Tái hiện lịch sử kinh đô Thăng Long dưới tầng hầm Nhà Quốc hội
Lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long qua nhiều thời kỳ được diễn giải sinh động qua một số di tích, di vật tiêu biểu kết hợp với phong cách trình diễn mapping, media, đồ họa và ánh sáng hiện đại.
Cuối năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì tổ chức nghiên cứu xây dựng dự án trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Tháng 10/2015, công tác thi công trưng bày được thực hiện và hiện đã hoàn thành, sắp sửa bàn giao. Không gian trưng bày gồm 2 tầng hầm phía Đông Nhà Quốc hội với diện tích 3.700 m2, giới thiệu một số loại hình di tích gốc và các thành phần cấu kiện gốc của di tích đã được di dời và di vật gốc tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật được tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội năm 2008-2009.
Tầng hầm 2 trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long (thế kỷ 7- 10) có diện tích gần 2.000 m2, thể hiện những phát hiện khảo cổ học về thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi xây dựng Kinh đô Thăng Long, gồm thời Đại La (thế kỷ 7-9) và thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10).
“Chúng tôi muốn tạo ra không gian mới để diễn đạt sống động nhất những giá trị, những phát hiện khảo cổ giúp người xem cảm thụ một cách sâu sắc và dễ hiểu. Cái khó nhất của chúng ta trong quá trình quảng bá di sản là bằng cách nào cuốn hút được người xem. Đó là giải pháp mà chúng tôi đưa công nghệ kết hợp, tương tác với kiến trúc, ánh sáng, âm thanh vào bảo tàng”, PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành chia sẻ.
Bình minh Thăng Long là bức tranh bằng gốm lớn choán cả bức tường từ cửa vào tầng hầm. Tác phẩm được tạo bởi các loại gạch ngói có niên đại thời Đại La, Đinh – Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê. Hình tượng lá đề và đầu ngói ống trang trí hoa sen lợp lên mái kến trúc cung điện thời Lý, là nguồn cảm hứng sáng tạo. Bức tranh gợi nhớ về lịch sử dời đô vào mùa thu năm 1010.
Các di tích nền móng kiến trúc cùng giếng nước, mộ ngựa, xâu tiền của các thời kỳ được tái tạo trưng bày dưới mặt sàn giống như công trường khai quật.
Video đang HOT
Năm 2008-2009, cuộc khai quật quy mô lớn được thực hiện trong diện tích 14.200 m2. Kết quả khai quật đã phát hiện được 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, minh chứng sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua 1.300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ 7-10).
Ngói úp nóc bằng đất nung thời Đinh – Tiền Lê thế kỷ 10.
Đầu phía Bắc khu trưng bày là không gian tương tác, đặc biệt là trẻ em được tự do khám phá và trải nghiệm về khảo cổ học.
Bức tranh được làm từ các loại gạch, ngói mang tên Rồng bay có niên đại thời Đại La, Đinh – Tiền Lê và thời Lý, Trần. Cảm hứng của bức tranh được khơi nguồn từ hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về sự kiện năm 1010. Mùa thu năm ấy, khi đến thành Đại La, vua Lý Thái Tổ thấy rồng vàng hiện lên và sau đó quyết định hạ chiếu rời đô từ Hoa Lư về đây và đổi tên Thăng Long (Rồng bay lên).
Tầng hầm 1 trưng bày thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11-18) với diện tích khoảng 1.700 m2, giới thiệu các di tích, di vật từ thời Lý, Trần, Lê.
Những di vật tìm thấy đã minh chứng Thăng Long không chỉ là kinh đô mà còn là thành phố thương mại sầm uất và nổi tiếng. Từ thế kỷ 15 đến 17, giao lưu giữa Thăng Long với các nước ngày càng phát triển. Nhiều loại gốm cao cấp của lò gốm Thăng Long đã tham gia vào thị trường mậu dịch quốc tế. Tại nhiều di tích như Hội An (Việt Nam), Pandana (Philippines) hay trên đất liền ở những nước tiêu thụ như Indonesia, Nhật Bản, Tây Á, Ai Cập người ta đã tìm thấy những đồ gốm Thăng Long.
Phía Bắc còn có phòng chiếu phim sức chứa 60 chỗ ngồi, giới thiệu về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý qua kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học.
Ngọc Thành
Theo VNE
Tái hiện cung điện thời Lý dưới hầm Nhà Quốc hội
Hàng trăm di vật cổ như đầu rồng, móng trụ, mái ngói, mảnh gốm... của cung điện thành Thăng Long thời Lý được trưng bài dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.
Từ ngày 19/5, hơn 400 di vật và gần 10 di tích có giá trị được các nhà khoa học khảo cổ phát hiện dưới lòng đất khu vực Nhà Quốc hội đã được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lựa chọn giới thiệu tại tầng hầm công trình này sau khi được xây mới.
Với diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700 m2, tầng hầm 1 là không gian trưng bày những di vật Thăng Long và nổi bật nhất là mô phỏng về kiến trúc của cung điện thời Lý giống như bối cảnh khai quật.
Ngói lợp mái cung điện thời Lý được trưng bày.
Các di vật được trình diễn bằng hệ thống 42 đèn cột ánh sáng, để gợi mở cho công chúng hình dung về 42 cột gỗ của một công trình kiến trúc cung điện thời Lý. Lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long cùng dấu tích cung điện được diễn giải sinh động với công nghệ trình diễn mapping và media, tái tạo một bức tường bao quanh cung điện theo đúng chiều cao thật 2,72 m.
Tầng hầm 2 trưng bày trọn vẹn mặt bằng kiến trúc Đại La ở khu trung tâm và một phần mặt bằng kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê ở khu vực phía Bắc. Lối đi tham quan được mở giữa lòng các di tích, dọc hai bên tuyến tham quan đặt hệ thống tủ trưng bày di vật.
Đầu rồng trang trí trong cung điện thời Lý.
Di tích đầu rồng thời Lý, giếng nước thời Trần được trưng bày ngay khu vực lối đi ở giữa lòng di tích kiến trúc thời Lý và nhiều hiện vật cuộc sống. Người xem có thể hình dung cụ thể hơn cuộc sống trong hoàng cung qua những hiện vật này. Ngoài ra, công chúng có thể xem tư liệu trong phòng chiếu sức chứa 60 người để thấy được kiến trúc cung điện thời Lý.
"Ở mỗi một tầng hầm, trong mỗi không gian, chúng tôi lại lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại cảm xúc, ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên", PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành cho biết.
Miệng giếng nước được tìm thấy trong khu vực khảo cổ.
Khu vực tương tác với các thiết bị hiện đại như màn hình cảm ứng lớn 48 và 90 iich và sàn tương tác lớn là không gian để công chúng khai thác thông tin, trẻ em thoải mái vui chơi khám phá khảo cổ học. Mô hình công trường khai quật khảo cổ học cùng những dụng cụ khai quật và hình ảnh các nhà khảo cổ học làm việc được tái hiện theo tỷ lệ 1/50 sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về công tác khảo cổ.
Là một trong những người đầu tiên tham quan bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nói: "Người ta sẽ cảm thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc sống và hiện vật. Điều đó làm cho bảo tàng thành công. Khi tham quan khu trưng bày này tôi thấy rất xúc động. Xúc động thật sự khi chúng ta kể những câu chuyện về lịch sử và câu chuyện về khảo cổ học rất hay".
Dưới lòng đất khu vực xây dựng Nhà Quốc hội mới, năm 2008-2009, Viện Khảo cổ học đã phát hiện được nhiều loại hình di tích, di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỷ 7-9), thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (thế kỷ 11-19).
Với 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật khảo cổ được tìm thấy tại đây đã góp phần phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1.300 năm, đồng thời minh chứng rõ, khu vực xây dựng toà Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam khu Trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long.
Để tạo nên sự kết nối hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, Đảng và Nhà nước đã dành một phần diện tích dưới tầng hầm của tòa nhà để làm nơi trưng bày các di tích, di vật tiêu biểu khai quật được dưới lòng đất tòa Nhà Quốc hội, đáp ứng nhu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế.
Đoàn Loan
Theo VNE
Ngôi mộ cổ bí ẩn của đại quý tộc đất Nam Bộ Ngôi mộ cổ ở Ba Động là một bí ẩn đang chờ các nhà sử học, khảo cổ học nghiên cứu làm sáng tỏ gốc tích. Tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh có một khô mộ cổ bí ẩn, thượng được người dân gọi là "mộ Quận chúa". Mộ tọa lạc trên mảnh đất rộng...