tôi khi đó hơn tôi 2 tuổi, ngoài việc suốt ngày đốt thời gian ở quán game ra thì chỉ ngủ và ăn “, chị Yến nhớ lại.
Bế tắc, chị Yến quyết định ly hôn, chị ra khỏi nhà chồng với đứa con 2 tuổi cùng một vali hành lý không thể nhẹ hơn.
“Tôi trở về sống với mẹ đẻ, hàng ngày mẹ trông con giúp để tôi đi làm, cuộc sống ngày qua ngày cũng gọi là êm đềm. Nhưng 2 năm sau, mẹ tôi mất do mắc bệnh hiểm nghèo, tôi gặp anh Chính cũng vào thời gian này. Anh làm cùng công ty lại ở trọ ngay cạnh nhà tôi nên sáng sáng anh hay gọi tôi cùng đi làm với lý do “tiết kiệm tiền xăng” cho tôi. Rồi chúng tôi cởi mở với nhau hơn, anh thường hỏi tôi về cách chăm con, dạy con, thỉnh thoảng giúp tôi thay cái bóng điện hỏng, lau dầu cho mấy cái quạt cây,… Tình cảm cứ thế dần nảy nở, nhưng chúng tôi đều là những người từng đổ vỡ hôn nhân, như con chim sợ cành cong, cứ rụt rè sợ tổn thương lần nữa. Được sự động viên của anh chị em cùng công ty, cuối cùng chúng tôi quyết định cùng nhau tìm hạnh phúc một lần nữa….”, chị Yến kể.
Những ngày đầu về sống chung, anh chị rất tâm đầu ý hợp, hai đứa trẻ cũng nhanh chóng quen và tíu tít chơi đùa bên nhau. Con gái chị ngoan ngoãn gọi anh là bố và con trai anh cũng chẳng ngại ngùng khi gọi chị: “Mẹ ơi!”. Chị coi con riêng của anh như con đẻ của mình và anh cũng vậy. Trong căn nhà của cặp vợ chồng mà người đời gọi bằng cái tên đầy cay đắng “rổ rá cạp lại” tối tối lại vang tiếng cười đùa.
Cùng hoàn cảnh như chị Yến, chị Khoa (Bắc Giang) đến với anh Quang (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) khi anh đã có 2 cậu con trai riêng, đứa lớn đã 17 và đứa sau cũng đã 13. Lúc quyết định lấy anh, cả nhà anh Quang đều nhìn chị với ánh mắt ái ngại, chị gái anh nắm tay chị bảo: “Lấy Quang em sẽ khổ và vất vả lắm. Hai thằng con trai nghịch ngợm vô cùng, Quang thì không có việc làm”, thế nhưng có lẽ do chưa từng trải qua hôn nhân nên với chị, cuộc sống đôi lứa vẫn tràn màu hồng. Và bởi khi ấy chị tin, cứ cho đi yêu thương là sẽ nhận lại thương yêu.
Và những mâu thuẫn phát sinh
Video đang HOT
Sự đồng cảm vì có chung một hoàn cảnh, một nỗi niềm là chất xúc tác dẫn đến tình yêu của hai mảnh đời không còn tròn trịa. Họ đến với nhau như một sự tiếp sức mà mỗi người cần thiết trên đường đua cuộc đời. Nhưng cuộc đời lại không thẳng tắp và không hề bằng phẳng…
Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh từ những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình chưa kịp ấm tiếng cười hạnh phúc của vợ chồng chị Yến anh Chính. Đầu tiên chỉ là chuyện của 2 đứa trẻ. Do vẫn là trẻ con nên chơi với nhau không được hòa thuận, nhiều lần bé Nam (con trai riêng của anh Chính) dùng đồ chơi, ghế đánh vào người bé Ngọc (con riêng của chị Yến), bé Ngọc vừa khóc vừa một mực đuổi bé Nam ra khỏi nhà với lý do: “Đây là nhà chị, em và ba Chính chỉ ở nhờ thôi”. Anh Chính nghe vậy bỏ về phòng vì tự ái, chị quay lại gắt con gái ăn nói lung tung. Từ đó bé Ngọc càng ghét bé Nam và hầu như không còn tíu tít với chồng của mẹ.
“Những ngày về nhà chơi với ba ruột và ông bà nội, không biết họ tiêm nhiễm vào đầu bé Ngọc những suy nghĩ gì mà từ đó con bé rất cứng đầu, không còn tíu tít với anh Chính và bé Nam như trước. Tôi có hỏi thì con bé bảo, ba Chính và em Nam là người xấu, rồi họ sẽ cướp mẹ của con. Họ chỉ giả vờ yêu quý con thôi, nghe con nói vậy, tôi buồn vô cùng”, chị Yến trải lòng.
Chị Yến tiếp tục câu chuyện: “Năm bé Ngọc nghỉ hè chuẩn bị lên lớp 2 tôi sinh thêm con với chồng. Bé được 1 tháng thì nhà anh Chính yêu cầu hai vợ chồng đưa các con về nhà nội vài ba tháng. Do mắc công việc nên anh Chính chỉ đưa mẹ con tôi về rồi đi ngay. Những ngày ở nhà chồng, chứng kiến cách đối xử của mẹ chồng với con gái mà tôi đau từng khúc ruột. Một đứa trẻ chưa tròn 7 tuổi phải vo gạo nấu cơm cho cả nhà mà chưa hề được ai động viên khích lệ, cơm nhão cơm khô đều bị mắng. Mẹ chồng tôi bình thường không buồn nhìn con gái tôi nhưng khi cần gì sai vặt đều gọi tên nó. Bữa ăn thì miếng nào ngon bà gắp cho bé Nam, con gái tôi bà hầu như không đả động tới. Bao nhiêu uất ức dồn tụ lại, tôi điện thoại tâm sự với chồng thì anh bảo tôi nhỏ nhen, con bé lớn rồi cũng phải để cho nó tập làm việc nhà. Hàng xóm sang chơi, khen tôi dịu dàng với bé Nam thì mẹ chồng tôi chép miệng: “Ôi dời, mấy đời bánh đúc có xương”, tôi ngồi trong buồng mà nước mắt rơi như mưa”.
Hết một tháng ở nhà chồng, lấy lý do cần người bế cháu, anh Chính đón mẹ lên ở cùng, và chuyện bất đồng trong gia đình cũng vì thế tăng thêm. Anh Chính cho rằng chị phân biệt đối xử, không biết điều, hay nói quá sự việc. Mẹ chồng chị thì cứ có mặt con trai là rất vồ vập bé Ngọc, nhưng cứ khuất mắt anh là bà coi con riêng của chị Yến như cái gai trong mắt. Nhiều lần, vì xót con nên chị Yến nói với mẹ chồng: “Con không mong mẹ thương yêu bé Ngọc như bé Nam, nhưng xin mẹ, đừng đối xử quá đáng với con bé như thế, nó chỉ là một đứa trẻ, nó có tội gì đâu”, chỉ thế thôi mà bà khóc lóc rồi nói lại với anh Chính rằng chị hỗn, chị coi thường mẹ chồng, chị cậy nhà cửa là của chị nên không coi nhà chồng ra gì.
Vai gầy gánh vác
Còn chị Khoa, ngay những ngày đầu về sống với anh Quang chị đã nhận thấy hôn nhân của mình không hề bằng phẳng, mọi chuyện sẽ chẳng đơn giản như những gì chị mơ ước.
“Về với anh tôi mới thấy hết những nhọc nhằn, hai con của anh gọi tôi là dì. Anh không đi làm, chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà, chán thì đi uống rượu say bí tỉ. Hai con của anh, đứa lớn nghỉ học từ sớm, chẳng chịu đi làm gì, suốt ngày chơi bời. Đứa thứ 2 cũng lười học. Mọi gánh nặng kinh tế đổ lên đầu tôi. Với đồng lương 5 triệu đồng/tháng, tôi vừa phải lo học hành cho đứa bé, đứa lớn thỉnh thoảng lại: “Dì cho con vài đồng”, nó xin chẳng lẽ không cho. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, đến khi tôi sinh con lại càng khó khăn gấp bội”, chị Khoa kể.
Quay đi lau vội giọt nước mắt đọng nơi khóe mắt, chị Khoa tiếp tục câu chuyện của mình: “Bé được 2 tháng tôi phải xin công ty cho đi làm sớm, giao con ở nhà cho chồng trông nom. Nhà gần công ty nên sáng tôi vắt sữa vào bình để chồng cho con ăn, trưa tranh thủ về với bé. Để con ở nhà mà tôi không thể yên tâm được, vì anh ấy nghiện rượu, say suốt. Có lần chồng tôi đang ngồi nhậu với bạn, thằng bé khóc đòi ăn, anh ấy bực mình, ném cả chai rượu về phía cái xe nôi thằng bé đang nằm. Hàng xóm nghe tiếng trẻ khóc thét, tiếng đổ vỡ chạy sang thì tá hỏa trước cảnh mảnh thủy tinh tứ tung”.
Đến khi con trai lớn của anh Quang lấy vợ, nhưng chẳng được bao lâu, đôi vợ chồng trẻ vì bất hòa nên chia tay chóng vánh. Thêm một đứa trẻ 2 tuổi được giao vào tay chị chăm bẵm vì bố nó không kiếm ra tiền.
Cuộc hôn nhân trước tan vỡ không có nghĩa là đàn bà hay đàn ông không được quyền mưu cầu hạnh phúc nữa. Thế nhưng, chuyện tái hôn vẫn là một vấn đề nan giải với người trong cuộc khi mà họ đã có con riêng. Chị Yến, chị Khoa rồi những người chung cảnh sẽ làm gì để cân bằng cuộc sống của mình, tìm lại hạnh phúc trong cuộc hôn nhân vốn dĩ đã không dễ dàng mà có được? Những người chồng sẽ hành động ra sao?
Mọi thắc mắc sẽ được chúng tôi đăng tải trong bài 2: Đi tìm lời giải cho chuyện con anh, con tôi, con chúng ta.
Theo NĐT
Cuộc sống 'căng như dây đàn' vì chuyện con anh - con tôi
Tôi với anh đến với nhau bằng mối quan hệ 'rổ rá cạp lại' nên ngoài tình yêu, chúng tôi có sự đồng cảm với nhau rất nhiều.
Nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của chúng tôi dễ chịu hơn, lúc nào gia đình cũng căng thẳng, dè chừng, thậm chí là cãi vã nhau. Nguyên nhân cuối cùng cũng chỉ là do 'con anh - con tôi' mà ra.
Chồng cũ của tôi mất và để lại cho tôi một cô con gái năm nay 13 tuổi, còn anh sau khi ly hôn cũng nuôi con gái 10 tuổi. Tưởng rằng, những thiếu thốn tình cảm đó khiến chúng tôi thấu hiểu và gần gũi nhau hơn. Nhưng sau khi chuyển về sống chung, trong nhà liên tiếp xảy ra mâu thuẫn. Hai con của chúng tôi ngang tuổi nhau, lại đang tuổi lớn nên chúng nó thường xuyên xảy ra cãi vã. Nhưng điều làm tôi buồn là thái độ của anh khi biết chuyện.
Những ngày đầu, các cháu đứa nào cũng e dè, đúng mực nên gia đình lúc nào cũng vui vẻ, hòa thuận. Nhưng sau một thời gian, khi quen nhau, các cháu lại chuyển sang ganh tỵ. Ban đầu chỉ là con gái anh cho rằng, bố quan tâm đến chị (con gái tôi) nhiều hơn, và ngược lại, con gái của tôi thì luôn bị mẹ bắt nhường em nên cũng không mấy vui vẻ.
Ảnh minh họa
Rồi sau đó, các con chuyển dần sang ganh tỵ nhau chuyện quần áo, đồ dùng cá nhân của ai đẹp hơn... khiến vợ chồng tôi vô cùng khó xử. Chúng tôi phải mua sắm theo sở thích riêng của từng đứa, thì mọi chuyện đỡ dần đi.
Các cháu lại chuyển sang tị nạnh nhau giúp đỡ mẹ làm việc nhà, nên nhà cửa lúc nào cũng ồn ào. Con gái tôi lớn hơn, lại thương mẹ vất vả suốt ngày đi làm về lại tất bận dọn dẹp, nên cháu có ý thức giúp đỡ mẹ hơn. Còn con gái anh, có lẽ do cháu còn ít tuổi, hơn nữa tôi cũng giữ ý, chiều chuộng nhiều hơn nên cháu sinh tính ỉ lại và làm biếng.
Nhưng mỗi lần con gái tôi nói về em bằng những từ 'lười nhác', 'ỉ lại' hay 'không biết thương người'... là tôi lại gạt đi, mắng và quát cháu không được nói như vậy. Càng bị mẹ cấm đoán, nạt nộ, con gái tôi lại càng sinh lỳ lợm và ghét em hơn. Cũng vì thế mà mới xảy ra chuyện.
Hôm đó, sau giờ tan làm, tôi có đám cưới bạn đồng nghiệp nên đã dặn dò kỹ 3 bố con tự lo cơm nước, chăm sóc nhau. Nhưng ngặt nỗi, chiều đó, anh cũng bận tiếp khách hàng nên về muộn mà không báo với tôi. Nên tôi cứ đinh ninh, đi ăn cưới cùng bạn.
Ở nhà, hai chị em phải tự lo cơm nước. Nhưng đứa nào cũng lười, cũng không muốn vào bếp. Thế là mỗi đứa một gói mỳ, tự ăn. Con gái tôi lớn hơn, nên việc đó với cháu dễ dàng, nhưng với cô em thì việc tự đun rồi rót nước sôi thì khó khăn hơn. Nên cháu không làm và giành tô mỳ con gái tôi làm sẵn. Vì tranh giành, nên con gái tôi có đánh, xô ngã em. Chẳng may bị nước sôi đổ vào chân, gây phỏng rát, con gái anh gọi điện mách bố là chị đánh, đổ nước sôi vào người.
Con gái tôi cũng sợ hãi, vội vã gọi điện cho tôi. Tôi tức tốc về, đưa cháu vào viện ngay. Cũng may, vết bỏng không quá sâu. Anh biết chuyện, vào viện thăm con, mặt giận dữ không thèm nói với mẹ con tôi lời nào. Còn nhìn chúng tôi như kẻ thù.
Sau khi con gái tôi xin lỗi, giải thích, tôi cũng nhận lỗi về mình, tưởng rằng anh sẽ bớt giận, vì dù sao con tôi cũng còn nhỏ tuổi. Nhưng anh đùng đùng nổi giận, nói mẹ con tôi bắt nạt con anh, không chăm sóc cháu cẩn thận. Anh còn mạnh miệng tuyên bố: 'Mẹ con cô không biết điều, tôi yêu thương, chăm sóc, lo toan cho mọi chuyện vậy mà đối xử với con tôi như vậy sao?'. Và nói với tôi bằng giọng đầy mỉa mai, hằn học: 'Đúng rồi, mấy đời bánh đúc có xương. Xem như tôi có mắt như mù, bố con tôi tin nhầm người vậy'.
Ảnh minh họa
Cho dù tôi thanh minh, giải thích anh cũng một mực như vậy, thậm chí còn cho rằng tôi xúi con gái mình bắt nạt, chèn ép con anh. Rằng nếu tôi không biết dạy con, thì hai mẹ con liệu đường mà cuốn xéo khỏi nhà anh...
Mọi chuyện xảy ra như vậy, chỉ là chuyện trẻ con, đâu phải mong muốn của tôi. Thâm tâm tôi cũng hiểu, không bảo ban được các con là lỗi và thiếu sót của mình, Nhưng tôi cũng như anh, lúc nào cũng mong muốn các con hòa thuận, yêu thương nhau. Có như vậy thì tôi với anh mới yên ổn mà sống hạnh phúc được.
Tôi hiểu những cư xử, những bực dọc của anh chỉ là bộc phát. Nhưng những gì anh nói, làm với mẹ con tôi thì đã gây ra những tổn thương, đâu phải nói quên là quên ngay được.
Nếu có tiếp tục sống với nhau, thì chắc gì các con tôi có thể hòa thuận được. Không lẽ, cứ chốc chốc, chúng cãi nhau, anh lại lôi tôi ra chửi, lại dọa đuổi mẹ con tôi đi sao? Còn nếu vì chuyện này mà tôi từ bỏ anh thì quả thật không đáng, bởi tôi biết anh cũng như tôi trông ngóng và kỳ vọng vào cuộc hôn nhân này nhiều lắm.
Theo mọi người, tôi nên phải làm gì đây?
Theo Afamily
Người thứ ba bất đắc dĩ Em 20 tuổi, đang học tập tại TP HCM, cách đây ba tháng em nhận lời yêu một anh hơn em 13 tuổi, là trưởng phòng của một công ty dược. Em quen anh qua giới thiệu bạn bè. Với một đứa con gái mới lớn, lần đầu tiên biết cảm giác yêu như em thì việc được yêu thương và nâng niu...