Tai họa giữa đường
Một trụ điện giữa đường đã gián tiếp gây tai nạn làm một người chết và một người trọng thương
Theo hồ sơ của Đội Điều tra tổng hợp Công an quận 9 – TPHCM, chiều 19-10-2011, ông Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1969, ngụ phường Long Thạnh Mỹ) đi xe máy về nhà, khi đến đường Phước Thiện (đường vành đai khu tái định cư Long Bửu) đã lao vào trụ điện số 10 và tử vong tại chỗ. Sau một thời gian điều tra, mới đây, Công an quận 9 đã kết luận nguyên nhân xảy ra tai nạn là do ông Dũng tự té. “Thủ phạm” là trụ điện số 10 không được nhắc tới nên nghiễm nhiên “thoát tội”.
Hoàn cảnh gia đình của ông Dũng rất khó khăn. Ông vốn làm thợ đốt lò ở khu lò gạch Long Bình – quận 9, vợ bán vé số. Ông Dũng chết đi để lại gánh nặng cho người vợ vì phải một mình nuôi 2 con. Vừa qua, người con trai lớn của ông mới 17 tuổi đã phải nghỉ học, đi làm lơ xe tải kiếm tiền phụ mẹ nuôi em ăn học.
Con trai út của ông Dũng thắp nhang tại bàn thờ cha
Video đang HOT
Chiều 26-12-2011, trụ điện số 10 tiếp tục gây tai họa. Trên đường đi làm về nhà ở phường Long Thạnh Mỹ, ông Đỗ Thành Núi (SN 1966, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Bình) bất ngờ để xe máy lao vào trụ điện số 10 và ngã xuống bất tỉnh. Người dân địa phương đã đưa ông vào Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu. Thiếu tá Hoàng Xuân Long, Phó Công an phường Long Thạnh Mỹ, cho biết ngay sau khi ông Núi gặp nạn, công an phường đã đến hiện trường ghi nhận vụ việc. Do thấy nạn nhân tự gây tai nạn và gia đình yêu cầu tự giải quyết nên công an phường đã giao xe cho vợ ông Núi đem về sửa chữa.
Tiếp chúng tôi tại Bệnh viện quận Thủ Đức, nằm bất động trên giường với một chân bó bột trắng xóa và khuôn mặt đầy thương tích, ông Núi gắng gượng kể lại: “Dù đường Phước Thiện tôi qua lại hằng ngày nhưng không hiểu sao hôm đó lại để xe lao vào trụ điện. Các bác sĩ cho biết chân phải của tôi gãy 3 phần ở xương đùi, xương bánh chè và xương đầu gối. Phải đợi sức khỏe tôi ổn định, bệnh viện mới tiến hành mổ để sắp xương lại”.
Trụ điện nằm trên đường Phước Thiện liên tục gây tai nạn
Có mặt tại đường Phước Thiện, chúng tôi nhận thấy đoạn đường này dù có 2 làn nhưng không được đặt biển báo phân tuyến khiến phương tiện lưu thông loạn xạ. Theo nhiều người dân địa phương, đường Phước Thiện được xây dựng cùng thời điểm với khu tái định cư Long Bửu.
Chẳng hiểu sao một trụ điện (số 10) vẫn còn án ngữ giữa đường, gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người qua lại. “Dù đã xảy ra tai nạn chết người nhưng “của nợ” này vẫn tồn tại, chưa kể các vụ va quệt nhau do né tránh trụ điện xảy ra như cơm bữa, nhất là vào ban đêm. Đơn vị quản lý trụ điện này thật vô trách nhiệm” – một người dân bức xúc.
Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ, cho biết lãnh đạo phường đã thông báo với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 9 (chủ đầu tư khu tái định cư Long Bửu) về mối nguy hiểm của trụ điện số 10 và yêu cầu khắc phục. Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng Phòng Đầu tư dự án Công ty Dịch vụ công ích quận 9, khẳng định trụ điện số 10 trên đường Phước Thiện do Công ty Điện lực Thủ Thiêm quản lý. “Chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu Công ty Điện lực Thủ Thiêm sớm có hướng giải quyết trụ điện này” – bà Nga cho biết.
Theo Người lao động
Thảm kịch gia đình sau tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi trụ cột của không biết bao nhiêu gia đình và đẩy nhiều đứa trẻ vào cảnh vắng cha, thiếu mẹ khi tuổi đời còn quá nhỏ.
TAI HỌA BẤT NGỜ
Vào lúc 10 giờ 59 phút ngày 20-11-2011, tại km 1684 8000 khu gian Hố Nai 3 (ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), tàu khách mang số hiệu SE8 do Nguyễn Duy Khánh (SN 1970, ngụ tại khu tập thể Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn) điều khiển lưu thông theo hướng Sài Gòn - Hà Nội đã đụng vào xe môtô BS: 64K2-9589 do ông Nguyễn Thanh An (SN 1946, ngụ ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) điều khiển làm ông An chết tại chỗ và xe môtô hư hỏng nặng. Bà Lê Thị Vân (vợ ông An) nghẹn ngào: "Cả đời sống trong nghèo khó, ông ấy chưa có ngày nào được nghỉ ngơi, thanh thản. Vậy mà, đến lúc ngỡ như có thể vui vầy bên con cháu thì lại ra đi đột ngột trong đau đớn".
Vốn là người con của đất Quảng Trị một thời khói lửa, bà Vân vào miền Nam mang theo nhiều ước mơ, hoài bão về tương lai. Năm 1971, bà nên duyên vợ chồng với ông An và năm người con lần lượt ra đời. Từ đó, bà đi làm thuê, bán vé số dạo, còn ông An thì chạy xe ôm để nuôi các con khôn lớn. Trải qua mấy mươi năm, cuộc sống của họ vẫn cứ quẩn quanh trong đói nghèo, cơ cực. Sau khi ông An tử nạn, bà Vân phải vay mượn khắp nơi mới có đủ tiền làm tang ma cho chồng. Giờ đây, trong đôi mắt thâm quầng của người đàn bà tóc hoa râm ấy chỉ còn lại những nét ngỡ ngàng, đau đớn và nước mắt chia ly.
Một vụ TNGT đường sắt khác cũng đã xảy ra trên địa bàn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai lúc 8 giờ 7 phút ngày 17-2- 2011. Vào thời điểm này, tại km 1678 700 đường sắt Bắc - Nam đoạn ngang qua khu gian Hố Nai (ấp Trà Cố, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), tàu khách mang số hiệu SE8 do Trần Hữu Chí (SN 1968) điều khiển lưu thông hướng Sài Gòn - Hà Nội đã đụng phải bà Nguyễn Thị Dung (SN 1941, ngụ ấp Quảng Hòa, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) làm bà Dung chết ngay tại chỗ. Từ đó, hễ có ai nhắc đến mẹ, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (con gái bà Dung) lại vội vàng quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh Nguyễn Đình Thái (con trai đầu của bà Dung) hay đứng tần ngần trên thềm cửa nhà mẹ để dõi mắt về phía đường ray xe lửa nằm cách đó không xa. Anh Thái bộc bạch: "Cho đến giờ, anh em tôi vẫn không sao tin được là mẹ đã ra đi đột ngột và đau đớn như vậy. Cả đời mẹ tôi chỉ biết sống cho chồng, cho con. Vậy mà...". Chồng mất sớm, bà Dung ở vậy nuôi năm người con khôn lớn. Không sao kể hết những nhọc nhằn, tủi cực mà người đàn bà góa chồng này phải trải qua để chèo lái gia đình nhỏ của mình. Đến khi các con trưởng thành, ngỡ như bà có thể vui vầy sớm hôm cùng cháu nội, cháu ngoại thì tai họa ập đến bất ngờ. Bà đi, ngôi nhà nhỏ nằm giữa ấp Quảng Phát trở nên quạnh vắng trong không khí tang thương đến nao lòng.
NỖI ĐAU DAI DẲNG
Chúng tôi về xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai trong một ngày cuối tháng 12 se lạnh. Đường vào ấp Phan Bội Châu quanh co với những rừng cao su bạt ngàn. Người dân nơi đây dường như vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ TNGT đã cướp đi sinh mạng của vợ chồng anh Lâm Văn Ruân (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hồng Mỹ (28 tuổi). Tai nạn xảy ra vào khoảng 7 giờ ngày 15-12-2011, tại km 1938 600 thuộc địa phận ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Khi đó, xe ôtô tải BS: 79H-6144 do Trần Duy Phước (41 tuổi, ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) điều khiển lưu thông theo hướng Dầu Giây - Biên Hòa, đến địa điểm trên đã va quẹt với xe ôtô BS: 60F-8193 do Phạm Văn Dũng (37 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) điều khiển. Chiếc xe ôtô tải tiếp tục đâm vào xe môtô BS: 60H8-0170 do anh Nguyễn Ngọc Hùng Anh (28 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) điều khiển và xe môtô BS: 60L4-4208 do anh Ruân cầm lái chở chị Mỹ phía sau. Tai nạn kinh hoàng này làm anh Ruân, chị Mỹ chết tại chỗ. Sự ra đi của anh chị không chỉ gieo thảm cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh" mà còn khiến hai cậu bé Lâm Thanh Tùng (7 tuổi) và Lâm Thanh Nhật (3 tuổi) bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Những ngày này, ai có dịp ngang qua ngôi nhà nhỏ của anh chị ở ấp Phan Bội Châu hẳn sẽ không thể cầm lòng khi nhìn thấy dáng người nhỏ bé với ánh mắt tròn xoe ngơ ngác của Tùng và Nhật.
Khi chúng tôi đến, Tùng đang ở trường, Nhật lầm lũi chơi một mình ngoài hiên nhà, còn bà Đào Thị Rạng (mẹ anh Ruân) thì ngồi co ro trong góc tối. Trên gương mặt già nua, mỏi mệt của bà, nước mắt cứ rơi lã chã. Có lẽ đối với người mẹ nghèo này không gì đau đớn hơn khi trên đầu đã hai thứ tóc mà lại phải để tang con trẻ. Bà Rạng nghẹn ngào: "Tôi tưởng như mình không còn đủ sức để đứng vững khi hay tin vợ chồng thằng Ruân tử nạn. Bây giờ, tôi giống như lá vàng ở trên cây có thể rụng bất cứ lúc nào, nhưng tụi nó đi trước thế này thì tôi làm sao yên lòng khi để hai cháu Tùng và Nhật bơ vơ".
Bà Rạng có hai người con trai là anh Ruân và anh Lâm Ngọc Hạnh (SN 1981). Năm 2004, anh Ruân và chị Mỹ đến với nhau trong niềm vui khôn xiết của người thân, bạn bè. Sau lễ cưới, vợ chồng anh đưa nhau lên Biên Hòa tìm kế sinh nhai và sống trong một căn gác trọ tồi tàn. Làm việc quần quật ngày đêm, anh chị mới tích góp được ít tiền để về huyện Thống Nhất xây một căn nhà đơn sơ làm chỗ che mưa che nắng. Trước khi xảy ra vụ TNGT thảm khốc trên, anh Ruân là nhân viên Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam còn chị Mỹ làm công nhân may. Dù điều kiện vật chất rất khó khăn, nhưng Tùng và Nhật là những đứa trẻ ngoan, hiếu động nên tổ ấm của anh chị lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Thế nhưng, những vòng xe oan nghiệt vào buổi sáng định mệnh 15-12 đã vĩnh viễn khép lại bao ước mơ, hoài bão của đôi vợ chồng trẻ. Cũng từ đó, bà Rạng yếu hẳn, mọi gánh nặng gia đình đè lên vai anh Ngọc Hạnh. Hiện nay, anh Hạnh trở thành lao động chính trong nhà và gánh trên vai trách nhiệm vừa làm chú, vừa làm cha, làm mẹ để an ủi, vỗ về hai cháu Tùng, Nhật. Ngày ngày anh đưa Tùng đến lớp rồi mới tất tả đi làm. Ở nhà, Nhật lủi thủi chơi một mình. Bà Rạng cho biết, tối nào Tùng, Nhật cũng hỏi: "Bà ơi, bố mẹ cháu đâu rồi?". Câu hỏi ấy như xoáy sâu thêm vào nỗi đau của người bà, người mẹ bất hạnh này.
Chia sẻ với nỗi mất mát quá lớn của các con anh Ruân, ông Võ Hùng Kiệt, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam xúc động chia sẻ: "Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các con anh Ruân rất cần sự bảo bọc, chở che của những vòng tay nhân ái. Trong khả năng cho phép, tập thể nhân viên công ty quyết định sẽ hỗ trợ một khoản tiền nhỏ mỗi tháng để cháu Tùng, cháu Nhật có điều kiện đi học".
Theo CATP
Gặp lại cô gái bị tạt axit trước hôn lễ Bị tạt axit trước ngày cưới đúng nửa tháng, Nguyễn Thị C. (quê Yên Phong, Ý Yên, Nam Định) đã từng có ý định hủy hôn và tự tử vì quá tự ti với hình hài biến dạng của mình. Nhưng rồi tình yêu chân thành của người chồng sắp cưới và những vun đắp, bao dung của gia đình nhà chồng tương...